15 tháng 10, 2022

Chùa BodhiSathārāma Bồ Đề

Chùa BodhiSathārāma Bồ Đề 

1. Lược sử ngôi chùa

Bồ Đề, theo tiếng Pali (Nam Phạn) có nghĩa là tỉnh thức, giác ngộ. Đây cũng là một trong những nội dung cốt lõi của Phật giáo Nam tông. Với ý nghĩa như vậy, chùa Bồ Đề là nơi giúp chúng sanh có thể thấu hiểu được chân lý cao cả của đạo Phật: Giác ngộ, qua đó, giúp họ tự “giải thoát”, vượt qua “bể khổ trần gian”.


Chùa tọa lạc tại ấp 5, xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; cách trung tâm thành phố Đồng Xoài khoảng 22 km về phía Tây Nam (từ thành phố Đồng Xoài, theo Quốc lộ 14 về hướng Tây Nam khoảng 22 km). Chùa được xây dựng trên một khu đất khá vuông vắn và bằng phẳng cạnh Quốc lộ 14, với diện tích khoảng 2.000 m². Theo Thượng tọa Danh Thái (sinh năm 1947), quê ở tỉnh Kiên Giang, chùa được khởi công xây dựng vào năm 1903, với sự đóng góp sức người, sức của của các cư dân Khmer trong vùng. Trước đây, Chơn Thành là vùng đồi núi, dân cư còn thưa thớt, lại trải qua các cuộc chiến tranh ác liệt, nên chùa chỉ xây dựng đơn sơ, và do các tín đồ – Phật tử cùng nhau quản lý. Mãi đến năm 1987, được sự phân công của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Phước, Thượng tọa Danh Thái đến tiếp quản và chính thức trở thành trụ trì ngôi chùa vào năm 1989. Kể từ đó, chùa mới được trùng tu, xây dựng lại với quy mô to lớn, và thu hút được nhiều tín đồ đến sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại chùa. Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, nhiều hạng mục công trình trong chùa được cải tạo và xây mới như: cổng chùa, chánh điện, sala, nhà tăng, tháp thờ… làm cho ngôi chùa trở nên uy nghi, bề thế hơn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc trùng tu, cải tạo ngôi chùa cho tới nay vẫn chưa được hoàn thiện.

2. Kiến trúc chùa

Theo các nhà nghiên cứu, tôn giáo tín ngưỡng của người Khmer chịu ảnh hưởng chính của ba luồng văn hóa: tín ngưỡng dân gian, Bà la môn giáo và Phật giáo. Do vậy, như nhiều ngôi chùa theo hệ phái Nam tông ở Nam Bộ, kiến trúc chùa Bồ Đề cũng thể hiện những nét đặc trưng văn hóa nêu trên. Đặc biệt là những đặc trưng ấy được các nghệ nhân Khmer kết hợp một cách hài hòa, thể hiện hết sức khéo léo, tài tình qua việc thiết kế xây dựng, trang trí thẩm mỹ các công trình kiến trúc ngôi chùa: từ cổng chùa, chánh điện, sala, tăng xá, tháp cốt cho đến tường rào, cảnh quan, không gian chùa,…

* Cổng chùa

Từ ngoài nhìn vào chùa Bồ Đề, phía Đông là cổng chùa hiện lên vẻ đẹp lộng lẫy và uy nghi, được thiết kế theo kiểu kiến trúc đền tháp Campuchia với hình búp sen cách điệu; có chiều ngang khoảng 3,5 m, chiều cao khoảng 7 m; được xây dựng bằng vật liệu xi măng cốt thép nên trông rất đồ sộ, vững chãi. Mặt trước của cổng được thiết kế theo hình năm ngọn tháp – tượng trưng cho năm vị Phật sẽ thành đạo theo quan niệm Phật giáo và cũng là nơi năm vị thần thường an ngự theo học thuyết Bà la môn giáo. Vượt lên trên năm ngọn tháp, ở vị trí trung tâm và trên cùng là tháp mang hình búp sen – tượng trưng cho cõi niết bàn của Đức Phật. Các ngọn tháp được trang trí, chạm khắc tinh xảo và đẹp mắt bằng các hình tượng, hoa văn độc đáo theo mô típ Angkor, đầu rắn Naga, và được sơn son thếp vàng trông thật lộng lẫy. Đỡ lấy các ngọn tháp là các khối trụ khá chắc chắn. Mặt tiền của các khối trụ của cổng cũng được chạm trổ bằng những hoa văn bắt mắt và được sơn màu cam nhạt. Đầu trên mỗi khối trụ được trang trí bằng hình tượng đầu rồng cách điệu, làm tôn thêm vẻ đẹp vừa uy nghi, đồ sộ, lại vừa tạo vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng cho ngôi chùa.


* Chánh điện

Phía trong ngôi chùa, cách cổng chùa khoảng 10 m, quay mặt về hướng Đông là ngôi chánh điện. Do trước đây chánh điện được xây dựng bằng những vật liệu thô sơ từ rừng, lại trải qua biến thiên của thời gian, lịch sử nên mặc dù đã được trùng tu, cải tạo nhưng hiện tại chánh điện đã bị xuống cấp trầm trọng. Chính vì vậy, Thượng tọa Danh Thái đã huy động các nguồn lực để xây mới lại chánh điện. Tuy vậy, hiện trạng còn lại của chánh điện cũng cho thấy lối kiến trúc đặc trưng như nhiều ngôi chùa Nam tông Khmer khác. Mặt bằng chánh điện có hình chữ nhật với chiều rộng khoảng 5 m, chiều dài hơn 10 m, được kết cấu với năm trụ cột dọc theo chiều dài hai bên. Mái chánh điện có hai lớp chồng lên nhau tạo thành hình tam giác cân ở hai bên gọi là Hoo-Cheng (cánh Én). Ở hai đỉnh đầu nóc mái chánh điện trang trí một ngọn tháp vuốt nhọn, và ở bốn góc nóc mái trang trí đuôi rồng uốn lượn làm cho ngôi chùa trông mềm mại và uyển chuyển. Bốn mặt ngoài của chánh điện là hành lang rộng và thoáng để các chư tăng Phật tử tập trung chuẩn bị các lễ vật vào các dịp hành lễ.


Bên trong chánh điện được bài trí khá đơn giản. Ở vị trí chính yếu là bệ thờ tượng Phật Thích Ca. Bệ tượng là một tòa sen chia thành nhiều cấp, trang trí rất tỉ mỉ. Trên tòa sen là tượng Phật Thích Ca đặt ở chính giữa…

Theo Hòa thượng Pháp Danh, trước đây, mặt bằng của ngôi chùa tương đối cao so với mặt đường bên ngoài và ngôi chánh điện là công trình chính – nơi thờ ngôi Tam Bảo nên được đặt ở vị trí trung tâm và xây cao hơn những công trình khác. Nhưng do từ lúc Nhà nước nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14 nên hiện trạng khu đất trở nên bị thấp. Đây cũng là một trong những lý do mà nhà chùa đã huy động các nguồn lực để xây mới lại chánh điện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chánh điện mới được khởi công từ năm 2012 nhưng tới nay vẫn chưa được hoàn thành…


* Sala

Từ cổng nhìn vào, sala chùa nằm phía bên trái của chánh điện, quay mặt về hướng Nam. Kiến trúc sala tương đối đơn giản, gần giống kiểu nhà của người Việt, kết hợp với kiểu nhà truyền thống của người Khmer. Mặt bằng sala cũng được thiết kế theo hình chữ nhật, có diện tích khoảng 90 m², được xây mới từ năm 2000. Các cột và tường của ngôi nhà chủ yếu làm bằng xi măng, cốt thép.

Duy chỉ các vi kèo được làm bằng gỗ. Mái của sala cũng thiết kế gồm hai lớp và được lợp bằng tôn màu đỏ có hình vảy rồng. Mặt tiền của sala được thiết kế ngoài hai bộ cửa chính hai cánh và một bộ cửa sổ bốn cánh, phần còn lại cũng được trang trí hoa văn trông thật bắt mắt.

Bên trong sala được bài trí khá đơn giản, được chia làm ba gian với nền nhà chia làm hai cấp. Gian ngoài cùng dùng vào việc tiếp khách, gian chính giữa là nơi chư tăng thọ trai, hội họp và cũng là nơi thuyết giảng, nghỉ ngơi của trụ trì. Gian trong cùng, ngoài bàn thờ Đức Phật Thích Ca được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm, bên phải còn đặt bàn thờ tro cốt của các Phật tử đã khuất mà theo giải thích của trụ trì là do chùa chưa xây được tháp thờ tro cốt riêng cho các gia đình Phật tử.

* Tháp thờ Đức Phật Thích Ca

Nằm bên trái, phía Nam của chánh điện là tháp thờ Đức Phật Thích Ca. Tháp được đúc theo hình khối vuông vức với các cạnh là 3 m, có chiều cao 5 m. Trong tháp chỉ đặt pho tượng Đức Phật đang ngồi mắt nhìn về hướng Đông, xung quanh tường trang trí đơn giản bằng các hoa văn sơn màu vàng nhạt. Lối lên tháp gồm tám bậc thang được xây bằng xi măng – tượng trưng cho Bát chánh đạo, trên cùng là biểu tượng búp sen – tượng trưng cho cõi niết bàn.

* Tường rào

Bao bọc xung quanh ngôi chùa là các dãy tường rào khá kiên cố. Đặc biệt, mặt tiền của ngôi chùa được sơn màu lộng lẫy và bắt mắt. Mặt ngoài của mỗi vách tường đều được trang trí, chạm trổ bằng các phù điêu tinh xảo với các hoa văn mang biểu tượng của Bát chánh đạo rất độc đáo. Phần trên của mỗi vách tường đều được trang trí năm hình tượng nữ thần. Liên kết các vách là những trụ tường cũng được trang trí bằng các hoa văn truyền thống, phần đầu của các trụ đều được gắn tượng thần bốn mặt.


* Tiểu cảnh, không gian chùa

Có thể nói, cách bài trí không gian chùa Bồ Đề cũng hết sức độc đáo. Cảnh quan của chùa tạo cho người viếng có cảm giác vừa trang nghiêm, tĩnh mịch lại vừa nhẹ nhàng, thanh tịnh. Bước vào cổng chùa, ngay phía bên phải là hình ảnh cây Bồ đề hết sức cao lớn và sum suê có niên đại hàng trăm năm tuổi, được xem là biểu tượng của ngôi chùa. Dọc theo bên tường rào ở hai hướng Bắc – Nam là hai hàng cây cổ thụ cao lớn sừng sững, có tác dụng vừa tạo bóng mát vừa che chắn, bảo vệ chùa trước những thiên tai của trời đất.


Đặc biệt, trong khuôn viên chùa, ngoài những công trình kiến trúc được thiết kế xây dựng cho việc hành lễ, sinh hoạt văn hóa… không gian còn lại, từ trái qua phải, xen lẫn những cỏ cây, hoa lá là những hình tượng tái hiện một cách khái quát về câu chuyện cuộc đời của Đức Phật Thích ca hết sức ấn tượng, như: cảnh Đức Phật thuyết đạo trong rừng Lâm Tỳ Ni, cảnh Đức Phật thành đạo, cảnh Đức Phật nhập diệt…

3. Chùa trong đời sống cộng đồng cư dân

Trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Khmer ở xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, chùa Bồ Đề có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt là đối với các gia đình Phật tử nơi đây. Bởi hơn một thế kỷ qua, chùa là nơi chăm lo cho đời sống tâm linh tín ngưỡng của nhiều thế hệ Phật tử Khmer. Có thể nói, chùa Bồ Đề luôn song hành, gắn bó mật thiết với cuộc đời của các Phật tử Khmer. Hầu như đối với Phật tử Khmer nơi đây, từ lúc chào đời, lớn lên rồi về già và cho đến lúc chết, mọi buồn vui của cuộc đời đều gắn bó với chùa. Bởi lẽ, ngoài việc tham gia vào các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng ở chùa khi còn sống, đến khi chết đi, xương cốt của các Phật tử Khmer cũng được gửi gắm tại chùa. Do vậy, trong tâm thức của người Khmer, chùa vừa là chốn thiêng liêng lại vừa rất đỗi gần gũi với họ. Chính vì vậy, dù trải qua nhiều biến thiên của lịch sử – xã hội, niềm tin tâm linh của các thế hệ Phật tử Khmer đối với chùa cũng như đối với Đức Phật vẫn không hề thay đổi.


Theo Hòa thượng Danh Thái, cũng như nhiều ngôi chùa Phật giáo Khmer khác, hằng năm, chùa Bồ Đề cũng thực hiện những nghi lễ lớn, như: lễ Meakabauchia (vào đầu tháng 2 dương lịch), lễ Chol Chnam Thmay, lễ Năm mới (giữa tháng 4 dương lịch), lễ Vesakabauchia, lễ Phật đản và Phật nhập niết bàn (đầu tháng 5 dương lịch), lễ Đôn-ta, lễ Xá tội vong nhân (giữa tháng 9 dương lịch), lễ Ok Ang Bo, lễ cúng trăng (cuối tháng 10 dương lịch)… Đặc biệt, vào những dịp lễ lớn, chùa thu hút hàng trăm Phật tử và người dân huyện Chơn Thành cùng nhiều khách thập phương đến tham dự.

Ngoài việc tổ chức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cho cư dân và Phật tử Khmer trong vùng, các sư trong chùa còn tham gia vào các lễ tại gia đình của các Phật tử, như: lễ cầu an, lễ làm nhà mới, lễ cưới, lễ tang… Qua các hoạt động này, tình cảm giữa các thành viên trong cộng đồng Khmer cũng như tình cảm của người dân đối với nhà chùa càng thêm gắn kết.

Có thể nói, chùa Bồ Đề ở xã Nhơn Bích, huyện Châu Thành, tỉnh Bình Phước không chỉ là nơi chăm lo đời sống tâm linh tín ngưỡng cho cộng đồng người Khmer, mà còn là nơi giúp họ lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử, nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc… hết sức độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa tộc người.

Mặc dù hiện nay, do nhiều nguyên nhân, chùa Bồ Đề vẫn chưa được xây dựng hoàn thiện, nhưng hy vọng trong thời gian không xa, khi đời sống kinh tế người dân địa phương phát triển hơn, cùng với lòng hảo tâm, thiện nguyện của bá tánh thập phương, ngôi chùa sẽ sớm hoàn thành, đáp ứng nhu cầu về văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người dân trong vùng.

Trích sách Những ngôi chùa PHẬT GIÁO NAM TÔNG của người Khmer ở Đông Nam Bộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét