25 tháng 8, 2021

Chùa Chiêu Thiền

Tên thường gọi: Chùa Láng

Chùa thường được gọi là chùa Láng hay chùa Láng Thượng, tọa lạc ở số 88, phố chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 7 km về phía Tây. ĐT: 04. 8357143. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Toàn cảnh chùa


Tam quan chùa

Chùa được khởi dựng vào đời Vua Lý Anh Tông (1138–1175). Chùa thờ Phật và thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Thiền sư Từ Đạo Hạnh thuộc thế hệ 12 Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi. Ngày 7 tháng 3 âm lịch là ngày sinh của Thiền sư đã trở thành ngày hội chùa hằng năm:

Nhớ ngày mùng bảy tháng ba,
Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy.

Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Kiến trúc hiện nay là do lần trùng tu vào năm 1656, năm 1666, giữa thế kỷ XIX và năm 1996 – 1997 nhưng vẻ cổ kính vẫn còn giữ được của một danh lam từ tám thế kỷ trước ở kinh thành Thăng Long. Từ ngoài vào, có ba lớp cổng tam quan, nhà bát giác, tiền đường, trung đường, thiêu hương, thượng điện, tả hữu hành lang, nhà Tổ, nhà Mẫu và vườn tháp.

Toà tiền đường và trung đường đều có 9 gian. Thượng điện được bài trí thờ tự theo kiểu tiền Thánh hậu Phật. Tượng đức Thánh Láng đặt phía trước, phía sau là các lớp tượng Phật, Bồ tát. Hệ thống tượng thờ ở chùa có niên đại tạo tác từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX mang giá trị nghệ thuật cao. Chùa còn giữ nhiều di vật quý như: án văn chạm rồng thế kỷ XVII, kiệu rước Thánh thế kỷ XVIII, bia niên hiệu Thịnh Đức thứ 4 (1656), nhiều đạo sắc phong cho Thánh Từ Đạo Hạnh có niên hiệu Lê, Tây Sơn, Nguyễn…

Trụ trì hiện nay là Ni sư Thích Đàm Huyền.

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1962.

Chùa Láng

Mặt tiền chùa

Điện Phật

Thập điện

Tượng Bồ Tát Chuẩn Đề

Tượng Bồ Tát Quan Âm

Tượng Bồ Tát Văn Thù

Tượng Bồ Tát Di Lặc










Tượng La Hán




Tượng Thiên vương

Ngôi nhà bát giác (nơi đặt tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh khi làm lễ dâng hoa trong ngày hội)



Lễ hội

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường

Di tích chùa Láng, Hà Nội

Cách trung tâm Hà Nội 5 km về phía Tây có một ngôi chùa cổ tên nôm gọi là chùa Láng, thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Tên chữ Hán là “Chiêu Thiền tự”, nhưng mọi người thường gọi theo tên nôm là chùa Láng theo danh xưng của làng Láng và vùng Láng nổi tiếng kinh thành xưa.


Theo bài văn khắc trên tấm bia “Chiêu Thiền tư tạo lệ bi” do Tiến sĩ khoa Tân Mùi (1631) đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu bồi tụng Binh Bộ tả thị lang tước Diên Thọ Bá Nguyễn Văn Chạc, hiệu Phúc Phủ soạn ngày tốt tháng Tám năm Thịnh Đức thứ 4 (1657) và Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1619), Dực vận Tán trị Công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu tham tụng Lễ Bộ Thượng thư Viện Hàn lâm diên thị giảng tham trưởng hàn lâm viện sử lược. Bạt quận công Dương Trí Trạch hiệu Nghi Trai duyệt… thì vua Lý Thần Tông đã ban dụ cấp cho các hạng quan viên, chức sắc, bình dân xã, Yên Lãng lời dụ nhấn mạnh: “Trong xã tô ruộng công truyền cho con cháu được hưởng các thứ thuế khác đều để được phục vụ cho nhà chùa Chiêu Thiền, ân huệ này được truyền lại cho muôn đời cho con cháu”. Cũng năm đó tượng vua Lý Thần Tông và Thiền sư Từ Đạo Hạnh được tô lại như cũ. Chín năm sau (năm 1666), chùa Chiêu Thiền được trùng tu, sửa chữa lớn.

Sang thời Nguyễn theo văn bia, chùa được sửa chữa lớn vào các năm thứ 22 niên hiệu Tự Đức (1869) và năm thứ 13 niên hiệu Thành Thái (1901), trải qua thời gian dài tồn tại, sau những lần trùng tu sửa chữa, diện mạo ngôi chùa đã thay đổi nhiều, nhưng địa điểm thì vẫn nguyên chỗ xây cất ban đầu.

“Hình ảnh” ngôi chùa hiện nay là kết quả của những lần trùng tu khoảng giữa thế kỷ 19 và những năm gần đây. Chiêu Thiền từ xa xưa đã được coi là một danh lam thắng tích của kinh đô Thăng Long. Ngôi chùa được tạo dựng từ khá sớm, mang nội dung lịch sử độc đáo, bố cục quần thể kiến trúc đa dạng, nếu đem so với những ngôi chùa khác trên đất Thăng Long. Chùa dựng lên để vừa thờ Phật vừa để ghi nhớ Thiền sư Từ Đạo Hạnh một thiền sư nổi tiếng thời Lý và Ngài được sinh ra ở đây. Sự tích về Thiền sư Từ Đạo Hạnh được ghi chép và truyền tụng rộng rãi trong sử sách, thần tích cùng truyền thuyết dân gian. Hai tác phẩm “Lĩnh Nam trích quái” và “Thiền uyển tập anh” miêu tả khá kỹ, sách “Lĩnh Nam trích quái” của Vũ Quỳnh cũng đã tả lại gốc tích quê hương của thiền sư.

Sách “Thiền uyển tập anh” cho biết thêm: Từ Đạo Hạnh là một danh sư nổi tiếng đương thời, ông trở thành vị tổ thứ 12 của Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ông đã đào tạo nên nhiều nhà sư xuất sắc, tiêu biểu nhất phải kể đến quốc sư Nguyễn Minh Không sau này. Từ Đạo Hạnh được thờ ở nhiều nơi, các triều đại quân chủ đều có ban Sắc phong làm phúc thần.

Hội Láng được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Từ xa xưa hội Láng đã nổi danh như câu ca dao:

Nhớ ngày mùng 7 tháng 3
Trở vào hội Láng trở ra hội Thầy.

Hội Láng ngày xưa diễn ra trong 10 ngày, từ mùng 5 có tế cha mẹ ở chùa Nền…năm nào được mùa đời sống khấm khá thì có rước. Hội Láng hấp dẫn nhất là đám rước có sự tham gia của 9 làng (gồm 7 láng tổng Hạ và làng Thượng Đình, Thượng Yên Quyết).

Hội tổ chức trọng thể 12 năm một lần, đón rước long trọng, lễ hội tái diễn lại cuộc chiến giữa Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Đại Diên, sau đó lại rước Từ Đạo Hạnh lên thăm mẹ ở chùa Hoa Lăng làng Dịch Vọng. Hội Láng ngoài việc tế lễ, rước kiệu Thánh còn tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như đấu võ, chọi gà, cờ bỏi, đập nồi…đặc biệt có tục thổi cơm thi hoặc vừa thổi cơm vừa chăn cóc. So với những ngôi chùa nổi tiếng khác của Thủ đô, chùa Láng còn lưu giữ được quần thể kiến trúc được bố cục cân đối, hài hòa, hòa quyện với không gian và cảnh quan thiên nhiên rộng lớn, các nếp nhà cổ kính được ẩn mình dưới dưới tán cây cổ thụ quanh năm xanh tốt tỏa bóng mát tạo cho khu di tích một vẻ đẹp thâm nghiêm tĩnh lặng.


Chùa tọa lạc trên một khu đất cao ráo rộng rãi thoáng mát, xa khu dân cư của làng, nhìn về hướng nam trông ra sông Tô Lịch. Trên đại thể mặt bằng chùa chia ra hai phần, khu vườn cây cổ thụ xanh tốt ở phía trước, quần thể kiến trúc tập trung ở phía sau . Một đường lớn lát gạch xuyên qua khu vườn dẫn vào sân chùa, hai hàng cây cổ thụ được trồng đăng đối dọc hai bên đường từ ngoài vào trong. Các bộ phận kiến trúc của chùa gồm: ba lớp Tam quan, đường gạch lớn – sân, giữa sân rộng là nhà bát giác, hai bên hai dãy dải vũ song song. Liền sau sân dựng nhà Tiền đường rồi đến Trung đường, thiêu hương, Thượng điện. Hai bên Thượng điện lại dựng hai dãy hành lang, phía sau là nhà thờ Tổ thờ Mẫu, nhà khách. Khu vườn tháp nằm hơi chếch xa hơn phía sau chùa. Tòa Tiền đường quy mô lớn chín gian, xây kiểu tường hội bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta kiểu hai tầng 4 mái. Chùa hiện nay lưu giữ một khối lượng di vật đồ sộ nhiều chủng loại, chất liệu khác nhau. Trong số đó nhiều di vật quý hiếm có giá trị nghệ thuật cao như: án văn chạm rồng thế kỷ 17, hai cỗ kiệu rước sơn son thiếp vàng chạm rồng nghệ thuật thế kỷ 18; 13 tấm bia đá có niên hiệu trải dài từ thời Lê đến Nguyễn, trong đó có tấm bia niên hiệu Thịnh Đức thứ 4 (1657) rất giá trị. Bộ sưu tập tượng tròn lên tới con số 198 pho có kích thước lớn nhỏ, trong đó có 39 pho được tạo tác thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17, 18, số còn lại chí ít cũng mang phong cách thời Nguyễn. Chùa còn lưu giữ 11 đạo Sắc phong niên hiệu Lê – Tây Sơn – Nguyễn phong thần cho Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa Láng vốn nổi danh từ xa xưa bởi mối quan hệ gắn bó với Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cảnh quan đẹp nơi cửa thiền được điểm tô bằng quy mô kiến trúc bề thế, lộng lẫy, hình thức quy hoạch ba lớp cổng Tam quan theo chiều sâu rất gần với kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội.

Năm 1999, chùa đã được Thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2014 đến năm 2015 chùa được tu sửa lớn.

Chùa Láng đã và sẽ còn là một danh lam thắng tích nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội và cả nước – một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn thu hút khách từ mọi miền Tổ quốc cũng như du khách quốc tế tới chiêm ngưỡng tham quan.

Nguyễn Thị Thủy – nguyên Phó Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét