12 tháng 4, 2022

Chùa Bửu Sơn

CHÙA BỬU SƠN
  • Địa điểm: 163/302 khu phố 5, phường Hòa Bình, Tp.Biên Hòa
  • Năm khai sơn: khoảng thế kỷ XVIII
  • Người trụ trì: Thượng tọa Thích Huệ Phát
  • Năm trùng tu: 1937, 1965 và 1997
  • Hệ phái: Bắc Tông (Dòng Lâm Tế)
  • Điện thoại: 061. 827765
Trong con hẻm lớn 163 đường Cách mạng Tháng Tám, khu phố 5, phường Hòa Bình TP Biên Hòa), đang tồn tại một ngôi chùa làng có kiến trúc chánh điện độc đáo, đặc biệt tại đây còn lưu giữ được pho tượng thần Vishnu bằng đá 4 tay ở tư thế ngồi, trên tay cầm những linh vật, sau lưng tượng là bản minh văn bằng chữ Chăm cổ có xen những từ ngữ Sankrét. Đó chính là Chùa Bửu Sơn, người dân quen gọi là Chùa Một Cột hay Chùa Phật bốn tay.

Chùa Bửu Sơn

Nguyên thủy, Chùa Bửu Sơn là một ngôi chùa làng do nhân dân thôn Bình Thành, xã Bình Phước, tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII bằng vật liệu nhẹ để thờ Phật, trên diện tích đất của vị đốc công tên Đồng tỉnh Biên Hòa hiến cho làng.

Chùa đã trải qua qua 3 lần trùng tu lớn vào các năm 1937,1965,1997.

Nếu tính theo nóc mái, chùa Bửu Sơn có cấu trúc mặt bằng được bố trí có dạng chữ Tam (三) gồm 3 dãy nhà chạy song song theo chiều dọc: chánh điện, giảng đường và hậu Tổ.

Chánh điện được xây dựng theo kiến trúc bát giác, với các bộ vì kèo được tạo dáng vuông vức từ trên nóc tỏa xuống tạo thành 8 ngăn nhỏ. Kết cấu sườn mái kiểu tứ tượng, chỉ duy nhất một cột cái ở chính giữa. Bốn mặt được ngăn tầng phối trí tượng thờ. Tại đây, còn lưu giữ một số tượng thờ bằng gỗ quý, hiếm như bộ Thập điện Minh Vương, Quan Thánh Đế Quân, đức Giám Trai, bộ Tam Thế Phật (Di Đà, Quan Âm, Thế Chí), Thích ca Mâu ni, mà hiện nay rất hiếm thấy trong các chùa có niên đại muộn. Đặc biệt là sự hiện diện của pho tượng Thần Vishnu ngay nơi điện thờ Phật phần nào đã phản ánh sự hội nhập tín ngưỡng dân gian của các tộc người Việt-Chăm. Cùng với bản minh văn phía sau lưng tượng Vishnu là dấu ấn minh chứng cho một giai đoạn lịch sử đã diễn ra trên vùng đất Biên Hòa Đồng Nai xưa, trước khi người Việt vào khai phá đất đàng Trong.

Tượng Thần Vishnu Tại Phật Diện

Khác với chánh điện, nhà giảng có kiến trúc dạng lầu, còn nhà Tổ lại có kiến trúc kiểu nhà ngang 3 gian, tại đây thờ Tổ sư Đạt Ma và 12 bài vị của các Tổ sư trụ trì tại chùa, cùng các di ảnh hương, linh hài cốt của các Phật tử gần xa.

Trong khuôn viên của chùa rải rác dưới bóng cây cổ thụ được bố trí đài Quan Âm, tượng Chuẩn Đề, tháp Xá Lợi, làm tăng thêm vẻ huyền bí của chốn Thiền môn.

Từ khi khai sơn cho đến nay, Bửu Sơn Tự đã được các Tổ sư nối tiếp trụ trì đều thuộc chi phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Nguyên: Thượng Mạc Hạ Am (đời thứ 37); Thượng Chánh Hạ Mai (đời 38); Thượng Huệ Hạ Châu, Thượng Chí Hạ Hội, Thượng Chánh Hạ Luật (đời 39); Thượng Chí Hạ Hóa, Thượng Liễu Hạ Trí (đời 41); Thượng Bửu Hạ Đăng, Thượng Thiên Hạ Huệ (đời 42). Đặc biệt, trong đời trụ trì của Thượng Thiên Hạ Huệ (Thượng tọa Thích Huệ Pháp) thì tiếng chuông chánh pháp vẫn không ngừng vang xa hóa độ chúng sanh, dẫn dắt chứng minh thoát mọi khổ đau trở về với nhân tâm thánh thiện.

Thượng tọa Thích Huệ Pháp, thế danh Phan Huệ, sinh năm 1939 trong một gia đình có truyền thống Phật giáo ở xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Phụ thân là Hòa thượng Thiên Phú Hạ Lương trụ trì tại chùa Phước Thanh. Em trai là Thượng tọa Thích Huệ Trí, trụ trì tại chùa Thiên Long(phường Thống Nhất). Thượng tọa Huệ Pháp xuất gia năm 12 tuổi tại chùa Thanh Lương, đến năm 1963 về tu tập tại chùa Bửu Sơn.

Năm 1971, Thượng tọa Thích Thiện Liễu (đời 41) viên tịch, Thượng tọa Huệ Pháp kế thừa một thời gian thì được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Đồng Nai bổ nhiệm trụ trì chính thức cho tới nay.

Trong quá trình đảm trách công việc trụ trì, Thượng tọa luôn làm tốt công tác giữa đạo và đời, tích cực tham gia phong trào hoạt động từ thiện xã hội ủng hộ đồng bào bị bão lụt, đóng góp xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa... được tặng thưởng nhiều bằng khen và giấy khen của Hội Chữ thập đỏ Tp.Biên Hòa, là Đại biểu Hội đồng nhân dân phường Hòa Bình khóa 2 và 3.

Hiện tại, Thượng tọa là thành viên phụ trách Ban Nghi lễ của Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Chùa Một Cột hơn trăm tuổi ở Biên Hòa

Xây dựng từ thế kỷ 18, chánh điện chùa Bửu Sơn chỉ có một cột chịu lực ở chính giữa. 

Chùa Bửu Sơn (phường Hòa Bình, TP Biên Hòa) ban đầu chỉ dựng bằng vách tre, cột gỗ. Chánh điện chùa diện tích khoảng 100 m², nóc hình bát giác. Theo nhà chùa, bát giác tượng trưng cho tám con đường giải thoát khỏi khổ đau trong giáo lý Nhà Phật. 

Năm 1937 và 1965, chùa được trùng tu lớn. Khi thi công chánh điện, nhà chùa cho dựng các vì kèo từ nóc kết nối vào một cột chịu lực ở chính giữa. Vì vậy, người dân thường gọi là chùa Một Cột.
Khác với chùa Một Cột ở Hà Nội - cột chính ở bên ngoài nâng đỡ kết cấu toàn bộ ngôi chùa - chùa Bửu Sơn có một cột chính ở bên trong, nằm giữa chánh điện với hệ thống tượng Phật bố trí theo hệ phái Bắc tông. 

Giữa cột chánh điện thờ một bức tượng đá trong tư thế ngồi, cao 1,5 m, nặng gần một tấn. Pho tượng này là thần Vishnu do người Chăm tạc vào thế kỷ 15. 
Năm 1861, người Pháp tìm thấy pho tượng này trong hốc cây gần chùa. Thấy vậy, các hương lão đến xin nhà cầm quyền Pháp rước tượng về để thờ trong chùa. Từ khi có tượng, người dân trong vùng cũng quen gọi là chùa Phật Bốn Tay. 

Tầng dưới chánh điện thờ năm vị thập điện, hai vị Phán Quan và Địa Tạng. 

Khuôn viên chùa còn có khu gửi tro cốt của người đã khuất. Nhà chùa cho đặt một tượng Phật để người dân tới dâng hương, chiêm bái. 

Tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt ngồi trên đài sen được thờ trong am nhỏ ở sân chùa. 

Sân chùa có điện nhỏ thờ Bồ Tát Quan âm, đối diện là bảo tháp cao 3 m để lưu trữ tro cốt các vị trụ trì chùa. 

Trên nóc chùa tạc tượng voi bên cạnh bốn con hạc. Theo triết lý nhà Phật, voi là một biểu tượng của sức mạnh tâm thức, canh gác các ngôi đền và bảo vệ Đức Phật. 

Trải qua nhiều đợt trùng tu, chùa Bửu Sơn có kiến trúc như hiện tại, với diện tích gần 1.000  m², nằm giữa khu dân cư TP Biên Hòa. 

Quỳnh Trần
Chùa Một Cột ở Biên Hòa

Chùa Một Cột ở Biên Hòa

Đó là chùa Bửu Sơn. Ngôi chùa này nằm ở gần khu vực chợ Biên Hòa, trong một con hẻm lớn số 487 đường Cách mạng Tháng Tám, phường Hòa Bình. Bạn sẽ dễ dàng thấy chùa Bửu Sơn nếu bạn... đi ăn lẩu tôm Năm Ri, bởi vì ngôi chùa nằm đối diện lối vào quán lẩu tôm.


Đã quen với hình ảnh ngôi chùa Một Cột nổi tiếng ở Hà Nội, bạn sẽ thấy ngỡ ngàng khi nhìn thấy ngôi chùa này và tự hỏi: Sao gọi là chùa Một Cột?


Thì đây, chùa một cột là như vầy nè:

Chánh điện của chùa có kiến trúc rất đặc biệt với các bộ vì kèo được tạo dáng vuông vức từ trên nóc của một cột chính toả xuống tạo thành 8 ngăn nhỏ dạng bát quái.


Hệ thống tượng thờ trong chánh điện chùa bố trí theo hệ phái Bắc tông. Tầng trên cùng thờ Di Đà, Quan Âm Thế Chí và Thích Ca. Tầng giữa thờ Di Lặc, Ngọc Hoàng và hai vị Phán quan. Tầng dưới thờ năm vị thập điện, hai vị Phán quan và Địa tạng.




Như vậy, khác với chùa Một Cột Hà Nội là một cột chính ở bên ngoài nâng đỡ kết cấu toàn bộ ngôi chùa, chùa Một Cột Biên Hòa là một cột chính ở bên trong và giữa chánh điện để bài trí các tượng thờ. Và khác với đa số các ngôi chùa khác, bàn thờ chánh có một hoặc hai mặt, nơi đây có bốn mặt để bài trí các tượng thờ.

Chùa Phật Bốn Tay

Cũng cần nói thêm, ngoài tên chùa Một Cột, chùa Bửu Sơn còn một tên gọi đặc biệt nữa là chùa Phật Bốn Tay.

Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì ở chùa có một bức tượng thờ một vị thần trong tư thế ngồi, có bốn tay cầm bốn linh vật, phía sau có lá đề khắc những dòng chữ Phạn (hiện bố trí ở mặt sau trong 4 mặt của bệ thờ nơi chánh điện). Người dân gọi là Phật bốn tay.




Những bậc cao niên cho biết ngày xưa người dân địa phương đi đốn cây thì phát hiện bức tượng này và rước vô chùa để thờ. (Có nghĩa là có chùa rồi mới ngẫu nhiên tìm ra tượng mà rước vô).

Kỳ thật, đây... không phải tượng Phật!

Căn cứ vào hình dáng tượng và minh văn tiếng Phạn phía sau tượng, các nhà nghiên cứu xác định rằng: Đây là tượng thần Vishnu của đạo Hindu. Minh văn này cho biết tượng được tạo dựng bởi hoàng tử Chămpa là Nauk Klaun Vijaya nhờ vào chiến lợi phẩm mà ông chiếm được từ người Chân Lạp. Việc dựng tượng khắc bia này nhằm tôn vinh vị thần Bảo hộ - thần Vishnu và khẳng định vương quyền của mình trên vùng đất mới chiếm được.

Không cần biết tượng thần Vishnu hay ai, đạo Hindu hay đạo Phật, người dân cứ xem đây là Phật (bốn tay), vẫn nhang khói phụng thờ và không cho ai mang ra khỏi chùa. Vì vậy, Bảo tàng Đồng Nai phải phục chế một phiên bản bức tượng để trưng bày tại Bảo tàng (đặt tại phòng Đồng Nai những thế kỷ đầu Công nguyên).

Tượng Phật bốn tay chùa Bửu Sơn. Phiên bản phục chế, trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai

Về niên đại, chùa Bửu Sơn không phải là ngôi chùa cổ lắm. Chùa được xây dựng khoảng thế kỷ 18 bằng vật liệu nhẹ, nhưng kiến trúc như ngày nay có được từ những lần trùng tu lớn năm 1937, 1965 và gần đây nhất là 1997. Tuy vậy, đến đây để chiêm ngưỡng kiến trúc một cột độc đáo và pho tượng Phật mà không phải Phật cũng rất thú vị.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét