31 tháng 8, 2021

Chùa Đại Bi (Bối Khê)

Tên thường gọi: Chùa Bối Khê

Chùa thường gọi là chùa Bối Khê, tọa lạc ở xã Bối Khê nay là xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Chùa Bối Khê

Cổng chùa

Cổng chùa (mặt sau)

Mặt tiền chùa

Sân trước chánh điện

Điện Phật


Tượng Bồ tát Quan Âm

Chùa Bối Khê được xây dựng vào thời Trần, khoảng năm 1338. Kiến trúc ngày nay là của những lần trùng tu vào thế kỷ XVIII và vào năm 1923.

Từ ngoài vào, phía trước chùa là một bãi đất rộng, nơi sừng sững một cây đa cổ thụ đầu làng. Ở đây, chúng ta thấy một cổng lớn, đó là cổng chùa và cũng là cổng làng. Một con rạch nhỏ phía sau cổng, ngày xưa là dấu tích của dòng sông Đỗ Động, có cây cầu nhỏ bắc ngang.

Qua cầu, chúng ta bước đến tam quan của chùa. Tam quan có hai tầng tám mái, tầng trên treo quả đại hồng chung.

Chùa kiến trúc theo kiểu “Nội Công Ngoại Quốc”. Phía trước thờ chư Phật, phía sau thờ Thánh, hai dãy hành lang hai bên, mỗi dãy bảy gian, đặt tượng Thập bát La-hán. Các dãy nhà quây quanh bốn phía, bọc tòa thượng điện và nhà thiêu hương ở giữa. Tòa thượng điện dựng trên nền cao, cột to và thấp, đầu đao góc mái uốn cong thanh thoát. Các bộ phận kiến trúc bằng gỗ được chạm trỗ khá công phu, mang dấu ấn nghệ thuật điêu khắc trang trí thời Trần, nhất là những đầu bẩy chạm rồng ở hàng hiên được đỡ bằng những cột vuông bằng đá. Đặc biệt, có một đầu bẩy ở góc mé trái, ngoài hình rồng còn chạm hình chim thần.


















Tượng La Hán

Chùa còn giữ được nhiều di vật cổ. Phía trong cùng tòa thượng điện đặt một bệ đá Tam Thế có từ thời Trần, cao 1,16 m, ngang 2,5 m, sâu 1,16 m. Bệ đá có dáng của một khối chữ nhật lớn, chia làm ba phần: phần trên cùng là một đài sen lớn; phần giữa là thân bệ có nhiều gờ nổi, mặt trưóc chia ô chạm rồng mây, hoa lá..., bốn góc có bốn con chim thần (garuđa); phần dưới cùng là chân bệ làm theo kiểu sập chân quỳ dạ cá. Trong chùa có mấy cây đèn bằng gốm thời Mạc, đặc biệt ở thượng điện có tôn trí pho tượng Bồ-tát Quan Thế Âm được tạc vào thế kỷ XVI. Chùa có nhiều tấm bia ghi quá trình xây dựng và sự tích đức Thánh Bối, cổ nhất là bia Bối Động thánh tích bi ký, có niên đại giữa thế kỷ XV.

Cách một khoảng sân sau tòa thượng điện, nhà thờ Minh Đức chân nhân là một công trình kiến trúc bằng gỗ tuyệt đẹp với hai tầng tám mái. Theo sách Từ điển di tích văn hóa Việt Nam (Hà Nội, 1993), thì Ngài họ Nguyễn, húy là Nữ, tự Bình An, tu hành đắc đạo, tăng đồ theo thụ giáo rất đông. Trong sách Lĩnh Nam chích quái ghi sự tích của ông với nhiều phép lạ, có thể làm ra mưa, gọi ra gió. Truyền thuyết kể rằng, vào thế kỷ XV, quân Minh xâm lược nước ta, có một toán giặc kéo tới chùa Trăm Gian (tức Quảng Nghiêm Tự ở Hà Tây ngày nay) phá tháp, đốt chùa. Trước việc làm ngang ngược đó, đức Thánh Bối nổi giận hóa phép làm ra một trận mưa dài ba ngày đêm, nước đỏ như máu, dâng cao tới ba thước, dìm chết hết lũ giặc gây tội ác.


Tượng Hộ Pháp

Gác chuông

Nhà thờ Đức Thánh Bối

Tiền đường

Kiến trúc tiền đường

Hằng năm, chùa mở hội lễ vào ngày 12 tháng giêng (âm lịch), dân chúng xa gần kéo đến lễ Phật, lễ Thánh và tham dự các trò vui dân gian như thi đánh cờ người, bịt mắt bắt dê, nghe hát chèo...

Trong khuôn viên chùa, có nhiều cây cổ thụ, vườn hoa cây cảnh xen giữa những cụm kiến trúc làm tôn lên vẻ u tịch của chốn thiền môn. Chùa Bối Khê là một danh lam cổ tự ở nước ta. Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.


Chạm gỗ ở tiền đường


Chạm rổng ở bậc cấp tiền đường

Chạm rồng

Thần điểu Garuda ở bệ đá (thời Trần)

Bia chùa

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Chùa cổ Bối Khê

Được xây dựng năm 1338 dưới thời vua Trần Hiến Tông, chùa Bối Khê với tên chữ Đại Bi Tự tọa lạc ở làng Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Trải qua thăng trầm của lịch sử, chùa Bối Khê vẫn được xem là một trong ngôi chùa cổ đẹp nhất của Việt Nam. 

Thăm chùa Bối Khê, bước qua cổng ngũ quan, qua chiếc cầu nhỏ là đến cổng tam quan, nơi được thiết kế hai tầng tám mái, phía trên có hai quả chuông đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844). Đứng từ gác chuông, nhìn bao quát không gian chùa được bao quanh bởi những hàng cây cổ thụ và vườn hoa cây cảnh. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa có trồng 3 cây hoa sen đất là loài cây quý thường được trồng ở đình, chùa, miếu mạo.

Chùa Bối Khê được thiết kế theo kiểu “tiền Phật, hậu Thánh”. Nhà tiền đường và tam bảo được dựng theo kiểu chữ Quốc. Nhà hậu đường được kết hợp với điện thờ thánh làm chữ Công. Toàn bộ kiến trúc được sắp xếp cân xứng hai bên theo một trục chính.

Một góc chùa cổ Bối Khê.

Chùa Bối Khê hiện là một trong số ít ngôi chùa vừa có tam quan vừa có nghi môn. Nghi môn chùa Bối Khê (còn được gọi là Ngũ Không Môn) được xây hoàn toàn bằng gạch gồm có 5 cổng.

Bức tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn, pho tượng cổ quý hiếm nhất ở chùa.

Cây nhang án có niên đại tự năm 1382 được chạm khắc từ 1 khối đá cẩm thạch cũng được coi là một trong những hiện vật cổ nhất của chùa.

Trong chùa có nhiều pho tượng cổ được các nhà nghiên cứu đánh giá thuộc loại quý, hiếm.

Cận cảnh một pho tượng cổ trong chùa Bối Khê.

Cận cảnh một pho tượng cổ trong chùa Bối Khê

Những pho tượng đặt tại gian thờ Phật ở chùa Bối Khê.

Những bức tranh chạm khắc sinh động tại hành lang đại bái.

Những viên gạch trang trí có họa tiết trang trí là các linh vật trên nền chùa. 

Chùa Bối Khê vẫn còn giữ được những nét chạm khắc họa tiết trang trí kiến trúc thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), thời Lê Sơ - Mạc (thế kỷ XV - XVI), thời Nguyễn (thế kỷ XIX, XX). Điều này có thể rất rõ khi bước vào trong nhà thời tam bảo với hai cột kèo giữa còn mang phong cách nghệ thuật Trần. Phía bên ngoài các đầu bẩy đỡ mái chạm khắc hình rồng và chim thần Garuda. Ngoài ra, ở bên trong nhà điện thờ thánh cũng có những họa tiết được chạm khắc theo bộ tứ linh tứ quý, cùng các loại họa tiết hình học…

Không chỉ giữ được những nét cổ trong kiến trúc, chùa Bối Khê còn giữ lại được nhiều hiện vật quý như tượng bằng đá được chạm khắc hình rồng, chim thần hoa lá…có niên đại từ thế kỷ XIV. Trong chùa có 58 pho tượng, đáng chú ý nhất là pho tượng Phật Quan âm 12 tay, cao chừng 2m ngồi trên tòa sen, được đặt ở nhà tam bảo.

Đến nay, chùa Bối Khê vẫn giữ được nhiều nghi thức tôn giáo của phái Trúc lâm. Đặc biệt chùa thờ vị thánh người quê hương là Nguyễn Bình An. Ông có công xây dựng chùa và đã tổ chức dân vùng Tiên Lữ đánh lại quân xâm lược phương Bắc. Hàng năm chùa mở hội vào ngày 12 tháng giêng âm lịch đón du khách thập phương hành hương đầu năm.

Bài: Ngân Hà - Ảnh: Việt Cường
Khám phá chùa Bối Khê gần 700 tuổi ở Hà Nội

Là ngôi chùa cổ xây dựng từ năm 1338, chùa Bối Khê (thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội) chứa đựng nhiều giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Trong khuôn viên chùa còn có một căn hầm liên hoàn chiến đấu dưới lòng đất thời chống Pháp.

Cổng chùa Bối Khê với kiến trúc ngũ quan 

Cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 20 km về phía nam, chùa Bối Khê (Đại Bi tự) tọa lạc trên một thửa đất rộng ngay đầu làng Bối Khê. Chùa được xây dựng từ thời Trần, có lối kiến trúc độc đáo theo kiểu nội công ngoại quốc, khuôn viên chùa rộng khoảng 5.000 .

Theo chân nhà giáo Kiều Văn Pháo, một người con đất Bối Khê, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Thanh Oai A, chúng tôi khám phá và biết được nhiều điều thú vị trong ngôi chùa cổ này. Vừa đặt chân đến đất chùa, có thể thấy ngay một điều đặc biệt đó là cổng chùa Bối Khê gồm 5 cửa chứ không phải 3 cửa như nhiều chùa khác. Khi chiều ngả xuống, những tia nắng xuyên qua tán lá chiếu lên ngũ quan như một bức tranh huyền ảo, trầm mặc. 

Trước cổng chùa là cây đa cổ thụ hơn 600 năm tuổi có "râu" dài bám đất và 5 ngôi tháp thờ xá lợi linh thiêng của các vị trụ trì nhiều thế hệ trước. Còn bãi đất rộng được cho là nơi tuyển quân sĩ ngày xưa, nay trở thành chỗ vui chơi cho trẻ em trong làng. Qua cổng chùa thấy ngay chiếc cầu gạch bắc qua hồ nước nhỏ, đây là dấu tích của dòng sông Đỗ Động xưa. Cạnh đó là một gác chuông lớn có hai tầng, tám mái.

Cổng chùa Bối Khê khác hoàn toàn với kiểu kiến trúc tam quan thường thấy như nhiều ngôi chùa khác 

Ông Pháo giới thiệu, chùa sắp xếp bố cục theo kiểu “tiền Phật, hậu thánh” hoàn toàn khác biệt với các ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc bộ. Vị thánh thờ ở đây chính là Đức thánh Bối, tên thật là Nguyễn Bình An, người làng Bối Khê. Do đã có công giúp nhà Trần đánh đuổi giặc xâm lược mà khi ngài qua đời đã được phong hiệu Thượng đẳng thần và được nhân dân làng Bối Khê thờ trong chùa như một vị thánh bất tử.

Chùa Bối Khê có quá nhiều điểm đặc biệt mà bất cứ ai đến đây đều muốn có thật nhiều thời gian để khám phá. Trên sân chùa đặt một chiếc sập đá lớn với những họa tiết độc đáo mang nét đặc trưng nghệ thuật của nhà Mạc. Ông giáo Kiều Văn Pháo nói rằng nhìn vào những hình tượng rồng, hoa sen, sông nước, vân mây… dường như cảm nhận được người xưa kể chuyện lịch sử. 

Chúng tôi ngắm khá lâu trước hình tượng chim thần Garuda đỡ bệ sen của Quan âm Bồ tát. Chim thần Garuda còn gọi là đại bàng Kim Sí điểu, có nguồn gốc từ Ấn Độ, qua sự tiếp biến và giao lưu văn hóa, hình tượng chim thần này đã có mặt tại nhiều ngôi chùa ở Việt Nam. 

Phía sau ngũ quan là một hồ nước, dấu tích của dòng sông Đỗ Động xưa 

Điều đặc biệt không thể bỏ qua khi đến với chùa Bối Khê đó là đằng sau khuôn viên chùa còn lưu giữ một căn hầm từng là kiểu mẫu thời kháng chiến chống Pháp. Được đào vào tháng 1.1948, căn hầm này dài 3 km, có ba ngách, hai cửa, xuyên qua tòa thượng điện, chạy qua đền thờ Nguyễn Trực gần chùa và chạy vòng quanh làng, tạo ra thế liên hoàn chiến đấu dưới lòng đất. Hầm này có tác dụng chuyển quân dưới mặt đất và khi rút lui thì trở thành chỗ phòng thủ vững chắc. Tại đây, du kích làng Bối Khê đã từng chiến đấu nhiều trận, tiêu diệt nhiều tên địch.

Gác chuông chùa Bối Khê với kiến trúc hai tầng, tám mái 

Mô hình hầm chùa Bối Khê đã được nhân rộng ra các làng kháng chiến trong huyện Thanh Oai, rồi tỉnh Hà Tây (cũ) thời kỳ chống Pháp. Năm 1979, chùa Bối Khê được công nhận là di tích lịch sử - cách mạng cấp quốc gia. Hiện nay các hầm trong xã Tam Hưng và các xã lân cận đều đã bị phủ kín, bịt chặt, duy chỉ có hầm trong chùa Bối Khê vẫn còn giữ được một cửa và căn hầm dài khoảng 7 m. 

Chùa Bối Khê được đánh giá là một trong 6 chùa lớn và cổ nhất tỉnh Hà Tây (cũ) gồm chùa Hương, chùa Đậu, chùa Thầy, chùa Tây Phương và chùa Trăm Gian. Hầm liên hoàn kháng chiến Bối Khê chính là di tích cách mạng đáng tự hào của nhân dân làng Bối Khê. Hiện nay, căn hầm này đã được trùng tu, tuy chỉ còn lại đoạn ngắn nhưng là nơi để người dân trong làng ôn lại lịch sử hào hùng của quê hương cũng như giáo dục lòng yêu nước đến thế hệ trẻ.

Hình tượng chim thần Garuda trên bệ đá hoa sen thờ Phật Quan âm Bồ tát được điêu khắc tinh xảo, đôi mắt chim thần thể hiện sự giác ngộ, bằng lòng đỡ bệ sen. 

Nhà bái đường chùa Bối Khê cổ kính, trầm mặc 

Căn nhà nơi có cửa xuống hầm Bối Khê 

Hầm chùa Bối Khê đào từ năm 1948, dài 3 km, có ba ngách, hai cửa chạy vòng quanh làng, tạo ra thế liên hoàn chiến đấu dưới lòng đất 

Hiện nay căn hầm này chỉ còn một đoạn dài khoảng 7 m 

Tấm bia đá từ thời Trần ghi lại công đức của Đức thánh Bối 

Gian lưu giữ tấm bia ký thời nhà Trần 

Cây đa 600 tuổi trước cổng chùa 

Đến chùa Bối Khê, mọi người còn có thể ngắm một cây sen đất, có tên khác là lục liên. Đây là loài cây quý, thường được trồng ở đình, chùa, miếu mạo. Vào khoảng tháng 3 âm lịch, cây nở nhiều hoa giống như hoa sen dưới nước, tỏa mùi thơm dịu. 

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Công
Đến Thanh Oai thăm chùa cổ Bối Khê

Được xây dựng từ thời Trần (khoảng năm 1338), chùa Bối Khê là ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo nhất còn sót lại ở miền đất Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Không những vậy, đây còn là ngôi chùa có hệ thống địa đạo từ thời kháng chiến chống Pháp còn tồn tại đến nay.

Toàn cảnh mặt tiền chùa nhìn từ trên tam quan chùa

Cuối tuần, trên chiếc xe đạp cũ, tôi rong ruổi về miền đất Thanh Oai để tìm đến chùa Bối Khê (còn gọi là chùa Đại Bi).

Đặt chân lên đất chùa, choáng ngợp ngay trước mắt là một cổng ngũ môn bề thế và cây đa tọa lạc trên bãi đất rộng và bằng phẳng. Phía sau cổng ngũ môn là cây cầu nhỏ vắt qua con ngòi, dấu tích của dòng sông cổ Đỗ Động. Qua cầu đến tam quan là một ngôi nhà ba gian. Phía trên tam quan là gác chuông hai tầng tám mái.

Đứng từ gác chuông nhìn ra mặt tiền của chùa sẽ thấy phong cảnh hữu tình nhưng cổ kính với cây đa, ngòi nước, cổng ngũ môn trải rộng...

Vườn tháp trước mặt chùa Bối Khê

Cây đa cổ hơn 600 tuổi trước chùa

Khác với kiến trúc của các chùa ở đồng bằng Bắc bộ, chùa Bối Khê được bố cục theo kiểu “tiền Phật, hậu thánh”. Nơi thờ Phật được bố trí ở tòa tiền đường và tiền bái. Tiếp theo là tòa thiêu hương và thượng điện thờ đức thánh Bối. Hai bên có hai dãy hành lang dài, bày 18 pho tượng La Hán, bao quanh nhà thiêu hương và thượng điện tạo thành thế kiến trúc “nội công, ngoại quốc”.

Theo bác Nguyễn Mạnh Hùng, bảo vệ di tích chùa Bối Khê, kiến trúc độc đáo nhất của chùa nằm ở tòa thượng điện (còn gọi là tòa tam bảo).

Đây là tòa nhà gồm ba gian cấu tạo theo bốn hàng cột, với bốn đầu đao trông như một bông sen chúm chím nở. Vật liệu chính của tòa thượng điện làm bằng gỗ mít, được dựng vào khoảng thế kỷ 14. Đặc sắc hơn là các đầu bẩy chạm hình rồng kiểu thời Trần và ở một số đầu đao, ngoài hình rồng còn có cả hình chim thần Garuda.

Toàn cảnh dãy nhà tiền bái và thượng điện

Tòa hậu điện thờ đức thánh Bối, tức Nguyễn Bình An, người thời Trần, đã đắc đạo và có phép thần thông

Chùa Bối Khê hiện còn lưu giữ được 58 pho tượng đẹp không kém tượng chùa Mía, chùa Dâu, chùa Thầy như tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, thập điện Diêm Vương, và nhất là tượng Phật Quan Âm 12 tay cao chừng 2m ngồi trên tòa sen được đặt trên một bệ đá chạm khắc hình rồng, hình chim thần, hoa lá có niên đại 1382, triều vua Trần Phế Đế.

Chùa Bối Khê còn có một loại hoa sen đất (có tên khác gần với nhà Phật hơn là lục liên). Đây là một loài cây quý, thường được trồng ở đình, chùa, miếu mạo. Bác Nguyễn Mạnh Hùng cho biết cứ vào trung tuần tháng 3 âm lịch hằng năm, cây nở nhiều nụ non giống như nụ sen dưới nước. Hai tuần sau thì nụ nở thành hoa, tỏa mùi thơm ngào ngạt khiến du khách tưởng có một hồ sen trong chùa.

Đã sống và làm việc ở chùa hơn 20 năm, bác Hùng còn kể cho tôi nghe một điều “độc nhất vô nhị” ở chùa Bối Khê, đó là sự tồn tại của một địa đạo trong khuôn viên chùa. Địa đạo dài 3 km, xuyên qua tòa thượng điện, chạy qua đền thờ Nguyễn Trực lưỡng quốc trạng nguyên (gần chùa Bối Khê) và chạy vòng quanh làng Bối Khê.

Chỉ tay về phía góc tường nham nhở vôi vữa, phía dưới là một căn hầm nhỏ và sâu hun hút, bác Hùng kể hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, nhân dân Bối Khê đã đào hầm để nuôi giấu cán bộ, cất trữ lương thực. Chính tại căn hầm này, nhân dân Bối Khê đã bẻ gãy ba lần tấn công của giặc Pháp, tiêu diệt 372 tên giặc trên đất làng Bối Khê.

Căn hầm còn gắn liền với câu chuyện về nữ du kích Phạm Thị Đe, người đã sống và chiến đấu trong lòng địch bảy ngày bảy đêm trong điều kiện không có cơm ăn, nước uống. Đến ngày thứ tám giặc Pháp rút, bà gắng sức lên cửa hầm và bị ngất. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của bà con xóm làng, bà Đe dần hồi tỉnh và sau này sống thọ tới 85 tuổi. Ngày nay, nhân dân Bối Khê vẫn ca tụng bà là người đa phúc, đa lộc và đa thọ nhất làng.

Sân và tam quan chùa nhìn từ mặt sau

Hai quả chuông lớn, đường kính 60 cm, cao 1m được đúc và treo ở tầng trên cổng tam quan năm Thiệu Trị thứ 4 (1844)

Một bức phù điêu chạm trổ tinh xảo rồng, phượng

Hồ sen trong chùa

Dãy hành lang chùa Bối Khê thờ 18 vị La Hán với 18 tư thế giống hệt như ở chùa Tây Phương

Ông Nguyễn Mạnh Hùng đang chỉ dẫn cho khách nơi có địa đạo


Cây hoa sen đất (tên gọi đúng là lục liên) trong chùa Bối Khê

TIẾN THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét