Chùa Lý Triều Quốc Sư tọa lạc ở số 50 phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. ĐT: 04.8261010, 04.9287084. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Mặt tiền chùa
Theo nhiều tư liệu hiện nay thì chùa trước kia gọi là đền, thuộc thôn Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long. Chùa được lập vào năm 1131 và mang tên Lý Triều Quốc Sư là tên của Thiền sư Minh Không (1066 – 1141). Theo truyền thuyết, vào đời Lý, ba Thiền sư có pháp thuật cao cường là Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không. Thiền sư Minh Không thuộc phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci). Năm 1138, Thiền sư đã chữa khỏi bệnh điên hóa hổ của vua Lý Thần Tông nên được phong là Quốc sư.
Chùa đã được trùng tu nhiều lần, đặc biệt là năm 1674 và 1855 mà di tích là những pho tượng thờ còn ở chùa. Năm 1946, chùa bị hư hỏng nặng. Đến năm 1954, Hòa thượng Thích Thanh Định về trụ trì đã tổ chức xây dựng lại ngôi chùa.
Điện Phật
Tượng Quốc sư Minh Không (tạc năm 1853)
Tượng Từ Đạo Hạnh (bằng đá, cao 0,75 m)
Tượng Thánh phụ Quốc sư (bằng đá, 1674)
Tượng Thiền sư Giác Hải (bằng đá, 1674)
Từ năm 1992 đến nay, Thượng tọa trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã nhiều lần tổ chức trùng tu ngôi chùa. Ngày 05 – 6 – 2000, Thượng tọa đã cho khởi công trùng tu đại hùng bảo điện thanh thoáng, trang nghiêm.
Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Các tượng thờ được đặt ở hai gian nhà. Tượng đức Phật A Di Đà được tôn trí ở chính giữa gian trước. Hai bên đặt thờ tượng Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí. Phía trước là các tượng Quan Âm Chuẩn Đề, Quan Âm tọa sơn, Bồ tát đản sanh (tòa Cửu Long) và Nam Tào, Bắc Đẩu. Gian nhà sau, chính giữa là điện thờ Thiền sư Minh Không. Phía sau tôn trí tượng Tam Thế Phật. Đặc biệt ở đây có thờ các tượng Thiền sư Giác Hải, Thiền sư Từ Đạo Hạnh và tượng thân phụ, thân mẫu của Quốc sư Minh Không, được đắp nổi trên bia đá vào năm 1674; tượng gia đình quan huyện Thọ Xương được tạc bằng gỗ năm 1855.
Ở sân chùa có một cột trụ bằng đá cao 2,4m. Ở đỉnh trụ đặt thờ tượng Bồ tát Quan Thế Âm. Thân cột đá có các trang trí hoa sen, hoa cúc… vòng quanh cột theo phong cách nghệ thuật Hậu Lê.
Trụ trì chùa hiện nay là Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm. Thượng tọa đương nhiệm Ủy viên Thư ký kiêm Phó Trưởng Ban Hoằng pháp – Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội. Chùa Lý Triều Quốc Sư là ngôi chùa danh tiếng ở thủ đô xưa nay. Hàng năm, chùa đón hàng vạn Phật tử, du khách đến sinh hoạt, lễ bái.
Tượng Quan huyện Thọ Xương (bằng gỗ, 1853)
Tượng Hậu (bằng gỗ, 1853)
Trụ đá (thế kỷ 17)
Chạm rồng ở vì kèo
Chạm khắc ở án thờ
Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Chuyện lịch sử ly kỳ của chùa Lý Quốc Sư
Trải qua nhiều biến động thời cuộc, chùa Lý Triều Quốc Sư không còn giữ được diện mạo xưa, nhưng vẫn bảo tồn được nhiều di vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật.
Nằm cách nhà thờ Lớn Hà Nội vài chục bước chân, chùa Lý Triều Quốc Sư (số 50 phố Lý Quốc Sư) là ngôi chùa có lịch sử gắn với những biến động của thủ đô Hà Nội.
Theo các sử liệu xưa, chùa có tiền thân là đền Lý Quốc Sư, được lập ở phường Báo Thiên để thờ thiền sư Minh Không, người được vua Lý Thần Tông phong là Quốc sư, sau ngày ngài viên tịch năm 1141.
Đền nằm ngay cạnh tháp Báo Thiên của chùa Báo Thiên nổi tiếng Kinh thành Thăng Long một thuở. Thời giặc Minh xâm chiếm Thăng Long, chùa và tháp Bái Thiên đã bị tàn phá nặng nề.
Đến thời Nguyễn, phường Báo Thiên đổi thành làng Tiên Thị nên dân gian gọi đền Lý Quốc Sư theo tên làng là đền Tiên Thị.
Vào thời thuộc địa, khi người Pháp xây dựng nhà thờ lớn và các công trình liên quan, đền Tiên Thị phải di dời về phía Bắc, chính là vị trí chùa Lý Triều Quốc Sư hiện tại.
Năm 1932, hoà thượng Thích Thanh Định đến trụ trì, tôn thêm tượng Phật, Bồ Tát trong đền. Kể từ đó cho đến nay, đền Tiên Thị được gọi là chùa Lý Triều Quốc sư.
Trong chiến sự mùa đông năm 1946, chùa Lý Triều Quốc sư bị phá hủy. Đến tháng 6/1954 chùa được xây dựng lại. Diện mạo hiện tại của chùa có từ các đợt trùng tu lớn vào những năm 1990-2000.
Trải qua nhiều biến động thời cuộc, chùa không còn giữ được diện mạo nguyên sơ, nhưng vẫn bảo tồn được nhiều di vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật, trong đó có nhiều pho tượng mang phong cách tạo tác thời Hậu Lê.
Ở sân chùa có một cột trụ bằng đá cao 2,4 mét, tuổi đời nhiều thế kỷ, là một chứng tích vô giá về kinh thành Thăng Long xưa.
Đỉnh trụ đá này đặt tượng Bồ tát Quán Thế Âm, thân cột đá có các trang trí hoa sen, hoa cúc... vòng quanh cột theo phong cách nghệ thuật Hậu Lê
Không chỉ là nơi thờ Phật, thiền sư Minh Không cùng nhiều vị thần theo tín ngưỡng dân gian, chùa Lý Triều Quốc Sư còn là nơi đặt nhà bia tưởng niệm liệt sĩ của phường Hàng Trống.
Vào năm 1995, chùa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia của Việt Nam.
Quốc Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét