8 tháng 9, 2021

Chùa Từ Quang

Tên thường gọi: Chùa Từ Quang

Chùa tọa lạc ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Toàn cảnh chùa

Chùa Từ Quang

Mặt tiền chùa

Chùa ở trên núi, giữa một vùng toàn đá trắng nên còn gọi là chùa Đá Trắng hay chùa Bạch Thạch.

Thầy trụ trì Thích Thiện Tu cho biết, chùa do Thiền sư Pháp Chuyên, tự Lục Truyền, hiệu Diệu Nghiêm khai sơn vào cuối thế kỷ XVIII. Chùa được Sắc tứ đời Thành Thái, còn giữ đại hồng chung đời Duy Tân. Chùa được đại trùng tu năm 1992. Chùa Đá Trắng là một danh lam cổ tự của miền Trung.

Vườn tháp Tổ

Biển tên chùa

Đại hồng chung

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Chùa Đá Trắng Phú Yên có gì đặc biệt?

Không chỉ là nơi có giống xoài tiến vua trứ danh, chùa Đá Trắng còn thu hút du khách gần xa với cảnh quan đẹp và những nét kiến trúc độc nhất vô nhị.

Nằm ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, chùa Đá Trắng là một ngôi cổ tự nổi tiếng với nhiều nét độc đáo hấp dẫn du khách.
 
Chùa được Luật Truyền Hòa thượng, một nhà sư theo dòng Lâm Tế thiền tông sáng lập vào năm 1797. Chùa có tên chữ là Từ Quang, nhưng do nằm trên một ngọn núi nhiều đá trắng nên còn được gọi là chùa Bạch Thạch hay chùa Đá Trắng

Vào thời nhà Nguyễn, chùa Đá Trắng là ngôi chùa lớn bậc nhất Phú Yên. Vào thời vua Thành Thái, chùa được vua ban sắc tứ.

Kể từ khi được xây dựng đến nay, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Cổng chùa là công trình có từ thời nhà Nguyễn, có kiến trúc khá độc đáo vì không phải là dạng tam quan như đa phần các ngôi chùa Việt khác

Chính điện của chùa có ba gian hai chái, nằm trên nền cao khoảng một mét, có bốn lối dẫn lên, hai lối phía trước và hai lối hai bên

Không gian trong chính điện được bài trí giản dị và tôn nghiêm với hình tượng Đức Phật ở trung tâm

Trong chùa có đại hồng chung nặng 330 cân ta, do Hòa thượng Pháp Ngữ đặt làm vào năm Duy Tân thứ 9 (1916) và nhiều tượng Phật cổ hàng trăm năm tuổi.

Khu mộ tháp của chùa Đá Trắng có nhiều ngôi mộ cổ tuổi đời hàng thế kỷ. Các công trình này được trang trí hoa văn, phù điêu và tượng thú khá đa dạng và tinh xảo

Một yếu tố quan trọng làm nên danh tiếng của chùa Đá Trắng là vườn xoài đặc sản bao quanh chùa, đã đi vào thơ ca Phú Yên như là một sản phẩm đặc trưng của mảnh đất này: “Xoài Đá Trắng, Sắn phường Lụa”

Dưới thời nhà Nguyễn, hàng năm đến vụ xoài nhà chùa lại thu hoạch chuyển về kinh dâng Vua, nên xoài Đá Trắng còn có tên là “xoài ngự” “xoài tiến vua” và được phong danh hiệu là “Bạch Thạch Yêm Ba”. Ngày nay, quần thể xoài này đã được công nhận là cây Di sản Việt Nam

Một nét độc đáo khác của chùa Đà Trắng là quanh chùa được bao bọc bằng những bức tường đá cổ xưa được sắp xếp rất khéo léo từ những phiến đá được khai thác trên núi

Trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược nước ta, chùa Đá Trắng từng trở thành pháo đài của nghĩa quân phong trào Cần Vương. Các nhà sư trong chùa khi đó đã cầm vũ khí cùng nhân dân đứng lên đánh Pháp

Ngày nay, chùa được coi là một danh thắng của đất Phú Yên. Vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm, nhân dân khắp các nơi lại nô nức về dự hội chùa

Vào năm 1997, chùa Đá Trắng đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp Quốc gia của Việt Nam

Quốc Lê
Những cây xoài ở chùa Đá Trắng

Nằm bên cạnh QL1A, chùa Đá Trắng (ở xã An Dân, H.Tuy An, Phú Yên) ngày nay vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện vừa mang tính lịch sử, lại vừa nhuốm màu tâm linh.

Xung quanh chùa Đá Trắng là những cây xoài to lớn - Ảnh: Lê Xuân Thọ 

Năm 1797, hòa thượng Luật Truyền, một nhà sư theo dòng Lâm Tế thiền tông, đã khởi xướng xây dựng ngôi Bạch thạch Từ Quang tự trên núi Bạch Thạch. Đại đức Thích Chúc Thuận, người được trao nhiệm vụ trông coi ngôi cổ tự này, cho hay: “Do được xây trên gò đá trắng, nên dân trong vùng hay gọi là chùa Đá Trắng, dù rằng bây giờ tên chùa là Từ Quang - Đá Trắng. Năm 1997, chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia”.

Do được lập dưới triều vua Quang Toản nhà Tây Sơn, nên có lưu truyền rằng sau khi nhà Tây Sơn mất, nhiều tướng quân Tây Sơn đã chọn ngôi chùa này để xuống tóc quy y nhằm tránh sự trả thù của nhà Nguyễn.

Hai cuộc dấy binh

Đầu tháng 8.1885, kinh đô Huế thất thủ. Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi và xuống chiếu Cần Vương. Trước đó, sĩ tử Phú Yên ra ngoài trường thi ở Bình Định để trổ tài, nhận được lời kêu gọi của vua Hàm Nghi, tất cả đều bỏ lều chõng để về tập hợp dưới lá cờ Cần Vương do Lê Thành Phương lãnh đạo. Lúc bấy giờ là ngày 15.8.1885, nơi phất cờ, cũng là căn cứ của nghĩa quân chính là chùa Đá Trắng.

Một pháo đài được dựng lên ngay sau đó, với hai khẩu thần công hướng ra vịnh Xuân Đài, dưới sự chỉ huy của phó tướng Bùi Giảng, đã ngăn được quân Pháp đổ bộ vào đất liền. Trước những chiến công của phong trào Cần Vương ở Phú Yên, tháng 1.1886, vua Hàm Nghi cho sứ thần vào tấn phong Thống soái quân vụ đại thần của triều đình Cần Vương cho Lê Thành Phương (theo sách Danh nhân Lê Thành Phương).

Tiếc là sau gần hai năm dấy cờ khởi nghĩa, nguyên soái Lê Thành Phương trúng kế “điệu hổ ly sơn” của tên Việt gian Trần Bá Lộc. Trước khi bị đao phủ của kẻ địch hành quyết, ông đã cảm khái đọc lớn: “Anh hùng mạc quản doanh do luận/Tổ quốc cô hà sỉ nhục ta!”. Hôm ấy là ngày 20.2.1887, dân gian truyền rằng khi đầu ông vừa chạm đất, cũng là lúc mặt trời lên.

Sau Cần Vương, phong trào Minh trai chủ tể dưới sự chỉ huy của Võ Trứ và Trần Cao Vân cũng từng gây nên tiếng vang một thời. Võ Trứ là người Bình Định, theo giúp Mai Xuân Thưởng chống Pháp. Việc không thành, ông ẩn náu cửa Phật để chờ thời cơ. Rằm tháng 7.1898, tranh thủ lúc dân chúng, phật tử về dự lễ Vu lan tại chùa Đá Trắng, ông đã kêu gọi mọi người về dưới lá cờ Minh trai chủ tể. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa này cũng không tránh khỏi thất bại nặng nề bởi quân Pháp quá mạnh và được trang bị súng ống đầy đủ.

Thực dân Pháp ra sức tàn sát nghĩa quân, chùa Đá Trắng lại thêm một lần chứng kiến biển máu. Võ Trứ ẩn trốn trên núi Bà, sau thấy quân Pháp tra khảo, giết hại dân chúng nhiều quá nên đành từ biệt Trần Cao Vân để nộp mạng cho địch. Còn quân sư họ Trần tiếp tục lên đường tìm kế giúp vua Hàm Nghi chống Pháp.

Người dân xung quanh chùa Đá Trắng, cũng như các vị sư ở đây còn truyền tai nhau câu chuyện: vào những đêm khuya, thường thấy một vị tướng cưỡi ngựa trắng ngang qua chùa với những tiếng gươm giáo và bước chân như quân ra trận. Họ cho rằng đó là Võ Trứ cùng nghĩa quân vẫn còn ở quanh núi để che chở cho dân.

Lạ kỳ xoài tiến vua

Rủ lên Đá Trắng ăn xoài/ Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì… Ấy là nói về giống xoài ở ngôi chùa này. Đây là giống xoài tượng trái nhỏ như nắm tay thiếu niên, khác với các giống xoài khác, xoài ở đây có hoa màu vàng. Tuy nhiên, điều làm cho xoài ở đây nổi tiếng là bởi hương vị thơm dịu và ngọt lịm của nó. Và để phân biệt với các loại xoài khác, người ta gọi đây là xoài Đá Trắng.

Theo đại đức Thích Chúc Thuận, vườn xoài này là do các vị sư phụ trụ trì, tăng ni phật tử trồng, thường cho quả vào tháng tư âm lịch. Ngày nay còn khoảng 20 cây to lớn, cành lá xum xuê. Khoảng 3 - 4 năm về trước vẫn còn một cây cho quả, còn từ đó đến nay thì không hiểu sao không cây nào kết quả. Ngày nay vẫn còn nhiều chuyện lưu truyền về vườn xoài này.

Có chuyện kể rằng vào thời nhà Nguyễn, có một vị quan ghé chân chùa Đá Trắng và được các vị sư dâng tặng xoài ngon nên về kể cho vua nghe. Kể từ đó, nó trở thành món tiến vua hằng năm. Lại có chuyện, lúc chưa lên ngôi, Nguyễn Ánh trong những lần hành quân thường dừng chân ở Xuân Đài, khi thưởng thức các đặc sản ở vùng này, ông thích nhất là xoài Đá Trắng nên từ thời Gia Long, thứ quả này được cung tiến vào dịp Tết Đoan ngọ. Thậm chí, do thấy xoài quý hiếm nên quan huyện phải cử lính canh giữ, những người làm nhiệm vụ này được miễn thuế thân.

“Hái sạch”, đó là mệnh lệnh được ban ra mỗi khi thu hoạch xoài tiến vua. Số xoài sau khi hái được một đội quân nhận nhiệm vụ vận chuyển ra kinh đô. Sau đó, tiệc ngự xoài được vua mở, rồi chia đều cho các quan có chức tước cao và nhiều công trạng. Mặc dù quân lính kiểm soát rất gắt gao trong quá trình hái xoài, nhưng sau đó, các sư vẫn “mót” được vừa đủ vài đĩa xoài để dâng Phật. Về những quả xoài còn sót lại, người thì cho rằng đó là tấm lòng che chở của đất để dâng Phật. Một số người thì cho rằng, đó là tấm lòng thành kính của người hái đối với Phật. Nhờ vậy mà khi xoài chín có màu vàng, tỏa hương thơm ngào ngạt “dẫn đường” cho nhà chùa hái.

Cũng nhờ những quả xoài sót lại ấy mà giống xoài này được nhân rộng khắp vùng xung quanh cũng như nhiều nơi khác. Có điều, xoài trồng ở nơi khác độ thơm ngon lại không bằng ở chùa Đá Trắng. Dân gian lý giải là do xoài ở đây được trồng trên gò đá trắng, cũng có dòng lưu truyền là do được trồng nơi đất Phật nên xoài mới thơm ngon. Một điều khó hiểu nữa là, nhiều sư của chùa ươm cành từ những cây xoài này để trồng nhưng đều không thành công.

Lê Xuân Thọ
Thanh niên online - 28/10/2013
Loạt bài Những di tích kỳ bí - Kỳ 7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét