26 tháng 9, 2021

Chùa Kh'Leang (Khmer)

Tên thường gọi: Chùa Kh'Leang

Chùa tọa lạc ở số 71 đường Lương Định Của, phường 6, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, ở ngay khu trung tâm thị xã. ĐT: 079.821340. Chùa thuộc hệ phái Nam tông (Khmer).

Mặt trước chùa

Mặt sau chùa

Trang trí mặt sau chùa

Một góc chùa

Cổng chùa

Chùa Kh'Leang

Ngôi chánh điện

Chùa được dựng từ giữa thế kỷ XVI và được trùng tu nhiều lần.

Tư liệu của chùa cho biết chùa được dựng vào năm 1533, Phật lịch 2076, do ông Tát khởi xướng, xây đơn sơ, đặt tên là Khleáng (kho chứa lương thực). Đại đức Thạch Sóc nguyên ở chùa Luông Ba Sắc được Phật tử địa phương mời về trụ trì chùa. Ngài đã tổ chức trùng tu rộng lớn hơn. Các vị sư kế thừa là Thạch Méas, Kim Tơn, Thạch Cung… ngài Liêu Đuông, đời 17 (1893–1928), ngài Thạch Luân, đời 18 (1928 – 1956), ngài Trần Khen tự Trần Kế An, đời 19 (1956 – 1959), ngài Thạch Piêch, đời 20 (1959 – 1975) và ngài Tăng Nô, đời 21 (1975 đến nay)

Tác giả Nguyễn Hữu Hiệp trong bài Danh lam Khleáng Sóc Trăng (Báo Giác Ngộ số 55 ngày 19 – 4 – 1997) cho biết căn cứ tư liệu ghi chép trên lá buông, không nói rõ thời gian trụ trì của từng vị, nhưng bình quân mỗi vị Đại đức trụ trì 23 năm. Lần lượt là quý Đại đức: Thạch Sóc, Thạch Més, Kiên Tôn, Thạch Công, Thạch On, Thạch Rốs, Thạch Sóc, Thạch Prum, Thạch Séth, Thạch Sarây, Thạch Hao, Sơn Pem, Lý Wa, Lâm Prắc, Liêu Som, Triệu Cao, Liêu Đuôn, Thạch Côn, Trần Kế An, Thạch Pích và từ năm 1975 đến nay là ngài Tăng Nô.


Điện Phật

Tượng đức Phật Thích Ca

Trang trí ở trần chánh điện

Chùa có diện tích hơn 3 hecta với nhiều cây cao bóng mát. Ngôi chánh điện được xây cao hơn 1m, có ba bậc sân, mỗi bậc có vòng rào xây bằng gạch. Bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc đều có cửa ra vào. Theo tài liệu của hệ phái Phật giáo Maha Nikaya Khmer Nam Bộ thì ngôi chánh điện các chùa Khmar đều quay mặt về phía Đông để đón ánh sáng mặt trời và ban phước cho chúng sanh. Chánh điện luôn có cấp mái, mỗi cấp mái được chia làm ba lớp. Hai mái trên cùng hợp thành một góc 60° ở hai đầu hồi. Trang trí dọc bờ viền mái nóc chùa có tượng Niêt Kơ-rêch (rồng). Tượng được tạo hình một con rồng có thân hình uốn lượn, đầu xòe ra hình rẽ quạt, đuôi cong lên và giao thoa với những đuôi rồng khác.

Hàng cột bao ngoài chánh điện có gắn tượng Cầy-no ở nơi tiếp giáp đuôi mái ngói và đầu cột. Tượng Cầy-no có dáng nửa người nửa chim. Mặt và thân tượng giống như một vũ nữ Apara. Đầu tượng đội mũ hình chóp nón, áo mặc bó sát người, quấn xà rông. Đôi cánh được gắn sát đôi tay dang ra để chống đỡ mái hiên. Ở bậc thềm lối vào chánh điện có tượng Chằng. Tượng Chằng là một hình thức trang trí phổ thông trong nghệ thuật điêu khắc Khmer. Chằng được thể hiện bằng tượng đắp nổi, dáng đứng thẳng, gối khuỳnh ra, hai bàn chân quặt hẳn ra hai bên. Mặt chằng dữ dằn, mắt lồi xếch ngược, mũi bạnh, tai thú cách điệu. Răng cửa lớn, hai nanh dài cong ra hai bên má. Áo mặc kiểu võ tướng, bó sát thân, chiếc yếm cổ tròn phủ trên ngực. Chiếc xà rông bó chặt vào ống chân, vắt mối ra phía sau tấm yếm che phủ kín bụng và đùi, xòe ra như chiếc váy. Hai tay khuỳnh ra, nắm chặt chuôi chiếc chày vồ thẳng từ trên ngực xuống hai gót chân. Tượng Chằng mang tính chất bảo vệ, canh gác chùa.

Chạm gỗ cảnh "Tiên nữ giao đấu với chằn" ở cánh cửa chùa






Chạm gỗ ở cửa chùa

Ngôi chánh điện được Đại đức Liêu Đuông tổ chức trùng tu vào năm 1916.

Ngôi chánh điện hình chữ nhật, có 12 cột phủ sơn mài đen bóng, vẽ rồng, cá uống quanh. Trước bàn thờ có một tấm bao lam cao tới mái, chạm trỗ và sơn son thếp vàng. Điện Phật được bài trí trang nghiêm, chính giữa tôn trí đức Phật Thích Ca thành đạo cao 6,80m (phần tượng cao 2,70m). Sau lưng pho tượng có tấm bia khắc chữ Khmer ghi: “Đại đức Liêu Đuông, đời truyền thừa thứ 17, trụ trì chùa từ năm 1893 đến năm 1928, đã tạo tượng đức Phật vào năm Phật lịch 2460 với sự cúng dường của gia đình ông Lum Sun”.

Các cánh cửa ở chánh điện được chạm trỗ công phu. Hai cánh cửa ra vào có chạm hình Tiên nữ giao đấu với Chằng.

Đại đức Thạch Piêch tiếp tục đại trùng tu ngôi chùa, cho sửa chữa và lợp lại ngôi chánh điện, xây sala, trạm xá, am hai tầng, hàng rào…

Sau năm 1975, ngài Tăng Nô trụ trì tiếp tục cho trùng kiến ngôi chánh điện, xây thêm sa la, sửa các am bị hư hỏng… vào năm 1991 và 1994.

Tác giả bài Danh lam Khleáng Sóc Trăng (Bđd, trang 10) cho biết Nhà nước đã tặng trên 500 triệu đồng để trùng chùa (1991 và 1994); cấp 4,5 tỷ đồng để xây dựng trường Bổ túc văn hóa (BTVH) trong khuôn viên chùa. Đây là trường BTVH Pali trung cấp đặc biệt ở khu vực Nam Bộ, dành cho sư sãi Khmer trau giồi văn hóa từ lớp 6 đến lớp 12, theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng có dạy thêm tiếng Pali (5 tiết/tuần), tiếng Khmer (2 tiết/tuần) và tiếng Anh (5 tiết/tuần).

Đây là ngôi chùa cổ danh tiếng bậc nhất của người Khmer ở Nam Bộ. 

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.


Một phần bao lam ở điện Phật

Vị sư trụ trì chùa

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Chùa Kh’Leang Sóc Trăng – Di tích Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia

Sóc Trăng với đặc thù có sự cộng cư của nhiều dân tộc, đã tạo nên một nền văn hóa đa sắc. Đi du lịch Sóc Trăng, bạn sẽ bắt gặp nhiều ngôi chùa, đền cổ kính, nguy nga và tất cả đều mang đặc trưng riêng độc đáo, trong đó phải kể đến chùa Kh’Leang.

Chùa Kh’Leang là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có lịch sử gần 500 năm. Chùa Kh’Leang mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer rất tinh tế, sắc sảo, nhưng vẫn pha trộn phong cách Việt – Hoa trong bài trí.

Chùa Kh’Leang tọa lạc ở đường Tôn Đức Thắng, khóm 5, phường 6, TP. Sóc Trăng trong một khuôn viên rộng lớn, rợp bóng những cây cổ thụ, nhiều nhất là cây thốt nốt, loài cây gắn liền với đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Đến đây du khách có thể tận hưởng không khí trong lành, tìm hiểu về thư tịch cổ Khmer, truyền thuyết về nguồn gốc Sóc Trăng và chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo của chùa.



Tên gọi của chùa Kh’Leang gắn liền với truyền thuyết địa danh Sóc Trăng, nếu dịch ra từ tiếng Khmer sẽ có nghĩa là “xứ có kho”, gợi về một vùng đất xưa trù phú. Theo các thư tịch, chùa được xây dựng từ năm 1533, lúc đầu chỉ là ngôi chùa lợp lá, sau nhiều lần trùng tu được xây cất bằng gạch ngói. Kiến trúc chùa hiện nay như ngôi chánh điện và Sala được xây dựng mới vào năm 1918. Chùa có kiến trúc gần giống như các chùa Phật giáo Nam Tông ở Thái Lan và Campuchia.


Cổng chùa quay mặt về hướng Đông, được trang trí hoa văn cầu kỳ với màu sắc rực rỡ mang đậm phong cách văn hóa Khmer.


Quần thể kiến trúc chùa Khleang bao gồm: ngôi chính điện, sa la, nhà tăng, hội trường,… được bố trí hài hòa trên nền đất cao. Điểm độc đáo không kém chính là các công trình này trong chùa Kh’leang đa số đều được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc Khmer Nam bộ xa xưa, mỗi công trình đều được điêu khắc, chạm trổ hoa văn, họa tiết tinh xảo mang đậm nét kiến trúc cổ của người Khmer.


Tòa chính điện nằm ở trung tâm được chia làm ba bậc nền, mỗi bậc cao khoảng 1 mét có hàng rào bao xung quanh màu sắc rực rỡ. Vòng rào ngoài lớn rồi nhỏ dần vào trong, khoảng cách giữa các vòng rào rất rộng, nền chùa chiếm diện tích rất lớn. Bờ viền mái nóc có tượng rồng uốn lượn, đầu xòe hình rẽ quạt, đuôi cong.


Trên các đầu cột ở hành lang bao quanh chính điện đều có tượng Krud dang tay chống đỡ. Ngoài ra, ở các bậc thang dẫn lên chính điện còn trang trí các tượng thần Teahu và tượng chằn (Yeak).


Bên trong chính điện có các cột bằng gỗ, rất to, đen mượt, được thếp bằng vàng các hình ảnh nói về cuộc đời đức Phật, về sinh hoạt Phật pháp. Trên trần và chung quanh đều được trang trí bằng rất nhiều nét vẽ về hình ảnh của đức Phật, thể hiện được sự hòa hợp giữa kiến trúc và hội họa.

Chính điện có bức tượng Phật cao 6,8 m, phần thân tượng cao 2,7 m được đúc vào năm 1916. Tượng được đặt ngồi trên tòa sen lộng lẫy với vầng hào quang bằng điện lúc ẩn, lúc hiện, tạo nên sự uy nghiêm thanh thoát và huyền ảo.


Phía trước chính điện là tòa tháp chứa di cốt của các vị trụ trì.


So với nhiều ngôi chùa Khmer khác trong tỉnh, chùa Kh’leang còn giữ lại những nét độc đáo của lối kiến trúc Khmer cổ, rất có giá trị về mặt nghệ thuật và tính thẩm mỹ. Không những vậy, ngoài đặc điểm chủ đạo theo kiến trúc hoa văn Khmer, trong chánh điện còn đan xen một số hình ảnh, hoa văn họa tiết trang trí của người Kinh ở bức cửa võng và của người Hoa trên các thân cột trụ, hình cá chép, rồng và các chữ Hán được vẽ trên các thân cột. Điều này phản ánh sự giao thoa văn hóa trên lĩnh vực trang trí, nghệ thuật giữa 3 dân tộc vốn có quá trình cộng cư lâu dài trên vùng đất Sóc Trăng.


Điều lý thú là tủ sách trưng bày trong chánh điện nếu nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy các lá buông có chữ Khmer cổ trên đó. Đây là những nội dung kinh Phật được viết trên lá buông, được nhà chùa cẩn thận gìn giữ.

Với đường nét kiến trúc cân xứng, hài hòa, gắn liền với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đa dạng, chính điện chùa Kh’Leang thực sự là công trình có giá trị đặc biệt về mặt nghệ thuật. Với những giá trị to lớn về lịch sử và kiến trúc, ngày 27/4/1990, chùa Khleang được Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật. Đây là một địa điểm du lịch Sóc Trăng thú vị mà bạn không nên bỏ qua nếu có dịp ghé thăm vùng đất này.


Ngoài chức năng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, chùa Khleang còn là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt truyền thống của đồng bào dân tộc khmer thông qua các ngày lễ hội hàng năm, cùng các hoạt động văn hóa khác. Nhiều nghi lễ truyền thống được tổ chức long trọng tại chùa, trong đó có Chôl Chnăm Thmây (Lễ vào năm mới), Sene Đôl Ta (Lễ cúng ông bà), Oóc – Om – Bóc (Lễ cúng trăng),…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét