28 tháng 9, 2021

Chùa Vạn Linh

Tên thường gọi: Chùa Vạn Linh

Chùa thường được gọi là chùa Lá, tọa lạc ở ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. ĐT: 076.760280, 076.760097, 091.8195551. Chùa thuộc Hệ phái Bắc tông.

Phong cảnh


Mặt tiền chùa

Toàn cảnh chùa

Toàn cảnh chùa (nhìn từ sau)

Thượng tọa trụ trì Thích Hoằng Tri cho biết chùa nằm ở độ cao 550m, còn đỉnh núi cao 715m. Chùa do Hòa thượng Thích Thiện Quang khai sơn năm 1927, bấy giờ chỉ là một am tranh. Đến năm 1976, ông Hai, pháp danh Thiện Thới, đệ tử của Hòa thượng Thiện Quang đã cho xây ngôi chùa nhỏ, được người dân địa phương gọi là chùa Lá.

Mãi đến năm 1995, Hòa thượng Thích Trí Tịnh – đương nhiệm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam – là đệ tử của Hòa thượng Thích Thiện Quang, nhận việc xây dựng ngôi chùa và được Chính quyền tỉnh cấp giấy phép xây dựng ngôi chùa quy mô trên núi Cấm với diện tích khoảng 6 hecta.


Điện Phật

Tượng đức Phật Thích Ca

Phù điêu Hộ Pháp (bằng đá)

Phù điêu Tiêu Diện (bằng đá)

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chính giữa tôn trí bảo tượng đức Phật Thích Ca thiền định. Tượng bằng đá nguyên khối, nặng 2 tấn, do điêu khắc gia Hoàng Hữu thực hiện vào năm 1997. Việc vận chuyển pho tượng lên núi vào lúc bấy giờ chỉ có đường rừng là cả một sự kiên trì và sáng tạo của chùa. Hai bên tượng đức Phật đặt hai phù điêu bằng đá tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng do Phật tử Diệu Nghĩa (Úc) cúng dường năm 1996. Phía trước điện Phật đặt hai phù điêu bằng đá tượng Hộ Pháp và tượng Tiêu Diện. Ở hậu điện, tượng Tổ sư Đạt Ma cũng là phù điêu bằng đá.

Bàn thờ Đạt Ma



Tháp chuông


Bảo các Quan Âm và tháp chuông

Bảo các Quan Âm (cao 40m)

Sân trước chùa có nhiều bảo tháp. Bảo tháp Hòa thượng khai sơn Thích Thiện Quang 3 tầng ; tháp chuông thờ đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn bằng đá nguyên khối và treo quả đại hồng chung nặng 1,2 tấn. Đặc biệt, Bảo cát Quan Âm cao 40m đặt thờ nhiều vị Phật, Bồ tát được tạc bằng đá. Tượng Bồ tát Quan Thế Âm bằng đá ở tầng trệt được tạc rất đẹp, thể hiện tính từ bi cứu độ của Ngài, là nơi tập trung lễ bái và lưu ảnh kỷ niệm của nhiều du khách, Phật tử.

Gần chùa Vạn Linh, Công ty TNHH Nam Long (Cần Thơ) đã thiết kế mỹ thuật và thi công Phật đài Di Lặc cao 31,6m tại chùa Phật Lớn. 

Ngày nay, chùa Vạn Linh và Phật đài Di Lặc chùa Phật Lớn là những điểm du lịch hành hương và du lịch sinh thái hấp dẫn của du khách và Phật tử ở mọi miền đất nước và nhiều nước trên thế giới.


Tượng Bồ tát Quan Âm


Tháp mộ Hòa thượng Thích Thiện Quang

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường

Chùa Vạn Linh núi Cấm - Hơn mười năm trước và bây giờ

Năm 2007, tui có dịp lên núi Cấm. Lúc đó chùa Vạn Linh mới an vị tượng Phật được vài năm (từ 2003). Thiệt tình, lúc đó ngôi chùa không gây ấn tượng gì lắm với tui, ngoài việc nhận định rằng đây là ngôi chùa khá bề thế trên núi. Hình ảnh chùa lúc đó là đây:

Ngôi chánh điện

Nhìn xa, ta thấy tòa tháp Bảo Các Quan Âm (cao 40 met) và các ngôi tháp khác. Điều dễ thấy là xung quanh chùa còn nhiều cây rừng và những bãi đất chưa xây dựng.


Thời điểm ấy, gây ấn tượng nhứt với tui là bức tượng Bồ Tát Quan Âm bằng đá trắng với những đường nét rất đẹp và mềm mại. Lúc đó rất nhiều du khách chụp ảnh lưu niêm bên bức tượng này.


Năm 2011, tui trở lại núi Cấm. Lúc bấy giờ chùa Vạn Linh cũng chưa có gì khác. Khác chăng là tui có nhiều thời giờ hơn, và ghi nhận được nhiều hình ảnh hơn.


Toàn cảnh chùa với hồ Thủy Liêm trước mặt

Vì có nhiều thời giờ hơn (và còn sung sức) nên tui vô trong Bảo Các Quan Âm, lên hết các tầng trong bảo tháp (40 met). Mỗi tầng thờ một vị Phật. Tui chụp hình lần lượt các tượng Phật để ghi nhận. Tiếc rằng không gian chụp quá chật hẹp, nắng lóa, lại thêm người chụp tay nghề kém mà lại đang thở hồng hộc vì leo mệt nên hình không đạt chất lượng. Đã lỡ chụp rồi, đăng luôn, bỏ uổng.


Tầng 1: Phật Di Lặc


Tầng 2: Địa Tạng Vương Bồ tát

Tầng 3: Phổ Hiền Bồ Tát

Tầng 4: Văn Thù Bồ Tát

Tầng 5: Đại Thế Chí Bồ tát

Tầng 6: Quan Thế Âm Bồ Tát

Tầng 7: Đức Thích Ca Mâu ni Phật

Tui cũng không quên ghi lại hình ảnh tượng Quan Âm Bồ tát ở tầng trệt mà mình vốn hâm mộ.


Tượng Quan Thế Âm Bồ tát bằng đá

Cổng tam quan chùa

Tháp chuông

Năm nay (2021) tui trở lại, chùa Vạn Linh thay đổi nhiều. Một công trình lớn đã được xây dựng phía trước ngôi chánh điện ngày xưa. Tòa nhà này gồm 2 tầng, có diện tích mặt bằng là 25 x 35 met. Tầng trệt dùng làm giảng đường, tầng trên là chánh điện. Ngôi chánh điện trước đây giờ thành nhà hậu tổ. Công trình này được khởi công từ 2011, không biết hoàn thành năm nào nhưng dường như trước 2014.

Một cổng chùa mới được xây dựng thêm, rất khang trang.


Cổng chùa mới


Lối vào chùa từ cổng, hai bên là hàng cây tùng được chăm chút rất cẩn thận và đẹp mắt


Cổng tam quan cũ

Tui cũng không quên ghi lại hình ảnh tượng Phật Bà Quan Âm


Những tiểu cảnh cây xanh mới được tạo dựng trước sân chùa

Ngôi chánh điện mới

Tầng dưới là giảng đường


Chánh điện ở tầng trên

Tượng sáp Tổ khai sơn

Phạm Hoài Nhân
Thăng trầm chùa Vạn Linh trên núi Cấm

Khi đi cáp treo lên đến khu hành hương trên núi Cấm, những điểm nhấn mà khách hành hương quan tâm đến là tượng Phật Di Lặc, chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh - bên cạnh đó là hồ Thủy Liêm như là cái nền cho khung cảnh.

Ngoài tượng Phật Di Lặc là công trình quá nổi bật mà mọi người đều quan tâm thì kiến trúc được chú ý đến nhất chính là chùa Vạn Linh - chớ không phải chùa Phật Lớn, dù rằng so với chùa Phật Lớn thì chùa Vạn Linh là... phận đàn em, vì ra đời sau - nhờ ở quy mô của chùa, và nhất là tháp chùa cao nổi bật giữa cảnh sơn thủy hữu tình. Trong hầu hết các ảnh chụp toàn cảnh khu vực này của núi Cấm, chùa Vạn Linh đều nổi bật giữa nền trời nước bao la.

Chùa Vạn Linh (bên trái) và tượng Phật Di Lặc là 2 điểm nhấn nổi bật trên núi Cấm. Ảnh: Báo Nhân dân

Năm 1927, khai sơn chùa Vạn Linh, xây dựng hoàn chỉnh năm 1943

Hòa thượng khai sơn chùa Vạn Linh là Thích Thiện Quang, thế danh Nguyễn văn Xứng, sinh năm 1895 tại Vồng Keo, nay là ấp Tân Thuận, xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Ngài xuất gia năm 1925 tại chùa Phi Lai dưới chân núi Kỳ Hương, nơi trụ xứ của Hòa thượng Thích Chí Thiền. Năm 1927, Ngài xin phép sư phụ lên núi Cấm ẩn tu và được chấp thuận. Ngài tìm được một nơi dưới chân vồ Bồ Hong, ở độ cao 535 met, cách chùa Phật Lớn không xa, lập am tranh tu hành.

Tại nơi đây, ngoài việc tu hành, Hòa thượng còn chữa bệnh giúp người. Nhiều người đến chữa bệnh và xin xuất gia tu học. Chùa Vạn Linh hình thành từ đó. Năm 1941, Ngài khởi công trùng tu chùa và hoàn thành năm 1943. Lúc đó là ngôi chùa rất bề thế trên núi Cấm.

Tuy nhiên, đến 1945, do tình hình an ninh, chính quyền Pháp không cho dân cư ở trên núi. Hòa thượng cùng tăng chúng đành phải rời chùa xuống núi. Ngài về chùa Linh Bửu ở Cầu Bông, Sài Gòn và viên tịch năm 1953.


Nhìn từ xa, ngôi chùa Vạn Linh vẫn luôn nổi bật. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Trùng tu năm 1958, điêu tàn năm 1972

Đến năm 1954 ký hiệp định Geneve, đất nước tạm yên. Trưởng đệ tử của Hòa thượng khai sơn là hòa thượng Thích Thiện Thành cùng tăng chúng về núi thì chùa xưa chỉ còn là đống hoang tàn đổ nát. Năm 1958, chùa được khởi công trùng tu tương đối kiên cố với cột bê tông, tường xây, mái ngói. Đến năm 1960 hoàn thành. Chùa Vạn Linh khởi sắc trở lại.

Đến 1967, do tình hình an ninh, chính quyền lại yêu cầu mọi người xuống núi. Năm 1972, sau một trận bom B52, một lần nữa chùa trở thành đống gạch vụn.

Chùa Vạn Linh. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

1975 - 1995: 20 năm chùa Lá

Tháng 4/1975, chiến tranh kết thúc, thầy Thiện Thành về núi tìm cách xây dựng lại chùa. Nhưng tình hình sau 75 vô cùng phức tạp, chính quyền không ủng hộ việc xây chùa, huống hồ lại xây trên núi là nơi nhà cầm quyền khó kiểm soát an ninh. Thầy đành ẩn nhẫn chờ thời và viên tịch năm 1992.

Trong thời gian từ sau năm 1975, một cư sĩ tên Lâm Cáo Kia, thường gọi là Ông Hai, vốn là thợ mộc chính xây chùa từ năm 1941, đã ở lại nền cũ chùa Vạn Linh trên núi Cấm cất tạm một ngôi chùa mái lá đơn sơ để thờ Phật. Người dân gọi tên chùa là Chùa Lá.

Trong gần 20 năm, ông Hai đã nhiều lần liên hệ với chính quyền để xin phép xây chùa, nhưng phần vì tuổi cao, không quen thủ tục đơn từ, phần vì chỉ là cư sĩ chớ không phải tu sĩ nên không được chấp thuận. Mãi đến năm 1994, ông Hai mới thỉnh cầu Hòa thượng Vạn Đức, trụ trì chùa Vạn Đức (Thủ Đức), vốn là đệ tử của Hòa thượng khai sơn ngày xưa, lo giúp việc này. Hòa thượng đã cử thầy Hoằng Trí về Tịnh Biên làm thủ tục xin phép.

Chùa Vạn Linh. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Chùa Vạn Linh có phải là chùa Phật Nhỏ?

Đầu năm 1995 vẫn chưa có giấy phép xây dựng chùa Vạn Linh, nhưng vào dịp Tết thầy Hoằng Trí tổ chức một chuyến đi dọn cỏ ở nền chùa 1 tuần để gọi là khởi công lấy khí thế. 

Như đã kể ở trên, từ 1972 thì chùa Vạn Linh đã không còn nữa, đến 1975 khi ông Hai cất tạm một ngôi chùa mái lá thì dân gọi đó là chùa Lá suốt 20 năm. Vậy là từ năm 1975, cái tên chùa Vạn Linh không hề tồn tại. Thế nên khi thầy Hoằng Trí làm đơn xin phép lên chùa Vạn Linh 7 ngày để làm cỏ thì chính quyền địa phương... không thể xác định đó là ngôi chùa nào! Cán bộ địa phương (rất thiện chí) hỏi rằng thầy có biết bây giờ người dân gọi tên đó là chùa gì không. Như đã nêu trên, thầy Hoằng Trí vốn ở chùa Vạn Đức tại Thủ Đức chớ có ở núi Cấm đâu mà biết người dân bây giờ gọi chùa Vạn Linh là chùa Lá. Giữa lúc thầy đang ấp úng, thì người xét đơn thấy vậy mới gợi ý: Phải chùa Phật Nhỏ hông? Thầy Hoằng Trí nghĩ: chùa Vạn Linh ở gần chùa Phật Lớn, vậy chắc đúng là chùa Phật Nhỏ rồi, thế nên liền gật đầu đồng ý. Thế là giấy phép được mở ngoặc: Chùa Phật Nhỏ.

Trên núi Cấm đúng là có chùa Phật Nhỏ thiệt, nhưng... ở chỗ khác, ở trên đỉnh vồ Bồ Hong chớ không phải chân vồ Bồ Hong như chùa Vạn Linh. Vậy là... trật lất!

Chùa Phật Nhỏ ở trên vồ Bồ Hong. Ảnh: Báo An Giang

1995 đến 2003: Xây dựng chùa Vạn Linh mới

Mất mấy tháng sau mới có thể điều chỉnh giấy phép và chùa được khởi công xây dựng vào mùng 6 tháng 8 âm lịch năm 1995. Người đứng ra phụ trách việc xây chùa là thượng tọa Thích Hoằng Trí.

Sau 8 năm trời xây dựng, lễ An vị các tượng Phật được tổ chức vào ngày giỗ Hòa thượng khai sơn (Thích Thiện Quang), nhằm 24 tháng 11 âm lịch năm 2003. Đây cũng được xem là ngày hoàn thành xây dựng chùa Vạn Linh.

(các thông tin từ phần này trở lên lấy theo Kỷ yếu xây dựng chùa Vạn Linh do Thượng tọa Thích Hoằng Trí biên soạn năm 2006)

Đến năm 2011, chùa Vạn Linh lại trải qua một đợt đại trùng tu mới, với ngôi chánh điện mới gồm 2 tầng, tầng 1 25 m x 35 m làm giảng đường và tầng 2 26,8 m x 36,8 m làm chánh điện.

Tam quan chùa Vạn Linh. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét