17 tháng 8, 2022

Chùa Quốc Ân Kim Cang

Hai ngôi tháp cổ ở chùa Quốc Ân Kim Cang

Phật tử, du khách ngày nay có thể đến viếng thăm ngôi Tổ đình Quốc Ân Kim Cang - một ngôi chùa đã từng được khai sơn hơn 300 năm trước - tại huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Tuy nhiên đó là ngôi chùa mới được xây dựng lại cách đây 10 năm trên nền chùa cũ, vốn đã bị phá hủy hoàn toàn từ năm 1946. Di tích quan trọng nhất ở đây chính là ngôi tháp mộ của Tổ sư Nguyên Thiều, vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào Miền Trung Việt Nam đầu tiên, và đã đóng góp nhiều công đức trong việc phục hưng và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong.

Tháp mộ Tổ sư Nguyên Thiều

Xưa kia ngôi chùa này gọi là Chùa Kim Cang hay Chùa Tháp ở Đồng Nai, tọa lạc tại ấp Bình Thảo, xã Bình Phước, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên. Ngày nay chùa thuộc ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Theo lời kể của trụ trì chùa Cửu Thiên – Thủ Đức (là đệ tử của vị trụ trì Tổ đình Quốc Ân Kim Cang thời điểm 1946) và các bô lão ở địa phương ấp Bình Thảo kể lại thì người dân nơi đây vẫn thường gọi đây là “Chùa Tháp” vì chùa này có ngôi tháp cổ của vị Tổ Sư khai sơn Tổ đình Quốc Ân Kim Cang.

Chính nhờ ngôi tháp này mà sau nhiều năm quên lãng, người ta mới xác định lại được vị trí ngôi Tổ đình. Hiện nay chùa xưa chỉ còn lưu dấu nền Tổ đình và hai tháp cổ. Thông tin về 2 ngôi tháp cổ như sau (ghi lại theo bài viết của Pháp Tuệ, trên báo Giác Ngộ online ngày 14/11/2008):

1. Bảo tháp của Tổ Sư Nguyên Thiều húy Siêu Bạch: Theo năm tháng bảo tháp tuy bị xuống cấp nhưng vẫn còn dáng vẻ uy nghi và đồ sộ với:

Mộ bia: bằng đá xanh. Trên mặt bia có khắc 3 hàng chữ Nho, phiên âm như sau:

  • Hàng chính giữa: Quốc Ân Kim Cang đường thượng, tam thập tam thế, húy Siêu Bạch Quán Bích Hòa thượng Tổ sư chi tháp 
  • Hai hàng hai bên: - Phổ Quang tự Yết ma Chủ hương; - Hội Khánh tự Giáo thọ Thiền chủ lập thạch; - Sắc tứ Từ Ân tự Hòa thượng Pháp sư; Chứng minh lịnh - Long Thạnh tự Hòa thượng; - Đức Sơn tự Hòa thượng; - Hưng Long tự Hòa thượng; Chư sơn đồng tạo.
Tháp Tổ: hình lục giác cao ba tầng, chiều cao từ mặt đất lên đến đỉnh tháp là 5,2m. Tháp dựng trên nền xây đá xanh hình chữ nhật, ngang 3m, dài 4m, cao 0,8m… 

Mặt trước là bia tháp: khắc nổi trên ô dước với 3 hàng chữ Nho, gồm: dòng giữa ghi: Quốc Ân Kim Cang đường thượng, tam thập tam thế, húy Siêu Bạch Quán Bích Tổ sư chi tháp; dòng bên mặt ghi: Tuế tại Kỷ Dậu niên, mạnh Thu, cát nhựt, hiệp chư sơn thiền đức đồng tái tạo; dòng bên trái ghi: Thập ngoạt, thập cửu nhựt viên tịch.

2. Tháp Phổ Đồng: Tương truyền đây là tháp của công chúa Ngọc Vạn, con của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, bà là vợ vua Chân Lạp Chey Chetta II, là người có công hộ trì Phật pháp và ủng hộ việc xây dựng Tổ đình Quốc Ân Kim Cang lúc bấy giờ.


Hình ảnh tháp Tổ sư Nguyên Thiều. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, click vào ảnh để xem phóng to.




Phần tường bao xung quanh tháp có khắc bài minh của Chúa Nguyễn Phúc Chu (Hiển Tông hoàng đế) để ca ngợi công đức của Tổ sư. Phần chữ quốc ngữ khắc khá vụng về làm giảm phần nào giá trị của di tích.


Hình ảnh tháp Phổ Đồng. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, click vào ảnh để xem phóng to.




Có vẻ như tháp đã được xây lại quá nhiều, không còn hình dung ra tháp ban đầu như thế nào. Các mặt bên của tháp có ghi tiểu sử công nữ Ngọc Vạn, các bài thơ của người thời nay ca tụng công đức của bà và cả ca ngợi công đức của công nữ Ngọc Khoa nữa! Theo ghi chép của Hòa thượng Thích Giác Quang trước khi tháp được tân trang (đặng trên website Linh Sơn Phật giáo) thì: Hình dạng Tháp là một bầu hồ lô tròn, đắp bằng một khối ô dước, cao 2 mét, đáy hình tròn, kính 2 mét.Bầu hồ lô dựng trên một nền vuông xây gạch thẻ nung, phía ngoài tô ô dước. Trên có khắc hoa văn. Tháp bị hư sập, chỉ còn phần dưới bầu hồ lô và nền tháp.

Điều đáng chú ý là trên bia tưởng niệm ở mặt bên của tháp ghi là Tháp mộ của Công chúa Ngọc Vạn. Bỏ qua chuyện lẫn lộn giữa công nữ và công chúa vì trong dân gian vẫn thường gọi lẫn lộn như vậy, thì chi tiết Tháp mộ không được các nhà nghiên cứu đồng tình. Theo các dữ kiện lịch sử thì không thể có việc mộ của công nữ Ngọc Vạn nằm tại đây. Do vậy, đây có thể là một tháp thờ hay tháp tưởng niệm công nữ Ngọc Vạn vì bà là một người có công lớn và đóng góp nhiều cho việc phát triển Phật giáo ở vùng đất này. Nguồn gốc và ý nghĩa của ngôi tháp này vẫn còn là điều bí ẩn.

Phạm Hoài Nhân
Chuyện về ngôi Tổ đình Quốc Ân Kim Cang

Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728) là một thiền sư người Trung Quốc, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 33, sang Việt Nam truyền đạo vào nửa cuối thế kỷ 17. Ngài là vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào miền Trung Việt Nam đầu tiên, và đã đóng góp nhiều công đức trong việc phục hưng và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong. Sau vài thập kỷ hoằng hóa ở Bình Định và Thuận Hóa, Ngài cùng một số đệ tử vượt núi băng ngàn vào phương Nam, dừng chân tại vùng đất Đồng Nai. Tại đây, vào cuối thế kỷ 17, Ngài cùng các đệ tử là Ngài Minh Vật Nhất Tri kiến lập ngôi tổ đình Quốc Ân Kim Cang, Ngài Thành Nhạc khai sơn chùa Long Thiền, Ngài Thành Đẳng khai sơn chùa Đại Giác, Ngài Thành Ý khai sơn chùa Bửu Phong. Ngày nay, các ngôi Long Thiền, Đại Giác, Bửu Phong vẫn tồn tại ở Biên Hòa, Đồng Nai và là những ngôi cổ tự danh tiếng. Thế nhưng ngôi Tổ đình Kim Cang ở đâu?

Tổ đình Quốc Ân Kim Cang hiện ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, cách trung tâm TP Biên Hòa khoảng 12 km. Đây là ngôi Tổ đình:



Chánh điện của ngôi tổ đình là đây:


Sao nhìn dáng vẻ và kiểu cách kiến trúc ngôi chùa có vẻ mới quá, không giống một ngôi chùa cổ như giới thiệu ở trên? Đúng rồi, vì chùa mới được xây dựng khoảng 10 năm thôi mà! Sao kỳ vậy? Sao bảo là chùa xây dựng đã hơn 300 năm?

Chuyện thì dài lắm, xin được kể nghen.

Người ta ước định ngôi Tổ đình Kim Cang được khai sơn vào khoảng thời điểm thành lập đất Biên Hòa (1698), tức cách đây hơn 300 năm. Cùng thời điểm đó, những người Hoa nơi đây cũng lập nên một ngôi đền Thanh Long để thờ Quan Công, gọi là chùa Ông, cách Tổ đình Kim Cang chưa đến 1 cây số. Cuối 1946, do chiến tranh, cả tổ đình Kim Cang lẫn đền Thanh Long đều bị thiêu hủy hoàn toàn. 

Hơn 20 năm sau, năm 1968, khu đất nơi tọa lạc Tổ đình Kim Cang vẫn nằm trong khu vực mất an ninh, không được xây cất. Tín đồ Phật giáo và hương chức địa phương đứng ra xây dựng trên nền cũ của đền Thanh Long một cảnh chùa đơn sơ nhỏ hẹp để có nơi thờ phụng Tam Bảo và Quan Công (họ đã bán một số cây gỗ giáng hương trên phần đất của tổ đình Kim Cang và những huê lợi thu được từ những thửa ruộng, vườn hương hỏa của hai di tích để làm chi phí tái thiết). Chùa được ghép tên của hai di tích cổ lại thành Kim Long Cổ Tự.

Sau 1975, việc mất an ninh ở khu đất tọa lạc Tổ đình Kim Cang không còn nữa, nhưng thời ấy Phật giáo, chùa chiền không được coi trọng, vả lại người ta đã có một ngôi chùa là Kim Long cổ tự để thay thế cho ngôi Tổ đình Kim Cang rồi. Thế là ngôi Tổ đình bị quên lãng dần theo thời gian...

Chân dung Tổ sư Nguyên Thiều, theo hình ảnh lưu tại các chùa

20 năm sau, năm 1988, người dân khai hoang báo tin phát hiện một ngôi tháp cổ ở cách Kim Long cổ tự không xa. Hòa thượng Thích Minh Lượng, trụ trì Kim Long cổ tự, cùng chư tăng đến dọn dẹp, cạo mối, chùi rửa và cùng các nhà nghiên cứu giúp đọc văn bia, mới phát hiện là đó là bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều, ở nền cũ của ngôi Kim Cang Quốc Ân.

Ngay tại thời điểm đó, cố Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành, Phó Pháp chủ, nguyên Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, làm lễ chứng minh, nguyện hương cho công cuộc trùng tu ngôi bảo tháp của Tổ sư và xây dựng lại ngôi tổ đình. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản... Phần tài sản (ruộng đất) hương hỏa của tổ đình, một phần chính quyền địa phương trưng dụng, một phần dân chúng trong vùng chiếm canh chiếm cư chưa được trả lại.

20 năm sau nữa, năm 2008, Hòa thượng Thích Minh Chánh, thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, trụ trì chùa Giác Minh mới đủ túc duyên phát nguyện xây dựng và trùng tu ngôi Tổ đình. Hòa thượng Trưởng ban và Ban Kiến thiết Tổ đình xin tán thán công đức của chư tôn giáo phẩm, chính quyền địa phương đã tận tình giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện đền bù, cấp phép xây dựng trùng tu và hai Phật tử Tâm Lộc và Diệu Hương đã phát tâm cúng dường tài thí số tiền hơn 1,1 tỷ đồng để đền bù giải tỏa trên khuôn viên chùa có được 4.609 m2. Ngày 19/10 Mậu Tý (16/11/2008), tại bảo tháp Tổ sư và trên nền chùa xưa diễn ra  lễ đặt viên đá trùng tu Tổ đình Quốc Ân Kim Cang…

Hòa thượng Thích Minh Chánh bên cạnh bảo tháp Tổ sư Nguyên Thiều (đã trùng tu). Ảnh: báo Giác Ngộ

Như vậy tiếng là ta đến viếng ngôi chùa cổ Quốc Ân Kim Cang, nhưng thật ra ngôi chùa là... mới tinh, chỉ có ngôi bảo tháp là cổ, và là tháp mộ của một vị danh tăng có công lớn trong việc hoằng hóa Phật pháp nước Việt. Ngoài ra, nơi đây còn một ngôi tháp nữa, gần như cùng thời với bảo tháp Tổ sư. Câu chuyện về 2 ngôi tháp này sẽ kể trong một bài viết khác nhé.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét