28 tháng 8, 2022

Chùa Vĩnh Hưng

Chùa Vĩnh Hưng - ngôi chùa đá ở Sóc Trăng

Nếu bạn đã từng đến Sóc Trăng và thăm những ngôi chùa nổi tiếng ở đây lâu nay, như chùa Dơi, chùa Khleang, chùa Đất Sét... thì bạn hãy thử thay đổi bằng cách viếng một ngôi chùa có phong cách khác hẳn nhé: đó là chùa Vĩnh Hưng.

Chùa Vĩnh Hưng - còn gọi là Tổ đình Vĩnh Hưng - tọa lạc tại số 110 Trần Hưng Đạo, khóm 2, phường 2, TP Sóc Trăng. Xưa kia chùa được gọi là chùa Cây Điệp (có lẽ vì ở chùa có cây điệp?), còn bây giờ chùa còn được gọi là chùa Đá bởi vì chùa được xây dựng bằng đá nguyên khối, mỗi khối có kích thước 30 x 20 x 20 cm.


Tam quan chùa

Chùa Vĩnh Hưng được thành lập năm 1912, do một Phật tử là bà Đinh thị Định hiến đất và cúng dường để xây dựng chùa. Chùa Vĩnh Hưng là ngôi chùa theo phái Bắc Tông, tọa lạc trong khuôn viên rộng khoảng 6.800 m² . Chùa đã trải qua các đời trụ trì là Hòa Thượng Thích Huệ Minh, Hòa Thượng Thích Trí Bổn, Thượng tọa Thích Thanh Chương.... Hiện nay, chùa do Đại đứcThích Thanh Lập trụ trì. 

Ngôi chùa hiện nay là tâm huyết của Thượng tọa Thích Thanh Chương, thế danh Trần Đức Lành, 
sinh năm 1965, quê ở ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Long Phú (nay là huyện Trần Đề) tỉnh Sóc Trăng. Ông tốt nghiệp tiến sĩ Phật học ở Ấn Độ, là Phó trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Giáo dục Tăng ni, đồng Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Sóc Trăng. Thượng tọa Thích Thanh Chương đã đứng ra vận động bà con Phật tử trong và ngoài nước ủng hộ kinh phí và cung thỉnh chư tôn đức trong Thường trực Ban Trị sự tiến hành động thổ đại trùng tu ngôi Vĩnh Hưng Cổ Tự vào ngày 09/9/2009. Ông lâm trọng bịnh và qua đời tháng 3 năm 2013 (thọ 48 tuổi) khi công trình mới cơ bản hoàn thành.

Mặt tiền chùa

Mặc dù thượng tọa Thích Thanh Chương vốn gốc Hoa, nhưng khi thiết kế trùng tu ngôi chùa ông lại quyết tâm không theo kiểu thiết kế Trung quốc. Theo giải thích của một vị tăng trong chùa thì Thượng tọa không có thiện cảm và không muốn lệ thuộc văn hóa Trung Hoa.

Thế nhưng tại sao lại thiết kế theo kiểu Nhật? Tôi hỏi.

Vì sư phụ đi ra nước ngoài nhiều, tiếp cận nhiều kiểu chùa đẹp của nước ngoài, Ngài chọn kiểu chùa đá của Nhật này vì nó lạ, đẹp.

Chánh điện

Vách chùa.

Ở ngoài cửa chùa có 2 bức tượng nhân sư (sphinx), đó là tượng của thần thoại Ai Cập. Tôi thắc mắc.

À, bởi vì sư phụ muốn tạo sự khác lạ so với những ngôi chùa khác.

Bên cạnh 2 con nhân sư là 2 con sư tử đá thật to. Đó là văn hóa Tàu, và hiện giờ đang bị đề nghị dẹp bỏ mà.

Hai con sư tử đá đó không nằm trong thiết kế của sư phụ. Chúng do bá tánh cúng và chùa đặt vào đó để tỏ lòng trân trọng.


Sư tử Tàu và nhân sư Ai Cập nằm cạnh nhau trước cửa chùa

Lý giải về việc tại sao xây theo kiểu Nhật, tại sao có con nhân sư, tại sao có sư tử đá, và thêm nữa tại sao không muốn lệ thuộc Tàu mà trong chùa... toàn chữ Hán không thể làm thỏa mãn người hỏi. Nhưng người chủ trì thiết kế đã qua đời rồi, để lại công trình tâm huyết còn dang dở, thôi ta hãy gác những thắc mắc ấy qua một bên để chiêm ngưỡng công trình như một cách tưởng nhớ người đã khuất.

Bia tên chùa (Vĩnh Hưng tự) bằng chữ Hán

Tượng Phật nơi chính điện, bằng sa thạch, có tuổi đời bằng với tuổi của chùa, tức là hơn 100 năm

Ba mộ tháp của ba đời trụ trì chùa

Mộ tháp của Thượng tọa Thích Thanh Chương

Bên hông chùa

Chùa được xây bằng những khối đá như thế này. Vì công trình còn dang dở nên đống vật liệu vẫn còn nằm đây.

Phạm Hoài Nhân
Chuyện về chùa Vĩnh Hưng ở Sóc Trăng

Lý do tôi đến viếng chùa Vĩnh Hưng ở Sóc Trăng là: nghe nói đây là ngôi chùa có kiến trúc theo kiểu Nhật Bản. Từng đến Sóc Trăng nhiều lần và thăm viếng nhiều ngôi chùa nổi tiếng nơi đây nhưng tôi chưa từng nghe ở Sóc Trăng có chùa Nhật Bản, mà chỉ có chùa Khmer (chùa Dơi, chùa Khleang...), chùa Việt - Hoa (chùa Đất Sét)...

Thế nhưng khi đến đây, ngoài việc ngôi chùa đúng là xây theo kiểu Nhật thì thu hút tôi còn là câu chuyện về lai lịch ngôi chùa...

Chùa Vĩnh Hưng. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Tiếp chúng tôi, vị tăng trong chùa kể về lai lịch ngôi chùa:

  • Chùa ngày xưa còn có tên là chùa Cây Điệp, được thành lập năm 1912 do một tín đồ giàu có thời bấy giờ là bà Hội đồng Định (Đinh thị Định) hiến đất và bỏ tiền ra xây chùa. Di ảnh của bà Định vẫn còn được thờ trong chùa. Sau đó, một vị sư từ Sa Đéc sang, được cung thỉnh làm trụ trì chùa. Đây là hòa thượng Thích Huệ Minh, trụ trì đời thứ nhất của chùa Vĩnh Hưng. Sư tổ đã làm trụ trì ở đây cho tới ngày viên tịch (1982)
Ảnh thờ bà Đinh thị Định (giữa) trong chùa.

Ba tháp mộ của ba vị sư trụ trì đời thứ 1, 2 và 3

Vị tăng kể về vị sư phụ đời thứ ba với vẻ hết sức trân trọng và luyến tiếc:
  • Sư phụ đời thứ ba là Thích Thanh Chương. Người rất giỏi, đã đi du học ở nước ngoài và có bằng Tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ. Chính sư phụ là người đã thiết kế và cho xây lại ngôi chùa này từ năm 2009, tiếc là khi công trình chưa hoàn thành và nhiều dự định còn dang dở thì sư phụ đã lâm trọng bịnh, qua đời tháng 3 năm 2013, thọ 48 tuổi.
Bia tiểu sử của Hòa thượng Thích Huệ Minh, sư trụ trì đời thứ 1 của chùa Vĩnh Hưng, đặt bên mộ tháp của ông.

Trong khuôn viên chùa có 3 ngôi mộ tháp của 3 đời trụ trì chùa: Hòa thượng Thích Huệ Minh, Hòa thượng Thích Trí Bổn và Thượng tọa Thích Thanh Chương.

Trong bia tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Minh, ta thấy ông đóng một vai trò khá quan trọng đối với Cổ Sơn Môn Việt Nam: ông là phó tăng thống Cổ Sơn Môn Việt Nam năm 1963 và là tăng thống Cổ Sơn Môn Việt Nam năm 1966.

Còn tiểu sử của Thượng tọa Thích Thanh Chương (1965-2013), bạn nào muốn biết chi tiết có thể xem tại đây nhé.

Tôi có tìm hiểu về Cổ Sơn Môn qua Internet nhưng không tìm được nhiều thông tin. Bạn nào biết rõ về hệ phái Phật giáo này xin cho biết nhé.


À, từ đầu đến giờ chỉ kể chuyện xưa, giờ nói đến chuyện mô tả ngôi chùa Vĩnh Hưng. Bạn hãy chờ xem ở... bài khác nhé. Tới đây đã dài lắm rồi, đọc chán!


Phạm Hoài Nhân
Một ngôi chùa Đá giữa lòng thành phố Sóc Trăng 

Sóc Trăng nổi tiếng với các ngôi chùa mang sắc thái độc đáo riêng biệt như Bửu Sơn tự (Chùa Đất Sét) được công nhận là di tích nghệ thuật cấp tỉnh nổi tiếng với các pho tượng Phật làm bằng đất sét; Chùa Sro Luon (Chùa Chén Kiểu) những vách tường được ốp bằng những mảnh ghép chén kiểu, dĩa......Đặc biệt, trong nội ô thành phố lại có ngôi chùa làm từ nguyên liệu đá nguyên khối với tên gọi là Chùa Vĩnh Hưng hay Tổ đình Vĩnh Hưng tọa lạc tại số 110 Trần Hưng Đạo, Khóm 2, Phường 2, Thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Mỗi khối đá có kích thước là dài 0,3m, 0,2m rộng, cao 0,2m.


Chùa còn có tên gọi là chùa Cây Điệp được thành lập vào năm 1912, do thí chủ Đinh Thị Định dày công sáng tạo, với tâm nguyện kiến lập ngôi Đạo tràng để làm nơi quy ngưỡng cho những người con của Phật tìm về với nguồn cội tâm linh. Chùa Vĩnh Hưng là ngôi chùa theo phái Bắc Tông, tọa lạc trong khuôn viên rộng khoảng 6.800 m² . Chùa đã trải qua nhiều đời trụ trì đều là những bậc danh tăng như Hòa Thượng Thích Huệ Minh, Hòa Thượng Thích Trí Bổn, Thượng tọa Thích Thanh Chương.... Hiện nay, chùa do Đại đứcThích Thanh Lập trụ trì. Từ khi thành lập đến nay chùa trải qua 2 lần trùng tu vào năm 1982 và 2009.

Ngôi chùa hiện nay là tâm huyết của Thượng tọa Thích Thanh Chương, người là Phó trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Giáo dục Tăng ni, đồng Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Sóc Trăng, Thượng tọa Thích Thanh Chương có tên thật là Trần Đức Lành sinh năm 1965, mất tháng 3/2013, là vị trụ trì đời thứ 3 của chùa. Thượng tọa sinh ra trong gia đình gồm 6 người con quê ở ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Long Phú (nay là huyện Trần Đề)tỉnh Sóc Trăng.

Thượng tọa đã đứng ra vận động bà con Phật tử trong và ngoài nước ủng hộ kinh phívà cung thỉnh chư tôn đức trong Thường trực Ban Trị sự tiến hành động thổ đại trùng tu ngôi Vĩnh Hưng Cổ Tựvào ngày 09/9/2009. Với ước nguyện xây dựng một nơi khang trang cho đồng bào, tín đồ Phật tử chiêm bái tu tập. Sau hơn 4 năm tích cực xây dựng, các công đoạn kiến trúc của chùa cơ bản đã hoàn thành đưa vào sử dụng, kinh phí tạm chiết tính lên đến 9 tỷ đồng. Tổng thể kiến trúc của ngôi chùa gồm có: cổng tam quan, chánh điện, nhà thờ tổ, tháp, hòn non bộ... 


Qua Tam quan đề hàng chữ Chùa Vĩnh Hưng, phía dưới đề tên dòng chữ Hán là đến sân chùa. Phía bên tay trái thờ Quan thế âm Bồ tát, bên phải là cổng phụ đi thẳng vào là nhà chay đường. Khuôn viên chùa bày trí rất nhiều cây xanh, hoa kiểng làm tăng thêm cảnh sắc thiên nhiên cho ngôi chùa. Trước ngôi chánh điện có trang trí hai con sư tử đá màu trắng rất tinh xảo như đón chào du khách đến tham quan. Bước qua các bậc thềm sẽ vào không gian tiền sảnh để đón tiếp khách, 02 bên có tượng hộ pháp canh giữ. Tiếp theo là ngôi chánh điện có không gian rộng lớn được bao bọc bởi những tảng đá nguyên khối xếp chồng lên nhau, giữ nguyên màu sắc tự nhiên, phía trên mỗi góc mái được trang trí hình hổ phù đặc trưng theo họa tiết hoa văn của Nhật Bản. Cửa chính và cửa sổ được làm bằng gỗ trang trí hoa văn sắc xảo và tinh tế. Đây được gọi là giảng đường, nơi tập trung đông đảo của Phật tử mỗi khi diễn ra nghi thức hành lễ trong đạo Phật. Phía sau chánh điện, đặt liền kề, cách một cái sân trong là nhà thờ tổ. Nơi đây tổ chức như gian thờ: án thờ chính ở giữa đặt tượng Bồ đề Đạt Ma, bên dưới là tượng Sư tổ khai nghiệp ngôi chùa và đại đức thượng tọa nhiều đời của chùa.... Khu vực án thờ cũng có cửa võng, cuốn thư, câu đối…Phía sau ngôi chùa là tháp Phật có cấu trúc 5 tầng, với ý nghĩa tượng trưng cho 5 triết lý địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại và không đại, trên cùng là một bảo tháp. Tháp được che chắn bởi một hòn non bộ nguy nga, được trang trí với những loài hoa lan nhiều màu sắc.

Ngoài việc thực hiện các nghi lễ Phật giáo thường xuyên, nhà chùa nhận nuôi 10 vị đệ tử, nuôi dạy các chú tiểu còn ngây thơ, nhỏ dại ăn học và và tiến hành quy y cho hàng ngàn tín đồ Phật tửhướng về chánh pháp....Đặc biệt, theo thông lệ hằng năm, chùa Vĩnh Hưng còn tổ chức lễ dâng pháp Y Cà sa lên chư Tôn nhân mùa An cư Kiết hạ, cúng dường Đức Quán Thế Âm Bồ tát nhân ngày vía thành đạo của Ngài.

Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo được xây dựng hoàn toàn bằng đá, bố cục hài hòa giữa kiến trúc Nhật bản và Việt Nam, gần gũi với môi trường thiên nhiên. Chùa luôn là địa điểm tâm linh tín ngưỡng cho các Phật tử và du khách gần xa trong tỉnh Sóc Trăng đến chiêm bái và cầu quốc thái dân an.

Tân Trang


Chùa Vĩnh Hưng: Ngôi chùa bằng đá độc đáo ở Sóc Trăng

Chùa Vĩnh Hưng (Thành phố Sóc Trăng) gây ấn tượng với du khách khi được xây dựng bằng đá, có màu xám tự nhiên.

Chùa Vĩnh Hưng hay Tổ đình Vĩnh Hưng, tọa lạc tại số 110, đường Trần Hưng Đạo, khóm 2, phường 2, Thành phố Sóc Trăng. Chùa được thành lập vào năm 1912, đến nay đã trải qua bốn đời sư trụ trì và nhiều lần trùng tu lớn. Ngôi chùa hiện tại được khởi công xây dựng vào năm 2009.



Đây là ngôi chùa theo phái Bắc Tông, khuôn viên rộng khoảng 6.800 m² với nhiều hạng mục công trình như cổng tam quan, chánh điện, tháp, nhà thờ tổ…


Điểm đặc biệt là ngôi chùa được xây bằng rất nhiều đá và có có màu xám tự nhiên từ vật liệu này.


Bước qua bậc tam cấp, du khách sẽ vào tiền sảnh của chùa, hai bên có hai tượng hộ pháp uy nghi canh giữ.


Chánh điện chùa thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các tượng Phật, Bồ tát. Ngoài màu xám của đá, chùa còn có điểm nhấn là màu vàng đồng từ các bức tượng và hoa văn, chữ viết chạm nổi trên cột.


Tòa tháp năm tầng là một trong những điểm nhấn ở chùa Vĩnh Hưng, tượng trưng cho năm triết lý địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại và không đại.


Ngôi chùa là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Nhật Bản và Việt Nam, là điểm tham quan không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Sóc Trăng.

PV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét