3 tháng 9, 2021

Chùa Giác Lương

Tên thường gọi: Chùa Giác Lương

Chùa thường được gọi là chùa Hiền Lương, tọa lạc tại làng Hiền Lương, xã Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Chùa cách thành phố Huế 21km về phía Tây Bắc, gần cầu An Lỗ. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Tam quan chùa

Tam quan chùa (mặt sau)

Mặt tiền chùa

Chùa do bà Hoàng Thị Phiếu vận động thành lập vào đầu đời Lê Trung hưng ở Cầu Bệ. Sau dân làng dời chùa đến xóm Phước Tự. Chùa được trùng tu vào những năm 1806, 1924, 1969, 1987...

Chùa còn giữ nhiều pho tượng cổ thời Hậu Lê. Đại hồng chung ở chùa đúc năm 1819 có khắc tên một số nghệ nhân về nghề rèn và cơ khí như ông Hoàng Văn Lịch, Trần Văn Đắc, Dương Phước Thiệu, Trương Quang Sừng..., là niềm tự hào cho người dân làng xưa nay.

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Điện Phât

Bộ tượng Tam thế Phật


Tượng Hộ Pháp

Phù điêu long mã

Phù điêu chạm gỗ

Trang trí lân, phụng ở nóc chùa

Đại hồng chung

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Ngôi chùa làng cổ xưa, tuyệt đẹp của xứ Huế

Chùa Giác Lương có lịch sử hình thành từ thế kỷ 16. Chùa mang những nét kiến trúc đặc sắc, tiêu biểu cho một ngôi chùa làng ở xứ Huế xưa. 

Nằm tại làng Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chùa Giác Lương được coi là một trong những ngôi chùa làng tiêu biểu nhất của xứ Huế
 
Chùa được xây dựng vào thời Lê trung hưng (thế kỷ 16), do bà Hoàng Thị Phiếu - người Bắc di cư vào – cùng tộc trưởng các dòng họ trong làng Hiền Lương lập ra

Ban đầu, chùa thuộc xóm Cồn Bệ - trung tâm của làng Hiền Lương. Nhưng về sau dân làng với lý do tránh sự tranh chấp đất đai đã dời chùa sang khu đất tiếp giáp với làng Phú Lễ

Chùa nằm trong khuôn viên rộng 4.360m², đã được trùng tu vào các năm 1806, 1924, 1969, 1987. Tam quan chùa có kiến trúc đồ sộ, gồm hai tầng

Chính điện của chùa có hai gian bốn chái. Hai chái sau khá rộng, là nơi lưu giữ nhiều sắc phong và các tài liệu thư tịch cổ, hai chái trước đặt giá treo chuông đồng và trống theo nguyên tắc "tả chung hữu cổ".

Chùa thờ Phật, các thánh Quan Công, Quan Bình, Châu Xương và 12 vị thủy tổ các dòng họ có công lập làng

Nội thất chùa, từ bộ khung đến hệ thống liên ba, cửa bảng khoa đều trang trí, chạm nổi hình bát bửu, tứ linh, tứ thời, và các kiểu hoa văn tinh xảo

Một nét nghệ thuật đặc sắc của chùa Giác Lương là các mảng trang trí bằng mảnh sành sứ rất sinh động

Họa tiết trang trí trên mái chùa.

Bộ cửa gỗ của chính điện được chạm khắc tinh xảo.

Chùa hiện lưu giữ một quả chuông lớn đúc năm 1819, 7 pho tượng cổ mà bà Hoàng Thị Phiếu cung tiến và có 17 bản sắc phong của các vua nhà Nguyễn cho những người có công khai canh, khai khẩn làng

Sân trước chính điện có cây sứ cổ trên dưới 200 năm tuổi

Trong khuôn viên chùa còn có các Miếu: Cao các thành hoàng, Đặc tấn phụ quốc thượng tướng quân Trần Quý Công và hai vị Dương Đại Lang

Các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá, chùa Giác Lương góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử hình thành phong cách kiến trúc chùa xứ Huế trong tổng thể bức tranh kiến trúc Phật giáo Việt Nam

Ngôi chùa cổ này đã được xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1992

Quốc Lê
Ngôi chùa làng ở Thừa Thiên Huế được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa quốc gia 

Chúa Tiên – Nguyễn Hoàng được vua Lê cử vào trấn thủ đất Thuận – Quảng (1558 - 1613), đã mở đầu bước ngoặt mới trong lịch sử Việt Nam.

Ngoài thân thích, tướng sĩ thuộc quyền quyết tâm theo phù tá Chúa Nguyễn, còn rất đông dân chúng ở Thanh, Nghệ cũng bỏ quê hương vào phương nam lập nghiệp. Làng Rèn Hoa Lang thuộc phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa hình thành trong lần di dân quan trọng này.


Sau khi ổn định cuộc sống trên quê hương mới, các vị khai canh hợp nhau làm ngôi chùa tranh thờ Phật tại Cồn Bệ (một gò đất cao, cây cối rậm rạp nằm ven đồng ruộng làng) phục vụ cho tín ngưỡng tâm linh. Khoảng đầu thế kỷ 18, chùa được di dời về khu đất đầu làng cho hợp phong thủy, thuận tiện sinh hoạt, cúng tế nhờ công đức của hai ông Dương Phước Pháp, Dương Phước Dã và bà Hoàng Thị Phiếu (thọ giới Uu-bà-di, pháp danh Như Giác, đạo hiệu Huyền Chân) phát tâm tiến cúng tượng Phật, tự khí xin vào ở chùa tu niệm trọn đời (Tháp mộ của Bà hiện tồn tại ở Cồn Bệ).

Cuối thế kỷ 18, trong binh lửa của cuộc nội chiến Trịnh, Nguyễn Chùa làng Hoa Lang bị đổ nát như số phận của nhiều chùa chiền ở Phú Xuân, Thuận Hóa.


Năm 1802, Chúa Nguyễn Phước Ánh, nhất thống sơn hà, lên ngôi, xưng đế hiệu Gia Long, khai sáng triều Nguyễn (1802 – 1945). Đất nước thống nhất, hòa bình, con dân làng Hoa Lang góp công, góp của tôn tạo chùa: “Nguyên trước chùa làng noi theo dấu cũ, trải bao phen nước ngập sóng dồi điện thờ hư hoại. Qua bao cuộc mưa sa, gió táp rường cột rã rời. Ví dầu, chẳng đem hết mưu người làm sao cho an thiên trụ. Do đó, chọn giờ đại lợi, ngày 18 tháng 3 năm Bính Dần (1806) dựng cột thượng lương, trùng tu chùa cũ…”(1). Ngày mồng 8 tháng 6 năm Bính Dần (1806), làng mở hội khánh thành và truy tiến cầu siêu cho Tổ tiên suốt 5 ngày đêm.

Năm Kỷ Mão (1819), trong làng có hai mươi vị quan chức thành đạt tiêu biểu như: Nguyễn Lương Nhĩ, Hoàng Văn Lịch, Dương Công Duyện, Trương Công Lân, Trần Tánh, Lê Hoan,…đã phát tâm đúc chuông lớn (Đại hồng chung), tạo tượng tam thế Phật, tượng Hộ pháp long thiên tiến cúng vào chùa.

Triều Thiệu Trị (1841 – 1847), do kiêng húy tên Hoàng thái hậu Hồ Thị Hoa (mẹ của vua Thiệu Trị), theo luật lệ làng Hoa Lang phải đổi tên. Đương thời dân làng có Bình Thắng Nam, Hữu quân đô thống phủ, Chưởng phủ sự Nguyễn Lương Nhàn từng lập nhiều công lớn trong việc dẹp phiến loạn Lê Văn Khôi ở thành Gia Định, chiến thắng bọn giặc Xiêm – La, Chân – Lạp ở biên giới phía nam cùng con trai là Phò mã Đô úy Nguyễn Lương Cung (chồng của Công chúa Lâm Thạnh Nguyễn Phước Hòa Trinh, con gái thứ 53 của vua Minh Mạng) tâu xin được vua Thiệu Trị ban đổi tên Hoa Lang thành Hiền Lương (tỏ ý khen ngợi làng này xuất sinh nhiều vị hiền thần, lương tướng phò vua giúp nước). Từ đây, hiệu chùa trở thành “Giác Lương Tự”.

Năm Quý Mão (1903), Văn Minh điện đại học sĩ, Hiền lương hầu Trương Như Cương tài trợ làng tổ chức “Vu Lan thắng hội” tại chùa suốt 7 ngày đêm để cầu nguyện quốc thái dân an, truy tiến các vị khai canh, khai khẩn, thủy tổ các họ tộc trong làng.

Năm Giáp Tý (1924), Đông các đại học sĩ Trần Đình Bá ủng hộ làng trùng tu chùa.

Sau khi chế độ quân chủ chấm dứt, trải qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước (1945 – 1975), làng Hiền Lương bị tàn phá ác liệt, tất cả nhà cửa, đình miếu bị đốt phá, hủy hoại tan hoang. Nhưng kỳ diệu thay, ngôi chùa Giác Lương vẫn còn tồn tại.

Gốc sứ có tuổi thọ trên 200 năm, có người khẳng định đây là gốc sứ cổ nhất ở Huế.

Đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, con dân làng khắp hai miền Nam, Bắc lần lượt cùng nhau về thăm lại cố hương, quê cha đất tổ. Mái chùa xưa còn đó nhưng do ảnh hưởng chiến tranh, thiên tai lâu ngày nay đã xuống cấp trầm trọng. Mọi người đều ngậm ngùi, lo lắng cho di sản quý báu của Tổ tiên truyền lại đến nay có nguy cơ sụp đổ, mai một.

Thể theo nguyện vọng của con dân, hội đồng bô lão đại diện cho tất cả họ tộc quyết định kêu gọi ủng hộ tôn tạo chùa làng. Trong niềm hân hoan vô biên, ngày 21 tháng 8 năm 1992, Phật sự hoàn thành tốt đẹp, làng tổ chức lễ khánh tạ và đón nhận bằng công nhận chùa Giác Lương là “Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia”. Đây là một vinh dự lớn, lần đầu tiên một ngôi chùa làng ở Thừa Thiên Huế được Nhà nước xác lập đủ tiêu chuẩn xếp hạng này.

Đến nay, Chùa Giác Lương may mắn bảo tồn được một số di sản văn hóa quý hiếm như:
  • Trong khám thờ tại Chánh điện, tôn trí 3 pho tượng Tam thế Phật, chạm trổ tinh tế, sơn son thếp vàng (Chất liệu gỗ, mỹ thuật Huế, triều Gia Long – 1819).
  • Gian bên trái, tôn trí bộ tượng Quan Công, Quan Binh, Châu Xương, sơn thếp màu rất sinh động (Chất liệu gỗ, mỹ thuật Huế, triều Gia Long – 1819).
  • Gian bên phải tôn trí sắc phong thành hoàng, tiền hậu khai canh, thủy tổ các tộc họ trải qua các triều vua Nguyễn.
  • Trên bao lam ở gian giữa chùa treo bức hoành phi đề “Giác Lương Tự” (Lạc khoản ghi: ngày tháng mùa đông năm Tân Mão – Thiệu Trị, 1843)
  • Hai bên treo câu đối làm vào mùa đông năm Kỷ Mão – Gia Long, 1819):
  • Bên trái tiền đường có giá gỗ treo quả chuông lớn (đại hồng chung), đúc vào tháng 10 năm Kỷ Mão (1819) triều Gia Long. Trên thân chuông khắc minh văn ghi họ tên của 20 quan chức trong làng tiến cúng.
  • Đặc biệt, trước sân chùa về bên phải có một gốc sứ tuổi thọ trên 200 năm, hình dáng rất cổ quái, xứng đáng là một cây di sản, rất cần được quan tâm bảo vệ.
Cư sĩ Trần Đình Sơn

Ghi chú:
(1): Trích dịch từ bản sớ cúng lễ lạc thành chùa Hoa Lang, ngày 18 tháng 6 năm Bính Dần (1806)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét