12 tháng 9, 2021

Chùa Linh Phước

Tên thường gọi: Chùa Linh Phước

Chùa tọa lạc ở số 120, Tự Phước, trại Mát, phường 11, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Chùa nằm phía Đông Bắc thành phố Đà Lạt, cách trung tâm thành phố khoảng 8km, bên quốc lộ 20. ĐT: 063.825410, 063.814020. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Toàn cảnh chùa

Chùa được xây dựng vào năm 1949, hoàn thành vào năm 1952. Chùa đã qua 4 đời trụ trì là: Hòa thượng Thích Minh Thể (1951 – 1954), Hòa thượng Thích An Hòa (1954 – 1956), Thượng tọa Thích Quảng Phát (1956 – 1959) và Hòa thượng Thích Minh Đức (1959 – 1985). Thượng tọa Thích Tâm Vị trụ trì từ năm 1985 đến nay.

Năm 1990, thầy Thích Tâm Vị đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa. Ngôi chánh điện có chiều dài 33m, chiều rộng 22m, được xây dựng quy mô. Trong điện, bảo tượng đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni uy nghi thiền định trên tòa sen. Hai bên tượng đức Phật là hai bức phù điêu Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền. Bên trên hai hàng cột rồng khảm mảnh sành là 12 bức phù điêu khảm miểng chén giới thiệu sự tích đức Phật Thích Ca.


Điện Phật Thích Ca

Tượng Bồ tát Quan Âm

Tượng Bồ tát Quan Âm trong lầu Đại Bi

Tượng Thiên Vương

Tượng Thiên Vương

Mặt trước chánh điện là tháp Đa Bảo cao 27m. Hai bên tháp là hai lầu chuông, trống. Trong bảo tháp, có những bức phù điêu về sự hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm, những bức phù điêu chạm nổi 500 vị La hán... Ở lầu Đại Bi, có tôn trí bảo tượng Bồ tát Quán Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn.

Bên phải bảo tháp là tổ đường, tăng đường và vườn hoa. Cổng Văn Thù và Long Hoa viên ở bên trái ngôi chánh điện. Ở đây có hòn giả sơn, hồ nước, vườn hoa phong lan, cây kiểng và con rồng dài 49m, rộng 1,3m. Vẩy rồng được làm bằng 12.000 vỏ chai bia. Đầu rồng vươn cao hơn 7m che phủ tượng Bồ tát Di Lặc ở hòn giả sơn.

Rồng (dài 49m)

Tượng Bồ tát Di Lặc ở đầu rồng

Cổng Văn Thù

Kiến trúc một góc chùa

Tượng Bồ tát Văn Thù

Phòng trưng bày đồ cổ

Nhà tăng

Đặc biệt, ở sân trước chùa có tháp chuông cao 36m, treo đại hồng chung nặng 8.500 kg, lớn nhất miền Trung và miền Nam. Đại hồng chung cao 4,38m, đương kính rộng 2,34m. Thân chuông được chạm nổi bốn chữ Linh Phước Tự Chung và nhiều tượng, chùa và hoa văn như: 16 vị Phật; 2 tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn, 2 tượng Chuẩn Đề; 33 vị Tổ Thiền tông Ấn – Hoa; 48 tay cầm bửu bối của Bồ tát Quan Thế Âm; bài thần chú Quảng Bát; bài kệ thỉnh chuông; các cảnh chùa Một Cột (Hà Nội), chùa Thiên Mụ (Huế), chùa Linh Phước (Đà Lạt) và tháp Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ); 4 mặt nguyệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông có 8 rồng chầu… Mùa nào, nhà chùa thỉnh chuông vào mặt nguyệt đó.

Trang trí rồng, phụng ở đuôi mái chùa

Trang trí trên nóc chùa

Phù điêu long mã

Tượng lân ở tiền đường

Cột chạm rồng ở chánh điện

Thượng tọa Thích Tâm Vị đã tổ chức trọng thể lễ rót đồng đúc đại hồng chung vào ngày 29 – 8 – 1999 (19 – 7 năm Kỷ Mão) và lễ hoàn thành vào ngày 22 – 11 – 1999 (15 – 10 năm Kỷ Mão).

Đến với Đà Lạt, thành phố ngàn hoa ở cao nguyên Lang Biang, nơi có những danh lam thắng cảnh đã là điểm tham quan, lễ bái cho hàng triệu du khách muôn phương: Chùa Linh Sơn, chùa Linh Quang, chùa Linh Phong, chùa Thiên Vương Cổ Sát, thiền viện Trúc Lâm... và chùa Linh Phước.

Rồng trên đại hồng chung

Mặt chuông

Tượng các vị tổ chạm ở đại hồng chung

Đại hồng chung (8500kg)

Đại đức trụ trì ở chánh điện

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Trải nghiệm 18 tầng địa ngục ở chùa Linh Phước, Đà Lạt

18 tầng địa ngục ở chùa Linh Phước là công trình kiến trúc tái hiện cảnh Mục Liên đi tìm mẹ qua 18 tầng địa ngục đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Chùa Linh Phước là ngôi chùa nổi tiếng ở Đà Lạt. Không chỉ là một danh lam thắng cảnh đẹp, chùa còn có rất nhiều kỷ lục độc đáo đã được xác nhận. Trong đó có kỷ lục được xác nhận là công trình kiến trúc tái hiện cảnh Mục Liên tìm mẹ qua 18 tầng địa ngục này
 
Nằm dưới tầng hầm với chiều dài 300m, 18 tầng địa ngục như bức tranh sống động về nhân quả nghiệp báo và lòng hiếu thảo. Xuyên suốt công trình thể hiện nội dung về sự đau khổ cùng cực vây lấy tội nhân dưới địa ngục

Nội dung chính xoay quanh nhân vật Mục Liên, xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp đọa đầy, đau khổ. Cảnh địa ngục này cũng là thông điệp gửi gắm đến người đời phải tu tập hướng thiện để cứu mình và báo hiếu đấng sinh thành

Toàn cảnh tái hiện sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp đọa đầy, đau khổ

Đường hầm tối tăm dẫn qua các cửa địa ngục với những cực hình dành cho tội đồ. 

Đường hầm với trần và tường được đắp, vẽ và có nội dung về sự tích

Các tội nhân khi xuống địa ngục phải chịu hình phạt ứng với tội lỗi trên trần gian gây ra.       

Đường hầm tối với ánh sáng le lói cùng âm thanh thuyết minh, những lời kinh khiến không gian trở nên u ám, hoang hoải người xem phải rùng mình sợ hãi. Ảnh: Tội nhân quỳ lạy dưới bàn xử án

Những khu nhốt tội nhân.

Đây là một công trình quy mô được khánh thành vào năm 2013. Công trình mang tính giáo dục cao, giúp người xem hiểu được rõ hơn về tịnh hóa nhân tâm, hành 10 thiện nghiệp, dứt tuyệt 10 ác nghiệp, tin sâu nhân quả tội phước, tích lũy công đức





Theo HanoiTV
Khám phá ngôi chùa lập 11 kỷ lục Việt Nam

Đó là chùa Linh Phước tọa lạc tại 120 Trai Mát, phường 11, cách trung tâm thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) 8km về hướng Đông.

Chùa Linh Phước – công trình kiến trúc khảm sành 

Chùa được xây dựng từ năm 1949, đến năm 1990 chùa được xây dựng lại với qui mô lớn hơn nhiều lần, là công trình kiến trúc khảm sành độc đáo.

Nhiều năm qua được mệnh danh là “Chùa ve chai”, nơi đây có một tượng rồng dài 49m, rộng 1,3m, được làm bằng 12.000 vỏ chai bia.

Từ năm 2010 đến nay, nhiều công trình, tác phẩm nghệ thuật tại chùa Linh Phước được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục quốc gia. Đặc biệt bên cạnh tháp chuông cao nhất Việt Nam (36m), có tượng Bồ tát Quán Thế Âm làm bằng 650.000 bông hoa bất tử, cao 18m đạt kỷ lục châu Á.

Sau tượng hoa là công trình điện thờ 324 tượng Quán Thế Âm cao 3,7m, và “điểm nhấn” là một tượng ở trung tâm điện cao 17m, vừa xác lập kỷ lục tượng Phật Quán Thế Âm Bồ tát trong nhà bằng bê tông cốt thép cao nhất Việt Nam.

Một công trình khác cũng vừa được xác lập kỷ lục tháng 10.2014 là Công trình kiến trúc tái hiện cảnh Mục Liên tìm mẹ qua 18 tầng địa ngục lớn nhất Việt Nam (chiều dài đường hầm địa ngục khoảng 300m).

Cùng ngắm những công trình và tác phẩm nghệ thuật được xác lập kỷ lục tại chùa Linh Phước:

Tháp chuông cao nhất Việt Nam (36m) 

Tượng phật bằng bê tông trong nhà cao nhất Việt Nam 

Tượng Bồ đề Đạt Ma bằng gỗ lớn nhất Việt Nam 

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm làm bằng 650.000 bông hoa bất tử 

Khổng tước vương (chim công) bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam 

Gốc cây gỗ trâm chứa bộ kinh pháp lớn nhất Việt Nam 

Bộ phản bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam (dài 15m) 

“Song tùng bách hạc”- tác phẩm nghệ thuật được xác lập kỷ lục 

Bộ bàn ghế bằng gốc cây gỗ sao chạm 12 con giáp lớn nhật Việt nam 

Công trình kiến trúc tái hiện cảnh Mục Liên tìm mẹ qua 18 tầng địa ngục lớn nhất Việt Nam 

Cầu thang được khảm mảnh sành công phu 

Chùa Linh Phước được xác lập 11 kỷ lục 

Lâm Viên thực hiện
Chùa Linh Phước (Lâm Đồng) ngày trở lại 

Trên đường vào chùa Linh Phước, nổi bật nhất trong tầm nhìn du khách sẽ là tháp chuông bày tầng hùng vĩ, cao 36m. Điểm nhấn của công trình này là quả chuông cao 4,3m, đường kính 2,3m, nặng 8,5 tấn.

Những ngày cuối mùa hè năm nay, chúng tôi có dịp sống trong sự ân cần và niềm nở của TT.Thích Tâm Vị. Ngôi chùa Linh Phước vốn không xa lạ gì với tăng, ni và phật tử khắp nơi, nhất là đối với các khách du lịch. Nhưng đối với những ai có một chút tâm hồn thiết tha với Phật giáo, thì nơi đây mỗi lần ghé lại là thêm một lần ghi dấu ấn mới mẻ.

Trời Đà Lạt những ngày này không quá lạnh, không có mưa và có rất nhiều nắng, đủ để khách tha phương không cảm thấy cô đơn khi đứng trước rất nhiều công trình mà có lẽ rồi đây sẽ rất có ích cho Phật giáo nói chung và Phật giáo Lâm Đồng nói riêng.

Từ đó nhận thấy mình cũng là một thành tố đang đứng trước thực cảnh huy hoàng không xa. Từ trong nhận định đó, năm 1998, dựa vào khả năng chuyên môn, người viết đã sáng tác bài cổ nhạc “Linh Phước chiều xuân” do hai nghệ sĩ Quốc Kiệt và Thanh Thủy thể hiện.

Ngôi chùa Linh Phước từ nguồn ân đức khai của chư HT.Thích Minh Thế (1951 – 1954), HT.Thích An Hòa (1954 – 1956), HT.Thích Quảng Phát (1956 - 1959), HT.Thích Minh Đức (1959 – 1985) và hiện nay là TT.Thích Tâm Vị (Trưởng ban Pháp chế GHPGVN tỉnh Lâm Đồng). Thượng tọa chính là người làm rạng rỡ, biến ngôi chùa Linh Ẩn từ nơi hẻo lánh của ngoại vi thành phố Đà Lạt trở thành điểm đến hấp dẫn cho mọi người đến tận hôm nay. Đi vòng quanh thành phố Đà Lạt chúng ta sẽ bắt gặp nhiều bảng chỉ dẫn đường vào chùa Linh Phước, chứng minh cho điều đó. 

Vẫn biết rằng, ngày nay có nhiều ngôi chùa cũng có biệt danh “chùa ve chai” hay “chùa mảnh sành” nhưng đối với chùa Linh Phước những cụm từ dân dã ấy đã được nhiều người nhắc đến từ trước đó rất lâu. Dù ban sơ để có được biệt danh đó chỉ là đội rồng trước mặt tiền và trong Chính điện, và con rồng uốn khúc quanh mềm mại 49m, bên hông chùa (Long Hoa Viên) với vải rồng làm toàn bằng vỏ chai bia và thuốc trừ sâu (50 ngàn vỏ chai) của bà con phật tử quanh vùng góp nhặt. 

Tác giả bên trong một khúc lượn của thân rồng, ảnh chụp năm 1994 

Ngày nay lối kiến trúc có khảm sành sứ đã trở thành nét riêng, mang tính chủ đạo trong hầu hết các công trình đã và đang xây dựng của TT.Thích Tâm Vị tại đây. 

Trên đường vào chùa Linh Phước, nổi bật nhất trong tầm nhìn du khách sẽ là tháp chuông bày tầng hùng vĩ, cao 36m. Điểm nhấn của công trình này là quả chuông cao 4,3m, đường kính 2,3m, nặng 8,5 tấn. Đây là công trình đã khiến khắp nơi biết đến bài hát mang âm hưởng dân ca mang tên “Mười thương công đức đúc chuông” theo điệu Nói Thơ Bạc Liêu, do ca sĩ Bích Phượng thể hiện, mà người viết đã nhanh chóng thực hiện với sự hỗ trợ tận tình của nghệ sĩ Út Bạch Lan, nhằm đáp ứng lời kêu gọi chung tay góp sức cho công trình này.

Giờ đây trở lại ngôi chùa có rất nhiều kỷ niệm này, anh em chúng tôi còn chưa hết ngỡ ngàng với công trình tượng Bồ tát Quan Thế Âm bằng hoa bất tử - Kỷ lục Châu Á của chùa, thì ngay bên đó một công trình mang tính vĩnh cửu đang dần hoàn thiện hết sức nguy nga; đó là Điện Thờ Quan Âm.

Anh em chúng tôi được hướng dẫn chiêm ngưỡng công trình này dù các nghệ nhân vẫn còn đang tỷ mỷ chạm khắc từng chi tiết một trong mỗi tầng của điện thờ. Ở đây, nếu chú ý chúng ta sẽ thấy ý tưởng của TT.Thích Tâm Vị rất độc đáo khi cho chạm khắc các mảnh sành sứ có hình dáng các nhánh tùng được nhổ rất xa khỏi vách trần, khiến tầm mắt nhìn vào không có cảm giác mặt bằng thô cứng. Một anh bạn nhạc sĩ đi cùng thốt lên “chạm khắc kiểu này mới đáng chùa mảnh chai, không đụng hàng”. 

Một trong 108 tượng nhỏ được đặt chung quanh bảo tượng lớn 

Bảo tượng Quan Âm sau khi hoàn thành 

Đó là chưa kể đến một kho tàng bảo vật bằng đá quý và gổ quý, đưiợc tạo tác cách điệu thành nhiều tác phẫm mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc. Tất cả đã giúp cho ngôi chùa Linh Ẩn hiện nay đang sở hữu đến bảy kỷ lục Việt Nam và châu Á.

Xin thú thật, người viết không có mối quan hệ nhiều, các cuộc thăm thú khắp nơi vẫn là ước muốn xa xỉ, nên ngôi chùa Linh Phước chính là điểm đến của minh nếu muốn lên Đà Lạt tham quan hay nghỉ ngơi. Và TT. Thích Tâm Vị từ đó nghiễm nhiên trở thành chỗ dựa lớn nhất của tôi trong đời khi nhắc đến Linh Phước – Đà Lạt. 

Cũng từ chỗ thâm tính đó, dù còn đang rất bận với vô vàn công việc, Thượng tọa vẫn quan tâm, chu đáo để những ngày ngắn ngủi ở Đà Lạt này anh em chúng tôi được ấm lòng đạo vị. Ngay cả khi đi dự họp không về kịp, Thượng tọa cũng điện bảo về để phật tử thay mặt lo lắng cho anh em chúng tôi. Rồi như vẫn chưa an lòng, chính Thượng tọa đã cùng anh em chúng tôi đi về chùa Linh Ân ở Nam Ban, ngôi chùa do Thượng tọa khai sơn vào nửa thập niên 80 thế kỷ trước. 

TT. Thích Tâm Vị cùng anh em tại chùa Linh Ẩn 

Đứng chụp một tấm ảnh chung kỷ niệm với Thượng tọa, người viết không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về những bất trắc của công việc mình đang làm, đó là văn hóa văn nghệ Phật giáo hiện tại. Có quá nhiều tư tưởng lớn nhưng việc làm thì và thành quả chưa được như mong đợi. Những mảnh ve chai mà TT. Thích Tâm Vị dùng để tô sắc cho ý tưởng của mình, trở thành tuyệt tác có ích cho đạo cho đời thì còn đáng gọi là ve chai không? Vì thế, Không có chỗ dựa tinh thần nào lớn hơn người hiểu và quý mình. Đó mới chính là lực đầy mạnh mẽ giúp cho từng bước chân trần chúng ta tiến đến bến bờ viên mãn.

TT. Thích Tâm Vị vốn ít nói mà làm nhiều, nhiều lắm để bây giờ là vô vàn những thành quả to lớn thế kia. Để lần trở lại này thêm một lần ngưỡng mộ tấm lòng cũng như công hạnh của Thượng tọa. Chính Thượng tọa đã biến địa danh Trại Mát trở thành điểm sáng trong bản đồ du lịch Lâm Đồng và hơn thế nữa lá điểm sáng trong mỗi trái tim người phât tử luôn muốn làm thật nhiều cho đạo pháp và dân tộc. 

Về lại đất Sài thành oi bức, và tiếp tục nhìn - nghe những chướng tai gai mắt; người viết nhớ lại câu kết trong một câu chuyện khoa học giả tưởng là khi có một lưỡi dao kề cổ, lúc đó anh ta chợt tỉnh và biết rằng: À! Mình đã trở về trái đất!. 

Nhớ lắm Linh Phước - Linh Ẩn của tôi.

Dương Kinh Thành
Ngoạn cảnh chùa Ve Chai

Cuộc hành trình giữa bạt ngàn thông xanh, giữa mênh mông các vườn rau và hoa của chuyến tàu cổ từ ga Đà Lạt đến Trại Mát dài 7km mà chúng tôi đã từng có dịp giới thiệu trong bài viết về hành trình du lịch trên chuyến tàu cổ ở Đà Lạt gần đây sẽ đưa du khách đến với chùa Linh Phước, ngôi chùa độc đáo còn có tên gọi dân dã là chùa Ve Chai với hàng ngàn, hàng vạn mảnh chai, mảnh sành được khảm một cách tinh xảo. 

Chùa Linh Phước được xây dựng vào năm 1949 bởi một số tăng ni, phật tử theo hệ phái Bắc Tông quê ở Thừa Thiên - Huế, đến năm 1952 thì hoàn thành. Tuy vậy, mọi người chỉ bắt đầu biết đến ngôi chùa nhiều hơn kể từ năm 1990, khi sư trụ trì Đại đức Thích Tâm Vị cho trùng tu lại toàn bộ kiến trúc và xây dựng thêm nhiều công trình mới. 

Chùa Linh Phước được xây dựng nhờ công đức của các tăng ni, Phật tử theo hệ phái Bắc Tông quê ở Thừa Thiên - Huế.

Cột khảm sành hình rồng mang đặc trưng kiến trúc cung đình Huế.

Chùa nổi bật với nhiều họa tiết trang trí bằng sành độc đáo.

Gian chánh điện uy nghiêm, rộng lớn với hai hàng cột khảm sảnh hình rồng.

Lư hương khổng lồ khảm sành với phù điêu đầu rồng trước lầu lục giác.

Nóc chùa nổi bật với hoa sen khảm sành.

Lâu nay, các ngôi chùa ở Đà Lạt luôn gây ấn tượng bởi phong cách kiến trúc độc đáo. Nếu Thiền viện Trúc Lâm cuốn hút du khách bởi cảnh quan rộng lớn, cỏ cây tươi tốt quanh năm, hay chùa Tàu với ba tượng Phật bằng gỗ trầm gây tò mò thì kiến trúc chùa Linh Phước được tạo nên từ chính tâm huyết của vị sư trụ trì. Đầu tiên phải kể đến là Long Hoa Viên, công trình tạc hình con rồng uốn lượn dài tới 49m quanh tượng đài Phật Di Lạc. Vây rồng được làm bằng mảnh vỡ của 50.000 vỏ chai, bên cạnh thân rồng có hồ nước và hòn giả sơn, có tượng Phật Di Lạc ngự trên đỉnh. Trước khu vực này là tòa Linh tháp - bảo tháp cao nhất Đà Lạt hiện nay với 7 tầng, cao 36m. Đây là nơi thờ Phật, tôn trí xá lợi và cũng là bảo tàng viện.

Bảo đài Quan Thế Âm Bồ Tát ngay trước sân chùa cũng được tạo dáng rất hài hòa, cân đối. Trên hết, hình tượng con rồng gần như bao quát toàn bộ kiến trúc của chùa Linh Phước, được chạm khắc, bài trí rất công phu trên các hàng cột, trên mái chùa cong… Cả tòa Chánh điện và Tiền đàn bảo tháp đều có kiến trúc đồ sộ và chạm trổ hình rồng. Dọc hai bên chánh điện là hai hàng cột rồng khảm mảnh sành tương tự như phong cách khảm tại các lăng mộ vua nhà Nguyễn. Bên trên hai hàng cột ấy là những bức phù điêu khảm sành mô tả lịch sử Đức Phật Thích Ca. Phía sau Tổ đường có bức phù điêu Thập bát La Hán và Thập mục Ngưu đồ, tất cả đều có vẻ đẹp hoành tráng đến kì vĩ. Riêng lầu 1 có gian thờ 108 tượng "Thiên thủ thiên nhãn", trong nội điện là tượng Phật Thích Ca cao 4,9m kể cả tòa sen, phía trước được làm bằng bê-tông cốt thép, bên ngoài thếp vàng, phía trước là bức “Cửu long môn” uốn mình chầu Phật.

Các góc đầu đao khảm sành cong vút lên nền trời xanh.

Đại hồng chung có đường kính rộng 2,34m, nặng 8.500kg và cao 4,38m.

Các bức tượng hộ pháp khảm sành uy nghi và đường bệ.

Trung tâm đón tiếp của chùa Linh Phước.

Ngoài kiến trúc đặc biệt, nơi đây còn có một đại hồng chung được coi là lớn nhất Việt Nam. Chiếc chuông này có từ năm 1999 được đặt ở vị trí trang trọng với một dàn trụ thép đỡ kiên cố. Chuông nặng 8.500kg, chiều cao 4,38m, đường kính rộng 2,34m. Thân chuông thể hiện sự tinh xảo của nghệ thuật chạm trổ với nhiều chi tiết, gồm bốn chữ Linh Phước Tự Chung, các tượng Phật có 16 vị và đặc biệt là một bài về cách thỉnh chuông cùng các cảnh chùa Một Cột, chùa Thiên Mụ, chùa Linh Phước, tháp Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ)… Đại hồng chung xoay vòng được với bốn mặt Xuân, Hạ, Thu, Đông có 8 rồng chầu. Cứ theo mùa mà xoay mặt chuông để đánh. Du khách có thể tự tay đánh ba lần vào chuông để tiếng chuông vang đi rất xa khi thời gian tưởng như ngưng đọng ở ngôi chùa Ve Chai độc đáo.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Hữu Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét