12 tháng 9, 2021

Chùa Linh Sơn

Tên thường gọi: Chùa Linh Sơn

Chùa tọa lạc số 120 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 2, thành phố Đà Lạt, trên một ngọn đồi cách trung tâm thành phố 700m về phía Tây Bắc. ĐT: 063.822893. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.


Toàn cảnh chùa

Vườn chùa

Cổng chùa

Chùa Linh Sơn

Mặt tiền chùa

Chùa được dựng vào năm 1938 và khánh thành năm 1940 do công đức của thập phương bá tánh, nhất là sự đóng góp của gia đình hai Phật tử Võ Đình Dung và Nguyễn Văn Tiến.

Từ tam quan vào chùa, du khách theo bậc cấp đi giữa những hàng thông, bạch đàn và cây sao cao vút. Tượng Bồ tát Quan Thế Âm đứng trên đài sen được tôn trí trước sân chùa. Nhìn bên phải là một bảo tháp ba tầng hình bát giác, mái ngói, cao 4m. Bên trái là hồ nước, những cụm giả sơn và cây cảnh rất đẹp. Giữa là ngôi chánh điện, có cặp rồng chầu hai bên bậc cấp tượng trưng cho Long thần hộ trì Phật pháp.

Điện Phật

Tháp chùa

Rồng đá
Chùa xây theo lối kiến trúc Á Đông, giản dị và hài hòa. Trên bờ nóc chùa trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Ở tiền đường có cặp câu đối đượm ngát thiền vị:

Sơn sắc đạm tùy nhân nhập viện
Tùng thanh tĩnh thính khách đàm thiền.

Dịch là:

Màu núi nhạt theo người vào viện
Tiếng tùng im nghe khách bàn thiền.

Chánh điện bài trí trang nghiêm. Chính giữa thờ đức Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen thuyết pháp. Tượng bằng đồng đúc năm 1952, nặng 1250kg, được khánh thành dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam.

Chùa đã trải qua các đời trụ trì là: Hòa thượng Thích Trí Thủ (năm 1940), Hòa thượng Thích Diệu Hoằng (từ 1940 đến 1947), Hòa thượng Thích Từ Mãn (từ 1947 đến 1952), Hòa thượng Thích Bích Nguyên (từ 1952 đến 1964), và từ năm 1964 đến nay là Hòa thượng Thích Từ Mãn.

Chùa Linh Sơn là một danh lam thắng cảnh của xứ hoa đào. Hằng năm, chùa đón tiếp hàng vạn du khách, Phật tử đến tham quan, chiêm bái. Chùa hiện đặt văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng.

Giảng đường

Tượng Bồ tát Quan Âm

Hòa thượng Thích Từ Mãn trụ trì chùa

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Điều đặc biệt của chùa Linh Sơn Đà Lạt

Không chỉ có kiến trúc và cảnh quan đẹp, chùa Linh Sơn ở Đà Lạt còn có lịch sử khá đặc biệt. Sự hình thành chùa gắn với một ý nguyện của bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại.

Nằm trên một ngọn đồi thấp bên đường Nguyễn Văn Trỗi, chùa Linh Sơn là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất của thành phố Đà Lạt

Chùa được Hội Phật học Trung Phần khởi công xây dựng vào năm 1938, theo đề nghị của bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) với Giáo hộ Tăng già Trung Phần, sau lần bà từ Đà Lạt trở về kinh đô Huế. Việc xây dựng hoàn thành năm 1940

Tên gọi Linh Sơn của ngôi chùa mang có nguồn gốc từ tên một ngọn núi thiêng ở Ấn Độ, nơi được coi là mạch nguồn của phái Thiền tông trong Phật giáo

Về tổng quan, chùa Linh Sơn là một quần thể kiến trúc bao gồm nhiều hạng mục trên một khu vực rộng khoảng 4 ha

Chùa có hai cổng, một cổng dành cho người đi bộ nằm ở mặt đường Nguyễn Văn Trỗi và một cổng nằm trên sườn núi, nơi có đường dành cho ô tô, xe máy lên chùa

Từ cổng chùa, du khách đi theo các bậc cấp để lên chùa giữa những hàng thông, bạch đàn và cây sao cao vút

Chính điện chùa Linh Sơn được thiết kế theo lối kiến trúc giống như các chùa cổ ở Cố đô Huế. Trên đỉnh mái có đắp đuôi rồng uốn lượn theo thế “lưỡng long chầu nguyệt”

Tòa chính điện được bài trí trang nghiêm với tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen đặt ở trung tâm

Bức tượng cao 1,70m nặng 1.250kg làm bằng đồng, đúc năm 1952

Trong chính điện còn có một đại hồng chung cũng bằng đồng, năng 700 kg, đúc năm 1958

Bên phải của chính điện là một bảo tháp ba tầng hình bát giác, mái ngói, cao 4 m, là một công trình kiến trúc đặc trưng của chùa Linh Sơn

Đài thờ Quán Thế Âm Bồ Tát nằm dưới tán thông trên sườn núi trước chính điện

Khu tháp mộ nằm sau chính điện với cổng vào được trang trí bằng mảnh sành sứ rất tinh tế

Ngôi mộ chính với tòa tháp 7 tầng cũng được trang trí bằng mảnh sành sứ

Các công trình của chùa Linh Sơn được bài trí hài hòa trong một không gian rộng rãi, khoáng đạt, khiến du khách như lạc vào một cõi Phật thanh tịnh ngay giữa trung tâm thành phố Đà Lạt
Chùa Linh Sơn giữa phố núi Đà Lạt

Chùa Linh Sơn, Đà Lạt. Ảnh: Kinh Luân

Nằm trên một triền đồi thấp trong lòng thành phố Đà Lạt, khuôn viên chùa Linh Sơn như một cõi riêng, nơi chỉ nghe thông reo và tiếng chuông mõ đều đều vọng lại. Từ đầu phố Nguyễn Văn Trỗi – Bùi Thị Xuân, theo con đường dốc bước qua cổng chùa, khách lãng du cảm nhận rõ sự khác biệt; dưới kia là những chiếc xe máy ồn ào khói bụi, còn trên đây chỉ có vài chú ngựa thong dong gặm cỏ…

Linh Sơn được xây dựng vào năm 1938, ngày nay đây còn là trường đào tạo Phật học Cơ bản và nơi đặt văn phòng của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng (120 Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Đà Lạt). Quy mô và kiến trúc của Linh Sơn khá khiêm tốn, giản dị, không bề thế, thơ mộng như Thiền viện Trúc Lâm, Thiền viện Vạn Hạnh; không có bề dày lịch sử như Tổ đình Linh Quang là những tự, viện nổi tiếng khác ở Đà Lạt. 


Cổng chùa Linh Sơn. Ảnh: Kinh Luân 

Thế nhưng Linh Sơn vẫn là nơi mà khách phương xa đến Đà Lạt thường muốn một lần ghé vào vãn cảnh. Với nhiều người, mỗi lần đặt chân lên thành phố sương mù này vẫn nghe văng vẳng câu thơ của thi sĩ Dạ Cầm viết từ thập niên 60: “Linh Sơn đâu đây buông tiếng chuông ban chiều...” được nhạc sĩ Minh Kỳ phổ thành ca khúc bất hủ “Thương về miền đất lạnh”. Đối với du khách nước ngoài, họ tìm đến Linh Sơn qua lời giới thiệu trong sách “Lonely Planet - Vietnam”.

Kiến trúc chùa Linh Sơn mang đậm phong cách kiến trúc Á Đông, đường nét giản dị và hài hòa. Với kết cấu cổ điển tường gạch mái ngói, từ xa khách có thể thấy rõ kiểu nóc đặc trưng của đình chùa Việt Nam: đôi rồng uốn khúc nằm đối xứng ở hai đầu hồi, trong khi bốn mái riềm xuôi cong về phía dưới với những đường nét hoa văn riêng biệt. 

Chính điện chùa Linh Sơn. Ảnh: Kinh Luân 

Nhìn từ ngoài vào, dưới hàng thông và bạch đàn cao vút là tòa chính điện với bốn cột gỗ lớn sơn màu son đỏ - trên đó là những hàng câu đối chữ Nho thếp vàng. Từ dưới đường bước lên chục bậc thang là sân chùa, hai bên có mấy trụ gạch khảm bằng sứ những lời của Đức Phật. Những người lớn tuổi cho biết trước kia ngay giữa sân có tượng Phật Quan Âm đứng trên đài sen, nay được dời qua một bên sân.

Chính điện bao gồm hai ngôi nhà nối liền nhau, được bài trí trang nghiêm với tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen đúc bằng đồng từ năm 1952, cao 1,7 mét, nặng 1,25 tấn. Bên trái chính điện là Tổ đường - nơi thờ Ðạt Ma Sư Tổ, ngoài cái trống lớn có đường kính 0,75 mét thì đây cũng là nơi đặt bài vị các nhà sư đã viên tịch và những người đã khuất mà thân nhân họ đưa vào chùa với niềm tin “để linh hồn được hưởng hương khói và nghe kinh mỗi ngày”. Bên phải chính điện là tượng Hộ pháp Di đà, gần đó đặt khung gỗ quý treo Ðại Hồng Chung” nặng 450 ký.

Trở ra ngoài sân, du khách thưởng ngoạn những hòn non bộ xây dựng rất công phu - nhiều cái thực sự là những tác phẩm nghệ thuật. Gần đó dưới bóng thông reo là tòa bảo tháp 3 tầng hình bát giác, nơi thờ kính xá lỵ của các vị cao tăng đã sáng lập chùa. Trong chùa Linh Sơn còn có nhà vãng sinh (nơi quàn thi hài Phật tử mà gia quyến họ muốn cử hành tang lễ tại chùa) và phòng phát hành kinh bổn...

Kinh Luân
Linh Sơn đâu đây, buông tiếng chuông ban chiều

Nếu không có bài hát Thương về miền đất lạnh của Minh Kỳ với câu hát ngân nga:

Linh Sơn đâu đây buông tiếng chuông ban chiều
Như ru ai say trong giấc mơ dạt dào
Cho thế nhân thôi, rũ hết u sầu để lòng quay về bến yêu

 

thì có lẽ khách phương xa ít biết đến ngôi chùa Linh Sơn ở Đà Lạt.

Cũng phải thôi, vì chùa Linh Sơn không có cảnh quan và kiến trúc bề thế, thơ mộng như Thiền viện Trúc Lâm, không phải có bề dày lịch sử như Tổ đình Linh Quang, lạ lẫm như chùa Thiên Vương Cổ Sát (chùa Tàu)...


Cổng chùa Linh Sơn - Ảnh: Kinh Luân SGTT online

Chùa tọa lạc số 120 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 2, thành phố Đà Lạt, trên một ngọn đồi cách trung tâm thành phố 700m về phía Tây Bắc. 

  
Chùa Linh Sơn - Ảnh: Võ văn Tường

Chùa được dựng vào năm 1938 và khánh thành năm 1940 do công đức của thập phương bá tánh, nhất là sự đóng góp của gia đình hai Phật tử Võ Đình Dung và Nguyễn Văn Tiến. Từ tam quan vào chùa, du khách theo bậc cấp đi giữa những hàng thông, bạch đàn và cây sao cao vút. Tượng Bồ tát Quan Thế Âm đứng trên đài sen được tôn trí trước sân chùa. Nhìn bên phải là một bảo tháp ba tầng hình bát giác, mái ngói, cao 4m. Bên trái là hồ nước, những cụm giả sơn và cây cảnh rất đẹp. Giữa là ngôi chánh điện, có cặp rồng chầu hai bên bậc cấp tượng trưng cho Long thần hộ trì Phật pháp.
...
 

Tôi chợt nhớ đến chùa Linh Sơn khi đọc mẩu tin trên báo: Bà lão độc thân qua đời để lại 50 cây vàng.

Tang lễ của bà được tổ chức tại chùa Linh Sơn.

Bà cụ Phạm Thị Hiền năm nay 82 tuổi. Hơn 20 năm nay bà sống một mình trong ngôi nhà tuềnh toàng, lụp xụp rộng 20 m² trong một con hẻm nhỏ ở phường 3, thành phố Đà Lạt.


Nhà bà cụ Hiền - Ảnh: Dân Việt

Ngày cuối của cuộc đời bà, như mấy ngàn ngày trước đó chỉ cô độc, một mình, không người thân thiết, xóm giềng cũng không biết bà là ai, từ đâu đến. Ngày cuối đời, xác thân bà nằm yên trong chùa Linh Sơn, giữa tiếng chuông chùa ngân vọng:

Linh Sơn đâu đây, buông tiếng chuông ban chiều...

Những tin tức mới nhất cho biết chồng bà là ông Trần Danh Tuyên (đã mất). Ông từng là bí thư thành ủy Hà Nội (1959), bộ trưởng bộ Vật tư (1969 - 1976)... Bà vốn là người hoạt động cách mạng sôi nổi từ nhỏ, từng tham gia nhiều phong trào yêu nước đấu tranh chống thực dân Pháp tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc. Bà kết hôn với ông Trần Danh Tuyên năm 1946.

Buồn phiền chuyện gia đình, năm 1954 trong một lần nghỉ phép đi chơi ở Hải Phòng bà Phạm Thị Hiền đã lặng lẽ đi thẳng vào Đà Lạt sinh sống từ đó đến nay. Rồi bà đi bước nữa với một người chồng làm việc cho chế độ cũ. Sau giải phóng, ông này đi học tập cải tạo 7 năm. Ông định cư ở Mỹ năm 1991 cùng người con nuôi của 2 vợ chồng.

Bà Hiền cô đơn ở lại Đà Lạt một mình, chuyển đến căn nhà nhỏ nói trên và sống ở đó cho đến cuối đời.

Một đời người với những thăng trầm dâu bể đã đi qua. Chùa Linh Sơn có thêm một câu chuyện cổ tích.

Những ngày này hương hồn bà có lẽ vẫn đang vương vất đâu đó, lặng nghe tiếng chuông chùa:

Linh Sơn đâu đây buông tiếng chuông ban chiều
Như ru ai say trong giấc mơ dạt dào
Cho thế nhân thôi, rũ hết u sầu để lòng quay về bến yêu

 
Có phải thế chăng, thưa bà: Cho thế nhân thôi, rũ hết u sầu để lòng quay về bến yêu...


Toàn cảnh chùa Linh Sơn. Ảnh: Võ văn Tường
 
Phạm Hoài Nhân
03/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét