12 tháng 9, 2021

Chùa Giác Nguyên

Tên thường gọi: Chùa Giác Nguyên

Chùa tọa lạc ở thôn Đường Mới, xã Lạc Nghiệp, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, trên một ngọn đồi cạnh quốc lộ. ĐT: 063.849064. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Toàn cảnh chùa

Toàn cảnh chùa (nhìn từ sau)

Chùa còn có tên là chùa Bà Xám (tức bà Huỳnh Thị Lan, vợ một người Pháp), được xây dựng vào năm 1925. Thượng tọa Thích Pháp Chiếu trụ trì hiện nay là Phó Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh, đã tổ chức tôn tạo ngôi chùa, bài trí chánh điện trang nghiêm. Chùa có 4 pho tượng gỗ chạm khắc tinh xảo. Chùa được Sắc tứ vào thời Bảo Đại năm thứ 14 (1939). Quang cảnh ở chùa thật đẹp, nhìn xa phía trước là đập nước của nhà máy Thủy điện Đa Nhim.

Điện thờ Bồ tát Địa Tạng

Điện thờ Bồ tát Quan Âm

Đài Quan Âm

Biển tên chùa

Đại hồng chung

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Chùa Giác Nguyên bên hồ Đa Nhim

Bên cạnh kiến trúc đặc sắc, chùa Giác Nguyên còn nằm ở một vị thế đẹp, nhìn ra hồ thủy điện Đa Nhim với vẻ đẹp hữu tình. Từ sân chùa, du khách cũng có thể ngắm nhìn khung cảnh yên bình của thị trấn Đơn Dương với những nếp nhà nhỏ nằm giữa đồi núi, vườn tược…

Nằm trên một ngọn đồi ở thôn Đường Mới, xã Lạc Nghiệp, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, chùa Giác Nguyên là một ngôi chùa cổ nổi tiếng với cảnh quan đẹp và kiến trúc độc đáo gần thành phố Đà Lạt
 
Chùa còn có tên là chùa Bà Xám (tức bà Huỳnh Thị Lan, vợ một người Pháp), được xây dựng vào năm 1925

Năm 1939 chùa được triều đình nhà Nguyễn ban sắc tứ, năm 1976 được xây dựng lại bề thế. Những thập niên sau đó, chùa tiếp tục được chỉnh trang để có diện mạo như ngày nay

Cổng chùa nằm ở chân đồi, sát quốc lộ 20, được trang hoàng rực rỡ

Đi lên một con dốc cao thoai thoải sẽ đến một khoảnh sân rộng thoáng đãng, hai bên có các điện thờ nhỏ

Phía trước điện thờ bên phải có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đứng trên một đài sen cao

Chính điện của chùa Giác Nguyên nằm trên một triền đồi cao hơn, được dẫn lên bằng hàng chục bậc cấp

Tòa chính điện gây choáng ngợp với dáng vẻ bề thế, uy nghiêm.

Các đầu đao, nóc mái, ô cửa được trang trí bằng các mảnh sành sứ rất kỳ công

Không gian bên trong chính điện có tượng Đức Phật ở trung tâm, xung quanh là tượng Tam thánh tây phương, tượng Phật Đản Sanh, tượng Địa Tạng, Tiêu Diện, Hộ Pháp, Chuẩn Đề… Nhiều tượng làm bằng gỗ tuổi đời trên dưới một thế kỷ

Đại hồng chung của chùa Giác Nguyên đặt ở một bên chính điện

Tầng trên cùng của chính điện là nơi đặt xá lợi Phật do hoàng gia Thái Lan tặng năm 1999

Nhà khách nhỏ xây theo lối cổ nằm cạnh chính điện

Trên sườn đồi sau chính điện, chếch về bên trái có điện thờ ngài Chuẩn Đề với bức tượng cao 6,5 m đúc bằng bê tông, phía trước có hai hạc chầu cao 3m

Bên phải là khu tháp mộ

Nhìn chung, các công trình trong khuôn viên chùa Giác Nguyên gây ấn tượng mạnh với sự trang trí rất công phu, tỉ mỉ

Các họa tiết trang trí chủ yếu là hình hoa sen, cúc cách điệu, rồng, lân, hoa lá và cảnh thiên nhiên

Những cây cột ở trước chính điện có hình rồng cuốn quanh rất đẹp

Bên cạnh kiến trúc đặc sắc, chùa Giác Nguyên còn nằm ở một vị thế đẹp, nhìn ra hồ thủy điện Đa Nhim với khung cảnh hữu tình

Từ sân chùa, du khách cũng có thể ngắm nhìn khung cảnh yên bình của thị trấn Đơn Dương với những nếp nhà nhỏ nằm giữa màu xanh của đồi núi, vườn tược…

Quốc Lê

'Vườn thượng uyển của nhà Phật' ở Lâm Đồng

Chùa Tổ Đình Sắc Tứ Giác Nguyên nằm trên đỉnh đồi ở thị trấn D’ran, Lâm Đồng, được xây dựng từ 100 năm trước, lưng dựa núi, mặt hướng về thủy điện Đa Nhim.

Cuối năm 1923, Chùa Tổ Đình Sắc Tứ Giác Nguyên (Giác Nguyên) hay còn gọi là chùa Bà Xám được xây dựng trên một ngọn đồi tại thị trấn D’ran, thị trấn thuộc huyện Đơn Dương nằm giữa lưng chừng hai con đèo D'ran và Ngoạn Mục. Giác Nguyên hoàn thành năm 1924, là chùa cổ nhất ở thị trấn D'ran, theo anh Châu Danh Khang, huynh trưởng của Tổ chức Gia đình Phật tử trực thuộc chùa.

Anh Khang cho biết thêm, lúc mới lập, chùa chỉ là một am nhỏ với mái lá, tường đất. Năm 1925, chùa được xây lại bằng gạch mái ngói, nơi chính điện có chín cây cột nên còn gọi là chùa Chín Cột. Chùa được sắc tứ (lệnh vua ban) vào thời Bảo Đại năm thứ 14 (năm 1939).

Đến năm 1976, hòa thượng Thích Pháp Chiếu người Bình Định về làm trụ trì đã cho sửa chữa, tu bổ chùa cũ, đồng thời xây dựng thêm chùa Trung, điện Thượng và một số công trình phụ.

Chùa được xây dựng trên một ngọn đồi ở thị trấn D’ran, hướng về phía thủy điện Đa Nhim.

Cổng chùa nằm ở mặt đường chính, thuận tiện cho việc di chuyển. Đường vào chùa là dốc thoải dài khoảng 500 m. Đi hết con dốc đầu tiên sẽ đến một khoảng sân rộng, bên phải là Chính điện, phía trước đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đứng trên đài sen trắng, hai bên có hạc chầu màu vàng. Phía bên trái, đối diện chính điện là cổng gỗ màu đỏ hướng ra phía thủy điện Đa Nhim, được xây dựng từ những năm 60, xung quanh là rừng phòng hộ của hồ thủy điện.

Từ khoảng sân rộng, những bậc thang dài dẫn lên Điện Thượng, nơi được điêu khắc, chạm trổ tỉ mỉ từng góc cạnh. Tầng trên cùng của mái chùa tầng uốn đao cong, mái vòm phía dưới được trang trí bằng họa tiết cách điệu từ rồng.

"Ấn tượng nhất là hình ảnh thân rồng uốn lượn quanh hai cột trụ trước cửa điện, tạo vẻ uy nghi cho công trình", Nguyễn Tấn Sang (25 tuổi, TP HCM) cho biết sau khi đến chùa vào tháng 6.

Chính điện trong Điện Thượng thờ bốn mặt với nhiều tượng cổ. Mặt tiền trên cao chính điện thờ Đức Phật, Xá Lợi Phật, phía dưới thờ Tam Thánh Tây Phương và tượng Phật Đản Sanh. Phía sau thờ cổ tượng Tổ bằng gỗ. Tầng trên cùng của chính điện là nơi đặt Xá Lợi Phật được hoàng gia Thái Lan tặng năm 1999, anh Khang thông tin thêm.

Phía bên trái Điện Thượng là Điện thờ Chuẩn Đề, nơi đặt tượng Phật nghìn Tay cao 6,5 m với hai hạc chầu cao 3 m hai bên. Bên phải thờ tượng Địa Tạng, Tiêu Diện, Hộ Pháp làm bằng gỗ cổ.

Tháp cao nhất Điện Thượng, nằm sau những bậc tam cấp dài, được xây dựng theo kiến trúc Tây Tạng kết hợp hoa văn, họa tiết rồng và hoa sen, hoa cúc cách điệu.

Nơi đặt Xá Lợi Phật do Hoàng gia Thái Lan tặng năm 1999.

Chính điện trong Điện Thượng với nhiều tượng cổ.

Họa tiết trang trí chùa được kết hợp từ nhiều phong cách kiến trúc khác nhau.

Điện thờ Chuẩn Đề, nơi đặt tượng Phật nghìn Tay.

Gian phòng tiếp khách được bày trí nhiều hoa và cây cảnh.

Chính điện trên Điện Trung của chùa.

Trên ngói chùa có họa tiết hoa cúc cách điệu.

Thủy điện Đa Nhim nằm đối diện chùa.

Anh Khang cho biết kiến trúc của chùa có sự pha trộn giữa phong cách Phật giáo nguyên thủy với phong cách kiến trúc của một số nơi tại Việt Nam và châu Á sau nhiều lần tu sửa. Trong chùa có hai ngọn tháp được xây dựng theo kiến trúc Thái Lan, một tháp khác thiết kế theo nghệ thuật kiến trúc San Chi của Ấn Độ. Đỉnh tháp cao nhất của Điện Thượng xây dựng theo kiến trúc Phật Giáo Tây Tạng. Nhưng phía sau tháp lại chạm khắc hoa sen, hoa cúc cách điệu, là nét đặc trưng của mỹ thuật Việt Nam.

Ngoài là nơi đến lễ bái hàng năm của người dân, ngôi chùa còn là nơi nương nhờ, tu tập của nhiều trẻ em địa phương.

Chùa có không gian rộng và thoáng, lại được xây trên đồi cao nên phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy những dãy núi, rừng cây, cánh đồng, những nếp nhà. "Nhìn về hướng Đông là khung cảnh đập thủy điện Đa Nhim nằm đối diện chùa, dưới trời xanh, mây trắng, mang đến cảm giác yên bình như khung cảnh trong phim", Sang chia sẻ.

Khung cảnh thị trấn D’ran nhìn từ chùa Giác Nguyên.

Theo Sang, đây là nơi thích hợp để tìm đến vãn cảnh và tịnh tâm. Du khách đến đây nên mặc trang phục kín đáo và lịch sự, hạn chế gây tiếng ồn trong sân chùa để giữ gìn bầu không khí thanh tịnh của một ngôi chùa linh thiêng.

Thị trấn D’ran chưa nổi tiếng trong giới du lịch và huyện Đơn Dương cũng chưa phát triển như các huyện khác nên nơi đây vẫn giữ được nét hoang sơ của thiên nhiên. "Đứng từ sân chùa, thu hết những hình ảnh thanh bình đó vào mắt khiến tâm mình cũng muốn lắng đọng lại. Chùa Giác Nguyên giống như 'vườn thượng uyển của nhà Phật' giữa chốn nhân gian", Sang nói.

Quỳnh Mai - Ảnh: Nguyễn Tấn Sang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét