19 tháng 9, 2021

Chùa Trường Thọ

Tên thường gọi: Chùa Trường Thọ

Chùa tọa lạc ở số 53/525 đường Nguyễn Văn Nghi, phường 7, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: 08.8942627. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Điện Phật (năm 1989)

Chùa xưa có tên là chùa Vĩnh Trường ở thôn Hòa Mỹ (nay là vùng Đa Kao – Thị Nghè) sau dời về Gò Vấp. Chùa được Hòa thượng Công Thắng trùng tu năm 1809. Chùa được ban tấm biển “Sắc tứ Pháp Vũ Tự” vào năm Minh Mạng thứ ba (1822) và tấm biển “Sắc tứ Trường Thọ Tự” dưới thời Tự Đức. Hai bức hoành này hiện còn treo ở chùa.

Hòa thượng Thích Tâm Giác đã tổ chức trùng tu nhiều lần, gần nhất là năm 1994 – 1995.

Chùa có nhiều tượng cổ rất quý. Bộ tượng A Di Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí bằng gỗ, bộ tượng Thập bát La hán bằng đất nung phủ sơn v.v... là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Chùa còn giữ quả đại hồng chung có từ thời vua Gia Long, có khắc dòng chữ: “Gia Định thành, Tân Bình phủ, Bình Dương huyện, Bình Trị tổng, Hòa Mỹ thôn, Vĩnh Trường Tự”.

Tượng Di Đà Tam Tôn




Tượng La Hán

Chư vị trụ trì tiền nhiệm của chùa là: HT Thích Liễu Kiện, HT Thích Thanh Hiện, HT Thích Trừng Giáo, HT Thích Long Thắng, HT Thích Hải Phước. Vị trụ trì chùa từ năm 1952 là Hòa thượng Thích Tâm Giác, đời thứ 43 dòng Lâm Tế Chánh tông.

Hàng năm, chùa tổ chức giỗ HT Thích Trừng Giáo vào ngày 28 tháng 5 âm lịch. 

Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.


Tượng Minh Vương

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường

Lược sử ngôi chùa cổ 300 năm tại đất Sài Gòn: Sắc Tứ Trường Thọ từ thế kỷ XVIII đến 1981

Mở đầu

Trong công cuộc mở cõi về đất phương Nam của các chúa Nguyễn, bấy giờ mới bắt đầu có những cuộc di dân Nam tiến quy mô lớn.

Trong khoảng thời gian đó, thiền phái Lâm Tế Liễu Quán, vốn phát triển mạnh ở miền Trung vào giữ thế kỷ XVIII, đã cùng với những dòng di dân theo nhau đến vùng Phiên Trấn, đệ tử phái Liễu Quán đã vào phủ Tân Bình và lập nên chùa Vĩnh Trường[1], là tiền thân của chùa Sắc Tứ Trường Thọ ngày nay.

Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất trên đất Gia Định Sài Gòn xưa, với gần ba trăm năm tồn tại, là một trong những nơi lưu giữ những giá trị di tích lịch sử – văn hóa của buổi đầu khẩn hoang miền Nam.

Sắc Tứ Trường Thọ lại là ngôi chùa được hai lần vua sắc tứ (ban sắc). Chùa “sắc tứ” là chùa được nhà vua công nhận và sắc chỉ ban tặng, triều đình cấp tiền xây dựng hoặc tu sửa. Dưới triều nhà Nguyễn, các vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức… Những ngôi chùa sắc tứ tại thành Gia Định đều được nhà vua cấp tiền và lương thực mỗi tháng, theo đó số lượng người tu trong chùa cũng được quy định. Sắc Tứ Trường Thọ cũng là một trong những ngôi chùa được các vua triều Nguyễn bảo hộ.

Khi quân Pháp đánh vào Gia Định, chúng đàn áp Phật giáo, nhiều ngôi chùa bị chúng phá hủy hoặc chiếm làm đồn bót, căn cứ… lúc đó chùa Sắc Tứ Pháp Vũ[2] cũng cùng chung số phận. Bấy giờ chỗ cũ không thể ở được nữa, Hòa thượng Liễu Kiện đành phải dời chùa về Chợ Cầu quận 12, sau đó cũng vì chiến tranh lại phải tiếp tục dời đến Xóm Thuốc trên đường Quang Trung ở Gò Vấp và cuối cùng tọa lạc trên đường Phan Văn Trị (lúc trước là đường Nguyễn Văn Nghi), phường 7 quận Gò Vấp khoảng năm 1890.

Hòa thượng Liễu Kiện là một vị cao tăng uyên thâm Phật Pháp nên vào năm 1870, Ngài được nhà vua thỉnh về triều đình làm pháp sư và ban hiệu là Đại sư Trường Thọ. Nhân đây Ngài đổi tên chùa là Trường Thọ, vua Thiệu Trị nghe vậy bèn đặt tên chùa là Sắc Tứ Trường Thọ Tự. Từ đó đến nay qua bao thăng trầm biến đổi, ngôi chùa vẫn điềm nhiên tồn tại trên dòng chảy lịch sử nước nhà.


1. Thời kỳ khai sơn

Vào nửa cuối thế kỷ XVIII, cùng với những dòng di dân theo nhau đến vùng Phiên Trấn[3], nhiều hệ phái phật giáo đã truyền đến Gia Định, đệ tử của nhà sư Thiệt Diệu Liễu Quán cũng du hóa đến đây và xây dụng chùa Vĩnh Trường, là tiền thân của chùa Sắc Tứ Trường Thọ, tại thôn Hòa Mỹ, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, ngày nay thuộc khu vực chợ Đa Kao quận I.

Theo di chỉ còn lưu lại ở chùa Sắc Tứ Trường Thọ cho biết chùa thuộc phái thiền Lâm Tế từ Trung Quốc truyền sang bởi nhà sư Nguyên Thiều (đời 33), truyền lại cho đệ tử cũng là người Trung Hoa sư Minh Hằng – Tử Dung (đời 34). Rồi truyền đến ngài Thiệt Diệu – Liễu Quán người Phú Yên, Việt Nam. Từ đây nhà sư Liễu Quán đã khai sáng một nhánh thiền mới mang bản sắc Việt Nam – Lâm Tế Liễu Quán và phát triển thịnh hành tại miền Trung (1712 – 1742).

Theo tư liệu lưu giữ ở chùa và một số học giả như Kiều Nguyên Trung Thắng, Trần Hồng Liên, Nguyễn Thị Minh Lý… đã dựa vào các bài vị Tổ sư hiện thờ tại chùa, thì Hòa thượng Đại Năng hiệu Cần Tu (1702 – 1800) có niên đại xưa nhất, nên có thể ngài là người khai sơn ngôi chùa Vĩnh Trường. Dựa vào bài kệ của dòng Lâm Tế Liễu Quán thì ngài Đại Năng là sư tôn, đời thứ 3, thuộc thế hệ cháu của ngài Liễu Quán và là đời 37 phái Lâm Tế.

Bài vị cho biết Hòa thượng Đại Năng hiệu Cần Tu sinh vào tháng 12 Âm lịch năm Nhâm Ngọ (1702) và tịch vào tháng 2 Âm lịch Canh Thân (1800), hưởng thọ 98 tuổi. Nếu thời gian lập chùa là năm 1720 thì lúc đó Hòa thượng Đại Năng mới 18 tuổi, có thể thời gian đầu, ngài đã ở chùa Vĩnh Trường tu học với thầy của ngài, sau đó thầy đã giao chùa lại cho ngài và đi hành đạo nơi khác.

Tài liệu chùa còn lưu lại[4] một tấm khánh đồng khắc chữ Tân Sửu niên (1721), đây là tấm khánh có từ lúc chùa mới khai sơn với tên Vĩnh Trường ở Đa Kao. Cũng trong tài liệu này cho rằng chùa được khai sơn năm 1720, đến năm 1721 xong và đặt tấm khánh làm lễ khánh thành.

Như vậy tạm thời có thể kết luận chùa Sắc Tứ Trường Thọ lúc đầu có tên là Vĩnh Trường, thành lập vào năm 1720, tại vùng Thị Nghè, Đa Kao ngày nay. Người khai sơn là hòa thượng Đại Năng, nhưng có thể trước Hòa thượng Đại Năng còn có thầy của ngài, tên theo dòng kệ Liễu Quán là “Tế…” mà hiện tại chúng ta chưa tìm ra.

2. Chùa Sắc Tứ Trường Thọ và những niên đại được vua Sắc Tứ

Sắc là tờ lệnh của vua, tứ là ban cho, phong tặng, sắc tứ là tờ lệnh của vua ban cho một ngôi chùa hay một người nào, một sự vật nào đó. Để xác nhận bằng ấn triện của nhà vua, mang nội dung công nhận có niềm tin của triều đình, ngoài ra còn thể hiện quyền lực đối với các làng xã cũng như các đại bửu sát (đình đền chùa lớn). Sắc tứ còn là dấu ấn quyền uy.

Các chùa lớn có danh tiếng dưới triều Nguyễn thường được gọi là bửu sát (bảo sát, bảo sái) hoặc đại bửu sát (vì kiêng chữ Bảo là tên húy của vua, nên đọc trại là Bửu – là cách đọc của miền Nam), vì phần nhiều các danh lam thời này đều là các thắng cảnh có danh tiếng, quy mô rộng lớn và kiến trúc trang hoàng lộng lẫy. Nguyễn Ánh tức vua Gia Long, trong thời gian chiến tranh với quân Tây Sơn đã vào các chùa để trú ẩn, được các nhà sư che chở cho, vì vậy sau khi đăng quang lên ngôi hoàng đế, nhà vua liền sắc tứ để tỏ lòng biết ơn đối với các chùa đã bảo bọc mình. Theo đó, các chùa ở Tp.Hồ Chí Minh trước đây được sắc tứ là: Sắc Tứ Tập Phước, Sắc Tứ Từ Ân, Sắc Tứ Long Huê, Sắc Tứ Huệ Lâm,… và Sắc Tứ Trường Thọ.

Chùa Sắc Tứ Trường Thọ thuở khai sơn có tên là chùa Vĩnh Trường về sau được vua Gia Long sắc tứ là Pháp Vũ (theo Đại Nam nhất thống chí thì nói là vua Minh Mạng ban tên Pháp Vũ Tự). Đến đời vua Tự Đức được ban tên là Sắc Tứ Trường Thọ Tự.

* Niên đại sắc tứ lần thứ nhất – Sắc Tứ Pháp Vũ (1802)

Trong thời gian chiến tranh với Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã lưu trú nhiều chùa ở đất Gia Định, trong đó có chùa Vĩnh Trường. Một lần khi bị quân Tây Sơn truy bắt, Nguyễn Ánh đã chạy vào chùa Vĩnh Trường ẩn nấp. Một trận mưa ập đến nên quân Tây Sơn không truy đuổi nữa, nhờ cơn mưa linh hiển mà Nguyễn Ánh thoát nạn. Vì vậy mà sau khi dành lại được cơ đồ, vua Gia Long đã ban cho chùa Vĩnh Trường là “Sắc Tứ Pháp Vũ” nhằm thể hiện lòng biết ơn ngôi chùa và cơn mưa pháp đã cứu mình. Đó là thời gian Hòa thượng Long Thắng làm trụ trì.

Theo sử liệu của Đại Nam Nhất Thống Chí ghi: “Chùa Pháp Vũ ở thôn Hòa Mỹ huyện Bình Dương. Từ trước không rõ là ai dựng, năm Gia Long thứ 7, Hòa thượng Nguyễn Công Thắng sửa chữa, năm Minh Mạng thứ 3 cho tên là Pháp Vũ Tự”.

Lại theo tư liệu của chùa hiện còn lưu giữ, do phật tử Kiều Nguyên Trung Thắng lập năm 1994, có nhắc một biển sắc tứ của vua Gia Long như sau: “Tại nơi này hiện còn 2 tấm biển sắc tứ của các vua triều Nguyễn. Tấm thứ nhất đề: Sắc Tứ Pháp Vũ Tự – Gia Long niên hiệu, ngày mùng 5 tháng 2 Âm lịch Nhâm Tuất niên…”. Năm Nhâm Tuất được nhắc đến trong tài liệu này là năm 1802. Sau khi diệt xong nhà Tây Sơn, vào ngày 1 tháng 6 năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Gia Long, đóng đô tại thành Phú Xuân (Huế). Sau khi lên ngôi, vua Gia Long nhớ lại ơn xưa của các chùa tại Gia Định nên đã sắc tứ, trùng tu và ban thưởng cho các chùa. Nếu theo tư liệu của Kiều Nguyên Trung Thắng thì Sắc Tứ Pháp Vũ cũng được vua Gia Long ban sắc tứ trong thời gian này. Nhưng vì sao Đại Nam Nhất Thống Chí cũng nói năm Minh Mạng thứ 3 vua cũng cho tên Pháp Vũ Tự nữa thì chưa hiểu rõ?

Hoành phi Sắc Tứ Pháp Vũ. Ảnh TN. Hiền Nghĩa, 2019.

* Niên đại sắc tứ lần thứ hai – Sắc Tứ Trường Thọ (1870)

Theo “Ngũ Gia Tông phái ký toàn tập”[5] niên hiệu Tự Đức thứ 22 (mồng 2 tháng 12 năm Canh Ngọ) nhà vua cho khai đại giới đàn và thỉnh Hòa thượng Liễu Kiện tại chùa Sắc Tứ Trường Thọ làm pháp sư đàn giới, cộng với thông tin tư liệu hiện còn tại chùa Sắc Tứ Trường Thọ, nói rằng năm Hòa thượng về làm pháp sư tại đàn giới và được nhà vua thỉnh giảng kinh cho hoàng tộc, cũng là năm ngài được ban hiệu là Trường Thọ, năm đó ngài được 66 tuổi, vậy tức là năm 1870 (Canh Ngọ).

Trong tư liệu của chùa do phật tử Kiều Nguyên Trung Thắng biên soạn năm 1994, cũng có nhắc đến biển sắc tứ thứ hai của chùa là: “Sắc Tứ Trường Thọ Tự, Tự Đức niên hiệu 22, Canh Ngọ Niên”. Nhà vua vì mến mộ đạo hạnh của Hòa thượng Liễu Kiện, nên nhân lúc ngài làm pháp sư tại giới đàn ở triều đình, đã ban hiệu cho ngài là Đại sư Trường Thọ. Nhân duyên này Hòa thượng Liễu Kiện đã đổi tên chùa thành Trường Thọ Tự, vua thấy vậy bèn ban hiệu cho chùa là “Sắc Tứ Trường Thọ Tự”.

Cả hai tấm bảng sắc tứ của vua Gia Long và vua Tự Đức hiện tại không còn thấy ở chùa, nhưng đã được lưu lại trong tư liệu của phật tử Kiều Nguyên Trung Thắng. Hiện tại chùa còn lưu giữ hai tấm hoành ghi tên hai lần vua sắc tứ, nhưng niên đại thì không khớp với lịch sử, có thể là do phật tử cúng dường vào thời gian sau.

Sắc Tứ Trường Thọ Tự. Ảnh: TN. Hiền Nghĩa 2019.

3. Chùa Sắc Tứ Trường Thọ và các thế hệ truyền thừa

Chùa Săc Tứ Trường Thọ từ ngày khai sơn đến nay đã trải qua 8 đời Tổ sư nối tiếp trụ trì, theo bài kệ truyền thừa của phái thiền Lâm Tế Liễu Quán, nhưng ngoại trừ Hòa thượng Tâm Giác đời thứ 8 (Nếu tính từ ngài Đại Năng thì đến Hòa thượng Tâm Giác là đời thứ 7), vẫn chưa tìm thấy tư liệu nào ghi chép về tiểu sử của các vị Tổ sư, chỉ có thể dựa vào các bài vị để biết pháp hiệu, năm sinh, năm mất, từ đó suy ra thời gian trụ trì. Bên cạnh dựa vào các bài vị, thì còn dựa vào một số bảo vật lưu giữ tại chùa để biết thêm về hành trạng của chư Tổ đối với chùa.

Tám vị Tổ sư trụ trì chùa Sắc Tứ Trường Thọ lần lượt theo bài kệ của dòng Lâm Tế Liễu Quán là: Vị đầu tiên là vị thầy của ngài Đại Năng, là “Tế…” mà chúng ta chưa tìm thấy. Hòa thượng Đại Năng, Hòa thượng Đạo Phụng, Hòa thượng Tánh An, Hòa thượng Hải Phước, Hòa thượng Thanh Hiện, Hòa thượng Trừng Giáo, Hòa thượng Tâm Giác.

Chùa Vĩnh Trường được Hòa thượng Đại Năng trụ trì đến năm 1800 thì chính thức giao lại cho Hòa thượng Đạo Phụng, hiệu Long Thắng (?–1833), thuộc đời thứ 4 dòng Lâm Tế Liễu Quán và đời 38 Lâm Tế Chính Tông.

Trên bài vị của ngài Long Thắng chỉ đề ngày thị tịch là mồng 4 tháng 9 năm Quý Tỵ (1833), còn năm sinh và thời gian trụ thế không thấy ghi.

Năm 1808 Hòa thượng Long Thắng cho đúc đại hồng chung, dưới sự chứng minh của Hòa thượng Quảng Minh, có hai phật tử Lâm Văn Khổng ở xã Hạnh Thông và Thượng Thị Phước phụng cúng đại hồng chung một ngàn đồng. Trên thân đại hồng chung có khắc dòng chữ Hán: Thương chúc, Dương Công Quốc Vương, trường sinh thánh thọ, vạn vạn tuế văn, võ quan liêu cao thăng lộc, vị thiên hạ thái bình, chư tai tiêu diệt. Dịch nghĩa: Kính chúc quốc vương hiện tại, mạng thánh sống lâu, tuổi thọ muôn đời, các quan văn võ chức cao lộc trọng, thiên hạ thái bình, chư tai tiêu diệt. Lạc khoản trên chuông cho biết vua hiện tại, tức là Gia Long, rất được lòng dân và Phật Giáo. Khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh đã được nhiều chùa ở Gia Định che chở, cũng vì vậy mà nhiều chùa bị phá hủy toang hoang. Sau khi lên ngôi, nhà vua liền ban sắc tứ và cho sửa chữa lại nhiều chùa ở Gia Định, chùa Vĩnh Trường được vua Gia Long cho tên là “Sắc Tứ Pháp Vũ Tự”, lúc này cũng vừa được tu sửa xong và đúc hồng chung để khánh thành. Lời cầu nguyện khắc trên hồng chung thể hiện lòng quý kính của bổn tự và nhân dân phật tử đối với vị hoàng đế đương thời.

Kế tiếp Hòa thượng Long Thắng là ngài Tánh An hiệu Hằng Lý (?- ?), thuộc thế hệ thứ 5 dòng Lâm Tế Liễu Quán và Lâm Tế Chính Tông đời 39. Trên bài vị của Hòa thượng Tánh An ghi bằng chữ Hán: “Phụng vị Lâm Tế Chính Tông, tam thập cửu thế, Sắc Tứ Vĩnh Trường Tự đường thượng, húy thượng Tánh hạ An, hiệu Hoằng Lý Hòa thượng giác linh nghê tọa”. Bài vị không thấy đề năm sinh, năm tịch và thời gian trụ thế của ngài, lại thêm bốn chữ “Sắc Tứ Vĩnh Trường…?” Có lẽ bài vị do người sau làm lại, nên đã ghi không chính xác tên chùa. Tên chùa thời Hòa thượng Tánh An đã có tên là Sắc Tứ Pháp Vũ Tự, được vua Gia Long sắc phong ngày mồng 5 tháng 2 âm lịch năm Nhâm Tuất (1802). Tên hiệu là Sắc Tứ Vĩnh Trường Tự là không chính xác, vì thời kỳ khai sơn, chùa chỉ có tên là Vĩnh Trường Tự.

Có thể Hòa thượng Tánh An kế vị trụ trì sau khi Hòa thượng Long Thắng tịch là năm 1833. Tuy không rõ ngài tịch vào năm nào, nhưng chắc chắn thời gian Hòa thượng Tánh An trụ trì thì chùa vẫn còn ở khu vực chợ Đa Kao quận 1 ngày nay, vì sau khi ngài tịch, tháp của ngài được an trí tại nơi đó.

Đến đời Hòa thượng Hải Phước, hiệu Liễu Kiện (1804 – 1890) kế thế trụ trì, thì chùa mới gặp nhiều biến cố. Hòa thượng Liễu Kiện còn gọi là Liễu Tông (Ấn Tông), thuộc thế hệ thứ 6 dòng Lâm Tế Liễu Quán và Lâm Tế Chính Tông đời 40. Theo bài vị thì ngài sinh ngày mồng 5 tháng 10 Âm lịch năm Giáp Tý (1804), tịch ngày 24 tháng 9 âm lịch năm Canh Dần (1890).

Hòa thượng Liễu Kiện là một cao tăng đạo hạnh và tinh thông kinh luật, nên rất được vua Tự Đức coi trọng. Niên hiệu Tự Đức thứ 22 (mồng 2 tháng 12 năm Canh Ngọ), nhà vua khai mở ba đàn giới thể cụ túc tại triều đình để tiếp dẫn kẻ sơ cơ, Hòa thượng Liễu Kiện được thỉnh làm pháp sư[6]. Cũng trong năm này (1870), vì ngưỡng mộ trí tuệ và đạo hạnh của Hòa thượng Liễu Kiện, nhà vua đã ban cho ngài hiệu là Đại sư Trường Thọ, nhân đây Hòa thượng đổi tên chùa là Trường Thọ, thì nhà vua tiếp tục ban cho chùa là Sắc Tứ Trường Thọ Tự[7].

Đến năm Ất Hợi (1875), ngày tốt đầu tháng năm, Đại lão Hòa thượng chùa Khải Tường làm đường đầu, thí đại giới ba đàn cụ túc. Hòa thượng Ấn Sùng (Ấn Tông) tức là ngài Liễu Kiện chùa Sắc Tứ Trường Thọ được cung thỉnh làm Yết ma[8].

Tìm lại vài trang sử viết về ngài, mặc dù là rất ít, nhưng cũng đủ để người sau hiểu được Hòa thượng Liễu Kiện là một người tài đức. Chùa Sắc Tứ Trường Thọ lúc bấy giờ được một vị tăng đạo cao, đức trọng làm trụ trì, lại là ngôi chùa được nhà vua sắc tứ, nên chắc chắn là một ngôi chùa có danh tiếng, có nhiều đệ tử theo tu học, cũng là nơi có thể đào tạo ra tăng tài kế thế mạng mạch Phật pháp, điển hình là Hòa thượng Đạo Thông, cố Tổ sư trụ trì chùa Sắc Tứ Long Huê và Hòa Thượng Tâm Thông là người kế thế trụ trì chùa Sắc Tứ Trường Thọ, sau khi Hòa thượng Liễu Kiện viên tịch vào ngày 24 tháng 9 âm lịch năm Canh Dần 1890.

Hòa thượng Thanh Hiện, hiệu Tâm Thông, sinh năm Canh Ngọ (1870), mất năm Giáp Tý 1924, thuộc đời thứ 7 dòng Lâm Tế Liễu Quán và Lâm Tế Chính Tông đời 41.

Kế tiếp vị trí trụ trì chùa Sắc Tứ Trường Thọ, Hòa thượng Tâm Thông không ngừng cố gắng duy trì và phát triển nơi đây thành một ngôi đại già lam. Năm 1905 tại chùa Sắc Tứ Trường Thọ mở khóa an cư, Hòa thượng Thích Minh Đàng được cử làm chánh tri sự. Cuối mùa hạ năm 1905, chùa Sắc Tứ Trường Thọ mở đại giới đàn, Hòa thượng Minh Đàng được cử làm Đệ tam Tôn chứng Đại giới đàn[9].

Năm 1919 Hòa thượng Tâm Thông biên soạn và khắc in mộc bản kinh “Thiền đường quy tắc tổng tập” nhằm chấn chỉnh lại oai nghi của người xuất gia và chốt lại những điều cần yếu nhất trong quy chế an cư kiết hạ để người sau lấy làm nền tảng thực hành. Đến nay, những nghi thức trong mộc bản kinh này vẫn được duy trì và thực hiện tại các trường hạ.

Đến thời Hòa thượng Tâm Thông trụ trì, ngôi chùa đã là một đại bửu sát, có đông lang tây lang, diện tích đất rất rộng, nội dung trong hoành phi “Tư thục phước điền” cho biết vào ngày 15 tháng 10 năm 1920, có năm vị đại tín chủ là Dư Nam Hỷ, Bệ Như Nương, Dư Tiền Lễ, Dư Thái Lễ, Dư Bính Lễ đồng phát tâm cúng dường chùa ruộng 105 mẫu 7 sào, sổ đất ở tại Gia Định. Lại có vị điền chủ phát tâm cúng dường một nghìn lạng bạc dưới sự chứng minh của Hòa thượng Tâm Thông. Cũng trong năm này, Phật Giáo có nhiều biến chuyển, bắt đầu bước vào giai đoạn mới – thời kỳ phục hưng.

Đến năm 1924, Hòa thượng thâu thần thị tịch hưởng thọ 54 tuổi. Bảo tháp của ngài được an trí tại khuôn viên chùa Sắc Tứ Trường Thọ.

Sau khi Hòa thượng Tâm Thông viên tịch, Hòa thượng Trừng Giáo, pháp tự Quận Tuyên, hiệu Chí Nhơn, thuộc đời thứ 8 dòng Lâm Tế Liễu Quán và Lâm Tế Chính Tông đời 42, tiếp quản trụ trì. Ngài Trừng Giáo sinh năm Nhâm Ngọ (1882), mất ngày 28 tháng 5 năm Mậu Tý (1948) trụ thế 66 tuổi, trụ trì chùa Sắc Tứ Trường Thọ 24 năm.

Người kế tiếp trụ trì chùa Sắc Tứ Trường Thọ là Hòa thượng Tâm Giác (1918 – 2011), pháp hiệu Nhuận Hòa, thế danh Lê Văn Dùn (tự Nén), thuộc đời thứ 9 dòng Lâm Tế Liễu Quán và đời 43 Lâm Tế Chính Tông. Quê ở Tân Quý Đông, quận Nhà Bè, tỉnh Gia Định. Cha là cụ ông

Lê Văn Hoài, mẹ là Đặng Thị Tạo. Hòa thượng sinh trưởng trong một gia đình nông dân chất phát, thuần hậu, có tín tâm với phật pháp, ngài là con cả trong một gia đình có 13 anh chị em.

Năm 1931, ngài đến chùa Sắc Tứ Trường Thọ xuất gia tu học với Hòa thượng Thích Quảng Tuyên (thế danh Đặng Văn Tân, cũng là ông ngoại của ngài), từ đó ngài tinh tấn tu học, thông thạo nội điển và ngoại điển đặc biệt là Hán văn.

Năm 1935, thọ giới Sa di, 1939 đăng đàn thọ cụ túc giới trở thành Tỳ kheo ở độ tuổi 21.

Năm 1947, theo tiếng gọi của quê hương đất nước Hòa thượng đã tạm “cởi áo cà sa khoác chiến bào” lên đường theo cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp. Cũng trong thời gian hoàn tục tham gia kháng chiến, ngài Tâm Giác gặp và nên tri kỷ với cô tên Nguyễn Thị Ba, về sau cũng nhờ cô Ba mà ngài Tâm Giác quay lại chùa Sắc Tứ Trường Thọ.

Năm 1949, ngài tham gia dạy chương trình Bình dân học vụ xã Quới Xuân, Hóc Môn. Năm 1950, làm đội trưởng đội tự vệ xã và phụ trách văn phòng trinh sát công an quận Gò Vấp.

Năm 1952, ngài trở về chùa Sắc Tứ Trường Thọ hoạt động tài chính thâu nguyệt liễm ủng hộ Mặt trận Liên Việt, dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Thích Từ Sơn ở chùa Phổ Minh cho đến ngày thống nhất đất nước.

1960, Hòa thượng được suy cử làm Tổng thư ký Giáo Hội Lục Hòa Tăng (sau này là Phật giáo Cổ Truyền) tỉnh Gia Định kiêm chức phó Tăng giám. Ngài liên tục được chư tôn đức tăng ni thỉnh vào ban Chức sự ở các trường hương tại chùa Vân Sơn (Bình Chánh – Thủ Đức), chùa Tập Phước (Hòa Bình – Bình Thạnh), chùa Giác Ân (Tân Bình),…

Từ năm 1980 – 1988, ngài là thành viên Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc phường7, Tuyên huấn Ban Liên Lạc Phật giáo Yêu Nước quận, do Hòa thượng Thích Bửu Chơn làm trưởng ban; Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Đại hội Đại biểu Phật Giáo toàn quốc lần thứ VI (2007 – 2012) tổ chức tại Hà Nội; Chứng minh Ban Trị sự Thành Hội Phật giáo Tp.Hồ Chí Minh trong kỳ Đại hội Phật giáo Tp.Hồ Chí Minh lần thứ VII (2007 – 2012).

Chứng minh ban Đại diện Phật giáo quận Gò Vấp trong kỳ hội nghị Phật Giáo quận Gò Vấp nhiệm kỳ IV; V; VI và VII.

Trong thời gian chiến tranh, chùa suy yếu dần, đến khi hòa bình lập lại thì Hòa thượng Tâm Giác, tuy không tiếp tăng độ chúng tu học đông như các đời trụ trì trước đây, nhưng ngài là người rất tích cực trong hoạt động hoằng pháp, giáo dục, khuyến tấn chư tăng ni trong ba tháng an cư kiết hạ, giảng pháp cho các đạo tràng phật tử tại các buổi lễ như trai đàn chẩn tế, pháp hội Dược Sư,… Hòa thượng là một người giỏi Hán văn, am tường kinh tạng và rất thông thạo về môn nghi lễ, ứng phú… vì vậy ngài thường xuyên được chư tôn đức tăng, ni thỉnh làm chủ sám ở nhiều pháp hội lớn. Theo thói quen, ở bất kỳ pháp hội nào, trước khi vào nghi lễ tâm linh, Hòa thượng thường giảng một bài pháp thoại cho phật tử hiểu về ý nghĩa của buổi lễ và bài kinh tụng.

Năm 2004, Hòa thượng nói với Thượng tọa Tịnh Thành rằng: “Thôi bây giờ tôi không có đệ tử chính thức, thì tôi truyền lại cho thầy, mong rằng sau này thầy thay thế tôi phát triển đạo pháp ngôi già lam này,” (Bản phỏng vấn số 07)[10] rồi sư ông Tâm Giác viết di chúc truyền trao trụ trì chùa lại cho Thượng tọa Thích Tịnh Thành.

Năm 2000, Chùa Sắc Tứ Trường Thọ được nhà nước công nhận là “Di tích Lịch sử -Văn hóa cấp Quốc gia”.

Đến năm 2011, sau cơn bệnh của thân tứ đại trong kiếp nhân sinh, Hòa thượng đã thuận thế vô thường của quy luật tạo hóa, xả báo an tường, nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng vào lúc 20h50 ngày 13/6/2011 (nhằm ngày 12/5 Tân Mão), tại chùa Sắc Tứ Trường Thọ, Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh. Bảo tháp của ngài được an trí trong khuôn viên của chùa.

Như vậy chùa Sắc Tứ Trường Thọ được truyền thừa đến đời Hòa thượng Tâm Giác là đời trụ trì thứ 8 (Tính luôn vị thầy của ngài Đại Năng), Hòa thượng Tâm Giác di chúc cho ngài Tịnh Thành là đời thứ 9. Hiện tại dưới sự ủy nhiệm của Hòa thượng Tịnh Thành, Đại đức Huệ Quang tiếp quản trụ trì là đời thứ 10.

4. Quá trình di dời và tái thiết chùa trong chiến tranh Việt – Pháp

Từ năm 1860 đến năm 1865 thực dân Pháp đã xâm chiếm và phá hủy nhiều ngôi chùa cổ ở Gia Định để làm đồn bót, làm phòng tuyến. Bốn ngôi chùa, đền cổ từ Sài Gòn vào Chợ Lớn đã bị quân đội viễn chinh chiếm đóng là chùa Khải Tường, đền Hiển Trung, chùa Kiểng Phước, chùa Cây Mai và đặt tên là “Lignes des pagodes” (phòng tuyến các chùa)[11]. Thực dân hung hản, cầm súng chỉa vào đầu tăng, ni rồi la hét hăm dọa, ai chúng thấy giết được là bắn thẳng tay. Chúng đập phá chùa chiền, thiêu hủy kinh sách với mục đích diệt vong Phật giáo. Chùa Sắc Tứ Pháp Vũ bấy giờ cũng cùng chung số phận bị phá hủy hoàn toàn.

Chiến tranh, dân tình loạn lạc, chùa viện tiêu tan không thể ở được nữa, Hòa thượng Liễu Kiện cố nén đau thương, di dời chùa về vùng đất mới, nay là khu vực Chợ Cầu thuộc quận 12. Tại đây, chùa được tái thiết lần thứ nhất, cũng với tên gọi Sắc Tứ Pháp Vũ Tự. Chiến tranh lại tiếp tục ào đến, lại thêm một lần đổ nát, chùa lại phải tiếp tục di dời về xóm Thuốc[12], và tái thiết lần thứ 2, nhưng nơi đây cũng do ảnh hưởng chiến tranh, không cư trú được lâu. Cuối cùng chùa Sắc Tứ Pháp Vũ (tiền thân của chùa Sắc Tứ Trường Thọ sau này) lại di chuyển đến Phường 7, Gò Vấp, là địa điểm hiện tại, tiếp tục tái thiết lần thứ 3.

Tư liệu của Kiều Nguyên Trung Thắng viết năm 1994, dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Tâm Giác, cho rằng: thời gian chùa di dời từ Đa Kao lên quận 12 và xuống quận Gò Vấp là khoảng từ năm 1766 – 1788, là thời gian Nguyễn Ánh chiến tranh với quân Tây Sơn. Theo tôi, mốc thời gian này là chưa đúng vì những nguyên nhân sau:

– Thứ nhất, dựa vào vị trí tháp mộ của các vị tổ sư để xác định vị trí của chùa, các vị tổ sư khai sơn chùa từ đời Hòa thượng Đại Năng đến Hòa thượng Long Thắng và Tánh An, tháp đều được tìm thấy ở khu gần chợ Đa Kao. Hòa thượng Long Thắng tịch năm Quý Tỵ, tức năm 1833, tháp của ngài được an trí tại chùa Vĩnh Trường hay Sắc Tứ Pháp Vũ ở thôn Hòa Mỹ, tổng Bình Trị thuộc phủ Tân Bình, Gia Định tức là ở khu vực Đa Kao quận 1 ngày nay. Cho đến Hòa Thượng Tánh An thị tịch cũng an trí tháp mộ tại địa điểm này, cho nên chùa không thể di dời trước đó vì chiến tranh Tây Sơn. Đến năm Hòa thượng Liễu Kiện tịch 1890, thì tháp của ngài mới được an trí tại chùa Sắc Tứ Trường Thọ ở phường 7, quận Gò Vấp.

– Thứ hai là dựa vào nội dung khắc trên đại hồng chung do Hòa thượng Long Thắng đứng ra đúc vào năm 1808 có ghi lại địa chỉ của chùa Vĩnh Trường: “Gia Định thành, Tân Bình phủ, Bình Dương huyện, Bình Trị tổng, Hòa Mỹ thôn, Vĩnh Trường tự, trụ phụng. Dịch nghĩa: Chùa Vĩnh Trường ở thôn Hòa Mỹ, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, thành Gia Định”. Như vậy, sau chiến tranh Tây Sơn, hòa bình lập lại, Hòa thượng Long Thắng trùng tu và cho đúc đại hồng chung, thì chùa vẫn còn ở vị trí cũ.

– Thứ ba, theo trong hồ sơ di tích chùa Sắc Tứ Trường Thọ: “Đại Nam nhất thống chí” chép rằng: “Chùa Pháp Vũ ở thôn Hòa Mỹ, huyện Bình Dương. Từ trước không rõ là ai dựng, năm Gia Long thứ 7, Hòa thượng Nguyễn Công Thắng sửa chữa, năm Minh Mạng thứ ba cho tên là Pháp Vũ Tự”. Như vậy, đến khoảng năm 1865, là năm biên soạn Đại Nam nhất thống chí, thì chùa Vĩnh Trường hay Pháp Vũ Tự vẫn ở thôn Hòa Mỹ[13].

Như vậy chùa Sắc Tứ Pháp Vũ di dời nhiều lần trong thời gian kháng chiến chống Pháp, trong khoảng thời gian từ 1865 đến 1890. Năm 1890 chùa đã ở vị trí hiện tại, vì tháp mộ của Hòa thượng Liễu Kiện đã đặt ở đây.

Thời gian Hòa thượng Liễu Kiện trụ trì chùa Sắc Tứ Pháp Vũ là thời gian có nhiều biến cố, tháng 8 năm 1858 quân đội Pháp cùng Tây Ban Nha tấn công vào Đà Nẵng, sau đó chúng tiến vào xâm chiếm Gia Định. Tháng 6 năm 1862, vua Tự Đức ký hiệp ước Nhâm Tuất, nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp. Sau khi chiếm thành Gia Định, nhiều ngôi chùa bị chúng đập phá và đuổi hết chư tăng đi, để chiếm làm đồn bót, phòng tuyến, chùa Sắc Tứ Pháp Vũ bấy giờ cũng cùng chung số phận, phải di dời nhiều nơi. Cũng như bao tu sĩ cùng thời, Hòa thượng Liễu Kiện là một người có ý chí và nguyện lực vững mạnh, dù chiến tranh bom đạn tàn khốc, chùa dựng lên rồi lại sập đổ, sập đổ rồi lại dựng lên, chỗ này không ở được thì đem tượng Phật đi nơi khác, tiếp tục dựng lên, cho đến khi được yên ổn tại Gò Vấp.

Kết luận

Thiền phái Lâm Tế Liễu Quán buổi đầu phát triển mạnh ở miền Trung, về sau các đệ tử của thiền sư Liễu Quán cũng theo đàn di dân đến vùng Nam bộ, nhiều ngôi chùa thuộc thiền phái Liễu Quán được thành lập trên đất Gia Định trong đó có chùa Sắc Tứ Trường Thọ.

Chùa Sắc Tứ Trường Thọ được tổ Đại Năng, thuộc đời thứ 37 dòng Lâm Tế Liễu Quán, khai sơn vào năm 1720, trong bối cảnh của buổi đầu mở đất phương Nam. Từ đó đến nay, do ảnh hưởng của chiến tranh, chùa nhiều lần bị đổ nát và di dời, vẫn bền bỉ gắn kết trên mảnh đất Gia Định – Sài Gòn – Tp.Hồ Chí Minh. Các thế hệ trụ trì từ ngài Đại Năng đến ngài Tâm Giác, tuy mỗi người có nhân duyên và hoàn cảnh tu hành khác nhau, nhưng quý ngài luôn là sự tiếp nối, phát triển, bảo tồn, duy trì mái chùa tồn tại dưới 300 năm lịch sử.

Tác giả: SC.Ths Thích Nữ Hiền Nghĩa - Chùa Quan Âm Tu Viện, Biên Hòa, Đồng Nai.
(Trích lược, Đinh Thị Yến – TN. Hiền Nghĩa (2019), “Lịch sử hình thành và phát triển Chùa Sắc Tứ Trường Thọ TPp.Hồ Chí Minh”, luận văn Thạc sĩ, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh).

CHÚ THÍCH

[1] Nguyễn Thị Minh Lý (1999), Hồ sơ di tích chùa Sắc Tứ Trường Thọ, Sở Văn Hóa Thông Tin TP. Hồ Chí Minh. Tr 2.
[2] Cũng là tiền thân của chùa Sắc Tứ Trường Thọ ngày nay.
[3] Phiên Trấn có trấn Phiên An, sách “Gia Định thành thông chí” ghi: Trấn Phiên An, sau đổi thành tỉnh Gia Định, địa bàn trấn Phiên An đương thời tương ứng với Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh và một số tỉnh Long An ngày nay.
[4] Kiều Nguyên Trung Thắng (1994), Lược sử chùa Sắc Tứ Trường Thọ, lưu hành nội bộ chùa Sắc Tứ Trường Thọ, Tr 18.
[5] Thích Huệ Sanh dịch (2002), Ngũ Gia Tông Phái ký toàn tập, Nxb Tôn Giáo, TP. HCM. Tr 56.
[6] Thích Huệ Sanh dịch (2002), Ngũ Gia Tông Phái ký toàn tập, Nxb Tôn Giáo, TP. HCM. Tr 56.
[7] Dẫn theo – Ban Quản Lý Di Tích Và Danh Lam Thắng Cảnh của Sở Văn Hóa Thông Tin TP. Hồ Chí Minh trong tập hồ sơ di tích chùa Sắc Tứ Trường Thọ_ “Hòa thượng Thích Tâm Giác, hiện đang trụ trì chùa kể rằng hòa thượng Liễu Kiện là một cao tăng uyên thâm Phật pháp, vì vậy vua Tự Đức ban tên cho chùa là Trường Thọ.
Lại theo biên bản phỏng vấn số 7, Hòa Thượng Thích Tịnh Thành, người thực hiện: Thích Nữ Hiền Nghĩa, ngày 29 tháng 12 năm 2019“hồi còn ở ngoài Đa Cao thì vua ban là Sắc Tứ Pháp Vũ Tự. Sau này có một vị hòa thượng được ra làm giáo thọ sư ở triều đình Huế cho nên vua mới ban cho ngài là hòa thượng Trường Thọ, Đại Sư Trường Thọ. Cho nên ngài về mới đổi lại là Chùa Trường Thọ, thì vua cũng ban cho một tấm biển nữa là Sắc Tứ Trường Thọ Tự. Hiện tại bây giờ tại chùa Trường Thọ có hai tấm bảng sắc tứ”.
[8] Thích Huệ Sanh dịch, Sđd. Tr 60.
[9] Thích Đồng Bổn chủ biên (1995), Danh Tăng Việt Nam, tập I, Hòa thượng An Lạc – Thích Minh Đàng: “Năm Nhâm Dần (1902), Ngài thọ giới Cụ Túc tại giới đàn chùa Kim Tiên (xã An Hữu, huyện Cái Bè), sau đó Ngài an cư tại chùa Hội Phước ở Sa Đéc (1904). Năm 1905, Ngài an cư tại chùa Sắc Tứ Trường Thọ ở Gia Định và được cử làm Chánh Tri Sự, sau mùa an cư Ngài được cử làm Đệ tam Tôn chứng Đại giới đàn. Nguồn_ http://cusi.free.fr/lsp/danhtvn/danhtang1-giaidoan2-12.htm
[10] Biên bản phỏng vấn số 6, hòa thượng Tịnh Thành, người thực hiện: Thích Nữ Hiền Nghĩa, ngày 29/12/2019.
[11] Trần Hồng Liên (1995), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ – Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội. Tr 42.
[12] Xóm Thuốc, nằm trên đường Quang Trung thuộc Ủy Ban Nhân Dân quận Gò Vấp hiện nay.
[13] Ý thứ ba, dẫn theo ý kiến của Ban Quản Lý Di Tích Và Danh Lam Thắng Cảnh của Sở Văn Hóa Thông Tin TP. Hồ Chí Minh trong tập hồ sơ di tích chùa Sắc Tứ Trường Thọ., tr 2.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Đồng Bổn chủ biên (1995), Danh Tăng Việt Nam, tập I, Nxb Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh.
2. Trịnh Hoài Đức, Phạm Hồng Quân dịch, chú và khảo chứng (2019), Gia Định Thành thông chí, Nxb Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh. HCM.
3. Trần Hồng Liên (1995), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ – Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.
4. Nguyễn Thị Minh Lý (1999), Hồ sơ di tích chùa Sắc Tứ Trường Thọ, Sở Văn Hóa Thông Tin TP. Hồ Chí Minh.
5. Thích Huệ Sanh dịch (2002), Ngũ Gia Tông Phái ký toàn tập, Nxb Tôn Giáo, TP. HCM.
6. Kiều Nguyên Trung Thắng (1994), Lược sử chùa Sắc Tứ Trường Thọ, lưu hành nội bộ chùa Sắc Tứ Trường Thọ.
7. http://cusi.free.fr/lsp/danhtvn/danhtang1-giaidoan2-12.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét