21 tháng 4, 2022

Chùa Bửu Hưng

CHÙA BỬU HƯNG
  • Tên gọi khác: Chùa Phước Nguyên
  • Địa điểm: ấp 1, xã An Phước, huyện Long Thành
  • Người trụ trì: Ni cô Thích nữ Như Tánh
  • Năm trùng tu: 1970, 2000
  • Hệ phái: Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 545464
Chùa Bửu Hưng tọa lạc trong khuôn viên có tổng diện tích 15.000 m² rộng rãi, thoáng mát. Chùa cách Quốc lộ 51 (theo hướng Bà Rịa- Vũng Tàu) khoảng 3000 m về hướng nam, thuộc địa phận xã An Phước, huyện Long Thành.

Chùa Bửu Hưng

Tương truyền, cách nay khoảng 200 năm, có một vị sư đi tìm nơi dựng chùa để tụng kinh niệm Phật, trên đường đi có một viên đá xanh to bằng quả cam cứ lăn theo bước chân vị sư và cuối cùng đã dừng lại ở vị trí chùa hiện nay. Vị sư đưa mắt nhìn cảnh hoang sơ vắng vẻ nơi này lòng thầm khấn: sau một tuần quay lại, nếu viên đá vẫn còn nằm ở vị trí cũ, sẽ lập chùa thờ Phật tại đây.

Giữ đúng lời hứa, sau một tuần quay trở lại, vị sư vẫn thấy viên đá nằm nguyên chỗ cũ, liền quyết định cất một am nhỏ bằng tranh tre, mái lá, vách ván để tịnh tu. Ít lâu sau vị sư qua đời, ngôi am nhỏ đã trải qua nhiều đời bần Tăng về trụ trì, song chẳng vị sư nào ở được lâu. Thời gian sau, Sư cô Như Thái, quê ở Bình Dương về trụ trì chùa Bửu Hưng trong suốt thời gian từ năm 1960 đến 1969. Từ năm 1970 đến nay, Sư cô Như Tánh được bổ nhiệm về trụ trì tại chùa.

Bửu Hưng Cổ Tự từ khi được tạo dựng đến nay đã trải qua nhiều đời truyền thừa của giới Tăng Ni, nhưng mãi tới thời Sư cô Như Tánh về trụ trì (1970) thì chùa mới được trùng tu lần thứ nhất: thay vách ván bằng tường xây gạch lốc, cột kèo gỗ, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch tàu. Chánh điện có kiến trúc dạng nhà "tứ trụ" (trước thờ Phật, sau thờ Tổ). Nhà giảng xây dựng theo kiến trúc nhà 3 gian 2 mái, kèo xiên den trính, cột tròn có đấu kê chân.

Năm 1998, Sư cô Như Tánh cho xây dựng đài Quan Âm lộ thiên (bằng xi măng cốt thép cao 3m tính cả đế) ở bên trái trong khuôn viên của chùa, đến năm 2000, Sư cô tiếp tục cho trùng tu chùa lần 2: mái lợp tôn thiếc, nền lát gạch bông, cửa kéo bằng sắt.

Đến với chùa Bửu Hưng, người ta không chỉ được biết về kiến trúc cổ của một ngôi chùa xưa ở một vùng quê êm đềm, thuần nông Nam bộ, mà còn có dịp thưởng thức những pho tượng cổ được tạc bằng gỗ mít rừng cùng viên đá diệu kỳ gắn liền với sự tích tạo lập chùa được thờ trong gian hậu Tổ và được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên thoáng mát, tĩnh lặng của miệt vườn cây trái sum suê, bốn mùa hương thơm trái ngọt của huyện Long Thành.

Ni Cô Thích Nữ Như Tánh

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét