- Địa điểm: ấp 3, xã Phước Thái, huyện Long Thành
- Năm xây dựng: 1984 .
- Người trụ trì: Sư cô Thích nữ Diệu Thành
- Hệ phái gốc: Tịnh Độ Tông
- Điện thoại: 061.542355
Vào năm 1984, Hạt Lâm nghiệp huyện Long Thành và UBND xã Phước Thái giao cho Ni sư Huệ Giác 20 ha đất bỏ hoang, đồi trọc gò mối, cỏ cây rậm rịt. Với tâm niệm lời dạy trồng cây, trồng người của Hồ Chủ Tịch và với hạnh nguyện gieo nhân khẳng định con đường Phật pháp, bằng sức lực của mình, Ni sư Huệ Giác (Viện chủ Quan Âm Tu Viện - Biên Hòa) đã cùng các đệ tử ngày đêm khai khẩn đất hoang trồng cây gây rừng, rồi dựng một am thảo nhỏ, chứng minh cho sư cô Thích nữ Diệu Thành trụ trì.
Thấu hiểu lời dạy của Ni sư, Sư cô Diệu Thành ngày đêm cùng với cộng sự, đệ tử chăm bón vườn cây, ngôi chùa theo đó mà được trùng tu kiên cố và tồn tại đến ngày nay. Bửu Hoa Ni Viện là một Già Lam và cũng là cơ sở của trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai, là nơi Ni Chúng tu học đông đảo.
Nép mình dưới những tàn cây xanh um, Bửu Hoa Ni Viện nổi bật với lối kiến trúc mang đậm phong cách truyền thống. Chánh điện và nhà hậu Tổ làm theo kiểu nhà ba gian hai chái, một kiểu nhà truyền thống của làng quê Bắc bộ.
Với mái ngói đã thẫm màu rêu, bộ khung cột vì kèo, hệ thống hoành phi, liễu đối, bao lam bằng gỗ được tạo tác với nhiều dụng công tỉ mỉ, tinh xảo càng làm tăng thêm nét cổ kính của ngôi Già Lam. Nội thất chánh điện được bài trí theo phong cách cổ truyền. Nơi Bảo điện thờ Tam Thế Phật, hậu điện thờ Địa Tạng. Gian hậu Tổ thờ Đạt Ma Tổ sư và bài vị của Tổ sư.
Điện Quan Âm xây phía trước chánh điện làm theo kiểu tứ trụ, mái lợp ngói ống, bờ nóc trang trí tháp 13 tầng tượng trưng là những nấc thang mà người tu phải trải qua.
Bửu Hoa Ni Viện không đồ sộ, uy nghi như những đại Già Lam khác mà mộc mạc bình dị với mái ngói đã bạc màu vì nắng mưa. Hàng đêm thoang thoảng trong mùi hương tràm, hương ngâu bát ngát, tiếng chuông chùa khoan nhặt vang lên như đem phước lành đến cho mọi người.
Sư Cô Thích Nữ Diệu Thành
Năm 1975, với Đại thắng mùa xuân đất nước hoàn toàn thống nhất, chúng ta lại bắt tay vào xây dựng kiến thiết Tổ quốc, hàn gắn vết thương chiến tranh. Trong thời khắc khó khăn tưởng chừng như không vượt qua được, Ni sư Huệ Giác cùng các đệ tử của mình tâm niệm lời dạy trồng cây, trồng người của Bác "Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người" và cũng với hạnh nguyện gieo nhân khẳng định con đường Phật pháp. Bằng sức lực bé nhỏ của mình, Ni sư cùng các đệ tử ngày đêm khai khẩn đất hoang trồng cây gây rừng. Năm 1984 vào dịp sinh nhật Bác (19-5) tại am thảo nhỏ Bửu Hoa Ni Viện Ni sư ngẫu hứng ứng khẩu bài thơ Hương Rừng:
Rừng là tài sản quí giá của Quốc gia
Rừng là tài nguyên giàu mạnh của Nước nhà
Rừng là hệ cây xanh bóng mát
Làm đẹp tòng lâm thắng cảnh văn hoá sử nước nhà
Nên Ni giới Bửu Hoa Phước Thái tự nguyện gây dựng vườn rừng
Phủ đồi trọc xanh màu cây rừng hoa lá trái
Ruộng rẫy xanh màu khoai bắp lúa đậu.
Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét