13 tháng 9, 2021

Thiền viện Trúc Lâm

Tên thường gọi: Thiền viện Trúc Lâm

Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, cạnh hồ Tuyền Lâm, phường 3, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Từ trung tâm thành phố Đà Lạt đi đến giữa đèo Prenn, có con đường bên phải dẫn vào Thiền viện, lộ trình khoảng 10km. ĐT: 063.827565, 063.830558. Thiền viện thuộc hệ phái Bắc tông

Toàn cảnh Thiền viện Trúc Lâm


Vườn hoa

Vườn sau chùa


Hồ Tuyền Lâm

Thiền viện được Hòa thượng Thích Thanh Từ cho tạo dựng vào năm 1993 trên một khu đất rộng khoảng 24 hecta, gồm 22 hecta vườn chùa và 2 hecta xây dựng các công trình của hai khu nội viện và ngoại viện.

Lễ đặt đá xây dựng Thiền viện được tổ chức trọng thể vào ngày 28–5–1993 (8 – 4 năm Quý Dậu)(1). Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Từ cho biết ba mục đích của công trình khôi phục Thiền tông đời Trần là: 1. Tạo cảnh quan xinh đẹp mang sắc thái văn hóa dân tộc; 2. Khôi phục Thiền tông đời Trần; 3. Tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng Ni, Phật tử chuyên tu thiền.

Khu nội viện chia làm hai: Nội viện Tăng và nội viện Ni. Mỗi nội viện đều có thiền đường, tăng đường, trai đường… Nội viện là nơi tu thiền của chư Tăng, Ni theo tinh thần Thiền tông đời Trần, nhấn mạnh ở sự tu tập nội tâm và nỗ lực rèn luyện ba đức tính: Tính cần tu tập hướng đến giác ngộ giải thoát, kiên quyết vượt mọi khó khăn chướng ngại, và sống đời đạm bạc, giản dị, không thụ hưởng xa hoa.

Trong khu nội viện còn có khu tịnh thất của Hòa thượng Viện trưởng.

Cổng chùa

Tam quan Thiền viện

Tam quan Thiền viện (mặt sau)

Tam quan Thiền viện

Khu ngoại viện ở khu đất rộng phẳng. Sau tam quan là ngôi chánh điện uy nghi với diện tích 192 m2, bên trong tôn trí tượng đức Bổn sư Thích Ca ngồi trên tòa sen thuyết pháp, hai bên có hai bức tranh Bồ tát Văn Thù Sư Lợi và Bồ tát Phổ Hiền. Theo sách Thâm ý qua hình tượng Phật, Bồ tát (Thích Thanh Từ, 2001) thì Bồ tát Văn Thù là hiện thân của căn bản trí, tay mặt cầm kiếm là biểu thị trí đức, tay trái cầm hoa sen xanh là biểu thị đoạn đức, mặc giáp nhẫn nhục, mình ngồi trên lưng sư tử xanh. Con sư tử là biểu thị công năng của trí tuệ. Bồ tát Phổ Hiền tượng trưng cho chân lý, ngồi trên lưng voi trắng sáu ngà để biểu thị hạnh nguyện rộng lớn. Sáu ngà tượng trưng cho lục độ. Chèo thuyền lục độ, Bồ tát cứu vớt chúng sanh đang chìm đắm trong bể khổ. Đức Phật dùng chân trí thâm đạt chân lý, vì thế biểu thị hai vị Bồ tát phụ tá hai bên. Hoặc đức Phật Bi, Trí viên mãn, nên hai ngài thường có mặt bên trái, bên phải đức Phật.

Chung quanh tường phía trên chánh điện có các tấm phù điêu minh họa sự tích đức Phật Thích Ca: Đản sanh, Xuất gia, Thành đạo, Chuyển pháp luân, Nhập niết bàn… Bức hoành phi phía trước bằng gỗ chạm bốn chữ Từ Bi Trí Tuệ. Bức phù điêu lớn mặt sau chánh điện chạm hình Tổ Đạt Ma quảy một chiếc dép về Tây.


Thiền viện Trúc Lâm

Mặt tiền Thiền viện

Bên phải chánh điện là lầu chuông. Lầu chuông lợp ngói men, góc mái uốn cong, có lan can, chung quanh gắn nhiều tấm phù điêu mang ý nghĩa sâu sắc: Tổ Đạt Ma quay mặt vào vách, bên ngoài tuyết đóng băng giá, ngài Huệ Khả chặt tay cầu pháp; Tổ Đạt Ma quảy một chiếc dép về Tây; ngài Huệ Năng đeo đá giã gạo, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn xuống khai thị; Sơ tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà giảng đạo cho Nhị tổ Pháp Loa và Tam tổ Huyền Quang trong rừng trúc. Bên trong treo quả đại hồng chung nặng 1100kg, có khắc quanh thân chuông những bài kệ của chư Tổ Thiền tông.

Đối diện với lầu chuông là lầu trống. Mặt trống có đường kính khoảng 80cm.

Trước tam quan có hồ Tĩnh Tâm. Bên dưới lưng đồi là nhà khách nữ vãng lai, đến xin tập tu ngắn hạn tại Thiền viện.

Bên trái chánh điện, cạnh lầu chuông là Tham vấn đường có diện tích 90m2. Tăng Ni, Phật tử các nơi về đây nghe thuyết pháp và ngồi thiền vào ngày 14 và 29 âm lịch mỗi tháng.

Bên phải chánh điện là nhà khách hai tầng, diện tích khoảng 235 m2. Tầng dưới dành tiếp khách, tầng trên là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của khách Tăng hay Phật tử nam các nơi đến Thiền viện tập tu.

Trước nhà khách là một vườn hoa tuyệt đẹp!


Điện Phật


Tháp chuông


Tháp trống

Sau chánh điện có vườn Tổ, nền trải thảm cỏ xanh dưới rừng thông xanh mát với nhiều hòn non bộ và cây cảnh. Giữa là tượng điêu khắc gỗ Tổ Bồ Đề Đạt Ma nhất hài quy Tây. Ở đây còn có hai đài sen đặt các cây hóa đá rất quý.

Cạnh vườn Tổ là Thư viện, ngôi nhà hai tầng, diện tích 112 m2. Tầng trên là thiền đường dành cho Phật tử nam đến tập tu tọa thiền. Phía dưới là Thư viện có nhiều kinh sách, báo chí phục vụ quý Tăng Ni, Phật tử và du khách.

Đối diện Thư viện là nhà Trưng bày với diện tích 142 m2. Căn nhà này cũng xây hai tầng. Tầng trên là phòng làm việc của ban Thư ký chùa. Phía dưới là nơi trưng bày những hình ảnh phong cảnh, sinh hoạt của Thiền viện cùng những quà tặng của Thiền viện. Nơi đây có phòng phát hành kinh sách, bưu ảnh … dành cho du khách.

Về kiến trúc ngôi Thiền viện từ năm 1993, Giáo sư kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ sơ phác họa đồ tổng thể, cùng với sự đóng góp thực hiện các bản vẽ từng hạng mục công trình của các kiến trúc sư Tô Ngọc Ẩn (Vũng Tàu), Vũ Xuân Hùng (Đà Lạt) và Viện Thiết kế Quy hoạch Tổng hợp (Đà Lạt). Trưởng công trình là kỹ sư Nguyễn Tín, với sự chỉ đạo trực tiếp của Hòa thượng Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm.



Khu nội viện ni

Phòng trưng bày văn hóa phẩm Phật giáo

Nhà hàng chay

Đã có hơn một vạn người từ nhiều tỉnh, thành phố về dự lễ khánh thành Thiền viện Trúc Lâm ngày 19 – 3 – 1994 (8 – 2 năm Giáp Tuất). Cũng từ đấy, Thiền viện trở thành điểm tham quan quen thuộc của du khách, Phật tử gần xa khi đến thăm thành phố Đà Lạt hoa đào, để tận hưởng cái khoáng đạt của phong cảnh thiên nhiên, những phút giây tĩnh lặng, thư thái trong tâm hồn và chiêm ngưỡng vẻ đẹp sáng tạo của các công trình kiến trúc mới mẻ nhưng mang đậm tính dân tộc.


Cáp treo

Tranh Lục Tổ Huệ Năng

Tranh Tổ sư Đạt Ma

Đại hồng chung


Tu thiền

Hòa thượng Thích Thanh Từ, Viện chủ Thiền viện Trúc Lâm (1993)
_____________

(1). Báo Giác Ngộ số 60 ngày 15 – 6 – 1993 đã trích đăng nhiều bài phát biểu của chư vị Hòa thượng lãnh đạo Giáo hội như Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Từ Mãn và đại diện Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh Lâm Đồng.

HT. Thích Thiện Hào, thay mặt Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) chứng minh buổi lễ, phát biểu tán thán HT. Thích Thanh Từ với tinh thần phục hưng Thiền tông Việt Nam, đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, một Thiền phái được sáng lập bằng tinh hoa của Phật giáo Việt Nam.

HT. Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam phát biểu nhấn mạnh tính cách tu hành đúng chánh pháp của đạo Phật: “…Người thực hành đúng pháp là người biết đem tất cả những điều học hỏi hiểu biết về giáo pháp của đức Phật thông qua việc học thuộc lòng, thuyết giảng lưu lợi, tụng đọc hay, nghiên cứu tư duy sâu… rồi biết ứng dụng tu tập, thực hành những lời dạy của đức Phật để đưa đến sự an định của tâm và thành tựu trí tuệ, chứng định được tâm giải thoát và huệ giải thoát…”.

HT. Thích Từ Mãn, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng bày tỏ niềm hoan hỷ: “GHPGVN hẳn hết sức vui mừng khi được biết tại khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ này của vùng cao nguyên Lâm Đồng sẽ được tô điểm bằng một kiến trúc Phật giáo theo kiểu Thiền viện Trúc Lâm do HT. Thích Thanh Từ, một vị cao tăng đức độ, kiến thức Phật giáo Thiền và việc tu chứng cũng như khả năng tổ chức, quản lý, phương pháp sư phạm đã được các Tăng Ni, Phật tử công nhận, trân trọng và thán phục…”.

Bà Cao Thị Quế Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, thay mặt các cơ quan chức năng lãnh đạo trong tỉnh, đã phát biểu: “… Thật là một nhân duyên lớn khi thành phố Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng được chọn để xây dựng Trúc Lâm Thiền viện, để khôi phục môn phái Thiền tông…

“… Những năm qua, các chùa được trùng tu và xây cất mới, cũng như nhiều trường đào tạo Tăng Ni được mở ra ở các tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo Tăng Ni trẻ, xây dựng một lớp người kế tục cho tiền đồ Phật giáo mai sau (…) Thanh thế của Phật giáo Việt Nam và của những vị chân tu được Phật giáo thế giới tôn trọng, ngưỡng mộ và dành một vị trí xứng đáng trong mọi hoạt động quốc tế. “… Chúc mừng Giáo phái Thiền tông được khôi phục để từ nay Phật giáo có điều kiện tốt hơn để phát huy và truyền bá những tư tưởng cao đẹp của đạo Phật vào đời sống văn hóa và tinh thần của dân tộc Việt Nam, để Tăng Ni có điều kiện tu học, tập luyện trên con đường đi đến bờ giác ngộ…”.

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Một chốn thiền môn thanh khiết

Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt hài hòa với khung cảnh thiên nhiên mây trời non nước và một kiến trúc cổ kính làm mê lòng bao du khách.

Trúc Lâm Thiền Viện là một ngôi chùa của phái thiền Trúc Lâm nằm cách trung tâm TP Ðà Lạt, tỉnh Lâm Đồng khoảng 4 km. Công trình được khởi công xây dựng năm 1993, và hoàn thành sau đó một năm. Đây không chỉ là thiền viện lớn nhất Lâm Đồng mà còn là điểm tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Cùng với Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh) và Trúc Lâm Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt là một trong ba thiền viện lớn của Việt Nam theo phái Trúc Lâm. 

Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt là một trong ba thiền viện lớn của Việt Nam theo phái Trúc Lâm. 

Thiền Viện Trúc Lâm được coi là thiền viện lớn nhất cả nước cả về không gian lẫn quy mô. Thiền viện được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng 24 hecta, gồm 22 hecta vườn chùa và 2 hecta xây dựng các công trình của hai khu nội viện và ngoại viện.

Chính điện có diện tích khá rộng rãi, bên trong ban thờ khá đơn giản, nhưng mang đầy ý nghĩa của nhà Phật. Giữa điện thờ tượng Đức Phật Thích Ca cao khoảng 2m, tay phải cầm cành hoa sen đưa lên. Bức tượng có tên gọi: Phật Thích Ca “Niêm Hoa Vi Tiếu”. Bên phải Đức Phật là Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử. Bên trái là Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà. Chung quanh tường phía trên chính điện là các bức phù điêu minh họa sự tích đức Phật Thích Ca: Đản sanh, Xuất gia, Thành đạo, Chuyển pháp luân, Nhập niết bàn…

Ngoài ra còn có các bao lam, án thờ bằng gỗ được chạm khắc rất công phu. Bức hoành phi phía trước bằng gỗ chạm bốn chữ Từ Bi Trí Tuệ. Bức phù điêu lớn mặt sau chánh điện chạm hình Tổ Đạt Ma quảy một chiếc dép về Tây. 

Hồng chung lâu 

Phía bên phải của chính điện là gác chuông. Gác chuông lợp ngói men góc mái uốn cong, có lan can, chung quanh gắn nhiều tấm phù điêu mang ý nghĩa sâu sắc: Tổ Đạt Ma quay mặt vào vách, bên ngoài tuyết đóng băng giá, ngài Huệ Khả chặt tay cầu pháp; Tổ Đạt Ma quảy một chiếc dép về Tây; ngài Huệ Năng đeo đá giã gạo, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn xuống khai thị; Sơ tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà giảng đạo cho Nhị tổ Pháp Loa và Tam tổ Huyền Quang trong rừng trúc. Bên trong treo quả chuông lớn cao 1.98 m, nặng 1,1 tấn được chạm khắc chạm những bài kệ Phật mang đầy đạo lý rất tinh xảo và đẹp mắt. Ngoài ra, Thiền Viện còn những công trình khác như: tham vấn đường và nhà trưng bày bên phải; gác trống, nhà khách tăng, thư viện, thiền thất viện trưởng và thiền đường bên trái.

Đối diện với gác chuông là gác trống. Mặt trống có đường kính khoảng 80cm. 

Gác Trống với chiếc trống có đường kính khoảng 80cm. 

Trước tam quan có hồ Tĩnh Tâm. Bên dưới lưng đồi là nhà khách nữ vãng lai, đến xin tập tu ngắn hạn tại Thiền viện.

Nét kiến trúc nổi bật của Thiền viện là những đầu đao cong vút. Trên nóc mái của mặt chính điện là hình bánh xe luân hồi, biểu trưng cho cỗ xe lớn của phái Đại thừa trong Phật giáo. Tuy nhiên, toàn bộ công trình kiến trúc đều toát lên sắc thái của nền văn hóa Đông phương.

Đến vãn cảnh chùa khách thập phương còn có dịp chiêm ngưỡng nhiều loài hoa quý, hiếm và đẹp của Đà Lạt được trồng trong khuôn viên chùa. Đây cũng là một trong những điểm du khách không thể bỏ qua. 

Vườn hoa tại thiền viện là một trong những điểm du khách không thể bỏ qua với nhiều loại hoa lạ, đẹp mắt. 

Là Thiền viện lớn nhất trong các Thiền viện đã được xây dựng ở Việt Nam, đây là nơi tu hành nghiên cứu về Phật giáo Thiền tông của các hoà thượng và tăng ni với ý nguyện khôi phục Thiền tông thời Trần. Đây cũng là nơi các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tới nghiên cứu về Thiền tông.

Du khách, phật tử đến ngôi chùa này để dâng hương, cầu xin Đức Phật tổ may mắn, an bình. Nhiều người khác đến Trúc Lâm Thiền viện để được tắm mình trong không khí thanh tịnh nơi chốn Thiền môn, để tâm hồn được thư thái và bản thân có những giờ phút yên bình sau những ồn ào, tất bật của cuộc đời… Bên cạnh đó, đây còn là nơi tham quan, với cảnh đẹp non nước hữu tình du khách có thể thoải mái đi dạo ngắm toàn bộ khu vực với hồ Tuyền Lâm và núi Voi Phục hùng vĩ. 

Nét đẹp của Thiền viện Trúc Lâm là cảnh quan thanh khiết tuyệt vời, với trời mây non nước bao la, với ngàn thông vi vu gió lộng. Ở đây thiền, thiên nhiên, con người như hòa nhập làm một.

Ẩn mình sau ngàn thông vi vu với mùi thơm quyến rũ, mặc cho thời gian trôi, ngôi chùa nằm lặng lẽ trên triền sườn núi Phụng Hoàng, phía trước là hồ nước trong xanh. Với sự yên bình, thanh khiết hài hòa với khung cảnh thiên nhiên mây trời non nước bao la và một kiến trúc cổ kính, Thiền viện Trúc Lâm làm mê lòng và níu chân không ít du khách khi đến với thành phố sương mù Đà Lạt.

Phỉ Thúy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét