26 tháng 9, 2021

Chùa Hải Sơn

Tên thường gọi: Chùa Hang

Chùa còn có tên là chùa Thiện Thành, nhân dân quen gọi là chùa Hang, tọa lạc ở xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. ĐT: 077.854544. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Toàn cảnh chùa

Du khách vào thăm chùa

Hòn Phụ Tử (cảnh trước chùa)

Cảnh biển trước chùa

Tam quan chùa

Sách Lược sử những ngôi chùa ở Kiên Giang (TT. Thích Giác Phước chủ biên, NXB. TP. Hồ Chí Minh, 2002) cho biết chùa được thành lập vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Thời bấy giờ, một vài nhà sư Xiêm La theo đoàn ngư dân đánh cá đến vùng đất Hà Tiên đã đưa hai pho tượng đức Phật Thích Ca đến thờ phụng trong một hang núi tự nhiên tại hòn Chông. Ngôi chùa do các vị sư Xiêm La quản lý đến năm 1770. Sau đó, do chiến tranh, các vị sư Xiêm La về nước, chùa bị bỏ hoang một thời gian. Cư dân địa phương đã thỉnh các vị sư gốc Khmer đến trụ trì chùa, nhưng không bao lâu, các vị sư này chuyển sang xây dựng ngôi chùa Ba Trại (gọi Ba Trại vì chùa nằm trong vùng căn cứ nghĩa quân Ba Trại dưới chân núi Hòn Chông của Lãnh binh Nguyễn Trung Trực).

Năm 1800, người dân địa phương đã thỉnh hai vị Hòa thượng Thường Lễ và Thường Nghĩa đến trùng tu, tôn tạo ngôi chùa. Vị cuối cùng viên tịch năm 1865.

Kế tục trụ trì là Hòa thượng Thiện Tông. Cả ba vị Hòa thượng trên đều sống tịnh tu nên ít tiếp xúc với người ngoài. Tài liệu của chùa cho biết, vào một ngày Rằm của năm 1920, khi người dân đến cung cấp thực phẩm thì không thấy ngài, đành phải thỉnh một vị trụ trì khác. Hơn 10 năm sau, một người dân đi rừng ghé vào một hang động hoang vắng trú mưa đã thấy di cốt của Hòa thượng Thiện Tông trong bộ áo cà sa ngồi tư thế kiết già, bên cạnh có bình bát và cây gậy. Cư dân địa phương đã đặt tên hang là hang Phật ngủ.

Điện Phật trong hang

Bàn thờ Phật trong hang

Bàn thờ đức Phật Thích Ca

Bàn thờ Bồ Tát Di Lặc

Bàn thờ Bồ Tát Quan Âm

Vị trụ trì kế là Hòa thượng Tố, cũng sống tịnh tu và viên tịch năm 1939, thọ 70 tuổi. Từ năm 1939 đến năm 1944, Hòa thượng Chí Hòa trụ trì. Ngài viên tịch vào năm 70 tuổi. Đến năm 1953, cư dân địa phương thỉnh một sư cô (quen gọi là cô Sáu) về trông coi chùa. Năm sau, cư dân thỉnh Hòa thượng Thiện Hóa về trụ trì. Sư cô Sáu viên tịch năm 1975. Hòa thượng viên tịch năm 1999, thọ 79 tuổi. Chùa được Hòa thượng Thiện Hóa tổ chức đại trùng tu vào năm 1962.

Đại đức Thích Minh Hải kế tục trụ trì từ năm 1999 đến nay. Đại đức quê ở Rạch Giá, năm 20 tuổi xuất gia tại chùa Phật Quang với Thượng tọa Giác Phước. Thầy đã cho trùng tu đường lộ dẫn vào chùa, khu công viên trong và ngoài cổng tam quan, tôn tạo chánh điện…

Qua tam quan, khách hành hương vào lễ điện Quan Âm. Ở đây có thờ tượng Bồ tát Chuẩn Đề, Bồ tát Quan Âm và Bồ tát Địa Tạng. Ngôi chùa nằm giữa hang sâu gần 40m. Điện Phật có nhiều bàn thờ, đặc biệt có hai tượng Phật Thích Ca (kiểu thức tượng Phật giáo Nam Tông Thái Lan). Một bàn thờ tượng đức Phật Thích Ca thành đạo, hai bên có hai tượng Phật khuyến thiện, trước có tượng Đản sanh. Một bàn thờ tượng đức Phật Thích Ca thành đạo, trước có các pho tượng nhỏ là tượng Thích Ca lúc còn là Hoàng tử và bộ tượng Di Đà Tam Tôn (A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí). Ở trong hang còn có bàn thờ tượng đức Phật Thích Ca thiền định, tượng Bồ tát Quan Thế Âm, tượng Bồ tát Địa Tạng và hai tượng nhỏ Hộ Pháp, Tiêu Diện… và một quả đại hồng chung.

Ra khỏi hang, chúng ta đi qua cổng chùa phía Nam, nhìn ra xa là hòn Phụ Tử nổi tiếng, cảnh biển Hà Tiên xinh đẹp.

Trước cửa hang có miễu Bà Chúa Xứ chùa Hang.

Trong dãy núi Hòn Chông còn có những hang nổi tiếng như hang Gia Long, hang Tiền. Trước chùa có một vách núi nhô ra biển gọi là mũi Công chúa Ngọc Du. Giang Lưu Minh Huấn, Giang Minh Đoán trong sách Du lịch Hà Tiên (NXB Ban Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1998) cho biết câu chuyện kể về Nguyễn Ánh bị quân của Tây Sơn đuổi bắt, khi đoàn thuyền của Nguyễn Ánh đến đây, thuyền của Công chúa Ngọc Du bị quân Tây Sơn đuổi kịp, tướng Tây Sơn nhảy lên thuyền Công chúa, thì đồng thời Công chúa gieo mình xuống biển. Lần sau có dịp ghé, Nguyễn Ánh lập đàn tế và gọi nơi đây là mũi Công chúa Ngọc Du. 

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Vườn tượng Phật Dược Sư

Vườn tượng Phật Đản sanh

Tượng Bồ tát Di Lặc bằng cẩm thạch

Chuông chùa

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Chùa Hang ở Kiên Giang

Chùa Hang nằm ở khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ Tử, thuộc tỉnh Kiên Giang. Xưa nay người ta vẫn nhớ rằng Hòn Phụ Tử là một cảnh đẹp của Hà Tiên, và mặc nhiên hiểu rằng Hòn Phụ Tử và cùng với đó là chùa Hang cũng đều ở Hà Tiên. Thế nhưng điều đó không đúng, hay nói chính xác hơn là: Chùa Hang - Hòn Phụ tử thuộc Hà Tiên theo địa giới hành chính ngày xưa còn bây giờ thì không phải. Theo địa giới ngày nay, khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ Tử nằm trên địa bàn xã Bình An, huyện Kiên Lương, và Kiên Lương thì nằm ở phía Đông Nam của Hà Tiên.

Chùa Hang ở Kiên Lương, Kiên Giang

Miền Tây Nam bộ là vùng đồng bằng, không có núi. Không có núi thì không có hang. Không có hang thì... không có chùa Hang. Ý nhưng may quá, có 2 tỉnh có núi, đó là An Giang và Kiên Giang. Núi ở An Giang thì khá hoành tráng, nổi bật là cụm Thất Sơn. Còn ở Kiên Giang, ngoài đảo Phú Quốc có nhiều núi khá cao thì ở đất liền có những ngọn núi thấp và núi đá vôi (cao chừng vài chục mét). Một trong những ngọn núi như vậy ở xã Bình An, nằm bên bờ biển, là An Hải Sơn.

Từ An Hải Sơn nhìn ra biển là Hòn Phụ Tử nổi tiếng cùng nhiều hòn khác. Còn bên trong, trong lòng núi An Hải Sơn là một hang động dài độ 50 met, cửa hang cũng thông ra biển. Từ thế kỷ 17 đã có một vài nhà sư thấy địa hình hang động thích hợp nên đã mang tượng Phật đến và tạo thành ngôi chùa, tu hành tại đây. Vì ở trong hang, chùa được gọi tên là chùa Hang. Sau này, chùa có thêm tên chữ là chùa Hải Sơn. Tên này cũng rất hợp, vì chùa ở trong núi (Sơn) và nhìn ra biển (Hải).


Từ chùa Hang nhìn ra là Hòn Phụ Tử. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Từ ngoài cổng chính, ta qua tam quan và đi vào trong hang, đây là phần chính của ngôi chùa.

Lối đi trong chùa Hang

Qua tam quan, khách hành hương vào lễ điện Quan Âm. Ở đây có thờ tượng Bồ tát Chuẩn Đề, Bồ tát Quan Âm và Bồ tát Địa Tạng. Ngôi chùa nằm giữa hang sâu gần 40m. Điện Phật có nhiều bàn thờ, đặc biệt có hai tượng Phật Thích Ca (kiểu thức tượng Phật giáo Nam Tông Thái Lan). Một bàn thờ tượng đức Phật Thích Ca thành đạo, hai bên có hai tượng Phật khuyến thiện, trước có tượng Đản sanh. Một bàn thờ tượng đức Phật Thích Ca thành đạo, trước có các pho tượng nhỏ là tượng Thích Ca lúc còn là Hoàng tử và bộ tượng Di Đà Tam Tôn (A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí). Ở trong hang còn có bàn thờ tượng đức Phật Thích Ca thiền định, tượng Bồ tát Quan Thế Âm, tượng Bồ tát Địa Tạng và hai tượng nhỏ Hộ Pháp, Tiêu Diện… và một quả đại hồng chung.

Thạch nhũ trong hang. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Bàn thờ Bồ Tát Quan Âm trong hang. Ảnh: Võ văn Tường

Ra khỏi hang, chúng ta đi qua cổng chùa phía Nam, nhìn ra xa là hòn Phụ Tử nổi tiếng, cảnh biển Hà Tiên xinh đẹp.

Ngoài Hòn Phụ Tử, nơi đây còn những hòn khác. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Nếu thích, ngoài việc vãn cảnh chùa, ngắm cảnh biển, bạn còn có thể leo trèo lên núi...

Khỉ leo trèo trên bờ tường của chùa. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Còn đây là ảnh leo trèo trên núi, nhưng không phải khỉ. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét