27 tháng 9, 2021

Chùa Linh Sơn Bửu Thiền

Tên thường gọi: Chùa Núi Thị Vãi

Chùa tọa lạc trên núi Thị Vãi, thuộc xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo Quốc lộ 51 đi Vũng Tàu, qua khỏi chùa Đại Tòng Lâm 100m, rẽ trái đi vào 2km là tới chân núi Thị Vãi. ĐT: 064.876950. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Cảnh chùa

Toàn cảnh chùa

Cảnh quan chùa Thượng

Hang Ông Hổ

Đường lên đỉnh núi Thị Vãi

Hòa thượng trụ trì chùa và quý phật tử trên đỉnh núi Thị Vãi

Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, bà Lê Thị Nữ là người đầu tiên tu trên đỉnh núi, nên núi có tên là Thị Vãi. Ni sư Diệu Thiện (Lê Thị Nữ) đã cứu Nguyễn vương thoát nạn, sau lên ngôi là vua Gia Long. Vua đã sắc phong cho Ni sư Diệu Thiện là Linh Sơn Thánh mẫu, sắc tứ Linh Sơn Bửu Thiền tự.

Trải qua một thời gian, chùa được truyền đến Hòa thượng Thích Từ Thuận. Ngài đắc đạo và nổi tiếng cứu dân độ thế trong vùng này. Sau đó, Hòa thượng Thích Trí Đức kế nghiệp trụ trì.

Chùa bị hư hại nặng năm 1945, đến năm 1966 thì chùa bị phá hủy hoàn toàn.

Cổng chùa Linh Sơn Bửu Thiền

Cổng chùa Linh Sơn Bửu Thiền

Chùa Liên Trì

Điện Quang Minh

Chùa Linh Sơn Bửu Thiền (chùa Thượng)

Chư tăng và phật tử trước chùa Thượng

Năm 1993, Thượng tọa Thích Trí Thâm trùng tu chùa, nhưng mới mở đường lên núi và bắt đầu xây chùa thì viên tịch.

Năm 1999, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa. Các công trình do Hòa thượng Viện chủ thực hiện gồm có: Cổng chùa, Chùa Liên Trì, chùa Hồng Phước và Quang Minh điện, chùa Tổ hay Linh Sơn Bửu Thiền tự gồm chánh điện, điện Tỳ Lô Giá Na, vườn Cực lạc, tượng Phật Niết bàn, điện Quan Âm v.v…

Cổng chùa ở chân núi được xây bằng đá, trên có hai mái lợp ngói. Mặt trước, một bên có biển ghi tên chùa: Linh Sơn Bửu Thiền Tự, Linh Sơn Hồng Phúc Tự, Linh Sơn Liên Trì Tự. Một bên khắc văn bia chùa Bửu Thiền của Sơn tăng Nhật Nghiêm (2001). Bài văn có đoạn:

“… Nhờ Phật tử bốn phương, nên công việc đại trùng tu kết quả. Đường lên non khai phá, Quang Minh điện khởi công. Tăng tục quyết một lòng, xây Liên Trì Hải Hội. Những người hết tội, được vào lâu các Tỳ Lô Giá Na. Muốn độ chúng Ta bà, xin hướng về Linh Sơn Phật hiện. Xây dựng Đại hùng bửu điện, làm nơi đàn tín quy y. Lấy cát ở Liên Trì, tạo nên trai đường, Tăng xá. Muốn thành đạo cả, phải vượt Sanh Tử trường kiều. Phật pháp cao siêu, thường gặp trên Niết bàn sơn đảnh. Tổ sư ngộ tánh từ miệng cọp, hang rồng. Tứ đại giai không, được lên bờ giải thoát…”.

Điện Phật chùa Liên Trì

Điện Phật chùa Linh Sơn Bửu Thiền

Hòa thượng trụ trì Thích Trí Quảng ở điện Phật

Tượng Bồ tát Di Lặc trong Điện Quang Minh

Tượng Hộ Pháp

Tháp Tổ

Chùa Liên Trì nằm ở chân núi Thị Vãi, là nơi nghỉ ngơi của khách hành hương trước khi vượt 1.340 bậc cấp đến chùa Linh Sơn Bửu Thiền.

Chùa Hồng Phúc hay chùa Giữa, chùa Trung được xây dựng để nhớ công đức của Hòa thượng Thích Trí Đức. Cạnh chùa là điện Quang Minh thờ Bồ tát Di Lặc ngồi trên tòa sen đặt trên lưng con rồng.

Qua chùa Trung, khách hành hương tiếp tục lên núi. Leo những bậc cấp cuối cùng với độ cao khoảng 750m (tính từ mặt nước biển), khách hành hương đến chùa Tổ (chùa Thượng hay chùa Linh Sơn Bửu Thiền). Ở đây có những pho tượng Kim Cương lộ thiên, tượng Bồ tát Quan Âm đứng uy nghi giữa trời, dưới chân có một con rồng đang uốn lượn.

Tượng Bồ tát Quan Âm ở chùa Liên Trì

Hang Tổ

Đài Quan Âm

Tượng đức Phật nhập niết bàn


Điện Tỳ Lô Giá Na

Ngôi chánh điện chùa Linh Sơn Bửu Thiền quay mặt hướng Nam. Trước chánh điện là pho tượng đức Phật Thích Ca nhập niết bàn. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chính giữa thờ đức Phật Thích Ca, phía trước đặt tòa Cửu Long và tượng Đản sanh, hai bên có tượng Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền. Trước tượng đản sanh là tượng Di Lặc. Bàn thờ hai bên thờ tượng Bồ tát Quan Âm và Bồ tát Địa Tạng. Bàn thờ hai bên phía trong cửa chính thờ tượng Tiêu Diện, tượng Hộ Pháp và tượng Quan Thánh. Phía sau điện Phật là bàn thờ Tổ sư Đạt Ma.

Điện Tỳ Lô Giá Na được xây dựng trên nền chùa Bửu Thiền cũ. Điện thờ Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật và hai vị Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền.

Trước điện Tỳ Lô Giá Na là hồ sen, bên dưới có một mỏ cát lớn. Nhờ cát ở hồ này mà nhà chùa thực hiện những công trình xây dựng trên núi nhanh chóng, thuận lợi.

Trước ao sen là Sanh Tử trường kiều. Khách hành hương đi trên cầu này, ngắm nhìn hoa sen bên dưới, hình dung đang đứng trên hoa sen vượt sanh tử đến bờ giác ngộ.

Phía sau điện Tỳ Lô Giá Na là vườn Cực Lạc. Chùa tôn trí tượng bán thân đức Phật A Di Đà, đầu tựa vào một phiến đá lớn.

Tượng đức Phật Thích Ca

Bàn thờ tượng đức Phật Thích Ca

Bảo tượng đức Phật A Di Đà

Tăng xá

Tượng Bồ tát Quan Âm ở chùa Thượng

Sau ngôi chánh điện, có khu nhà Tăng, nhà trai, nhà bếp …

Bên cạnh nhà trai, có đường lên điện Quan Âm và đường lên Niết Bàn Sơn Đảnh. Ở nơi cao nhất núi Thị Vãi, các tảng đá được thiên nhiên sắp xếp trông giống như pho tượng Phật nhập niết bàn.

Ngoài ra, trên núi cũng còn những cảnh trí thiên nhiên nổi tiếng như hang động nơi Tổ đã an tọa tu hành, giếng nước ông Hổ, giếng Tiên, Phật môn, hang Gió và nhiều hang động nơi người xưa đã ẩn tu.

Ngày 10 – 4 – 2003, Sư cô Thích Nữ Tâm Hạnh, ni chúng chùa Hương Sơn cùng các chú sa di chùa Niết Bàn, tất cả 37 vị đã đến chân núi Thị Vãi, trước sân chùa Liên Trì. Y hậu trang nghiêm, các cô đồng quỳ xuống nguyện hương và thực hành Tam bộ nhất bái từ chùa Liên Trì đến chùa Linh Sơn Bửu Thiền. 

Ngày nay, chùa thường xuyên đón tiếp nhiều du khách, Phật tử, sinh viên – học sinh đến chiêm bái, tham quan, sinh hoạt.

Văn bia chùa

Lễ hội Vu Lan năm 2001

Lễ Phật

Hòa thượng Thích Trí Quảng giảng pháp tại chánh điện chùa Linh Sơn Bửu Thiền

Lễ Phật

Lễ hội Vu Lan năm 2001

Lễ Tam Bộ Thất Bái

Lễ Tam Bộ nhất bái

Lễ Tam Bộ nhất bái

Hòa thượng trụ trì và chư tăng ni tại chùa Thượng

Phật tử tụng kinh cầu an ở Điện Quan Âm

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường

Ngôi chùa độc đáo trên núi Thị Vải

Linh Sơn Bửu Thiền tự còn gọi là chùa Tổ, chùa Thượng nằm trên đỉnh núi Thị Vải, khu phố Vạn Hạnh, TX.Phú Mỹ. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, có niên đại hơn 200 năm.

Khuôn viên Linh Sơn Bửu Thiền tự.

Ngôi chùa được xây dựng với nét kiến trúc độc đáo, giao thoa của 2 nền văn hóa Việt Nam - Nhật Bản. Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, bà Lê Thị Nữ tức Ni sư Diệu Thiện là người đầu tiên lên núi mở am tu hành. Năm 1802, bà nằm mộng thấy vua lạc đường nên đã nấu cơm tìm đường xuống núi và cứu được Nguyễn Vương. Sau khi về kinh, Nguyễn Vương lên ngôi vua và lấy hiệu là Gia Long. Nhớ ơn của bà, vua cho người quay lại núi đền ơn thì hay tin bà đã qua đời. Cảm kích công ơn của bà, nhà vua đã đặt tên cho núi là núi Thị Vải, dòng sông chảy dọc theo triền núi cũng được đặt theo tên gọi này. Đồng thời, sắc phong cho bà là Linh Sơn Thánh mẫu, am nơi bà tu hành cũng được sắc tứ Linh Sơn Bửu Thiền tự.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, năm 1945, chùa xuống cấp nặng. Đến năm 1966, chùa bị chiến tranh tàn phá hư hại hoàn toàn, các tăng ni ở đây phải tản đi nhiều nơi để tránh nạn. Năm 1990, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Viện chủ chùa Linh Sơn Bửu Thiền tự đã cho xây dựng, trùng tu ngôi chùa khang trang như bây giờ.

Để lên được Linh Sơn Bửu Thiền tự phải trải qua 1.200 bậc tam cấp quanh co được xây bằng đá và 2 ngôi chùa là chùa Liên Trì (chân núi), chùa Hồng Phúc (chùa Trung ở giữa núi). Linh Sơn Bửu Thiền tự được xây dựng đặc trưng mang phong cách Nhật Bản. Qua khỏi cổng tam quan để vào chùa, hai bên dựng tháp Kim Can là 2 vị thần có trách nhiệm trông coi, bảo vệ chùa. Bên trái chùa là tháp Tổ, bên phải là tượng Quan Âm lộ thiên cao 6m. Chánh điện Linh Sơn Bửu Thiền tự thờ đức Phật Thích Ca, phía trước đặt tòa Cửu Long và tượng Đản sanh, hai bên có tượng Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền. Phía sau chánh điện thờ Tổ sư Đạt Ma. Bên cạnh nhà trai, có đường lên điện Quan Âm và đường lên Niết Bàn Sơn Đảnh. Ở nơi cao nhất núi Thị Vải, các tảng đá được thiên nhiên sắp xếp trông giống như pho tượng Phật nhập niết bàn.

Giải thích về kiến trúc đặc biệt của ngôi chùa, trụ trì Thích Pháp Huệ cho biết, hòa thượng Thích Trí Quảng, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh là người có hơn 10 năm tu học tại Nhật Bản và có lòng mến mộ với văn hóa nơi đây, năm 1990, khi đặt nền móng trùng tu, xây dựng lại chùa, hòa thượng đã lên ý tưởng xây dựng chùa kết hợp với nền văn hóa của Nhật Bản nhưng vẫn giữ đặc trưng văn hóa đình chùa của người Việt. Ý tưởng trên nhận được sự tán thành của các hòa thượng, tăng ni, phật tử trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Vì nằm trên đỉnh núi cao, xung quanh là rừng nên nơi đây còn rất hoang sơ, không khí trong lành, yên tĩnh. Chùa nhiều năm qua trở thành nơi hành hương của các phật tử thập phương.

Hàng năm, Linh Sơn Bửu Thiền tự còn tổ chức các lễ hội tính theo âm lịch như: Lễ truyền thống khai kinh vào mùng 4 tết; giỗ tổ vào ngày 5 tháng 3; lễ Vu Lan vào ngày 20 tháng 7 và nhiều lễ hội Phật giáo theo lịch của giáo hội Phật giáo Việt Nam khác.

MAI HOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét