17 tháng 8, 2022

Chùa Hang (Thiên Khổng Thạch Tự)

Ngôi chùa 400 tuổi nằm trong hang núi lửa

Bên trong chính điện chùa nghi ngút khói hương, không khí mát lạnh tỏa ra từ những giọt nước ngầm chảy bên các nhũ đá. 

Danh thắng chùa Hang (còn gọi là Thiên Khổng Thạch Tự, Chùa đá trời sinh) nằm ở phía bắc núi Thới Lới, chứng tích của những đợt phun trào núi lửa trên đảo Lý Sơn. 
Quang cảnh chùa xanh mát bởi những cây bàng biển cổ thụ và các tảng đá núi liền kề biển. 

Gọi là chùa Hang vì chùa nằm trong một hang đá lớn. Hang này sâu 24 m, rộng 20 m, trần cao 3,2 m, với diện tích 480 . Không gian thờ tự trong chùa được bài trí quanh các vách đá.
Các di tích khắc trên đá ở chùa ghi lại: dưới triều vua Lê Kính Tông cách đây 400 năm, một vị quan tên Trần Công Thành được sai ra canh giữ đảo Lý Sơn. Tại đây, ông đã khai phá và lập ra chùa Hang. Sau đó khoảng 100 năm, con cháu của ông là các ông Trần Châu, Trần Tiềm tiếp tục tôn tạo cho chùa được khang trang như ngày nay. 

Chính giữa hang đặt bàn thờ Tam thế Phật là Phật A-di-đà, Phật tổ Như Lai và Phật Di Lặc.
Theo Đại Nam nhất thống chí, khởi đầu chùa Hang là ngôi đền của người Chămpa thờ các vị thần Bà La Môn. Sau này, khi người Việt đến khai phá vùng đất Lý Sơn vào đầu thế kỷ XVII, chùa trở thành nơi tu tiên và thờ Phật. 

Bên trái bàn thờ Tam thế Phật là bàn thờ Tổ sư Đạt-ma với bài vị bằng gỗ sơn son thếp vàng trên đó ghi “Phụng tự Tây phương Đông Độ lịch đại tổ sư chi linh vị”. 

Người dân địa phương cho biết, chùa Hang vốn là ngôi chùa linh thiêng, nên hàng năm vào các ngày rằm, Tết Nguyên Đán, lễ Vu Lan, Phật Đản, ngày giỗ các vị tiền hiền, khách thập phương đều đổ về đây để hành lễ, chiêm bái và cầu nguyện bình an. 

Các bệ thờ trong chùa được người xưa tạo tác, gia công từ các vách đá tự nhiên. 

Trong chùa còn có hai pho tượng được người dân đảo Lý Sơn đang làm ăn, sinh sống tại TP HCM cúng dường, gồm tượng Bồ-tát Địa Tạng (trái) và tượng Bồ Tát Quan Thế Âm. 

Trước sân chùa là bức tượng Phật Bà Quan Âm hướng ra biển. Theo quan niệm của ngư dân trên đảo, Phật Bà Quan âm luôn chở che và phù hộ cho những chuyến ra biển bình an. 

Các vách đá núi màu nham thạch xung quanh chùa. Qua thời gian, những vách đá này được mưa, sóng và gió biển bào mòn tạo thành những đường vân đẹp mắt. 

Bên trong các hang đá quanh chùa còn là nơi ẩn núp của cư dân thời xưa mỗi khi đi biển gặp giông bão. 

Hoàng hôn xuống, nước triều rút để lộ những dải san hô trước sân chùa cho du khách dạo bộ và ngắm cảnh.

Thành Nguyễn
Ngôi chùa nằm trong hang núi lửa độc nhất Việt Nam

Chùa nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động nham thạch ở đảo Lý Sơn, được tạo ra từ hoạt động địa chất của núi lửa cổ xưa.

Được lập ra dưới triều vua Lê Kính Tông (1599 - 1619), chùa Hang (tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự, nghĩa là Chùa đá trời sinh) ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là ngôi chùa có nhiều nét độc đáo hiếm thấy. 
 
Chùa được gọi là chùa Hang vì nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động nham thạch ở đảo Lý Sơn, được tạo ra từ hoạt động địa chất của núi Thới Lới - một núi lửa cổ xưa trong khu vực. 

Chùa Hang được làm hai phần chính là sân chùa và chính điện, trong đó sân chùa được hang che phủ một phần, còn chính điện nằm hoàn toàn trong hang. 

Lối vào chính điện. 

Khu vực chính điện của chùa Hang có diện tích gần 500 m², trần hang cao trung bình 3m.

Trong hang có bàn thờ các Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc ở vị trí trung tâm. 

Ngoài ra còn các bàn thờ sư tổ Đạt Ma; bàn thờ 12 Diêm Vương, 3 vị thủy tổ kế tiếp phụng sự chùa và 7 vị tiền hiền làng An Hải của đảo Lý Sơn. 

Sân chùa trước cửa hang nhìn ra biển. Giữa sân có một hồ sen có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Quanh sân là những cây bàng biển cổ thụ tuổi đến hàng trăm năm. 

Bãi biển trước chùa là địa điểm lý tưởng để cảm nhận khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đặc trưng của đảo Lý Sơn với những ghềnh đá nham thạch nhấp nhô trên mặt nước biển trong vắt và các vách đá dựng đứng của núi Thới Lới. 

Chùa Hang là một thắng cảnh không thể không ghé thăm của du khách mỗi khi đến đảo Lý Sơn.
Giếng trời ở chùa Hang Lý Sơn

Dẫu đường đến đã thuận tiện hơn so với trước, lại có nhiều du khách viếng thăm, nhưng chùa Hang (thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) vẫn trầm mặc một cách kỳ bí như hàng trăm năm qua.

Đường xuống âm phủ

Chùa Hang nhìn từ phía biển 

Chùa Hang có tên chữ là Thiên khổng thạch tự. Theo gia phả của họ Trần, dòng họ trông coi chùa Hang, ngôi chùa này khoảng 300 năm tuổi. Phía trước hang có một giếng nước (nay được thay thế bằng hồ), người ta gọi là “giếng trời” bởi nó chứa nước từ trên vách đá rỉ xuống. Quãng thời gian bị cướp biển (giặc Tàu Ô) quấy nhiễu, chùa Hang là nơi ẩn nấp an toàn của người dân. Chính nước của “giếng trời” này giúp họ cầm cự, thậm chí là tăng thêm sức mạnh. Tin rằng nguồn nước này đem lại may mắn, ngày nay, dân trên đảo vẫn thường uống một ngụm nước từ “giếng trời” khi đến thăm chùa. Người ta còn “nói nhỏ” nhau, khi uống không được nhìn thẳng vào đáy giếng, như thế mới thiêng!

Bên trong chùa là một hang sâu 24 m, rộng 20 m, cao 3,2 m, ngoài ra còn nhiều ngóc ngách. Phía bên trái sát mép động đá có bàn thờ những âm binh, cô hồn và một tượng đức Hộ pháp cao 0,8 m, mới đưa về thờ vào đầu tháng 4.1993 do bà con nhân dân đảo Lý Sơn làm ăn sinh sống ở TP.HCM cúng chùa. Động đá này, ngày nay chính xác hơn chỉ còn là một hốc đá. Tương truyền, xưa kia đây là đường xuống âm phủ.

Theo quan niệm thiện - ác song hành, gian chính của chùa Hang là dành cho cái thiện, những người biết ăn năn hối lỗi. Ngược lại, người mắc tội nếu không chịu quay đầu sẽ bị đày xuống âm phủ theo hang nhỏ hơn bên cạnh. Trước khi có con đường bê tông chạy đến đầu dốc xuống chùa, muốn đến chùa phải men theo sườn núi đầy trắc trở. Đoạn sườn núi ăn ra phía biển người ta gọi là cái meo, là nơi nhiều người không may trượt chân rơi xuống bãi đá biển và bị thương, thậm chí là mất mạng.

Vì đường đi khó như thế nên người lớn thường “vin” vào những chuyện huyền bí xung quanh “đường xuống âm phủ” và thêu dệt nên chuyện “tàu ma” chuyên bắt trẻ con để ăn thịt nhằm làm nhụt chí lũ trẻ muốn đi chơi ở chùa Hang. Chuyện thêu dệt này, có “điểm tựa” hẳn hoi, và nó liên quan đến giặc Tàu Ô, khi bọn cướp biển này bắt phụ nữ và trẻ em mang lên tàu mỗi lần chúng đổ bộ lên đảo cướp bóc.

Giếng 200 tuổi

Tầm giữa năm 2012, trong một lần họp thôn, ông Trần Dự (63 tuổi, ở khu dân cư số 3, thôn Đông, xã An Hải), người đang nắm giữ gia phả họ Trần cũng như giấy tờ và trông coi chùa Hang, có nói về cái giếng nước trong vườn sau nhà. Thoạt nhìn, nó vẫn giống như bao cái giếng sinh hoạt của người dân trên đảo, nhưng theo ông Dự thì nó khoảng 200 tuổi và chứa đựng nhiều chuyện khó lý giải, có liên quan đến chùa Hang.

Giếng nước được cho là có liên quan đến chùa Hang - Ảnh: L.X.T 

Thật ra, chuyện về cái giếng thì những người có tuổi sống quanh đó đều biết. Sau vài chục năm im lìm, nay được khơi lại nên có nhiều người quan tâm. Ông Dự cho hay mạch nước của giếng không chảy từ các phía mà phun từ dưới đất lên. Theo quan sát, thành giếng cao khoảng 0,5 m, đường kính khoảng 1 m, chiều cao của giếng tính từ đáy lên mặt đất khoảng 5 m. Phần chứa nước của giếng có hai lớp: lớp ở trên là san hô, đáy là cát. Nơi giao nhau giữa lớp san hô và đất cát trước kia ăn sâu vào xung quanh tạo thành bồn.

Ông Dự kể: “Lúc bé, khi mực nước thấp hơn điểm giao nhau đó, thỉnh thoảng chúng tôi hay trèo xuống và chui vào bồn để chơi. Nghe cha tôi kể trước kia nó rất rộng, chứa được cả trăm người. Bồn tuy rộng nhưng người lớn phải khom người lại mới chui vô được, bồn mở rộng không đồng đều, chủ yếu là về phía tây”. Dựa vào gia phả của dòng họ cũng như những lời kể của cha ông, ông Dự cho rằng sở dĩ bồn giếng mở rộng về phía tây là có liên quan đến chùa Hang (phía tây nhà ông là chùa Hang).

Giả thuyết ông Dự đưa ra và cho rằng có xác suất “đúng” nhất là: Chùa Hang do các bậc tiền bối của họ Trần lập nên. Xưa kia, vì đường đến chùa vô cùng khó khăn nên mới đào đường hầm thông với chùa Hang, điểm kết thúc của đường hầm chính cái hang mà dân hay gọi là “đường xuống âm phủ”. Bên cạnh ý kiến này, ông Dự còn cho rằng đây cũng có thể là hầm mà xưa kia, thanh niên trong làng không muốn bị giặc bắt đi lính nên đào để trốn.

Lần ông Dự xuống giếng gần đây nhất là khoảng 50 năm và bồn giếng bắt đầu bị thu hẹp, “cửa” vào bồn cũng bị bồi lấp. Ông cho biết cái giếng này trước đây thường xảy ra nhiều sự việc khó hiểu. Chẳng hạng như đồ đạc, thậm chí là heo, gà bị rớt xuống (khi ấy chưa xây thành giếng) nhưng tìm không ra. Vài hôm sau thì thấy đồ đạc, nghe tiếng heo gà kêu mới bắc thang xuống mang lên. 

Ông Phạm Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND H.Lý Sơn, cho biết có nghe những lời đồn đại về cái giếng “lạ” ở nhà ông Dự. “Tuy nhiên, hiện chúng tôi vẫn chưa có bất cứ cuộc điều tra, tìm hiểu gì về cái giếng này. Không loại trừ nguyên nhân là do nằm ở vùng đất nhiều “lồng phổng” nên giếng nước đó mới có đặc điểm như thế. Cách đây không lâu, khi xây dựng trường mầm non ở xã An Hải, khi đào móng bên thi công cũng gặp nhiều chỗ đất “lồng phổng” như thế và họ buộc phải đổ đất xuống để bít lại trước khi xây móng”, ông Linh cho hay.

Lê Xuân Thọ
Loạt bài Những di tích kỳ bí - Kỳ 14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét