3 tháng 9, 2021

Chùa Hương Tích

Tên thường gọi: Chùa Hương

Chùa thường được gọi là chùa Hương, tọa lạc ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, trên đỉnh Ngàn Hống, núi Hương Tích thuộc dãy Hồng Lĩnh. Hồng Lĩnh là thắng cảnh nổi tiếng của Hà Tĩnh, đã được chạm khắc vào Anh đỉnh, một trong 9 đỉnh đồng lớn ở cố đô Huế năm Minh Mạng thứ 17 (1836). Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông.

Toàn cảnh chùa Hương Tích

Suối Hương Tuyền

Chùa Hương Tích

Từ quốc lộ 1A ngang qua thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, đi khoảng 5km về hướng Đông thì tới chân núi Hồng Lĩnh. Từ đây, chúng ta đi bộ ven triền núi đến miếu Linh Sơn hoặc đi thuyền trên lòng hồ Nhà Đường khoảng 1,5km tới miếu Cô thì dừng lễ trình trước khi lên chùa.

Chùa được dựng từ thời Trần, nhưng đã gắn với truyền thuyết xa xưa hơn, đó là sự tích Bà Chúa Ba tức Công chúa Diệu Thiện, con gái Sở Trang Vương, đến tu hành và đắc đạo ở đây.

Quần thể chùa Hương ở độ cao 650m, được chia làm ba phần chính: Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Theo truyền thuyết, am Thánh Mẫu là nơi Công chúa Diệu Thiện tu hành và hóa Phật Quan Âm. Chung quanh chùa còn nhiều cảnh quan như: động Tiên Nữ, am Phun Mây, miếu Cô, suối Tiên Tắm…





Phong cảnh chùa

Tác giả Bảo Ngọc trong báo Du lịch Việt Nam (số 10, ngày 07 – 3 – 2003) cho biết Lưu Công Đạo năm 1811 đã mô tả chùa Hương Tích trong Thiên Lộc huyện phong thổ chí như sau: “Trên đỉnh núi có bức thành đá, bên thành có 99 cái nền, cái nào cũng ghép bằng đá mài đẽo trơn phẳng gọi là nền Trang Vương… Người ta lấy đá xây thành am, trong am đặt tượng Quan Âm và một số tượng bằng đá. Bên phải am có chùa Phật, bên trái chùa có đền thờ Đại vương núi Hồng. Trong đền có tấm biển vua ban chữ thếp vàng… Một dãy suối xanh, sóng tùng vạn khoảnh, theo bậc đá đi lên, mỗi bước lại một cảnh sắc khác nhau, lên cao trông khắp bốn phương, đúng là nơi danh thắng đệ nhất ở miền Hoan Châu”.

Chùa còn giữ một số di vật cổ như: gạch thời Trần, chuông thời Lê…

Báo Giác Ngộ ngày 26 – 02 – 2004 cho biết, tháng 11 – 2003, Bộ Văn hóa và Thông tin và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo di tích với mức đầu tư 7 tỷ161 triệu đồng, mở rộng quy mô khu di tích tới 1.900 hecta.

Hằng năm, lễ hội chùa từ đầu tháng giêng đến 19 tháng 2 âm lịch, đã đón tiếp đông đảo khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Điện thờ Quan Âm

Chạm rồng ở động Hương Tích

Biển tên chùa

Gạch cổ ở chùa

Trang trí ở chùa

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường

Hương Tích tự - danh lam trên đỉnh non Hồng



Hương Tích tự - từ nhiều năm nay đã trở thành địa điểm linh thiêng không thể thiếu trong cuộc hành hương về cõi Phật, trong hành trình du xuân của rất nhiều người. Du khách đến để dâng hương, hành lễ, nguyện cầu cho một năm an lành và để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của non nước, mây trời, của thiên nhiên hùng vĩ.

Theo các kết quả nghiên cứu, chùa Hương Tích được xây dựng vào khoảng thời Trần (thế kỷ XIII), là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất Việt Nam. Cõi linh thiêng này còn gắn liền với câu chuyện công chúa Diệu Thiện tu hành đắc đạo, hóa Phật, cứu độ chúng sinh.
Không gian tâm linh tại chùa Hương.

Truyền thuyết kể lại rằng: “Vua Trang Vương nước Sở sinh hạ được ba người con gái. Khi trưởng thành, hai chị theo ý vua cha lấy chồng làm quan trong triều. Đến lượt công chúa út Diệu Thiện, vua ép gả cho viên quan võ, là một kẻ độc ác, hung tàn. Nàng phẫn chí và tìm đến cửa phật tu hành, viên quan võ đã phóng hỏa đốt chùa nhưng Diệu Thiện và các tăng ni được Phật che chở, cứu thoát. Phật lại sai Bạch Hổ bảo vệ, che chở, đem nàng sang đất Việt Thường, dừng chân ở động Hương Tích, núi Thíu Lĩnh (tức Hồng Lĩnh) dựng am tu hành. Tại đây, nàng nổi tiếng là vị sư cô từ bi bác ái.

Một góc chùa Hương Tích. Ảnh tư liệu

Giữa lúc đó, Sở Trang Vương lâm trọng bệnh, thầy thuốc khuyên phải có tròng mắt và bàn tay của một người con gái tự nguyện hiến dâng mới cứu được. Khi nghe chuyện, Diệu Thiện đã không ngần ngại móc mắt và cắt bàn tay của mình đưa cho sứ giả về cứu cha. Trang Vương khỏi bệnh, sai người đến trả ơn mới biết đó là con gái mình. Đức Phật cảm động về tấm lòng của Diệu Thiện nên đã hóa phép cho mắt nàng sáng, tay mọc lại như cũ. Diệu Thiện đã tu hành đắc đạo và hóa thành Phật Quan Âm ngàn mắt ngàn tay”.

Người dân tìm cho mình phút tĩnh lặng, bình an nơi cửa Phật

Ở chính nơi Diệu Thiện đã tu hành và hóa Phật, Nhân dân đã xây dựng thành nơi thờ tự, ngôi chùa Hương Tích ngày nay. Trải qua thăng trầm, biến đổi của thời gian, với nhiều lần trùng tu tôn tạo, dấu tích xưa của ngôi chùa cổ vẫn còn hằn những nét rêu phong cổ kính trên nền đá. Và câu chuyện huyền thoại về nàng công chúa hiếu thảo hóa Phật vẫn được dân gian lưu truyền mãi mãi. Ẩn sau sự tích ấy là những triết lý nhân văn của nhà Phật, nhắc nhở con người luôn mang cái tâm từ bi hỷ xả để đối đãi chúng sinh.

Chùa Hương Tích tọa lạc trên một trong những đỉnh núi đẹp nhất của dãy Hồng Lĩnh, nằm ở độ cao 650 m so với mặt nước biển. Nơi đây, được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” - ngôi chùa đẹp nhất vùng Hoan Châu (Xứ Nghệ) và là một trong 21 thắng cảnh của nước Nam xưa. Chùa nằm sâu trong những bóng cây cao khuất, mây mù bao phủ; đường lên chùa dài gần 4.000 m, được bao bọc bởi rừng cây xanh mát quanh năm.


Hương Tích tự nằm trong quần thể kiến trúc cổ gồm 3 khu vực chính là Thượng điện, đền Thiên Vương, am Thánh Mẫu xếp từ thấp đến cao tựa theo sườn núi. Ngoài 3 khu vực chính, chùa Hương Tích còn có miếu cửa rừng, trạm nghỉ Phật Bà, am Giác Phổ, khe Quỷ Khốc, thác Giải Oan, chùa Thượng, nhà thờ tổ, điện Thánh Mẫu, am Diệu Thiện, am Dược Sư, nền Trang Vương, am Bát Cảnh… Phía sau chùa là vô số tảng đá lớn, xung quanh nhiều cây cổ thụ vươn ra tỏa bóng xuống các mái chùa, tạo nên sự u tịch, trầm tư và linh thiêng… Nơi đây còn có những cảnh sắc tuyệt đẹp liên kết thành một cụm thắng cảnh gồm hàng chục di chỉ: động Tiên Nữ 36 cửa vào ra, am Phun Mây, suối Tiên Tắm...

Phong cảnh hữu tình tạo nên sự thu hút đối với khách du lịch. Ảnh: Đồng Anh

Từ quốc lộ 1 ngang qua thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, đi khoảng 5 km về hướng Đông thì tới chân núi Hồng Lĩnh. Từ đây, du khách có thể di chuyển lên chùa bằng 3 cách: đi xe điện lên núi rồi đi cáp treo; đi bộ ven triền núi đến miếu Linh Sơn rồi lên chùa; đi thuyền trên lòng hồ Nhà Đường khoảng 1,5 km tới miếu Cô lễ trình rồi lên chùa.

Cảnh sắc mê đắm lòng người đã tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng, để Hương Tích tự trở thành điểm đến của các thiện nam, tín nữ, của tao nhân mặc khách.


Nhờ những giá trị đặc biệt về lịch sử, cảnh quan, khảo cổ và văn hóa tâm linh, năm 1990, chùa Hương Tích được công nhận là di tích văn hóa - thắng cảnh cấp quốc gia.


Người dân tuân được khuyến cáo tuân thủ quy định về phòng, chống dịch khi về với chùa Hương Tích.

Anh Nguyễn Quang Huy - du khách đến từ quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Lần đầu tiên đến với chùa Hương Tích, tôi đã ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ của vùng đất này. Những công trình kiến trúc cổ kính kết hợp với câu chuyện huyền bí, thấm đẫm triết lý nhà Phật khiến tâm mỗi người trở nên tĩnh tại, hướng thiện hơn”.


“Trong chiến lược phát triển, huyện Can Lộc xác định, việc phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch là một trong 3 mũi đột phá của nền kinh tế địa phương. Trong đó, chùa Hương Tích được xem là điểm nhấn quan trọng của các tour, tuyến du lịch văn hóa tâm linh, du lịch trải nghiệm trên địa bàn. Việc đánh thức tiềm năng, lợi thế này của huyện Can Lộc đang có sự chuyển động rõ nét bằng những thay đổi đáng mừng. Đó là các hoạt động quảng bá, mời gọi, thu hút nguồn lực, xúc tiến đầu tư các công trình để nâng tầm giá trị văn hóa Khu du lịch chùa Hương Tích, trở thành “đặc sản” riêng của Hà Tĩnh”, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc chia sẻ.

Cáp treo chùa Hương. Ảnh: Đồng Anh

Giai đoạn 1 (triển khai từ cuối năm 2020 đến nay), dự án ADB với nguồn đầu tư 130 tỷ đồng được hoàn thành đã “thay áo” cho Khu du lịch chùa Hương Tích. Theo đó, nhiều hạng mục như nhà quản lý điều hành, quảng trường, đường xe điện đến ga cáp treo, bãi giữ xe, hệ thống chiếu sáng... được nâng cấp, mở rộng, tạo nên sự hoàn thiện và đồng bộ về cơ sở hạ tầng.

Song song với việc cải thiện hạ tầng du lịch, huyện cũng đã đổi mới hình thức quản lý, phối hợp với các công ty lữ hành để quảng bá, kết nối các tour, tuyến, thu hút khách du lịch đến tham quan. Từ chủ trương của huyện và mục tiêu chung là khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của địa chỉ tâm linh, các dịch vụ kinh doanh ở chùa Hương Tích đã tạo nên sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau. Đó cũng là yếu tố nâng cao chất lượng, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, khiến sức hút của chùa Hương Tích đối với du khách ngày càng lớn.


Ông Nguyễn Tiến Trình - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Thành Sen (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2021, với dịch vụ trọn gói (có người dẫn đoàn, thuyết minh, hướng dẫn cách làm lễ...), Trung tâm Điều hành và hỗ trợ dịch vụ du lịch chùa Hương Tích của công ty đang được đánh giá là một hình thức chăm sóc khách hàng hấp dẫn và chất lượng. Vì thế, du khách tìm đến với dịch vụ tăng đáng kể”.
.....

Cũng từ nỗ lực quảng bá, kết nối của lãnh đạo huyện, những ngày đầu năm mới, chùa Hương Tích đã đón đoàn lãnh đạo của Công ty TNHH Cây xanh Công Minh (tỉnh Bình Phước) đến tham quan, khảo sát đầu tư tại khu du lịch tâm linh này.

Đoàn công tác Công ty TNHH Cây xanh Công Minh khảo sát đầu tư vào khu du lịch chùa Hương Tích.

Ông Nguyễn Công Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Cây xanh Công Minh chia sẻ: “Từ lần đầu đến dâng hương tại đây, tôi đã ấn tượng với vẻ huyền bí, linh thiêng của danh thắng này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát và xin ý kiến phản biện của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực du lịch. Nếu có thể, chúng tôi sẽ đầu tư khu nghỉ dưỡng và thể thao tại đây để tăng sức hấp dẫn với dòng khách du lịch khi đến với Hoan châu đệ nhất danh lam”.

Giai đoạn này, huyện Can Lộc cũng tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn để hoàn thiện đề án tổng thể quản lý đầu tư và phát triển du lịch chùa Hương Tích. Việc hoàn thiện đề án sẽ rộng mở những cơ hội thu hút đầu tư, đẩy mạnh liên kết tour, tuyến, góp phần định vị thương hiệu du lịch văn hóa tâm linh của chùa Hương Tích trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Nội dung: Thúy Ngọc - Đình Nhất
Ảnh: Thuý Ngọc - Đình Nhất - CTV
Thiết kế: Huy Tùng
Có một chùa Hương khác

Chùa Hương ở Hà Tây với bài hát nổi tiếng Em đi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhạc Trung Đức) là trọng điểm du lịch hành hương của cả nước. Ít ai biết rằng, chùa Hương Hà Tây chỉ là phiên bản, xây dựng vào cuối thế kỷ XVII. Chùa Hương gốc ở trên núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) được xây dựng từ đầu thế kỷ XIII.

Các vua Lê – chúa Trịnh quê vùng Thanh Hóa nên các phi tần, mỹ nữ đa số được chọn tuyển ở miền Hoan Châu. Hằng năm, các cung phi, cung nữ thường trẩy hội chùa Hương bằng đường thủy qua cửa Hội Thống (gần Cửa Lò ngày nay). Dù đã bố trí lính lệ bảo vệ, phục dịch dọc đường; chúa Trịnh vẫn lo lắng nên lệnh cho xây chùa Hương Tích thứ hai ở Hà Tây mà thờ vọng để các cung tần đi trẩy hội gần và dễ quản lý hơn. Chùa Hương Hà Tây chỉ cách Hà Nội khoảng 60 km, còn chùa Hương Hà Tĩnh hơn 300 km.

Phong cảnh non xanh nước biếc từ ngôi chùa trên cao nhìn xuống

Chùa Hương Tích hay Hương Tích cổ tự, nghĩa là chùa Thơm, được mệnh danh Hoan Châu đệ nhất danh thắng, xếp vào hàng 21 thắng cảnh nước Nam xưa. Chùa ở độ cao 650m, trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy Hồng Lĩnh (Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh). Chùa được chạm khắc vào Anh Đỉnh – một trong chín đỉnh đồng lớn đặt ở Đại Nội Huế từ năm 1936.

Hỏa hoạn năm 1885 đã thiêu hủy phần lớn các công trình và hiện vật, chỉ sót lại vài kiến trúc đơn lẻ, gạch lát thời Trần, quả chuông thời Lê. Năm 1901, chùa được Đào Tấn, ông tổ ngành Tuồng cổ và là Tổng đốc An Tĩnh xây dựng lại. Các công trình kiến trúc như đền, am, chùa được khởi tạo, trả lại dáng vẻ nguyên xưa. Tiếc là Phật phả và Bia ký không còn nên sử liệu về chùa Hương Tích khởi công xây dựng chính xác vào ngày tháng không có, chỉ phỏng đoán năm, dưới thời nhà Trần, cùng tuổi với chùa Yên Tử ở Quảng Ninh.

Khác với nhiều chùa khác, Hương Tích cổ tự là cả quần thể di tích văn hóa tôn giáo. Có chùa thờ Phật, đền thờ Thần, có đền mang tín ngưỡng nông nghiệp và thờ mẫu. Quần thể chùa chia làm ba phần chính: Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Theo truyền thuyết, am Thánh Mẫu là nơi Công chúa Diệu Thiện, con vua Trang Vương, tu hành và hóa Phật Quan Âm. Kiến thúc thuần Việt, từ bậc thang đá đến tường và mái ngói đều có rêu phong, chứng tích của thời gian lưu lạc. Xung quanh chùa còn nhiều cảnh quan như động Tiên Nữ, am Phun Mây, miếu Cô, suối Tiên Tắm, khe Quỷ Khóc…

Chùa Hương Tích gắn liền với những truyền thuyết vua Hùng tìm đất đóng đô và 99 con Phụng Hoàng, về Ông Đùng xếp 99 ngọn núi để cưới Bà Đùng và nhiều di tích trên núi Hồng Lĩnh.

Mái chùa cổ kính

Cung Tam Bảo là kiến trúc tiêu biểu nhất trong quần thể, nơi lưu giữ nhiều pho tượng Phật có niên đại từ hàng mấy trăm năm. Điện thờ có 50 pho tượng Phật ngồi, cao ngang tầm ngực, vô vi, ưu tư trầm mặc giữa sương mây, lửa nến và hương đồng gió nội. Trong những năm 1960-1975 để tránh bom đạn, các tăng ni đã bí mật chôn giấu các pho tượng Phật vào lòng đất.

Mãi đến năm 2006, khi chùa trùng tu tôn tạo, các tượng Phật mới được đào lên phúng viếng, thờ phụng. Như có phép lạ, trải qua bao nhiêu năm vùi sâu dưới đất, sau khi hành lễ và tráng nước thơm, các pho tượng lại bóng loáng, không có dấu hiệu hoen rỉ, ố mòn. Nhiều người tin rằng đó là kỳ tích Quan Âm linh thiêng, Phật tổ độ trì do thiện tâm cầu khẩn và trời đất phù hộ.

Chùa Hương cách quốc lộ 1 chừng 6 km về hướng tây, xe 45 chỗ vào tận nơi. Khách mua vé vào cổng rồi đi thuyền máy khoảng 3 km trên hồ nhà Đường. Tiếng địa phương gọi là hồ nhà “Đơờng”, có từ thời Bắc thuộc, cách đây hơn 2.000 năm. Nước hồ trong xanh và mát, phẳng như một tấm gương khổng lồ giữa đất trời lồng lộng và mênh mông rừng núi. Lên thuyền từ khe Quỷ Khóc và men theo lối mòn trekking khoảng 2km là tới ga cáp treo. Lối đi xinh và đẹp như tranh. Khi len lỏi giữa rừng thông vi vu, lúc gập ghềnh khúc khuỷu, cạnh suối Hương Tuyền róc rách. Gió mơn man và thông thầm thì tình tự, thơm thảo hương rừng.

Đường xuống núi

Mùa hè, quần áo đẫm mồ hôi và gió Lào thử thách, còn hơn tập thể dục nặng. Thích nhất là đi vào dịp tháng 10, trời se lạnh, thông bừng sáng nến chào đón, khách nhẩn nha vãn cảnh, lòng an tâm tịnh, chơi vơi như thoát tục. Nếu lười đi bộ, có thể nhờ xe ôm thồ lên ga cáp treo. Đường núi lởm chởm ổ voi, xe chồm như ngựa chứng, có người lên tới nơi mặt tái mét, tưởng trúng gió.

Viếng chùa mà vài cây số đường núi cuốc bộ không nổi thì nên bái vọng từ ngoài quốc lộ hoặc tại gia vì Phật tại tâm. Đã đi hành hương thì phải dám hành xác, ít ra cũng vã mồ hôi. Từ cáp treo, tha hồ ngắm toàn cảnh Hồng Lĩnh với hồ nhà Đường và bát ngát xanh núi rừng, đồng ruộng. Nhiều bữa, gió đùa khô áo, mây sà vào cabin ghẹo khách.

Khác biệt và đối lập với phiên bản Hà Tây, chùa Hương Tích ở Hồng Lĩnh còn giữ được nhiều nét chân quê, dân dã. Chùa nhỏ, suối nhỏ, am nhỏ, đường nhỏ, buôn bán nhỏ, quà nhỏ và nói năng cũng nhỏ. Quà nhỏ là món hành tăm còn gọi là củ nén, đặc sản của vùng đất lam lũ và chịu hạn. Theo Đông y, hành tăm tính nóng, vị cay; có tác dụng tiêu đờm, giảm ho, sát khuẩn, giải độc, lợi tiểu… Món cháo nóng hành tăm giải cảm cực tốt. Bị sốt do cảm lạnh cứ đập mấy củ xoa vào lòng bàn chân và sống lưng là hạ sốt. Chưng cách thủy với đường phèn trị ho, sổ mũi, nhức đầu. Hành tăm còn là gia vị để chế biến các món có tính lạnh như lươn, nghêu, các loại cá… Quà nhỏ mà tinh tế như duyên thầm của các cô gái quê, sâu lắng như mấy điệu hò ví dặm.

Trừ mùa lễ hội sau tết, những dịp khác chùa Hương Tích tĩnh lặng đến nao lòng. Khách nhẹ lòng suy gẫm, như thoát tục, tạm xa bụi trần để đến với cõi Phật sắc sắc không không. Mùa vắng, cáp treo cũng nghỉ, chỉ hoạt động khi có khách mua vé. Những ai thật tâm muốn tìm chút không gian Phật nguyên thủy, thì chùa Hương Tích Hà Tĩnh là điểm hẹn tâm linh chưa bị thương mại hóa. Ra về cứ vấn vương cõi Phật, bỗng thấy mình tự tại, bớt sân si giữa biển đời sóng gió.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN MỸ (Lửa Việt Tours)
Khám phá ngôi chùa chúa Trịnh xây cho mỹ nữ

Chùa được đặt tên là chùa Hương Tích, phỏng theo chùa Hương nổi tiếng trên đất Hà Tây cũ. 

Theo một số sử liệu, vào cuối thế kỷ 18, để phục vụ nhu cầu tâm linh của các cung nữ, chúa Trịnh đã cho xây một ngôi chùa trên đỉnh núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Ảnh: Lối mòn dọc theo sườn núi Hồng Lĩnh dẫn lên chùa. 
 
Chùa được đặt tên là chùa Hương Tích, phỏng theo chùa Hương nổi tiếng trên đất Hà Tây cũ. Ảnh: Tam quan chùa Hương Tích.

Cũng có tư liệu cho rằng chùa được xây từ thế kỷ 13. Dù hình thành vào thời kỳ nào thì kiến trúc cũ của chùa cũng đã bị hỏa hoạn làm cháy trụi vào năm 1885. Ảnh: Các bậc thang dẫn lên chính điện của chùa.

Vể cơ bản, kiến trúc chùa hiện này được Tổng đốc An – Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh) là Đào Tấn cho xây vào năm 1901. Ảnh: Chính điện của chùa Hương Tích.

Theo truyền thuyết, chùa là nơi thờ công chúa Diệu Thiện con vua Trang Vương nước Sở - người được coi là kiếp cuối cùng của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát theo điển tích Phật giáo.

Bên cạnh Phật giáo, ngôi chùa cũng mang dấu ấn các tín ngưỡng dân gian của người Việt. Ảnh: Tượng hổ chầu và điện thờ Thánh mẫu ở bên trái chính điện, thể hiện nét văn hóa của đạo Mẫu. 

Dọc theo con đường núi dẫn lên chùa có hai ngôi miếu cổ là miếu Cô và miếu Cậu, là miếu thờ thần núi theo quan niệm của người Việt. 

Từ sân chùa có thể phóng tầm mắt bao quát một khoảng không gian hùng vĩ của núi rừng Hà Tĩnh

Sau chùa có một lối dẫn lên đỉnh núi, là nơi còn di tích của nền Trang Vương - một quần thể kiến trúc thờ Phật phong phú phát triển hưng thịnh thời nhà Trần, với 9 cấp nền trải dài theo địa hình núi. 

Khung cảnh thiên nhiên hoang sơ dọc đường lên chùa. Trong quá khứ, chùa từng được mệnh danh là “Hoan châu đệ nhất danh lam”.

Trước kia, du khách phải đi bộ vượt nhiều km đường núi để tới chùa, nhưng hiện nay việc đi lại đã thuận lợi hơn nhiền với việc trang bị hệ thống xe điện, cáp treo, thuyền đò... 

Quốc Lê

Ngôi chùa 'đệ nhất Hoan Châu' trên núi Hồng Lĩnh

Được mệnh danh là một trong 21 thắng cảnh đẹp nhất nước Nam xưa, chùa Hương ở huyện Can Lộc thu hút rất nhiều khách đến vãn cảnh, chiêm bái.


Chùa Hương hay còn gọi là Hương Tích Cổ Tự, có nghĩa là chùa Thơm, thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Chùa nằm ở độ cao 650 m, lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những đỉnh đẹp nhất trong 99 ngọn trên núi Hồng Lĩnh. Nơi đây được mệnh danh là "Hoan Châu đệ nhất danh lam" - ngôi chùa đẹp nhất vùng Hoan Châu (xứ Nghệ), một trong 21 thắng cảnh của nước Nam xưa.

Theo nghiên cứu, chùa Hương được xây dựng thời Trần, thế kỷ XIII, là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất Việt Nam. Tương truyền, vua Trang Vương nước Sở sinh hạ được ba con gái, khi trưởng thành hai chị lấy chồng làm quan trong triều. Đến công chúa út Diệu Thiện thì bị vua cha ép gả cho một viên quan võ, là một người độc ác, hung tàn. Nàng phẫn chí và đi tu, người chồng sau đó tìm đến phóng hỏa đốt chùa, nhưng may mắn được đức Phật che chở, cứu thoát. Diệu Thiện sau đó đến động Hương Tích, núi Hồng Lĩnh dựng am tu hành.

Sau đó, Sở Trang Vương lâm trọng bệnh, thầy thuốc khuyên phải có tròng mắt và bàn tay của một người con gái tự nguyện hiến dâng mới cứu được. Diệu Thiện biết chuyện đã hy sinh đôi mắt và bàn tay của mình đưa cho sứ giả về cứu cha. Vua khỏi bệnh, sai người đến trả ơn mới biết đó là con gái mình. Đức Phật cảm động tấm lòng của Diệu Thiện nên hóa phép cho cơ thể nàng lành lặn lại như cũ. Diệu Thiện sau đó tu hành đắc đạo và hóa thành phật quan âm nghìn mắt nghìn tay.

Ở chính nơi Diệu Thiện tu hành và hóa phật, người dân đã xây nơi thờ tự là chùa Hương.


Chùa Hương từng trải qua nhiều biến cố lớn. Năm 1885, sau một trận hỏa hoạn phần lớn các công trình kiến trúc, tượng phật, hiện vật trong chùa bị thiêu rụi, chỉ sót lại một vài công trình kiến trúc đơn lẻ.

Đến năm 1901, chùa mới được vận động xây dựng lại dưới thời Tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn. Các công trình kiến trúc như đền, am, chùa, hầu hết được khởi tạo lại trả về dáng vẻ nguyên xưa.

Chùa trong quần thể kiến trúc cổ gồm ba khu vực chính là thượng điện, đền Trang Vương, am Thánh Mẫu xếp từ thấp đến cao tựa theo sườn núi. Ngoài ra, quần thể còn có miếu cửa rừng, trạm nghỉ Phật Bà, am Giác Phổ, khe Quỷ Khốc, thác Giải Oan...


Du khách sau khi đến khu vực bán vé do Ban quản lý khu di tích chùa Hương ở xã Thiên Lộc phụ trách, có thể lên chùa bằng ba cách. Thứ nhất là đi xe điện lên núi rồi đi cáp treo. Xe điện từ bến chạy lên điểm bán vé cáp treo mất khoảng 10 phút, giá vé cả khứ khồi là 35.000 đồng một người. Một chuyến xe điện có thể chở khoảng 10 người.


Phương án thứ hai là đi thuyền từ bến Hương Tuyền, di chuyển khoảng 1,5 km qua đập Nhà Đường trong 20 phút, sau đó tiếp tục đi bộ đường rừng khoảng 500 m để mua vé đi cáp treo lên chùa. Mỗi lần đi thuyền, một du khách phải trả 10.000 đồng cho cả lượt khứ hồi.


Tuyến cáp treo ở chùa Hương dài 900 m, đi qua hai ga là Miếu Cô và Hương Tích. Mỗi cabin có sức chứa khoảng 8 người.

Một lượt đi từ ga Miếu Cô đến Hương Tích khoảng 5 phút. Giá vé người lớn là 180.000 đồng, trẻ em 120.000 đồng cả khứ hồi. Từ cabin, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh vật núi rừng phía dưới.


Ngoài ra, khách hành hương có thể lên chùa bằng cách đi bộ, men theo hàng nghìn bậc thang đá. Tuy nhiên quá trình này vất vả, có thể mất vài tiếng.


Nơi thờ tự chính của chùa là thượng điện, được làm bằng đá, bên trong dựng bởi các cột gỗ, trên mái lợp ngói âm dương. Phía trước có lư hương, du khách khi đặt chân đến chùa thường dâng hương tại sảnh.


Phía trong thượng điện có nhiều tượng phật cổ, người dân thường vào đây quỳ lạy, đọc sớ cầu an.


Tại chùa vẫn còn lưu những chiếc chuông cổ có niên đại từ hàng trăm năm trước.


Phía sau thượng điện là Động Hương Tích, nằm bên khối đá lớn, là một trong những hạng mục quan trọng của chùa.


Xung quanh khuôn viên được bố trí nhiều điểm thắp hương. Bên phải thượng điện có tượng hổ bằng đá, một số người thường đến khấn vái, xức dầu lên thân tượng để mong được chữa bệnh. Nhà chức trách cho rằng việc xoa dầu lên tượng để chữa bệnh là không có căn cứ, từng gắn biển cấm, song vào những dịp đông du khách thì không thể ngăn cản.


Đường lên chùa xa, nên Ban quản lý đã bố trí bàn ghế ở phía hai bên các bậc thang để khách hành hương có thể ngồi ăn uống, nghỉ ngơi.


Một số vị trí có tạo hình cảnh quan để check-in, chụp ảnh lưu niệm.


Một chuyến đi chùa Hương kéo dài hơn một tiếng, đối với du khách đi bằng xe điện, thuyền và cáp treo. Nếu ai di chuyển bằng đường bộ thì mất khoảng 3-4 tiếng.

Mỗi năm, chùa Hương đón hàng trăm nghìn lượt khách đến vãn cảnh, thắp hương, chiêm bái. Chính lễ chùa diễn ra ngày 18/2 âm lịch hàng năm.

Đức Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét