27 tháng 8, 2022

Chùa Huyền Kỳ (Hiển Linh tự)

Về thăm chùa cổ làng Huyền Kỳ

Có thể nói, ngôi chùa cổ làng Huyền Kỳ (phường Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội) mang tên chữ là Hiển Linh Tự có ý nghĩa lớn về giá trị kiến trúc, về tâm linh sâu thẳm, như viên ngọc vô giá bị bụi thời gian, và sự thờ ơ của người đời làm lãng quên. Vượt qua những bui bặm ồn ào của giao thông, về tới sân chùa, tôi cảm nhận được sự tĩnh lặng, và giá trị thẳm sâu có được ở nơi đây.


Chùa Huyền Kỳ ngự phía Tây Nam làng Huyền Kỳ là công trình kiến trúc cổ từ cách nay 600 năm. Từ Hồ Gươm vào Hà Đông, qua quốc lộ số 6 đến Ba La, rẽ trái theo quốc lộ 22 đường đi chùa Hương, khoảng 3km là tới chùa. Ni sư Thích Đàm Thúy trụ trì chùa Huyền Kỳ vui vẻ giới thiệu về chùa cho tôi.

Chùa Huyền Kỳ, bảo tàng Hà Tây (cũ) viết: “Chùa Huyền Kỳ tên chữ là Hiển Linh tự. Chùa được xây dựng từ lâu đời để thờ Phật. Nhìn tổng thể chùa được xây dựng theo lối chữ “công”. 


Chùa được trùng tu lớn vào năm Thiệu Trị ngũ niên (1845). Năm 1991- 1992, chùa lại được nhân dân tu bổ. Trong chùa đáng chú ý có đôi câu đối nổi tiếng:

“Quốc gia hữu vĩnh sơn hà cố 
Phật đạo vô cùng nhật nguyệt trường” 

Dịch nghĩa:
Nước nhà còn mãi non sông vững 
Phật đạo vô cùng, trường tồn như ngày đêm. 

Ý nói quốc gia phải dựa vào núi sông và đạo Phật để trường tồn và vững vàng.

Chùa Huyền Kỳ có tới 335 pho tượng lớn nhỏ kể cả hai động: động Thủy và động Tiên. Tòa bái đường và thượng điện có 7 lớp tượng. Ngoài ra còn có 2 động và đặc biệt nhất là 2 bức phù điêu sơn mài Thập điện. Hai bức Thập điện của chùa Huyền Kỳ đã được giới nghiên cứu Phật học và mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao. Chính hai bức Thập điện bài trí ở Tam Bảo, tiền đường chùa Hương (Mỹ Đức) di tích nỗi tiếng của đất nước cũng tham khảo bố cục của chùa Huyền Kỳ.

Chùa Huyền Kỳ có hệ thống tượng Phật đầy đủ theo cách bài trí truyền thống của chùa Việt Nam, lại được người xưa điêu khắc tài hoa sơn son thiếp vàng công phu nên từ lâu đã nổi tiếng là chùa đẹp trong vùng. 

Vì những giá trị nghệ thuật văn hóa ấy, ngày 31/01/1992, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định số 138/VH.QĐ công nhận di sản văn hóa này”. 


Trong khuôn viên chùa, còn có đền Bà Chúa Lính linh thiêng. Về ngôi đền này, bảo tàng Hà Tây (cũ) viết: “Đền bà Chúa Lính là một di tích được xây dựng từ lâu đời thuộc quần thể di tích cổ của thôn Huyền Kỳ. Đền được xây dựng cạnh chùa nhìn về hướng nam. Nhân dân Huyền Kỳ từ bao đời nay vẫn truyền lại rằng: Bà Chúa Lính vốn là tướng quân Lê Hiệp khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa mùa xuân năm 40 ông đã theo Hai Bà Trưng đánh giặc. Theo lệnh của hai Bà để thuận lợi cho việc chỉ đạo chiến đấu ông phải cải trang làm nữ tướng.


Sau khi ông mất để tướng nhớ ông trong chiến đấu mà sinh thời ông đóng vai nữ tướng, nhân dân vẫn gọi đền này là đền Bà Chúa Lính. Truyền thuyết ấy, ngọn lửa anh hùng bất khuất ấy sáng mãi nghìn thu”. 


Sinh thời, GS.TSKH. Nguyễn Trường Tiến trong một lần về làng, thăm chùa Huyền Kỳ đã nhận xét: “Chùa Huyền Kỳ là một công trình kiến trúc và điêu khắc cổ. Các hạng mục công trình còn đầy đủ và được bảo tồn, bảo vệ rất tốt. Chùa rất linh thiêng và Mẫu Âu Cơ hiển linh ở ngôi chùa này. Vì vậy có tên là Hiển Linh Tự. Tên chùa Huyền Kỳ nghĩa là Huyền Quang, Kỳ Diệu. Là Trời đem có Ánh Sáng. Ánh hào quang kỳ diệu của các anh linh.

Chùa được xây dựng trên đất Phong Châu cổ, Kinh Đô của Vua Kinh Dương Vương (Xích Quỷ, Quỷ Đỏ là một ngôi sao ở phương nam trong 28 ngôi sao lớn) nhà nước Văn Lang của Lạc Long Quân, Âu Cơ và 108 Vua Hùng. Nơi đây có Mộ, có Đình, có Đền, có Chùa, có Miếu liên quan đến Tổ Tiên người Việt”. 


Theo sự giới thiệu của Ni sư trụ trì, đang thảnh thơi dạo mát trước khoảng sân rợp mát của cây cổ thụ, chúng tôi ngạc nhiên khi nhìn lên bức tường có hàng chữ:

“Đất chùa nào phải bánh trôi; 
Nuốt vào là hóc mấy đời, đấy con”.

... Thì ra giữa khi từ làng lên phố, giữa khi tấc đất thành tấc vàng thì ngôi chùa như viên ngọc quý về tâm linh này đang bị cái si mê, cái tham trần tục o bế. 

Hà Quang Đức 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét