13 tháng 4, 2022

Chùa Đại Phước

ĐẠI PHƯỚC TỰ
  • Tên thường gọi: Chùa Ông Tám
  • Địa điểm: khu phố 6, phường Thống Nhất, Tp.Biên Hòa
  • Năm xây dựng: khoảng 1940
  • Người xây dựng: Dân làng xây dựng
  • Trụ trì hiện nay: Thầy Thích Tịnh Thủy
  • Năm trùng tu: 1967, 1991, 1997, 2001
  • Hệ phái gốc: Cổ Truyền Lục Hòa Tăng
  • Điện thoại: 061. 819193
Nguyên thủy, Đại Phước Tự chỉ là am cốc nhỏ được dân Làng Phước Lư dựng lên trên khu đất khá rộng cạnh bờ sông Đồng Nai bằng vật liệu nhẹ: vách gỗ, mái lợp ngói âm dương, nền đất. Bấy giờ, để dựng lên ngôi Tam bảo, các bô lão sang chùa Sau (còn gọi là chùa Gò) thỉnh Hòa thượng Thích Triệu Trạch (thế danh Nguyễn Trách) để làng xét chọn địa thế xây chùa. Thời gian sau, Đại Phước Tự được dựng lên trên khuôn viên hiện hữu như ngày nay. Hòa thượng Thích Thiện Trạch được dân làng thỉnh trụ trì, sớm hôm hương đăng ngôi Tam bảo. Vốn tu học và xuất gia tại chùa Đại Giác nên Hòa thượng lấy chữ đầu của tên chùa và tên làng đặt tên cho ngôi chùa mới là Đại Phước Tự, hầu cầu mong Phật Tổ phò hộ độ trì cho dân làng luôn có cuộc sống bình yên, an lạc.

Đài Quan Thế Âm

Khoảng cuối thập niên 1940, Đại Phước Tự bị xuống cấp, được sự trợ duyên về kinh phí, công sức của thập phương bá tánh, Phật tử, Hòa thượng Thích Thiện Trạch trùng tu chánh điện với kiến trúc hình chữ Nhị (=), mặt tiền quay hướng đông nam, thay ngói âm dương bằng ngói móc (vảy cá), cột gỗ, nền lót gạch Tàu, tường xây bằng gạch, vôi, cát. Năm 1967, với tâm nguyện làm trang nghiêm ngôi Già Lam, ngõ hầu thuận tiện cho bá tánh và Phật tử xa gần đến hành đạo pháp, Hòa thượng cho xây nhà hậu Tổ.

Hòa thượng Thích Thiện Trạch đạo hạnh cao thâm, rất có cơ duyên trong việc "bói quẻ việc", tiên đoán linh ứng nên bá tánh bốn phương khi gặp cớ sự ngặt nghèo đều tìm đến kính Thầy nhờ cứu giúp. Cũng từ đó, số tín đồ Phật tử ngày càng đông dần, thiện nam tín nữ tìm đến chiêm ngưỡng Phật đài, ngắm cảnh nhàn du ngày ngày không dứt.

Năm 1977, Hòa thượng Thích Thiện Trạch viên tịch, thầy Thích Tịnh Thủy (thế danh Mạch Văn Thuỷ) kế tục sư thầy trụ trì cho đến nay. Trong thời gian trụ trì, thầy Thích Tịnh Thủy cho xây dựng nhiều công trình mới.

Năm 1991: xây đài Quán Thế Âm ngay cạnh bờ sông. Đặt tượng Phật Di Lặc cạnh cây bồ đề cổ thụ ngay mặt tiền chùa

Năm 1997-1998: xây nhà bếp và nhà túc

Năm 2001: xây tường gạch bao bọc khuôn viên chùa.

Thầy Thích Tịnh Thủy

Cùng thời gian này, do chánh điện bị xuống cấp nghiêm trọng, được sự cho phép của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của Phật tử trong và ngoài tỉnh, toàn bộ phần chánh điện của Đại Phước Tự được dỡ bỏ để xây mới khá qui mô, đồ sộ bằng bê tông cốt thép gồm: một trệt một lầu và các gác chuông-trống vươn lên giữa trời xanh. Công trình do kiến trúc sư Đỗ Hữu Nam (Phật tử của chùa) lập bản vẽ thiết kế.

Vì đang thi công gian chánh điện nên chư vị Phật được cung thỉnh vào hậu Tổ. Do diện tích hạn hẹp và cũng chỉ mang tính tạm thời nên việc ngự tọa của chư Phật không theo qui tắc nhất định. Đây là sưu tập tượng quý do ông Hữu Tín tạo tác bằng chất liệu gỗ mít phụng cúng cho chùa như tượng A Di Đà, Quan Âm Bồ tát, Thế Chí Bồ tát, Thập Điện Minh Vương, Tứ Thiên vương, Chuẩn Đề, Tiêu Diện, Hộ Pháp... Trên các bệ bằng xi măng quanh hậu Tổ đặt rất nhiều hũ hài cốt, linh vị của người đã khuất.

Đài Quán Thế Âm ngự giữa lòng hồ tự nhiên rộng khoảng 300 m² ngay cạnh bờ sông Đồng Nai là công trình kiến trúc đặc sắc của Đại Phước Tự. Nét thanh cao, siêu thoát của Phật Bà được bố trí hài hòa giữa khung cảnh sông nước gây cho người chiêm bái cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản, thoát tục, sẵn lòng gạt bỏ những hệ luỵ đời thường, hoan hỷ chuyên tâm hành đạo.

Hiện nay, thầy trụ trì cùng chư Tăng, Phật tử kẻ góp của người góp công, với hạnh nguyện được góp một phần công sức cùng xây dựng ngôi nhà Phật pháp.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Đại Phước tự - Chùa Ông Tám

Chùa Đại Phước, tên thường gọi là chùa Ông Tám, ở khu phố 6, phường Thống Nhất, Biên Hòa. Chùa do dân làng Phước Lư xây dựng khoảng năm 1940.

Đây không phải ngôi chùa cổ, không có quy mô bề thế, không có cổ vật hay kiến trúc quá đặc sắc, cũng không là nơi nổi tiếng linh thiêng cho những người cầu khấn... Vì vậy nên không được xác định là một điểm đến cho du khách. Thế nhưng,có những điều để kể về ngôi chùa này...


Ngày xưa, đây chỉ là một am cốc nhỏ do dân làng dựng nên ven sông bằng vật liệu nhẹ. Bấy giờ, để dựng lên ngôi tam bảo, các bô lão thỉnh hòa thượng Thích Thế Trạch (thế danh Nguyễn Trách) về làng chọn địa thế xây chùa. Hòa thượng Thích Thế Trạch trở thành trụ trì của chùa. Ông vốn tu học và xuất gia ở chùa Đại Giác nên lấy chữ đầu của tên chùa gốc (Đại Giác) và tên làng (Phước Lư) để đặt tên chùa là Đại Phước.

Chùa đã qua nhiều lần đại trùng tu vào các năm 1967, 1991, 1997, 2001. Trong đó, năm 1991 xây đài Quan Thế Âm cạnh bờ sông, đặt tượng Phật Di Lặc cạnh cây bồ đề trước cửa chùa. Năm 2001 xây dựng lại toàn bộ chánh điện, do kiến trúc sư Đỗ Hữu Nam thiết kế, cũng là kiến trúc hiện nay.

Cảnh quan quanh chùa rất đẹp, yên tĩnh. Quan Âm đài ở sát bờ sông càng làm khách nhàn du tới đây thấy lòng nhẹ nhàng, thanh tịnh.

Từ trên chùa nhìn xuống Quan Âm đài

Từ Quan Âm đài nhìn về phía chùa

Quan Âm đài

Tượng Phật Bà Quan Âm ở trước chùa

Các hình ảnh bên trong chính điện chùa:





Ở phía sau hậu tổ là nơi thờ linh vị, đặt hũ hài cốt của người đã khuất.



Phía sau chùa có những ngôi mộ cổ. Đây là mộ của ông (và bà) Đỗ Hữu Tính (1886 - 1956), nguyên cai tổng Phước Vĩnh Thượng, người đã góp công của rất nhiều cho việc xây dựng chùa Đại Phước.


Ngôi mộ khác cổ xưa hơn và lai lịch chưa được xác định rõ ràng.


Theo tư liệu còn lại và bia mộ ở chùa Đại Phước thì đây là mộ của quan Khâm sai đại thần Võ Quốc công, mất năm 1832. Ngôi mộ này có trên đất chùa từ trước khi xây dựng chùa hàng trăm năm. Chưa thấy có tài liệu nào cho biết về tên thật của Võ quốc công cũng như tiểu sử của ông.

Cuối cùng là câu hỏi: Vì sao chùa có tên là chùa Ông Tám?

Điều này cũng không thấy trong các tài liệu chính thức. Lới kể lưu truyền lại như sau:

Hồi đầu thế kỷ trước, có một tướng cướp hung tàn, gây rất nhiều tội ác lang bạt đến vùng đất này. Ông ta được một người cảm hóa, khuyên hãy ăn năn sám hối. Người xưa có câu: 

Quay đầu là bờ, 
Buông đao thành Phật

Tướng cướp nghe theo, nguyện quy y. Vị hảo tâm kia phát tâm xây một am nhỏ để tướng cướp có nơi tu niệm. Đó là khoảng những năm 1930. Nơi am nhỏ ấy người ta thấy một vị sư có gương mặt rất dữ dằn, nhưng ngày đêm chuyên tâm tu hành, làm điều thiện. Người ta gọi ông là Ông Tám. Ngôi chùa cũng được gọi theo là Chùa Ông Tám.


Có lẽ đó chính là tiền thân của chùa Đại Phước sau này... Câu chuyện không biết có đúng không, nhưng khi dừng bước nơi đây nhớ lại câu chuyện này để nghe lòng bao dung, để chiêm nghiệm lẽ đời... giữa chốn thiền môn thanh tịnh cũng là điều có ý nghĩa.

Phạm Hoài Nhân
Chùa Đại Phước


Tên tự viện: CHÙA ĐẠI PHƯỚC

Địa chỉ: Số 102/1, đường Nguyễn Thành Phương, khu phố 6, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Số điện thoại liên lạc: 093 3215631.

Hệ phái: Bắc tông.

Tông phong: Cổ truyền.

Năm thành lập: 1930.

Khai sơn: Cố Hòa thượng Thích Thiện Trạch.

Trụ trì hiện nay: Thượng tọa Thích Thiện Hiền (ĐT: 093 3215631).

Chùa Đại Phước đã được GHPGVN và Nhà nước công nhận.













Đức Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét