Thị xã Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Kim Tiên
Chùa Kim Tiên tọa lạc tại khu phố 2, phường 5, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Hiện nay là Trụ sở làm việc của Ban Trị sự GHPGVN thị xã Cai Lậy.
Ngôi chùa Kim Tiên trước kia nằm trên một gò đất cao giữa cánh đồng, xung quanh chùa trồng nhiều cây sao, cây dầu. Theo tài liệu “Địa Phương Chí”, ngôi chùa này được xây dựng vào thời Cảnh Hưng (khoảng từ năm 1740 - 1786) ở Rạch Cái Nứa (nay thuộc xã Thanh Hòa, huyện Cai Lậy). Vị khai sơn ngôi chùa này là Tổ Minh Trí Chiếu Thể, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ. Ban đầu chùa được cất bằng cây lá thô sơ, trải qua 3 đời trụ trì ngôi chùa nơi đây dần đã xuống cấp.
Đến đầu thế kỷ XIX, năm 1802, Hòa thượng Đạo Nhựt - Quảng Tế cho dời ngôi Chùa về gần chợ Cai Lậy, nằm ở khu vực đất họ Hồ, do Bảo hộ Hồ Văn Lân (công thần triều đình Gia Long) hiến cúng. Ngôi chùa lúc này được làm bằng gỗ quý, mái lợp ngói âm dương.
Sau khi Hòa thượng Đạo Nhựt – Quảng Tế viên tịch, chùa Kim Tiên đã được nhiều vị Hòa thượng kế vị trụ trì và hoằng dương Phật pháp, mở Giới đàn, khai khóa tu Kiết Đông, lập đại Trai đàn phổ tế thập loại chúng sanh, ….
Đến ngày 30/4/1975, chùa Kim Tiên được Hòa thượng Thích Quảng Châu trông coi. Lúc này chùa Kim Tiên đã bị xuống cấp trầm trọng.
Đến năm 1997, Hòa thượng Thích Quảng Châu do tuổi cao sức yếu nên giao chùa lại cho Giáo hội điều hành Phật sự. Bấy giờ Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Ban Đại diện Phật giáo huyện Cai Lậy bổ nhiệm Hòa thượng Thích Bửu Thông về trụ trì. Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Thông nguyên là Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ I. Thành viên Hội đồng Chứng minh, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang.
Thời gian trụ trì chùa Kim Tiên, Hòa thượng Thích Bửu Thông đã trùng tu lại ngôi chùa khang trang hơn trước, mái lợp ngói âm dương, các tường, cột gỗ, nền lát gạch bông. Hóa duyên viên mãn, Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Thông đã viên tịch vào ngày 4/4/2019 (30/2 năm Kỷ Hợi).
Nhằm kiện toàn cơ chế hoạt động của Phật giáo địa phương, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang quyết định dời Văn phòng làm việc của Ban Trị sự Phật giáo thị xã Cai Lậy từ chùa Long Phước về chùa Kim Tiên từ năm 2019 cho đến nay.
Ban Trị sự Phật giáo thị xã Cai Lậy đã thành lập Ban Trụ trì chùa Kim Tiên gồm:
- Đại đức Thích Đức Quang, Trưởng ban Trị sự Phật giáo thị xã Cai Lậy, Trụ trì.
- Đại đức Thích Minh Thiền phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo thị xã Cai Lậy, làm phó Trụ trì Thường trực.
- Đại đức Thích Bổn Chánh, Phó trưởng Ban Trị sự Phật giáo thị xã Cai Lậy, làm phó Trụ trì.
Đại đức Thích Minh Thiền được Ban Trị sự Phật giáo thị xã Cai Lậy đề cử đảm trách nhiệm vụ Phó trụ trì Thường trực, quản lý trong coi chùa Kim Tiên. Trong thời gian này Minh Thiền đã vận động xây dựng ngôi nhà Tăng với diện tích: 10x20, một trệt một lầu, tầng lầu làm Hội trường là nơi hội họp và tổ chức các cự kiện; tầng trệch là Tăng xá làm nơi sinh hoạt cho chư Tăng nội tự.
Hiện tại, trước sân chùa Kim Tiên có các chậu hoa kiểng được bố trí hài hòa, đẹp mắt. Tượng Phật Quán Thế Âm ngự trên tòa sen ở giữa sân, có mái che. Từ cửa đi vào Chánh điện, những tượng Phật thờ uy nghi trên bệ xây bố trí theo lớp lang.
Ở giữa chính điện có tượng Phật Thích Ca, Phật Di Đà, Phật Dược Sư, được sơn son thếp vàng cao 1 m, ngang 80 cm. Cạnh đó bộ 3 tượng Thập điện bằng gỗ cao 60 cm sơn son thếp vàng với nét chạm khắc khá tinh xảo. Tượng Phật Di Lặc bằng đất sét cũng được sơn son thếp vàng và một tượng Văn quan ngồi bằng gỗ cao 60 cm (áo có hoa văn rồng). Ba bộ bao lam ở Chánh điện, trong đó có hai bộ chạm tùng lộc mai điểu; bộ lam ngay Chánh điện chạm cửu long rất tinh xảo. Ba bộ ở nhà tổ chạm lộng hoa lá với những đường nét tạo hình độc đáo và nghệ thuật kiến trúc mới lạ. Trong bảy đôi liễn được treo ở chùa, đặc biệt có một đôi do chính cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) viết tặng khi chùa trùng tu lại, với nội dung: “Đại đạo quãng khai thố giác đàm đế nguyệt / Thiền cỏ giáo dưỡng qui mao thằng thọ đầu phong”. (Rộng mở đạo thiền như tìm sừng thỏ khêu bóng trăng đáy nước / Nuôi dưỡng mái thiền như tìm thấy lông rùa để trói ngọn gió vào đầu ngọn cây).
Hiện chùa còn có 03 bức hoành có biển “Kim Tiên Cổ Tự” và 2 bức: “Đại Hùng Bửu Điện”, “Huỳnh Kim Bửu Điện” sơn son, chạm trổ hoa văn rất đẹp. Ngoài ra, chùa còn nhiều hiện vật bằng đồng có giá trị nghệ thuật cao như: lư hương, đại hồng chung, một mõ gỗ chạm đầu rồng… Phía sau Chánh điện là Tổ đường - nơi thờ chư Hòa thượng đã viên tịch, kề bên có di ảnh của những Phật tử đã từ trần được gia đình tin tưởng gởi đến chùa. Đặc biệt còn một khánh thờ được chạm trổ hoa văn dây lá, làm vào năm Canh Tý (1840), hai bên có câu đối: Kim Tu Di đỉnh thượng truyền Thích đạo / Tiên phổ Đà tuyết lãnh thọ ca sa. (Vàng trên đỉnh núi Tu Di truyền đạo Thích / Tiên núi tuyết phổ Đà nhận cà sa).
Đặc điểm chung của các tượng Phật ở chùa Kim Tiên là không cao lớn như ở những chùa khác. Các di vật trong chùa còn rất ít so với lúc chùa mới trùng tu năm 1920, tuy nhiên những di vật còn lại đều liên quan đến sự thành lập chùa và có giá trị về mặt lịch sử, nghệ thuật. Phía ngoài chùa là những mộ tháp của chư Hòa thượng tiền nhiệm trụ trì và ở chùa lâu năm đã viên tịch. Những ngôi mộ tháp được xây dựng khang trang, bảo quản chu đáo.
Chùa Kim Tiên là một di tích có giá trị lịch sử quan trọng đối với nhân dân địa phương. Trải qua gần 300 năm tồn tại, chùa thu hút đông đảo người dân trong vùng tìm viếng. Vào những ngày mồng một và rằm, Phật tử trở về đây lạy Phật, cầu mong những điều tốt lành.
Thời kỳ đất nước còn bị thực dân Pháp thống trị, chùa còn là nơi lui tới hội họp của những nhà trí thức yêu nước. Đặc biệt, thân sinh của Hồ Chủ tịch - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã về đây đàm đạo cùng các vị sư và cũng như nhân sĩ trí thức yêu nước ở Cai Lậy vào những năm 19-20 của thế kỷ XX, đồng thời bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo quanh vùng.
Qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa Kim Tiên vẫn giữ được nét cổ kính. Ngôi chùa giờ trở thành một di tích có giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương và có ảnh hưởng nhất định đến đời sống tinh thần của người dân trong vùng.
Một số ảnh tư liệu:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét