10 tháng 9, 2021

Chùa Cổ Thạch

Tên thường gọi: Chùa Hang

Chùa thường được gọi là chùa Hang, nằm trên một đồi núi đá cao 64m cạnh bờ biển Cà Dược, thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. ĐT: 062.856011. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Một góc chùa

Bãi biển Cà Dược

Bãi đá Cà Dược

Đường lên chùa Cổ Thạch

Chùa lúc đầu chỉ là một thảo am do Tổ Hải Bình – Bảo Tạng khai sơn vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Sách Cổ Thạch Tự (Phú Đức, 1991) cho biết ngài thuộc thế hệ 40 của Thiền phái Lâm Tế chi phái Liễu Quán, có tên là Lê Chi, quê ở Tuy An, Phú Yên, sanh năm 1818. Ngài thọ giới quy y với Hòa thượng Sơn Nhân tức Thiền sư Tánh Thông – Giác Ngộ ở chùa Bát Nhã, Phú Yên.

Theo tục truyền, Tổ Bảo Tạng từ núi Linh Sơn, Vĩnh Hảo đến vùng Bình Thạnh chọn một hang đá trên đồi núi để tu hành. Nơi đây, Tổ đã độ cho hương hào Hồ Công Điểm, nhà giàu có nhưng không con, đến quy y và cầu tự. Sau đó, vợ ông Điểm sinh được một trai, một gái. Mang ơn đó, ông bà Điểm cho xây dựng ngôi chùa khang trang, đặt tên là Cổ Thạch.

Sau đó, chùa lại nhập với chùa Bình Phước và được trùng tu mở rộng.

Tam quan chùa

Mặt tiền chùa

Chùa Cổ thạch


Điện Phật

Sau một thời gian hoằng dương đạo pháp tại vùng Tam Phan (Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết), Tổ Bảo Tạng vân du vào phương Nam. Tổ đã đến chùa Kim Quang ở Bàu Trâm, ban pháp danh cho Thiền sư Thông Ân – Hữu Đức. Ngài tiếp tục vân du đến vùng Phước Hải, khai Sơn chùa Bửu Lâm, chùa Ngọc Tuyền trên núi Kỳ Vân. Ngài viên tịch vào ngày 25 – 5 năm Nhâm Thân (1872).

Hòa thượng Thiện Minh, đệ tử của ngài ở chùa Linh Sơn, Vĩnh Hảo kế tục trụ trì, đã cùng dân làng trùng tu, mở rộng ngôi chùa quy mô to lớn với diện tích 1.200m2, làm nơi dâng hương, chiêm bái Tam Bảo, đồng thời là nơi nghỉ ngơi, dưỡng bệnh cho bá tánh thập phương. Hòa thượng viên tịch vào ngày 25 – 12 năm Ất Tỵ (1905).

Sau một thời gian vắng bóng trụ trì, năm 1939, Hòa thượng Nguyên Hồng – Thiện Phú đến trụ trì. Ngài tự tay hái thuốc chữa bệnh cho dân, dạy học cho đồ chúng, được dân làng mến mộ gọi là Thầy Tám. Hòa thượng viên tịch ngày 19 – 1 năm Mậu Tý (1948).

Năm 1956, thầy Minh Đức được cử làm giám tự rồi trụ trì ngôi chùa. Chùa được trùng tu nhiều lần từ năm 1956 đến 1964. Năm 1964, chùa đã cho kiến tạo tượng đài Di Đà Tam Tôn (đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí) có mái che, mỗi tượng cao 3m, trước sân rộng 400m2.

Điện thờ Bồ tát Địa Tạng

Điện thờ Quan Âm Chuẩn đề

Tượng đức Phật Thích Ca

Tượng đức Phật Thích Ca

Trên những bậc cấp vào chùa, hai bên có tượng voi chầu hổ phục. Tam quan chùa có đặt thờ tượng Bồ tát Quan Thế Âm ở tầng trên. Sau tam quan, có ba khối đá lớn nguyên sinh mang hình con cá kình (một loài thủy vật giúp đỡ người bị nạn), con cóc (con vật hiền lành, tượng trưng cho sự thanh tịnh) và thuyền Bát nhã.

Khoảng trống bên dưới ba tảng đá này đặt chánh điện và nhiều điện thờ chư Phật, Bồ tát. Điện chính thờ tượng Di Đà Tam Tôn, Phật Thích Ca; điện thờ đức Phật Thích Ca; điện thờ Bồ tát Địa Tạng (có tượng Hộ Pháp, Tiêu Diện); điện thờ Bồ tát Chuẩn Đề; điện thờ Tổ sư Đạt Ma và long vị chư tổ…

Phía sau chùa, ở sườn núi Đông Bắc có rất nhiều hang động (có hang sâu hun hút mà người dân địa phương cho rằng đó là đường xuống âm phủ), có nhiều tảng đá với những hình thù lạ mắt, tạo cho cảnh quan ngôi cổ tự thêm hấp dẫn.

Đặc biệt, bãi Cà Dược dưới chân núi chùa Hang là bãi đá granite màu có chiều dài cánh cung khoảng 2000m, rộng 25m, gồm nhiều loại đá với nhiều màu sắc đẹp mắt.

Tháp Tổ

Nhà thờ Tổ

Con đường từ thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong dài 9 km vào chùa đã được trải nhựa tốt. Ở đây đã hình thành một khu du lịch, tấp nập người, xe, quán trọ và cả những nhà nghỉ dưỡng cao cấp.

Chùa Cổ Thạch là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở miền Trung. Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Tượng Bồ tát Quan Âm

Tượng đài Quan Âm

Du khách trên bãi đá Cà Dược

Hòa Thượng Thích Trí Quảng ở bãi đá Cà Dược

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Vẻ đẹp uy nghi của chùa Hang

Đến với chùa Hang (Bình Thuận) du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp uy nghi của kiến trúc mà còn được thả mình trong không khí thanh tịnh chốn cửa Phật, với thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ. 

Mang đậm giá trị lịch sử 

Chùa Cổ Thạch còn gọi là chùa Hang hay chùa Đá Cổ nằm trong khu du lịch Cổ Thạch tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 100 km về phía Bắc, cách thị trấn Liên Hương 8 km về phía Đông, là một quần thể kiến trúc Phật giáo được xây dựng dựa vào núi, nằm san sát các hang đá trong khu vực hơn 2.000
 m2, phía Đông Nam liền kề với biển Đông, ba mặt còn lại thì giáp rừng núi và những dải đá nguyên sinh tuyệt đẹp. 

Tại cổng tam quan, lối dẫn vào chính điện là tượng hai linh vật voi và hổ hộ pháp phía trước. 

Ban đầu, chùa chỉ là một thảo am nhỏ do nhà sư Bửu Tạng thuộc đời thứ 40 thiền phái Lâm Tế ở năm Minh Mạng thứ 16 (1835) lập nên để sống cuộc đời tu hành, cứu giúp chúng sinh thoát khỏi khổ đau trong thời loạn lạc. Và sau hơn 100 năm tuổi thọ, qua nhiều lần trùng tu, sửa sang lại, ngôi chùa không chỉ rộng lớn, khang trang hơn mà còn được công nhận là di tích, thắng cảnh quốc gia vào năm 1996 cũng như thu hút rất nhiều người từ khắp nơi về hành hương và tham quan mỗi năm. 

Hang thờ Phật Mẫu Chuẩn Đề. 

Chùa Cổ Thạch lọt thỏm giữa những hang động trên một ngọn đồi đá kỳ vĩ cao 64 m so với mặt nước biển, xa trông bóng cổ tự thấp thoáng ẩn hiện trên nền trời như giữa chốn bồng lai tiên cảnh. Đường lên chùa thông thoáng nhưng quanh co, khúc khuỷu theo những bậc, thềm đá. 

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn. 

Toàn cảnh chùa Cổ Thạch. 

Lối vào chùa qua cổng Tam quan quay về phía Tây Nam là con đường có 36 bậc thang được gắn kết với nhau bằng phiến thạch. Dưới chân bậc thang là đôi rồng uốn lượn hai bên được đúc bằng xi-măng như chào đón những ai có duyên đến viếng chùa. Bên phải chiếc cầu gần cổng Tam quan là bức tượng hình hổ ngồi và bên trái là tượng voi nằm được tạc tạo tinh vi. Ba phiến đá tự nhiên nổi lên cao xếp thành hàng ngang ở phía trước khu Chính điện làm nổi bật con cá Kình bằng đá tự nhiên (theo Kinh của Phật gọi là con “ma kiệt”, một loài thủy quái được xem là hóa thân từ Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát để giúp đỡ ngư dân khi gặp nạn ở biển khơi). 

Nghệ thuật tạo dáng tinh tế 

Khu vực chùa Cổ Thạch là một quần thể kiến trúc, am, điện, cốc liên hoàn với nhau trên khu đồi đá rộng hơn 4 ha. Chính điện chùa nằm trong quần thể núi đá tự nhiên, có khi nằm lọt thỏm giữa những tảng đá to. Kế đó là các nhà thiền, từ đường, nhà tổ, gác chuông, lầu trống, am cốc thờ tự, với những câu liễn phi, hoành đối khá ấn tượng và bảo quản tốt. Mỗi hang động thờ một vị Phật, hoặc Bồ tát, hoặc một nhà sư đã viên tịch. Hang thờ Tổ khai sơn Cổ Thạch tự là nhà sư Bảo Tạng, có tượng nhà sư và nhiều bài vị của những người có công lao xây dựng chùa. Hang thờ Phật Mẫu Chuẩn Đề là một hang động bên trong có tượng Phật 8 tay và nhiều tượng cổ. Hang Tam Bảo thờ 23 pho tượng Phật cổ với nhiều kích thước và niên đại khác nhau... 

Nghệ thuật tạo dáng tinh tế nơi cổ tự. 

Không chỉ đẹp bởi kiến trúc, chùa Cổ Thạch còn khiến du khách trầm trồ bởi những cổ vật quý hiếm mang đậm giá trị lịch sử như: các câu liễn, câu đối nhiều niên đại khảm bằng xà cừ, ghép mực sành, Đại Hồng chung, trống sấm đều có niên đại từ nửa đầu thế kỷ 19 hay những tài liệu có từ ngày lập chùa… 

Những câu liễn, câu đối vẫn được giữ lại cho đến thời nay. 

Hình thể các công trình kiến trúc từ Tam quan đến Ngọ môn, lầu Chuông, gác Trống, Chính điện nhà thờ Phật Tổ... và các công trình khác của chùa thể hiện nghệ thuật tạo dáng tinh tế nơi cổ tự. Đặc biệt, đập ngay vào ánh nhìn của du khách là hình tượng “tứ linh” Long, Lân, Quy, Phụng, nét đặc trưng trong kiến trúc tôn giáo, cung đình được thể hiện trên mái chùa và nhiều nơi tôn nghiêm nhất. 

Có rất nhiều tượng Phật tại chùa Hang. 

Cổ Thạch Tự mang một vẻ đẹp nguyên sơ độc đáo, tựa đầu lên núi lên đồi cùng hàng ngàn phiến đá, hang động kỳ bí, thấp thoáng trong làn sương mờ như chốn bồng lai tiên cảnh khiến ai đến du lịch Bình Thuận cũng phải ghé qua. 

Tuấn Kiệt
Chùa Cổ Thạch

Đường lên chùa Cổ Thạch.

Chùa Cổ Thạch hay còn gọi chùa Hang, chùa Đá, tọa lạc ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; cách thành phố Phan Thiết 105 cây số về hướng bắc, nằm cận biển, bên cạnh bãi đá Cà Dược bảy màu. Ngôi chùa cổ này đã có hơn 100 năm tuổi. Đây một trong những danh thắng nổi tiếng lọt thỏm giữa những hang động trên một ngọn đồi đá cao 64 mét so với mặt nước biển.

Từ TPHCM đến chùa Cổ Thạch khoảng 280 cây số. Du khách có thể theo quốc lộ 1A từ thị trấn Liên Hương (Tuy Phong) vào chừng 10 cây số là đến chùa. Ngôi cổ tự này đã được công nhận là di tích, thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 1993.

Khu vực chùa Cổ Thạch là một quần thể kiến trúc, am, điện, cốc được xây dựng rải rác, liên hoàn trên khu đồi đá rộng hơn 4 hecta. Ngôi chính điện nằm xen lẫn với những tảng đá to dựng đứng, sừng sững trông rất hoành tráng, ấn tượng. Kế đó là các nhà thiền, từ đường, nhà tổ, gác chuông, lầu trống, am cốc thờ tự, lúc nào cũng ngan ngát khói hương.

Những tảng đá trên đồi Cổ Thạch tạo ra nhiều hang động

Khu vực chùa Hang được hình thành nên từ những tảng đá khổng lồ, hình thù kỳ lạ, gác tựa, chồng chất lên nhau tạo ra những hang động. Mỗi động thờ một vị Phật, hoặc Bồ tát... Hang thờ Tổ khai sơn Cổ Thạch tự là nhà sư Bảo Tạng, có tượng nhà sư và nhiều bài vị của các nhà sư khác có công lao xây dựng chùa đã viên tịch. Nơi thờ Phật Chuẩn Đề là một hang động bên trong có tượng Phật 8 tay và nhiều tượng cổ. Hang Tam Bảo thờ 23 pho tượng Phật cổ với nhiều kích thước và niên đại khác nhau…

Nếu đến chùa Cổ Thạch vào các ngày rằm hay các ngày lễ lớn của Phật Giáo như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ Hoài niệm ân sư, du khách sẽ được hoà mình vào không khí đông vui, tưng bừng cùng hàng ngàn nam, phụ, lão, ấu tham gia lễ hội chùa Hang với nét mặt thành kính cùng những ước mơ, nguyện cầu được thành công viên mãn. Cờ, phướn, băng, hiệu bay phấp phới. Gió biển mát lành thổi phóng khoáng qua đồi đá cheo leo. Tiếng tụng niệm ê a. Tiếng mõ chuông văng vẳng giữa khói hương ngan ngát… Người đi lễ chùa cảm thấy lâng lâng như lạc vào nơi sân Tiên, cửa Phật, chìm đắm giữa sắc màu thiền lam u nhã.

Những ngày nầy, nhà chùa cung cấp cơm chay miễn phí cho khách hành hương. Dọc hai bên đường vào chùa là những gian hàng bán đồ lưu niệm vật dụng, đồ trang sức được chế tác bằng san hô, ốc biển và các sản phẩm, vật dụng bằng đá như cối chày, ấm trà, bình cắm hoa, vòng đeo tay, tượng phật, xâu chuổi… Trái cây địa phương thì có thanh long, chuối sứ, nho xanh, dứa gai, xoài hòn… Có nhiều gian hàng bán cơm, thực phẩm chay, nước giải khát, chè lạnh cho khách tham quan với giá cả bình dân.

Từ trên đỉnh đồi đá, du khách có thể ngắm nhìn bao quát cảnh quan cả một vùng biển bao la dưới chân đồi Cổ Thạch

Đường lên chùa Hang thông thoáng nhưng quanh co, khúc khuỷu theo những bậc, thềm đá; dọc đường có nhiều tranh, tượng miêu tả cuộc đời Đức Phật và chư vị bồ tát. Trên mỏm núi đá nhỏ sát bờ biển có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát uy nghi, tự tại đứng nhìn ra biển khơi. Cạnh chùa là bãi đá Cà Dược nhiều màu sắc chạy dọc bờ biển. Cảnh quan thiên nhiên chung quanh chùa Hang rất đẹp. Nhiều ngôi nhà xinh xắn, gọn nhẹ xây theo kiểu mới để phục vụ khách từ các nơi về hành hương và tham quan thắng tích.

Du khách đứng trên đỉnh đồi đá có thể ngắm nhìn bao quát cảnh quan cả một vùng biển bao la với hàng ngàn tảng đá lớn nhỏ xếp chồng ngổn ngang lên nhau thành thiên hình vạn trạng. Do sự xâm thực của nước mưa và gió, đồi đá Cổ Thạch có nhiều hang động với vẻ độc đáo, lạ lùng. Sau khi vãn cảnh chùa, bạn có thể vòng xuống bãi Cà Dược nhìn, ngắm hàng triệu viên đá, với bảy màu: đen, trắng, vàng, xám, nâu, hồng, tím sẫm. Bãi đá nầy chạy dài hơn 1 cây số dưới chân đồi Cổ Thạch.

Đến với dải đất cuối Nam Trung bộ đầy nắng và gió, bạn sẽ có nhiều cảm xúc khó quên.


Bài và ảnh: Mai Lý
Chùa Hang ở Cổ Thạch

Cổng chào Khu Du lịch Cổ Thạch ghi là: Khu Du lịch Chùa Cổ Thạch - Bình Thạnh, như hình.


Có 2 điều lưu ý:

Một là đừng có xớn xác thấy ghi Bình Thạnh thì nghĩ Cổ Thạch ở quận Bình Thạnh, TPHCM. Bình Thạnh này là một xã ven biển thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 90 km về phía Đông Bắc.

Hai là mặc dù ghi tên khu du lịch chùa Cổ Thạch nhưng thực chất du khách đến đây để ngắm cảnh biển và tắm biển Cổ Thạch, một bãi biển rất đẹp có nhiều bãi đá cổ. Cùng với đó là viếng ngôi chùa ở trên đồi cao ven biển mang tên chùa Cổ Thạch, người dân quen gọi là Chùa Hang.

Theo lời kể, chùa lúc đầu chỉ là một thảo am do Tổ Hải Bình – Bảo Tạng khai sơn vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Tổ Bảo Tạng từ núi Linh Sơn, Vĩnh Hảo đến vùng Bình Thạnh chọn một hang đá trên đồi núi để tu hành. Nơi đây, Tổ đã độ cho hương hào Hồ Công Điểm, nhà giàu có nhưng không con, đến quy y và cầu tự. Sau đó, vợ ông Điểm sinh được một trai, một gái. Mang ơn đó, ông bà Điểm cho xây dựng ngôi chùa khang trang, đặt tên là Cổ Thạch.

Chùa nằm trên đồi cao 64 m, nằm bên cạnh bãi biển Cà Dược - hay như người ta vẫn quen gọi là bãi biển Cổ Thạch. Trên đồi này có nhiều khối đá, nhiều hang hốc nên ngoài ngôi chùa chính nằm trong một hang người ta còn tận dụng nhiều hang khác làm nơi thờ cúng. Nhìn tổng thể đây là vùng đồi nhấp nhô những khối đá, miếu thờ, tượng thờ, phía xa là biển cả mênh mông rất ấn tượng.

Tam quan chùa, phía trước là tượng voi - hổ.

Tam quan chùa, phía trước là... bạn tui!

Một điện thờ được xây trong hốc núi


Tháp mộ và miếu thờ với những điêu khắc đặc sắc


Những tượng điêu khắc được xếp đặt rải rác khắp trên đồi

Những tảng đá to được vẽ trang trí các sự tích về Đức Phật

Trước đây từ đường lộ (chỗ đậu xe) lên chùa phải đi một đoạn khá dài và leo dốc. Sau này, ngay từ lối vào người ta xây dựng lên một ngôi chánh điện khang trang để tiện cho khách hành hương lạy Phật.

Ngôi chánh điện mới

Họa tiết trên mái chùa cho thấy chùa xây năm 2550 PL, tức năm 2006 DL.

Từ ngôi chánh điện mới ở lối vào cho đến khu vực chùa cũ và các công trình phụ là cả một... cái chợ. Nơi đây bày bán đủ thứ, chủ yếu là cây thuốc dược liệu, vật phẩm tâm linh, vật phẩm lưu niệm và tất nhiên là có điểm ăn uống.



Dọc lối vào chùa là cả một cái chợ bày bán đa phần là dược liệu

Đi Cổ Thạch, chẳng những bạn tắm biển, leo núi, viếng chùa mà còn... đi chợ nữa. Thú vị quá phải không? 

Phạm Hoài Nhân

Đóng góp của chùa Cổ Thạch đối với đất nước


Lịch sử Phật giáo gắn liền với dân tộc, lẽ dĩ nhiên không riêng gì chùa Cổ Thạch mà các ngôi chùa ở Việt Nam đều ít nhiều có đóng góp cho dân tộc qua việc giữ gìn và bảo vệ tổ quốc trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và phát triển văn hóa Phật giáo.

1. Đóng góp đối của chùa Cổ Thạch đối với Đất nước

Suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Tuy Phong đã viết nên những trang sử vẻ vang với những địa danh mà khi nhắc đến, ai cũng cảm thấy lòng đầy tự hào và ngay kẻ địch cũng phải ngạc nhiên thán phục. Đó là cầu Đại Hòa, nơi tự vệ chiến đấu Tuy Phong và lực lượng vũ trang Bình Thuận tổ chức đánh đồng đầu tiên, thể hiện ý chí ngoan cường, dũng cảm. Phan Rí, Thái An, nơi thực dân Pháp liệt vào “vùng xung yếu đáng gờm”, “vùng đất máu”… Còn La Gàn, một làng biển căn cứ của huyện có hầm chiến đấu dài cả cây số, có trạm liên lạc hàng hải chuyển vũ khí vào Nam, đưa đón cán bộ cao cấp qua lại, đã nuôi dấu đồng chí Lê Duẩn gần một tháng trời, thì địch coi như là một chiếc gai đâm vào mắt phải nhổ bằng “máu và lửa”. Chúng đã dùng chính sách “tam quang” (đốt sạch, giết sạch, phá sạch) gây nên 3 cuộc tàn sát đẫm máu gần 400 người. Sang thời kỳ chống Mỹ đầy hy sinh gian khổ, Tuy Phong đứng vững là “căn cứ lòng dân” của lực lượng kháng chiến. Trên đường hành lang Nam – Bắc, vùng núi La Bá vẫn là nơi đùm bọc, cưu mạng bộ đội, cán bộ. Riêng làng biển nhỏ La Gàn, với chiều dài 2km, chiều ngang non 400 mét, mặc dù bị địch bao quây tứ phía và tuyên bố là vùng “tự do hủy diệt”, vẫn là địa bàn đứng chân của cán bộ một số cơ quan khu, tỉnh, huyện kể cả tỉnh bạn Ninh Thuận, Lâm Đồng, đi về giải quyết một phần hậu cần lương thực, thực phẩm thuốc men…

Chùa Cổ Thạch cách làng Bình Thạnh 1.500 mét về phía Đông, người đầu tiên dựng chùa là Thiền sư Hải Bình – Bảo Tạng, thuộc thế hệ 40 của Phái Thiền Lâm Tế – chi phái Liễu Quán.

Vào khoảng 1839, Thiền sư Hải Bình – Bảo Tạng tiếp tục đi vào phương Nam, một thời gian sau Hòa thượng Trừng Quang – Thiện Minh trụ trì… Sau đó, việc trông coi chùa Cổ Thạch do Tỳ kheo Nguyễn Trừng Thanh thuộc thế hệ 41 Lâm Tế chánh tông. Nay còn tháp mộ (hiện nay tháp mộ nằm dưới chân tháp Tổ) có ghi: “Thế quý Nguyễn Trừng Thanh Tỳ kheo chi mộ”. Nhiều vị trụ trì chùa Cổ Thạch qua đời nơi đây hoặc đến rồi đi… Mãi đến năm 1940, Phật tử trong làng mời Hòa thượng Nguyên Hồng – Từ Hóa về trụ trì. Hòa thượng tên thật là Trần Thinh, do Ngài đã tham gia hoạt động “Việt minh đồng chí hội” ở Phú Yên đã bị lộ bí mật, để tránh né bọn mật thám, Ngài đổi tên là Nguyễn Hữu Cầu ẩn tu tại một số chùa ở Phú Yên. Sau đó, Ngài theo đường biển đến chùa Cổ Thạch. Người đã bị chính phủ Nam triều bắt giam 2 lần vì tội, có hành vi chống nhà nước bảo hộ Pháp. Tháng 1 năm 1947, Hòa thượng Nguyên Hồng – Từ Hóa viên tịch tại chùa Cổ Thạch. Cùng lúc đó, giặc Pháp càn quét Bình Thạnh, lùng sục vào chùa, không cho Phật tử và dân làng mai táng, bắt phải đưa quan tài về đồn Long Hương (Liên Hương ngày nay) để khám xét. Nhân dân đấu tranh có lý, có tình, buộc địch phải để lại tại chỗ. Bọn địch mở nắp quan tài, không thấy có gì, trơ trẻn kéo nhau đi để mặc cho dân lo liệu mai táng Hòa thượng. Từ đó chùa Cổ Thạch lâm vào cảnh di dời do chiến tranh. Nhân dân Bình Thuận đã hết lòng bảo vệ chùa Cổ Thạch và cử Đại sư Ngộ Tú trông coi chùa. Trong năm này 1947, trống sấm của chùa Cổ Thạch dùng để thúc quân đánh đồn cầu Đại Hòa huyện Tuy Phong. Sau đó, đem về chùa đặt lên gác trống cho đến nay.

Năm 1956, các Phật tử tại làng lập Ban Bảo trợ mời thầy Lê Huấn, pháp danh Tâm Hộ, tự Thiện Thành, hiệu Minh Đức về làm Giám tự và trụ trì cho đến năm 2007 viên tịch, phú pháp di chúc để lại cho Đại đức Nguyên Hưng – Từ Minh kế vị trụ trì đến nay (2019).

Trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945 – 1975). Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, năm 1973, chùa Cổ Thạch là nơi tập kết và cũng là tuyến xuất phát của một phân đội C490 thuộc huyện đội Tuy Phong, đánh vào thị trấn Liên Hương, trước khi hiệp định Paris có hiệu lực.

Năm 1962, chùa Cổ Thạch lập “Am tự cô hồn” theo kiến tạo của chùa. Sau này thờ vong linh liệt sĩ. Quân dân Bình Thuận và khu VI ai mà không biết đến chùa Cổ Thạch. Ngoài thắng cảnh và di tích xưa, chùa còn là địa danh gắn liền với hai cuộc kháng chiến của dân tộc và đã: “Trải qua hai thời kỳ lớn đấu tranh chống ngoại xâm Pháp, Mỹ, chùa Cổ Thạch đã là một trong những điểm son của Tỉnh và Huyện. Chùa đã tự hào trong suốt dòng lịch sử, đã gắn bó với đất nước và dân tộc.”[1]. Bởi có sự nhận thức đúng đắn rằng: Sự tồn vong của Phật giáo gắn liền với vận mệnh của dân tộc trong mọi thời điểm của lịch sử.

2. Đóng góp của chùa Cổ Thạch vào giá trị di sản văn hóa Việt Nam


Chùa Cổ Thạch, dịch là chùa Đá xưa, hay gọi là chùa Hang. Cái hay, cái đẹp ở đây là người xưa đã biết lợi dụng hang động để kiến tạo thành nơi thờ Phật. Mỗi hang mỗi vẻ huyền bí, còn lại là những tảng đá lớn với những hình thù kì dị, như những con vật trong huyền thoại của Phật giáo. Hòn thì có hình thù con cá kình khổng lồ (Ma Kiệt) (nằm gác chuông chánh điện), hòn thì như con thuyền Bát nhã (gác trống), hòn lại giống con Cóc (Thiện Trùng)[2] con người thợ xưa đã dựng lên hai công trình kiến trúc để làm gác chuông, gác trống. Tất cả hàng chục công trình kiến trúc lớn nhỏ trên cơ sở của hang đá tự nhiên được kiến tạo thêm. Trong đó đáng lưu ý là chánh điện, nhà thờ Tổ, thờ Phật Chuẩn Đề, thờ Tam Thế Phật, đình thờ Hộ Pháp phần kiến trúc bên trong là hang đá có sẵn: “Ba khối đá xếp thành hàng ngang do thiên tạo tác đã góp phần lớn vào việc qui định cấu trúc ngôi chùa Cổ Thạch. Khoảng trống phía dưới hai ngọn đá này chính là nơi đặt chính điện và một hệ thống tượng thờ phong phú, đa dạng. Quần thể chánh điện này là một hang động rất nhỏ, đủ đặt thờ tượng Phật mẫu và hệ thống tượng Tam Thế, bên cạnh những pho tượng cổ mang dáng vẻ độc đáo, như pho tượng Quan Âm Phổ Đà, như hình ảnh của hai vị bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền mà khuôn mặt phảng phất đường nét nhân chủng của người dân Trung Bộ. Ngoài hệ thống chánh điện, còn có nhà Tổ; Miếu thờ Quan Thánh, bà Chúa Tiên, Đền thờ Chiến sĩ và Miếu Cô Hồn.”[3]. Cả một quần thể kiến trúc rộng lớn, nhiều vẻ, nhiều cảnh liên tiếp nối nhau. Chùa chiền, hang động, đồi đá nhấp nhô với cây rừng. Biển, bãi biển ở ngay dưới chân chùa là bãi tắm lý tưởng. Tiếp đó, là eo biển và mũi La Gàn, những cảnh đẹp nổi tiếng bổ sung cho thắng cảnh chùa Cổ Thạch. Du khách đến chùa, ngắm cảnh viếng Phật, đều không quên tắm biển. Thêm vào đó là bãi đá màu “Thiết thạch duyên hải” được thiên nhiên tạo nên hàng chục loại đá nhiều màu, nhiều thang bậc. Những ghềnh đá, san hô, kết hợp với dải đá màu, tôn thêm vẻ đẹp của cảnh biển. Bãi đá có chiều dài theo bờ biển 2.000 mét rộng 25 mét, chủ yếu là đá Granite màu và nhiều loại đá khác bị sóng biển bào mòn mà thành.

Cảnh sơn thủy thạch kết hợp kéo dài về không gian không bị ngăn cách gò bó bởi khuôn viên như ở các chùa khác. Du khách cảm thấy thoải mái, tâm hồn như vươn tới, vươn tới mãi ở cõi Phật. Sự thanh bình ở đó giúp chúng ta trút bỏ những mệt mỏi tầm thường. Chùa Cổ Thạch không chỉ là thắng cảnh đẹp, huyền bí mà còn là nơi chứa đựng nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời có giá trị.


Sự hài hòa giữa nghệ thuật hoa viên, kiến trúc, điêu khắc phù hợp với cách tôn trí thờ phụng bên trong, cách làm tăng thêm không khí yên tĩnh, tôn nghiêm. Kiến trúc ở chùa Cổ Thạch trang nghiêm mà bình dị, tinh tế đơn giản mà dễ gần. Mỗi hang động ở đây cũng chính là những cơ sở bảo tồn cổ tích. Các thế hệ những nhà tu hành trong mọi thử thách cam go nhất vẫn giữ gìn trân trọng những di sản văn hóa quí, các tư liệu lịch sử quí để trao lại cho đời sau.

Từ khi hòa bình lập lại (1975), các Phật tử từ thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ, Nha Trang và cả Kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới đều thường xuyên lui tới viếng thăm chùa.

Ngành du lịch (Thuận Hải trước, nay là Bình Thuận) đã xếp chùa Hang là thắng cảnh của tỉnh. (To travel round the Thuan Hai). Mùa xuân năm 1989, Tổng Công ty Du lịch Việt Nam (Việt Nam tourism) xuất bản tập ảnh “Thắng cảnh Việt Nam” trong đó có ảnh “Cổ Thạch tự” (Pagoda Co Thach tu) để giới thiệu với bè bạn gần xa trên thế giới hiểu thêm thắng cảnh Việt Nam. Năm 1993, chùa Cổ Thạch được xếp hạng “Di tích lịch sử – văn hóa” cấp Quốc gia.

Kết luận:

Với vị trí địa thế và cảnh quan đặc biệt chiến lược, chùa Cổ Thạch đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc giữ gìn đất nước hàng trăm năm qua, Không những là một nơi đã từng góp phần vào công cuộc giữ gìn quê hương tươi đẹp, chùa Cổ Thạch còn là một nơi hưởng thụ văn hóa tâm linh, một cảnh quan tuyệt đẹp có một không hai của tỉnh Bình Thuận. Chùa Cổ Thạch đã trở thành chốn Tổ đình uy linh về tín ngưỡng tôn giáo, là hành trình chiêm ngưỡng nghỉ ngơi của du khách khi thăm quan ở xứ sở Bình Thuận ngày nay.

Thích Quảng Lai - Học viên Cao học Học viện PGVN tại Tp.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét