24 tháng 9, 2021

Chùa Bửu Lâm

Tên thường gọi: Chùa Bửu Lâm

Chùa tọa lạc tại đường Anh Giác, phường 3, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. ĐT: 073.876613. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Toàn cảnh chùa Bửu Lâm

Tiền đường

Chùa Bửu Lâm (1992)

Mặt tiền chùa

Chùa do bà Nguyễn Thị Đạt xây dựng vào năm 1803. Chùa đã trải qua 10 đời truyền thừa, trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Từ Lâm, nguyên ở chùa Hội Tôn (Bến Tre). Hòa thượng Thiên Trường đã cho trùng kiến ngôi chùa vào năm 1905.

Hòa thượng Thích Huệ Thông cho sửa lại mặt tiền năm 1994 – 1995 và tiếp tục tôn tạo ngôi chùa khang trang. Hòa thượng hiện là thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Điện Phật

Hòa thượng trụ trì ở điện Phật

Tượng Minh Vương

Chánh điện được bài trí trang nghiêm. Chùa bảo tồn nhiều pho tượng và bộ tượng cổ, nhiều bao lam chạm trổ tinh xảo. 

Chùa nay vẫn giữ nét đẹp cổ kính, là ngôi cổ tự danh tiếng ở miền Nam.

Chạm khắc ở cửa chùa

Ấn chùa

Hòa thượng trụ trì ở điện Phật

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường

TP. Mỹ Tho: Lịch Sử Chùa Bửu Lâm

CHÙA BỬU LÂM
162B Nguyễn Văn Giác, phường 3, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang


Vào những năm cuối thế kỷ XVII (1742), Chúa Nguyễn Phúc Khoát cho di dân từ các tỉnh miền Trung vào miền Nam khai khẩn đất hoang để lập làng định cư, sinh sống. Trong đoàn người ấy có một vị Ni cô (không rõ tên) am hiểu về cây thuốc Nam đã đến xóm Dầu (nơi này ngày xưa nhân dân sống bằng nghề ép dầu mù u) lập am nhỏ để tu niệm và trồng cây thuốc chữa bệnh cho nhân dân quanh vùng. Sau khi Ni cô qua đời, không người kế vị, những cây thuốc quý không người chăm sóc nên ngày một sinh sôi, nảy nở.

Năm Gia Long thứ 2 (1803), bà Phạm Thị Đạt là một Phật tử giàu có và mộ đạo nhất trong vùng đã rước Hòa thượng Tiên Thiện - Từ Lâm từ chùa Đức Lâm về trụ trì. Bà bỏ tiền ra xây dựng lại ngôi chùa bằng các loại gỗ quý, có quy mô lớn và tồn tại đến ngày nay. Để tưởng nhớ đến công đức của vị Ni cô sáng lập ra Chùa đầu tiên và thấy nhiều cây thuốc quý mọc quanh chùa, Hòa thượng Tiên Thiện đặt tên chùa là "Bửu Lâm" với ngụ ý "báu vật nhiều như cây trong rừng".


Chùa Bửu Lâm là một trong những ngôi Cổ tự có mặt sớm tại vùng đất Mỹ Tho còn giữ lại nhiều di tích cổ. Giai đoạn đầu từ năm 1742 – 1802 là thời kỳ ban sơ nên không còn tư liệu. Theo các long vị hiện còn tại chùa cho thấy ngôi cổ tự này đã trải qua các đời trụ trì như:
  • 1804 - 1859: Hòa thượng Tiên Thiện – Từ Lâm. Hòa thượng Từ Lâm là một vị Cao Tăng được triều đình nhà Nguyễn phong chức vị Tăng Cang và cấp bằng Giới Đạo Độ Điệp để tiếp Tăng độ chúng.
  • 1860 - 1878: Hòa thượng Minh Phước – Từ Trung.
  • 1878 - 1881: Hòa thượng Minh Đạt – Huyền Dương.
  • 1882 - 1900: Hòa thượng Minh Tông – Nhứt Bổn.
  • 1901 - 1969: Hòa thượng Như Lý - Thiên Trường. Hòa thượng Thiên Trường là một nhà sư yêu nước, nhiệt tình ủng hộ cơ sở hoạt động Cách mạng tại chùa nhiều năm. Trước khi xuất gia Hòa thượng có hai người con trai, hai vị này về sau thoát ly hoạt động cách mạng. Vốn là một cao Tăng rất giỏi Nho học, Hòa thượng Thiên Trường được đề cử giữ chức Tăng trưởng Giáo hội Lục hòa. Ngài viên tịch năm 1970, hiện nay có bảo tháp thờ sau chùa.
  • 1970 - 1973: Hòa thượng Hồng Căn – Nguyên Tịnh.
  • 1974 - 1976: Hòa thượng Hồng Lệ - Chơn Minh.
  • 1977 - 1979: Cô Diệu Đạt.
  • 1980 -1982: Thầy Thích Tịnh Tín.
  • 1983 -1984: Thầy Thích Lệ Quảng.
  • 1985 - 1995: Hòa thượng Thích Nhựt Chiểu – Huệ Thông. Hòa thượng Thích Huệ Thông là một nhà sư hoạt động cách mạng, đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huy chương chống Mỹ hạng Nhất; Huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng 01 Bằng khen hạn nhất, 01 Huy hiện Lê-nin và 01 Huy hiệu Hồ Chí Minh. Ngoài ra Ngài còn được tặng nhiều Giấy khen của Ủy ban Nhân dân, UB MTTQVN tỉnh Tiền Giang; Bằng tuyên dương công đức của Hội đồng Trị sự GHPGVN và nhiều bằng khen khác. Ngài cũng là một trong những vị chủ chốt đứng ra vận động thành lập Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang vào năm 1985. Ngài nguyên là Thành viên HĐCM GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ IV đến nhiệm kỳ VI (1994 – 2002). Hòa thượng viên tịch vào ngày 12/7/2006
  • Năm 2005, vì thấy tuổi cao sức yếu, Hòa thượng Thích Huệ Thông đã giao trọng trách Trụ trì chùa Bửu Lâm lại cho đệ tử là Đại đức Thích Lệ Hiếu trông coi Tam Bảo và điều hành Phật sự cho đến nay.

Về kiến trúc: Ban đầu khi thành lập, chùa Bửu Lâm được xây dựng theo lối kiến trúc “nội Công ngoại Quốc”, gồm 05 nóc khang trang: Tiền sảnh, Chánh điện, Tổ đường và Tăng xá. Các cây cột được làm bằng gỗ Căm Xe và Cà Chất; kèo chạm võ đậu; đòn tay, rui, mè bằng gỗ thau lau; mái lợp ngói âm dương; nền đúc cao 1m, lát gạch tàu.

Trải qua 12 đời truyền thừa và hơn 200 năm tồn tại, với nhiều lần trùng tu nhưng chùa Bửu Lâm vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ kính thuở ban đầu. Lần trùng tu đầu tiên là năm 1803, nhưng đáng kể nhất là lần trùng tu sau cơn bão năm Giáp Thìn 1904 do Hòa thượng Như Lý tự Thiên Trường, kiến trúc đó ngày nay vẫn còn giữ lại gần như nguyên vẹn. Lần trùng tu tôn tạo lớn vào năm Giáp Tý 1984 do Hòa thượng Nhựt Chiếu tự Huệ Thông thực hiện. Năm 1994 Hòa thượng Huệ Thông cho sửa lại mặt tiền Chùa và tiếp tục tôn tạo ngôi chùa cổ khang trang và đẹp hẳn lên như chúng ta thấy hôm nay.


Hiện nay chùa Bửu Lâm thờ theo phong cách Phật giáo Bắc truyền dòng Lâm Tế Chánh Tông ở Nam bộ. Chùa được xây dựng gồm 3 phần: Tiền đường, Chánh điện và hậu Tổ, tất cả nằm trên nền cao 1 m, có diện tích 987 m². Mái lợp ngói hình vảy cá gồm 2 lớp mái cách khoảng. Mặt dựng được trang trí hoa văn rất đẹp. Trên bệ thờ của ngôi Chánh điện là Tôn tượng Phật A Di Đà ngồi, gương mặt nhân hậu, xung quanh còn có các pho tượng Phật, Bồ Tát, La Hán lớn nhỏ làm bằng nhiều loại vật liệu với dáng vẻ khác nhau. Gian Chánh điện được trang trí 9 bộ bao lam với những họa tiết và đường nét tinh xảo. Bộ bao lam trước bàn thờ chánh điện chạm lộng công phu với bộ "Cửu Long phún thủy" và đôi long trụ "Cá hóa rồng" sơn son thếp vàng óng ánh. Các bộ bao lam còn lại được chạm khắc mai điểu, song phụng chầu cuốn thư, mẫu đơn, chim trĩ và các họa tiết tứ linh, tứ quí, sen ... Bên cạnh đó, nghệ thuật chạm khắc gỗ còn được thể hiện trên 12 tấm hoành phi nền là một tấm gỗ dày 20cm, trên chạm 2 đến 3 lớp với hoa văn được thể hiện công phu, sinh động, xung quanh chạm tứ linh, lưỡng long tranh châu ... Đó là những tác phẩm khắc chữ nổi rất độc đáo, thực hiện bởi các đôi tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân chạm trổ cách đây trên 100 năm.


Lối xuống nhà Tổ có 3 khuôn cửa lam chạm trổ tinh tế. Ngôi Chánh điện và Hậu Tổ được nối với nhau bằng hai dãi nhà với khoản trống thông thoáng của sân thiên tĩnh được tôn trí tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Hậu Tổ tôn trí ban thờ Bồ Tát Chuẩn Đề, khám thờ long vị chư Hòa thượng Tổ sư khai sơn, truyền thừa tại chùa Bửu Lâm, tất cả đều được sơn son thếp vàng rất đẹp.

Phía sau ngôi Hậu Tổ là khu vườn Tháp – nơi an trí nhục thân chư Hòa thượng trụ trì qua các thời đại.


Chùa Bửu Lâm là một công trình kiến trúc cổ tiêu biểu nhất thế kỷ 19 ở đồng bằng sông Cửu Long. Về mặt lịch sử chùa còn là cơ sở cách mạng vững chắc của Thị ủy Mỹ Tho trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc. Từ năm 1926 đến năm 1945, chùa Bửu Lâm là nơi tụ họp của các nhà yêu nước, trong đó có các cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh), Phan Chu Trinh, Mai Bạch Ngọc, Nguyễn Văn Nguyễn, Xích Hồng v.v… Hòa thượng Như Lý tự Thiên Trường là bạn thâm giao của cụ Phan Chu Trinh. Có lần vì công việc được giao khá quan trọng nên Hòa thượng phải thức sáng đêm để tìm phương pháp giải quyết, Cụ Phan nhìn cây đèn sáp loe loét bên phòng nên đã xuất khẩu thành thơ, tặng Hòa thượng Như Lý, trong đó có hai câu:

“Mở cửa vì dân nên gió lọt
Trót đêm nhỏ giọt tỏ cùng ai.”

Chùa cũng là nơi thành lập chi bộ Xóm Dầu, một trong những chi bộ Ðảng đầu tiên của tỉnh Tiền Giang, vào đầu năm 1930. Năm 1945, chiếc đại hồng chung cổ của chùa được Hòa thượng hiến cho cách mạng để sản xuất vũ khí, góp phần vào cuộc kháng chiến dành độc lập của dân tộc ta.


Chùa Bửu Lâm còn là nơi được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang dùng làm nơi mở nhiều khóa An cư Kiết hạ, tổ chức Đại Giới Đàn và là Trường Phật học đào tạo được nhiều vị Tăng tài đức, góp phần xiểng dương Phật pháp.


Sau khi tiếp nhận trọng trách tại chùa Bửu Lâm, Đại đức Thích Lệ Hiếu một lòng tuân theo lời di huấn của Thầy, tiếp tục giữ gìn và phát huy Tam Bảo. Từng bước không ngừng sửa sang, bồi đắp ngôi Cổ tự ngày càng tráng lệ hơn. Bắt đầu từ tháng Giêng năm 2007, Đại đức Trụ trì cho xây dựng Tôn tượng Quan Âm lộ thiên phía trước sân chùa. Năm 2008, cho kiến tạo khu vườn tượng Lâm-tỳ-ni, dựng Đại tượng Phật Di Lặc, Phật Thích Ca nhập Niết-bàn, xây mới cổng Tam quan và chỉnh trang lại toàn bộ khuôn viên chùa thêm thoáng mát, thanh u.

Tiếp theo những năm sau, Đại đức Thích Lệ Hiếu tiến hành xây dựng nhà khách Tăng, Giảng đường để cho Phật tử về tham dự khóa tu định kỳ mỗi tháng có nơi thính pháp và học hỏi giáo lý Đức Phật.


Có duyên được tham gia công tác trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang và thành phố Mỹ Tho nhiều nhiệm kỳ qua. Hiện tại với cương vị là Ủy viên Thường trực Ban trị sự, Trưởng ban Kiểm soát Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang, Phó trưởng Ban Thường trực BTS Phật giáo thành phố Mỹ Tho; Đại đức Thích Lệ Hiếu luôn muốn đem Phật pháp đến với mọi người, nên đã thường xuyên tổ chức tặng quà cho người nghèo, vận động giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người tàn tật… vào các dịp lễ lớn của Phật giáo cũng như của đất nước, qua đó góp phần làm cho Phật pháp ngày càng xương minh, quê hương ngày thêm phồn thịnh.

Chùa Bửu Lâm hiện đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 61/1999/QĐ-BVHTT ngày 13 tháng 9 năm 1999.


Sau đây là một số ảnh tư liệu:






























Người viết: Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Vãn cảnh chùa Bửu Lâm ở Tiền Giang

Chùa Bửu Lâm tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Giác, phường 3, TP Mỹ Tho là một trong những cổ tự tiêu biểu nhất của thế kỷ XIX ở Tiền Giang nói riêng và của đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Du lịch Tiền Giang, dường như ai cũng muốn hành hương đến ngôi chùa trên 200 năm tuổi để chiêm ngưỡng kiến trúc xưa cũng như ngắm những pho tượng quý… và cầu nguyện sự yên lành, hạnh phúc cho mình cùng những người thân. Chùa nằm tại trung tâm thành phố Mỹ Tho nên đường đi rất thuận tiện. Từ ngã ba Trung Lương du khách đi vào TP. Mỹ Tho đi thẳng trên đường Ấp Bắc khoảng 4km, qua cầu Nguyễn Trải 30m nhìn trái là tới.

Tương truyền, khoảng đầu thế kỷ XVIII, Chúa Nguyễn di dân từ các tỉnh miền Trung vào miền Nam khai khẩn đất hoang để lập làng định cư, sinh sống. Trong số những người dân đó, có ni cô mộ đạo, có tài lương y đã đến xóm Dầu lập am nhỏ để tu niệm và trồng cây thuốc chữa bệnh cho nhân dân quanh vùng. Với tinh thần từ bi, cứu khổ, danh tiếng ni cô được đồn xa, bá tánh đến cúng dường ngày một đông. Nhờ thế, ni cô cất được ngôi chùa khá khang trang vào khoảng năm 1742 (đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát). Sau khi ni cô viên tịch chùa trở nên vắng vẻ. Năm Gia Long thứ 2 (1803) bà Phạm Thị Đạt một Phật tử giàu có và mộ đạo nhất trong vùng sang Bến Tre vào chùa Hội Tôn đãnh lễ. Hoà Thượng Tổ Trí-Khánh Hưng cho đệ tử là ngài Tiên Thiện, pháp danh Từ Lâm về làm trụ trì chùa, nhờ vào sự cúng dường của bà Phạm Thị Đạt, hoà thượng Tiên Thiện đã cất mới ngôi chùa rộng lớn bằng gỗ căm xe và đã đặt tên chùa là “Bửu Lâm” với ước muốn bảo tồn và phát triển dòng Lâm Tế Chánh Tông. Từ năm 1803 đến nay, chùa đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính xưa.

Cổng tam quan chùa Bửu Lâm được xây dựng hình cổ lâu. Tầng trên trang trí nhiều hoa văn rồng phượng và những câu đối ý nghĩa thâm trầm. Tầng dưới có 3 cửa ra vào, ngụ ý là 3 cửa đạo Không môn, Vô tướng và Giải thoát môn. 

Cổng tam quan mới hoành tráng 

Đi vào bên trong, sân chùa rộng rãi, những cây sao cổ thụ cao chót vót, vượt lên hàng trăm loại hoa kiểng đủ sắc đủ màu khiến không gian vô cùng thoáng mát. 

Cổng chùa cổ 

Khuôn viên rộng rãi thoáng mát

Xen vào đó, là vườn Lâm Tì Ni, tái hiện nơi đức Phật giáng sanh; những hình tượng tái hiện lúc Thái tử Tất Đạt Ta lìa bỏ cung điện, khi Phật đắc đạo; tất cả vô cùng trang nghiêm. Có tượng Bồ Tát Địa Tạng, tượng đức Quan Thế Âm cao vợi, toát ngời dung quang hết sức từ bi. Đáng kể nhất là tượng đức Thế Tôn khi ngài nhập diệt. 

Vườn Lâm Tì Ni 

Tượng đức Quan Thế Âm 

Tượng Đức Phật Niết Bàn

Hiện nay chùa Bửu Lâm thờ phong cách Phật giáo Bắc truyền dòng Lâm Tế Chánh Tông ở Nam bộ. Được xây dựng theo kiểu Nội công ngoại quốc gồm 3 phần: Tiền đường, Chánh điện và hậu Tổ, tất cả nằm trên nền cao 1m, có diện tích 987 m2 

Chánh điện 

Mái lợp ngói hình vảy cá gồm 2 lớp mái cách khoảng. Mặt dựng được trang trí hoa văn rất đẹp. Các gian nhà rộng thoáng, được thiết kế công phu, tỉ mỉ, vững chắc với hệ thống cột kèo, và các hình chạm khắc trên tường, trên khung, trên cột,…

Bên trong chánh điện luôn tỏa ra ánh sáng màu diệu nơi đất Phật, cảm hóa bao nỗi bi thương của nhiều phật tử khi đến đây. Trên bệ thờ của ngôi Chánh điện là Tôn tượng Phật A Di Đà ngồi, gương mặt nhân hậu, xung quanh còn có các pho tượng Phật, Bồ Tát, La Hán lớn nhỏ làm bằng nhiều loại vật liệu với dáng vẻ khác nhau. 

Bên trong chánh điện 

Gian Chánh điện được trang trí 9 bộ bao lam với những họa tiết và đường nét tinh xảo. Bộ bao lam trước bàn thờ chánh điện chạm lộng công phu với bộ “Cửu Long phún thủy” và đôi long trụ “Cá hóa rồng” sơn son thếp vàng óng ánh. Các bộ bao lam còn lại được chạm khắc mai điểu, song phụng chầu cuốn thư, mẫu đơn, chim trĩ và các họa tiết tứ linh, tứ quí, sen … Bên cạnh đó, nghệ thuật chạm khắc gỗ còn được thể hiện trên 12 tấm hoành phi nền là một tấm gỗ dày 20cm, trên chạm 2 đến 3 lớp với hoa văn được thể hiện công phu, sinh động, xung quanh chạm tứ linh, lưỡng long tranh châu … Đó là những tác phẩm khắc chữ nổi rất độc đáo, thực hiện bởi các đôi tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân chạm trổ cách đây trên 100 năm. 

Nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo công phu 

Cũng như bao ngôi chùa khác, chùa Bửu Lâm cổ tự được trang trí những câu đối trên cột hoặc trên khánh thờ, ở các bàn thờ, các tấm liễn hoặc đôi long trụ. Nội dung câu đối toát lên triết lý nhà Phật và ca ngợi công đức của các vị hòa thượng. Tất cả sơn son thếp vàng óng ánh hoặc khảm ốc xà cừ làm cho uy nghiêm, rực rỡ nơi thờ phụng. Ngoài ra, chùa còn có những tượng Phật cổ có niên đại thế kỷ XVIII – XIX cùng hàng trăm di vật quí hiếm khác. 

Chùa đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. 

Chùa Bửu Lâm còn là cơ sở cách mạng vững chắc của Thị ủy Mỹ Tho trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc. Từ năm 1926 đến năm 1945, chùa Bửu Lâm là nơi tụ họp của các nhà yêu nước, trong đó có các cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh), Phan Chu Trinh, Mai Bạch Ngọc, Nguyễn Văn Nguyễn, Xích Hồng v.v…Chùa cũng là nơi thành lập chi bộ Xóm Dầu, một trong những chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Tiền Giang, vào những năm 1930. Trong chùa, tại chánh điện có một tủ thờ Hộ pháp, rộng 2m x 3,5m có thể chứa được từ 6 – 10 người, nhờ vậy trong nhiều năm, chi bộ hoạt động nhưng không hề bị lộ. Năm 1945 chiếc đại hồng chung trong chùa được hòa thượng hiến cho cách mạng để sản xuất vũ khí, góp phần vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Ngày 13/9/1999 chùa Bửu Lâm được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia

Bửu Lâm cổ tự ở Tiền Giang

Khách du lịch đến Mỹ Tho thường được tham quan chùa Vĩnh Tràng, với lời giới thiệu đây là ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang. Thật vậy, Vĩnh Tràng là ngôi chùa xây đã lâu năm và có kiến trúc độc đáo, khung cảnh xung quanh đẹp, rất đáng để tham quan. Nhưng nếu gọi là ngôi chùa cổ nhất thì không phải.

Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng năm 1849, kiến trúc như hiện tại được thực hiện xong năm 1911. Trong khi đó ngôi chùa Bửu Lâm được xây dựng và kiến trúc cơ bản như hiện nay có từ năm 1803. Bửu Lâm cổ tự được xem là ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang.

Cổng chùa

Điều thú vị là 2 ngôi chùa này ở rất gần nhau, chỉ cách nhau 300 met theo đường chim bay, còn đi theo đường bộ thì khoảng 700 - 900 met. Nếu đi từ hướng QL 1 (ngã ba Trung Lương) vào theo đường Ấp Bắc thì ngay khi qua cầu Nguyễn Trãi khoảng 200 met, nhìn bên trái là thấy cổng chùa Bửu Lâm ngay. Nếu đi tiếp, tới cuối đường, rẽ trái vài trăm met nữa là tới chùa Vĩnh Tràng. Chính vì vậy, nếu mục đích chính của du khách là tham quan chùa Vĩnh Tràng, thì dừng chân tại Bửu Lâm cổ tự để viếng 
ngôi chùa cổ nhất Mỹ Tho trước khi đến ngôi chùa hoành tráng nhất Mỹ Tho là một ý tưởng hay.

Cổng chùa mới, được xây dựng ngay mặt tiền đường

Kể và mô tả về ngôi cổ tự này thì đã có nhiều bài viết, như bài viết rất chi tiết của Kha Tiệm Ly trên Văn nghệ Tiền Giang (xin xem tại đây), vì vậy ở đây tui chỉ ghi lại một vài cảm nhận của mình cùng một số hình mới chụp thôi.

Khi bước qua ngôi cổng chùa mới (được làm khá hoành tráng) là tới cổng chùa cũ cùng ngôi chùa với kiến trúc cũ. Nhìn qua bên ngoài ta thấy khá đơn giản và có nét kiến trúc giống chùa Hoa.



Tuy nhiên, khi bước vào trong chùa sẽ thấy rất ấn tượng với những điện thờ, tượng Phật, bao lam, cột... được trang trí công phu và mang đậm nét cổ kính vì đã hơn 200 năm.








Điều làm tui rầu là: đây là ngôi chùa cổ nên tất cả chữ trong chùa là chữ Hán, mà tui lại dốt nên không đọc được. Nếu bạn nào đến đây mà am hiểu về chữ Hán và Phật điển chắc sẽ thấy hấp dẫn hơn nhiều.


Khuôn viên chùa chỉ khoảng 1.000 met vuông, không tạo được cảm giác thoáng đãng như chùa Vĩnh Tràng hay các chùa lớn khác ở miền Tây Nam bộ. Dù vậy, với vị trí nằm ngay trục đường chính của TP Mỹ Tho, ngay bên ngoài là phố thị nhộn nhịp, thì tại nơi đây bạn sẽ có cảm giác yên tĩnh, trầm mặc với vẻ cổ kính của chùa.

Tượng Phật Bà Quan Âm trong khuôn viên chùa. Đây là những tượng mới. Không hiểu sao lại có 2 tượng tương tự đặt gần nhau, có lẽ là do Phật tử hiến cúng nên chùa giữ cùng lúc cả hai.

Kẻ lang thang ngồi trước cửa chùa

Phạm Hoài Nhân
Bửu Lâm cổ tự

Theo tua du lịch Tiền Giang, khách thường được đưa đi tham quan chùa Vĩnh Tràng ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho và giới thiệu đó là ngôi chùa cổ nhất, nhưng ít ai biết thành phố này còn có một ngôi chùa lâu đời hơn. Đó là Bửu Lâm cổ tự, thường gọi là chùa Bửu Lâm.

Vào những thế kỉ trước dân gian lúc đó có câu: “Về sông Bảo Định bờ đông / Có ngôi Chợ Cũ, có chùa Bửu Lâm” đủ nói lên Bửu Lâm là ngôi chùa lớn và đẹp nhất thời ấy.

Chùa Bửu Lâm xưa. Ảnh: chuabuulam.com

Chùa Bửu Lâm nay tọa lạc tại đường Nguyễn Anh Giác, Phường 3, cách đầu cầu Nguyễn Trãi không hơn 200 mét.

Vào khoảng năm 1679, khu vực từ Cầu Quây đến Tân Mỹ Chánh và từ Bến Tắm Ngựa đến ngã tư Gò Cát là một khu vực vô cùng sầm uất không thua gì Sài Gòn ở cùng thời điểm đó. Đường Nguyễn Huỳnh Đức hôm nay trước kia là con đường huyết mạch, kẻ buôn người bán tấp nập; ghe tàu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan… đậu kín cả sông. Khu vực nầy xưa kia gọi là Mỹ Tho Đại Phố.

Lúc đó khu vực Phường 3 hiện nay gọi là Xóm Dầu, vì nhân dân ở đây đa số làm nghề ép dầu mù u. Vào khoảng năm 1742 (thời chúa Nguyễn Phúc Khoát), có một ni cô (không rõ tên) ở miền Trung vào, dựng một cái am nhỏ tại vị trí chùa Bửu Lâm bây giờ để trồng cây thuốc và chữa bệnh cho nhân dân trong vùng. Thấy việc làm của ni cô có ý nghĩa, phật tử trong vùng từ từ thay am bằng một ngôi chùa nhỏ khang trang hơn. Khi ni cô viên tịch, có vài vị kế thừa tiếp tục sự nghiệp ấy. Nhưng đến năm 1785, trận Rạch Gầm-Xoài Mút, diễn ra ở đây, Mỹ Tho Đại Phố bị chiến tranh tàn phá nặng nề; chùa của ni cô cũng bị chung số phận đổ nát hoang tàn!

Năm Gia Long thứ hai (1803), bà Nguyễn Thị Đạt là một phật tử giàu có trong vùng, đau lòng vì chùa bị hoang phế, bèn trùng tu lại chùa, rồi sang Bến Tre thỉnh hòa thượng Tiên Thiện, pháp danh Từ Lâm thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông về làm trụ trì. Ngài Từ Lâm đặt tên chùa là Bửu Lâm, với ước nguyện bảo tồn dòng Lâm Tế Chánh Tông. Thời gian sau, nhờ chư phật tử, và nhất là nhờ bà Nguyễn Thị Đạt, ngài Từ Lâm cất lại ngôi chùa bằng gỗ căm xe, ngói lợp vảy cá, với nghệ thuật xây dựng cổ điển của thế kỉ 17, 18.

Chùa được xây dựng theo kiểu “Nội Tam, ngoại Quốc”, tức là bên trong hình chữ TAM, bên ngoài hình chữ QUỐC. TAM gồm chánh điện ở trước; tổ điện ở giữa và tăng phòng ở sau. QUỐC gồm nhà trù (phòng ăn) phía dưới và được bao bọc bên ngoài bằng những hành lang. Từ đó về sau, chùa được nhiều lần trùng tu, nhưng những nét cơ bản không thay đổi mấy nên vẫn giữ lại được nguyên trạng của lúc ban đầu cho đến hôm nay. Lần trùng tu đáng kể nhất được thực hiện vào sau năm bão lụt Giáp Thìn (1904), do hòa thượng Như Lý tự Thiên Trường, và lần trùng tu lớn nhất vào năm Giáp Tí (1984) do Hòa thượng Thích Huệ Thông thực hiện.



Chùa Bửu Lâm hiện nay. Ảnh: chuabuulam.com

Bây giờ, dù chùa bị xuống cấp nghiêm trọng (mưa xuống mái bị dột nhiều chỗ, giảng đường đã bị hư mục), nhưng trông vẫn còn khá bề thế. Một cổng tam quan đồ sộ ở trước mặt đường. Trên cổng có bốn chữ Bửu Lâm Cổ Tự viết bằng chữ Hán. Bên trong, sân chùa rộng rãi, những cây sao cổ thụ cao chót vót, vượt lên hàng trăm loại hoa kiểng đủ sắc đủ màu. Xen vào đó, là vườn Lâm Tì Ni, tái hiện nơi đức Phật giáng sanh; những hình tượng tái hiện lúc Thái tử Tất Đạt Ta lìa bỏ cung điện, khi Phật đắc đạo; tất cả vô cùng trang nghiêm. Có tượng Bồ Tát Địa Tạng, tượng đức Quan Thế Âm cao vợi, toát ngời dung quang hết sức từ bi. Đáng kể nhất là tượng đức Thế Tôn khi ngài nhập diệt vô cùng hoành tráng.

Vào chánh điện mới thấy vẻ tráng lệ của chùa: Những long trụ được chạm trổ tinh vi; mười mấy câu đối sơn son thếp vàng với bút pháp cực kì điêu luyện. Nhiều tấm hoành phi, mà tấm giữa là “bát nhã đường”. Nội dung nói lên sự thanh tịnh và sự nhiệm mầu của Phật pháp.

Đặc biệt là những bộ bao lam, những “bông cửa” được những nghệ nhân chế tác với những hình rồng, hình phượng vô cùng công phu, tất cả nói lên tài hoa trác tuyệt của những người thợ điêu khắc vào những thế kỉ trước, mà nay xem chừng như mai một!

Chùa thờ nhiều vị Phật, có những tượng bằng đồng vô cùng quí giá về nghệ thuật tạo hình lẫn niên đại.

Phần Hậu Tổ lại có những bộ bàn ghế được chạm trổ theo kiểu dáng cổ điển, đã trở thành vật quí hiếm ở các chùa khác trong địa hạt Tiền Giang. Sau chùa là những bảo tháp của những vị hòa thượng đã viên tịch từ lúc khai sơn. Trong đó có tháp của hòa thượng Tiên Thiện (tức Từ Lâm) là lớn nhất.

Đặc biệt, hiện nay chùa còn lưu giữ một số mộc bản khắc hình và kinh Phật. Đặc biệt hơn, cũng là niềm hãnh diện, bởi chùa còn có một bản văn Độ Điệp của Bộ Lễ thời Minh Mạng cấp cho hòa thượng Tiên Thiện: hòa thượng đã được nhà vua cấp GIỚI ĐAO ĐỘ ĐIỆP. Bởi vậy ở tháp tổ có tấm bia đề: “Sắc Tứ Linh Thứu, Bửu Lâm Tự, Thượng Từ Hạ Lâm Đại Lão hòa thượng Bửu Tháp”.

Chùa Bửu Lâm gắn liền với hai cuộc giải phóng dân tộc. Từ năm 1926 đến 1945, chùa là nơi tụ họp của các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Mai Bạch Ngọc, Nguyễn Văn Nguyễn, Xích Hồng… Hòa yhượng Như Lý tự Thiên Tường là bạn tâm giao của nhà cách mạng Phan Chu Trinh. Chùa cũng là nơi thành lập Chi bộ Xóm Dầu, là một trong những Chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Tiền Giang. Lúc đó chánh điện chùa có tủ thờ Hộ Pháp mà bên trong rộng 2m x 3,5m, có thể chứa được 10 người, nhờ vậy chùa đã giấu được nhiều cán bộ mà không bị lộ. Năm 1945, chiếc đại hồng chung của chùa được hòa thượng tặng cho cách mạng để đúc làm vũ khí. Chùa cũng đã góp công góp của rất nhiều trong thời gian chống Mỹ cứu nước…

Hòa thượng Như Lý tự Thiên Trường là một cao tăng minh kiến Phật pháp, tinh thông Nho học. Ngài được đề cử làm trưởng Giáo Hội Tăng Già Nam Việt. Ngài viên tịch năm 1969, bảo tháp hiện ở sau chùa.

Chùa Bửu Lâm được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1999 (Theo Quyết định số 61/1999/QĐBVHTT ngày 13/9/1999).

Từ khai sơn đến nay, chùa Bửu Lâm là nơi phát tích nhiều danh tăng đức cao đạo trọng. Đương kim trụ trì là Đại Đức Thích Lệ Hiếu, một trong những vị cao tăng một đời xả thân vì Phật pháp. Đại Đức đã được phật tử gần xa quí trọng vì đạo hạnh và nếp sống đơn giản của thầy.

Chùa Bửu Lâm là một ngôi chùa cổ kính, tính đến nay đã hơn 200 năm tuổi (chùa Vĩnh Tràng chỉ có 150 năm), là nơi tôn nghiêm, chưa từng nghe thấy bụi trần ô nhiễm. Là nơi xứng đáng được du khách tham quan cảnh vật; chiêm bái chư Phật chư Tôn. 

Kha Tiệm Ly (Theo Văn nghệ Tiền Giang số 45)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét