Chùa tọa lạc tại thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Mặt tiền chùa và trụ Thiên Đài (dựng năm 1705)
Chùa do nhà sư Lập Đức dựng trước năm 820. Đến năm 820, Thiền sư Vô Ngôn Thông – đệ tử đắc pháp của Tổ Bá Trượng – từ Quảng Châu, Trung Quốc sang nước ta, được nhà sư Lập Đức tôn làm thầy, mời ở lại trụ trì chùa Kiến Sơ. Nhà sư được thầy truyền pháp và đổi tên là Cảm Thành. Từ đấy, chùa trở thành trung tâm của Thiền phái Vô Ngôn Thông.
Hệ truyền thừa Thiền phái Vô Ngôn Thông gồm 17 thế hệ. Một số thiền sư tiêu biểu là: Vô Ngôn Thông (mất năm 826), Cảm Thành (mất năm 860), Thiện Hội (mất năm 900), Vân Phong (mất năm 959), Khuông Việt Chân Lưu (mất năm 1011), Đa Bảo, Định Hương (mất 1051), Viên Chiếu (mất 1090), Thông Biện (mất 1134), Mãn Giác (mất 1096) v.v…
Ở hai dãy tả hữu Tam bảo của chùa hiện nay có thờ tượng Thiền sư Vô Ngôn Thông, tượng Lý Công Uẩn và thân mẫu của ông v.v...
Đây là ngôi chùa cổ danh tiếng có từ trước thế kỷ X ở nước ta. Chính Lý Công Uẩn hay lui tới chùa, nên khi lên làm vua là Lý Thái Tổ (1010 – 1028), nhà vua thường thỉnh Thiền sư Đa Bảo vào cung thưa hỏi yếu chỉ Thiền. Vua đã xuống chiếu trùng tu chùa. Chùa lúc bấy giờ có hơn một trăm tăng đồ.
Chùa đã được trùng tu nhiều lần. Di tích cổ còn rất ít. Chùa còn giữ chiếc khánh đá bề ngang 2,3m, cao 0,60m, dày 0,17m.
Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1975.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét