Chùa Hưng Phúc – nơi thờ Đào Cam Mộc xưa thuộc làng Tràng Lang, tổng Yên Định, huyện Yên Định, nay là làng Lang Thôn, xã Định Tiến, huyện Yên Định. Theo văn bia “Trùng san Hưng Phúc tự” dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606) hiện đang được bảo quản tại nhà văn hóa Lang Thôn, cho thấy Hưng Phúc là tên chữ của chùa, còn trong dân gian gọi là chùa Tràng Lang – cách gọi theo tên làng.
Hai tên gọi trên tồn tại trong đời sống cộng đồng cư dân Tràng Lang cũng như cư dân quanh vùng từ nhiều thế kỷ nay, và nó trở thành tiềm thức trong mỗi người dân vùng này về một nơi thờ Phật và thờ Đức Thánh Đào Cam Mộc – người con của Lang Thôn đã có công lớn trong việc mở ra vương triều Lý thịnh trị trên 200 năm.
Đào Cam Mộc làm quan Chi hậu dưới triều Tiền Lê. Vào cuối thời Tiền Lê, chính sự thối nát, tàn bạo dưới thời Lê Ngọa Triều, Đào Cam Mộc đã cùng với sư Vạn Hạnh vận động tôn lập Lý Công Uẩn lên ngôi vua, hiệu là Lý Thái tổ. Vua Lý Thái tổ đã phong cho Đào Cam Mộc làm Nghĩa Tín hầu và gả công chúa đầu là An Quốc cho ông. Sau này khi Đào Cam Mộc mất, Lý Thái Tổ truy phong cho ông chức vị cao nhất là Thái sư tước Á Vương (người đứng sau vua, phụ giúp vua trông coi việc nước) và trong sự nghiệp dựng nước của vương triều Lý, Đào Cam Mộc được xếp vào hàng đệ nhất công thần. Trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “Sinh vi Lý tướng, tử vi Lê thần” (sinh làm tướng nhà Lý, chết làm thần nhà Lê) để nói về công lao và khí tiết của ông đối với nhà Tiền Lê và nhà Lý.
Theo các cụ cao niên ở làng cho biết, chùa Hưng Phúc có từ lâu, nằm ở phía tây của làng để thờ Phật. Để nhớ ơn vị khai quốc công thần Đào Cam Mộc, vua Lý đã cho tu sửa lại chùa, tạc tượng, dựng bia ghi công lao của ông và được phối thờ tại chùa. Từ năm 1958, chùa Hưng Phúc bị phá hủy hoàn toàn, nhưng những dấu tích hiện còn đã cho chúng ta thấy kiến trúc của chùa khá độc đáo và có quy mô bề thế. Trước đây, chùa có kiến trúc 5 gian và một hiên mở ra phía trước, nằm dọc theo thân đất quay mặt về hướng Nam. Theo kiến trúc truyền thống, mặt chính của nhà thường được mở ngang bởi các cửa, nhưng ở đây mặt chính lại nằm ở đầu hồi theo thứ tự: Hiên – gian thứ nhất – gian thứ hai – gian thứ ba – gian thứ tư – gian thứ năm. Kết cấu các vì kèo gồm 6 hàng chân cột, phía trên là hệ thống chồng rường và các kẻ suốt tạo thành một bộ khung gỗ cho một vì. Nhà có tất cả 6 vì kèo gỗ với hệ thống các cột lớn, cột nhỏ được tạo tác cân đối. Về bài trí trong chùa, theo trí nhớ của các cụ cao niên của làng thì gian thứ nhất (từ ngoài vào) là nơi đặt bàn thờ và tượng Đào Cam Mộc. Gian thứ hai đặt bàn thờ tượng Thích Ca. Gian thứ ba đặt bàn thờ tượng Quan Âm. Gian thứ tư đặt tượng Ngọc Hoàng. Gian thứ năm (gian cuối cùng) đặt tượng Tam Thế. Ngoài các pho tượng trên, ở chùa còn có những tượng Phật khác được bố trí ở các gian thờ theo quy định của một điện thờ Phật.
Chùa Hưng Phúc là ngôi chùa cổ, tuy bị phá hủy từ lâu nhưng vẫn là một di sản có giá trị. Ngày nay, những dấu tích ở chùa Hưng Phúc được ghi lại trên các hiện vật như: Các mảnh ngói, sứ, gạch vồ, chân cột bằng đá, tượng chó đá... Đặc biệt là tấm bia “Trùng san Hưng Phúc tự” là nguồn tài liệu bổ sung cho chính sử khi nghiên cứu về làng xã, các vấn đề kinh tế, lịch sử, văn hóa của làng xã. Tấm bia này cao 1m, rộng 0,65m, được tạo tác kiểu vòng cung ở phía trên, trán bia được khắc hình lưỡng long chầu nguyệt, với hổ, rồng mang phong cách dân gian. Đường viền đỉnh bia và hai bên tạo thành đường hình sin khắc hoa cúc cách điệu. Viền đáy bia chạm một bông hoa sen mãn khai bao gồm 38 lớp, cánh sen chồng khít lên nhau, chia đều cho mỗi bên 19 cánh. Thông qua tấm bia và các hiện vật còn sót lại, các nhà nghiên cứu mỹ thuật có thể nhìn vào phong cách trang trí, trạm khắc trên bia (trán bia, diềm bia) để có thể tìm hiểu rõ hơn về một phong cách nghệ thuật trong thời đại được dựng bia. Các nhà nghiên cứu lịch sử qua nội dung văn bia có thể tìm hiểu về quá trình lập làng cũng như chia tách, sáp nhập, biến đổi... của làng xã. Đồng thời qua văn bia, có thêm tư liệu bổ sung về địa danh lịch sử, các nhân vật lịch sử (tên tuổi, quê quán, sự nghiệp...). Các nhà nghiên cứu kinh tế có thể tìm hiểu về kinh tế của làng xã thông qua hình thức chế độ cung tiến cho chùa tiền của hay ruộng đất. Các nhà nghiên cứu văn học có thể tìm hiểu về các áng văn cổ thông qua văn bia (các bài ký). Các nhà nghiên cứu văn hóa có thể tìm hiểu về tôn giáo tín ngưỡng, về các phong tục, tập quán, các dòng họ, về các di tích lịch sử văn hóa... của làng xã thông qua văn bia. Đối với nhân vật lịch sử Đào Cam Mộc được nhân dân tôn thờ ở chùa dưới hình thức tượng chân dung và được coi như là vị “Đức Thánh”, cho thấy sự hòa nhập Phật giáo với các tín ngưỡng truyền thống Việt Nam mà các ngôi chùa ở Việt Nam từ thế kỷ XVII thường thấy hình thức thờ cúng “Tiền Phật, hậu Thánh”.
Ông Nguyễn Ngọc Thúy, Chủ tịch UBND xã Định Tiến cho biết: Năm 2010, Di tích địa điểm chùa Hưng Phúc – nơi thờ Đào Cam Mộc được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Từ đó đến nay, chính quyền địa phương đã liên tục kêu gọi, huy động các nguồn vốn từ nhân dân, các nhà hảo tâm và con em trong dòng họ Đào đóng góp để xây dựng chùa trên nền đất cũ. Năm 2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Định đã tiến hành các bước khảo sát, lập dự án thiết kế, đồng thời di dời 4 hộ dân để mở rộng khu vực di tích. Hiện nay, công trình mới hoàn thành phần hậu cung, từ đường; các hạng mục còn lại vẫn đang tiếp tục kêu gọi đóng góp để di tích sớm hoàn thiện đưa vào sử dụng. Bởi đây là công trình mang nhiều ý nghĩa, không chỉ tỏ lòng thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Thái sư Á vương Đào Cam Mộc đối với đất nước, mà còn đáp ứng mong mỏi nguyện vọng cũng như nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân bấy lâu.
Công trình chùa Hưng Phúc đang được triển khai thi công.
Hai tên gọi trên tồn tại trong đời sống cộng đồng cư dân Tràng Lang cũng như cư dân quanh vùng từ nhiều thế kỷ nay, và nó trở thành tiềm thức trong mỗi người dân vùng này về một nơi thờ Phật và thờ Đức Thánh Đào Cam Mộc – người con của Lang Thôn đã có công lớn trong việc mở ra vương triều Lý thịnh trị trên 200 năm.
Đào Cam Mộc làm quan Chi hậu dưới triều Tiền Lê. Vào cuối thời Tiền Lê, chính sự thối nát, tàn bạo dưới thời Lê Ngọa Triều, Đào Cam Mộc đã cùng với sư Vạn Hạnh vận động tôn lập Lý Công Uẩn lên ngôi vua, hiệu là Lý Thái tổ. Vua Lý Thái tổ đã phong cho Đào Cam Mộc làm Nghĩa Tín hầu và gả công chúa đầu là An Quốc cho ông. Sau này khi Đào Cam Mộc mất, Lý Thái Tổ truy phong cho ông chức vị cao nhất là Thái sư tước Á Vương (người đứng sau vua, phụ giúp vua trông coi việc nước) và trong sự nghiệp dựng nước của vương triều Lý, Đào Cam Mộc được xếp vào hàng đệ nhất công thần. Trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “Sinh vi Lý tướng, tử vi Lê thần” (sinh làm tướng nhà Lý, chết làm thần nhà Lê) để nói về công lao và khí tiết của ông đối với nhà Tiền Lê và nhà Lý.
Theo các cụ cao niên ở làng cho biết, chùa Hưng Phúc có từ lâu, nằm ở phía tây của làng để thờ Phật. Để nhớ ơn vị khai quốc công thần Đào Cam Mộc, vua Lý đã cho tu sửa lại chùa, tạc tượng, dựng bia ghi công lao của ông và được phối thờ tại chùa. Từ năm 1958, chùa Hưng Phúc bị phá hủy hoàn toàn, nhưng những dấu tích hiện còn đã cho chúng ta thấy kiến trúc của chùa khá độc đáo và có quy mô bề thế. Trước đây, chùa có kiến trúc 5 gian và một hiên mở ra phía trước, nằm dọc theo thân đất quay mặt về hướng Nam. Theo kiến trúc truyền thống, mặt chính của nhà thường được mở ngang bởi các cửa, nhưng ở đây mặt chính lại nằm ở đầu hồi theo thứ tự: Hiên – gian thứ nhất – gian thứ hai – gian thứ ba – gian thứ tư – gian thứ năm. Kết cấu các vì kèo gồm 6 hàng chân cột, phía trên là hệ thống chồng rường và các kẻ suốt tạo thành một bộ khung gỗ cho một vì. Nhà có tất cả 6 vì kèo gỗ với hệ thống các cột lớn, cột nhỏ được tạo tác cân đối. Về bài trí trong chùa, theo trí nhớ của các cụ cao niên của làng thì gian thứ nhất (từ ngoài vào) là nơi đặt bàn thờ và tượng Đào Cam Mộc. Gian thứ hai đặt bàn thờ tượng Thích Ca. Gian thứ ba đặt bàn thờ tượng Quan Âm. Gian thứ tư đặt tượng Ngọc Hoàng. Gian thứ năm (gian cuối cùng) đặt tượng Tam Thế. Ngoài các pho tượng trên, ở chùa còn có những tượng Phật khác được bố trí ở các gian thờ theo quy định của một điện thờ Phật.
Chùa Hưng Phúc là ngôi chùa cổ, tuy bị phá hủy từ lâu nhưng vẫn là một di sản có giá trị. Ngày nay, những dấu tích ở chùa Hưng Phúc được ghi lại trên các hiện vật như: Các mảnh ngói, sứ, gạch vồ, chân cột bằng đá, tượng chó đá... Đặc biệt là tấm bia “Trùng san Hưng Phúc tự” là nguồn tài liệu bổ sung cho chính sử khi nghiên cứu về làng xã, các vấn đề kinh tế, lịch sử, văn hóa của làng xã. Tấm bia này cao 1m, rộng 0,65m, được tạo tác kiểu vòng cung ở phía trên, trán bia được khắc hình lưỡng long chầu nguyệt, với hổ, rồng mang phong cách dân gian. Đường viền đỉnh bia và hai bên tạo thành đường hình sin khắc hoa cúc cách điệu. Viền đáy bia chạm một bông hoa sen mãn khai bao gồm 38 lớp, cánh sen chồng khít lên nhau, chia đều cho mỗi bên 19 cánh. Thông qua tấm bia và các hiện vật còn sót lại, các nhà nghiên cứu mỹ thuật có thể nhìn vào phong cách trang trí, trạm khắc trên bia (trán bia, diềm bia) để có thể tìm hiểu rõ hơn về một phong cách nghệ thuật trong thời đại được dựng bia. Các nhà nghiên cứu lịch sử qua nội dung văn bia có thể tìm hiểu về quá trình lập làng cũng như chia tách, sáp nhập, biến đổi... của làng xã. Đồng thời qua văn bia, có thêm tư liệu bổ sung về địa danh lịch sử, các nhân vật lịch sử (tên tuổi, quê quán, sự nghiệp...). Các nhà nghiên cứu kinh tế có thể tìm hiểu về kinh tế của làng xã thông qua hình thức chế độ cung tiến cho chùa tiền của hay ruộng đất. Các nhà nghiên cứu văn học có thể tìm hiểu về các áng văn cổ thông qua văn bia (các bài ký). Các nhà nghiên cứu văn hóa có thể tìm hiểu về tôn giáo tín ngưỡng, về các phong tục, tập quán, các dòng họ, về các di tích lịch sử văn hóa... của làng xã thông qua văn bia. Đối với nhân vật lịch sử Đào Cam Mộc được nhân dân tôn thờ ở chùa dưới hình thức tượng chân dung và được coi như là vị “Đức Thánh”, cho thấy sự hòa nhập Phật giáo với các tín ngưỡng truyền thống Việt Nam mà các ngôi chùa ở Việt Nam từ thế kỷ XVII thường thấy hình thức thờ cúng “Tiền Phật, hậu Thánh”.
Ông Nguyễn Ngọc Thúy, Chủ tịch UBND xã Định Tiến cho biết: Năm 2010, Di tích địa điểm chùa Hưng Phúc – nơi thờ Đào Cam Mộc được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Từ đó đến nay, chính quyền địa phương đã liên tục kêu gọi, huy động các nguồn vốn từ nhân dân, các nhà hảo tâm và con em trong dòng họ Đào đóng góp để xây dựng chùa trên nền đất cũ. Năm 2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Định đã tiến hành các bước khảo sát, lập dự án thiết kế, đồng thời di dời 4 hộ dân để mở rộng khu vực di tích. Hiện nay, công trình mới hoàn thành phần hậu cung, từ đường; các hạng mục còn lại vẫn đang tiếp tục kêu gọi đóng góp để di tích sớm hoàn thiện đưa vào sử dụng. Bởi đây là công trình mang nhiều ý nghĩa, không chỉ tỏ lòng thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Thái sư Á vương Đào Cam Mộc đối với đất nước, mà còn đáp ứng mong mỏi nguyện vọng cũng như nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân bấy lâu.
Nguyễn Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét