12 tháng 4, 2022

Long Ẩn cổ tự

LONG ẨN CỔ TỰ
  • Địa điểm: tổ 18, khu phố 3, phường Bửu Long, Tp.Biên Hòa
  • Năm khai sơn: thế kỷ XVII
  • Giám tự hiện nay: thầy Thích Thiện Quang
  • Năm trùng tu: 1960
  • Hệ phái: Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 952860
Long Ẩn Cổ Tự nằm bên tả ngạn sông Đồng Nai thuộc khu phố 3, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. Chùa cách trung tâm thành phố Biên Hòa 4km về hướng nam.

Theo tài liệu Iưu tại văn phòng Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai cùng các kỳ lão trong làng thì chùa Long Ẩn được xây dựng vào năm 1613 do vị Thiền sư Thượng Phước Hạ Hỷ phái Tào Động Chánh Tông khai sáng.

Ban Tế Tự Chùa Long Ẩn

Ban đầu chỉ là ngôi chùa nhỏ được dựng lên cầu cho quốc thái dân an, tọa lạc tại chân núi Bửu Long thuộc làng Tân Lại, huyện Phước Chánh. Qua thời gian, chùa xuống cấp, nhân dân trong làng chung sức dựng lại ngôi chùa mới để dìu dắt những người có tâm tu học được phúc liễu thân tâm, trao dồi đạo hạnh nhằm duy trì nền đạo pháp được vĩnh cửu diễn trường.

Sau này, hai dòng tộc Huỳnh và Phạm (gốc tại xã Tân Thành) phát tâm hỷ cúng khoảng 5.000 m đất tại ấp Tân Lại, nay là phường Bửu Long. Địa thế khu đất đẹp, phong thủy thuận, các kỳ lão thống nhất dời ngôi chùa về vị trí mới. Chùa nằm cạnh sông Đồng Nai được xem như đầu con rồng lửa vươn mình chầu về núi Bửu Long. Năm Nhâm Thìn (1952) chùa bị đại hồng thủy xâm hại, cảnh chùa tan hoang. Đến ngày 13-6-1960 (19 tháng 2 năm Canh Tý) giáo thọ trụ trì Thích Thiện Hảo đứng ra kêu gọi bá tánh cùng bổn đạo Phật tử trùng tu lại ngôi Tam bảo trên nền chùa cũ. Chùa Long Ẩn quay mặt về hướng nam nhìn ra sông Đồng Nai thấp thoáng dưới bóng cây cổ thụ, được bố trí dạng chữ Tam (三).

Chánh điện diện tích 224 m² (16mx14m) là dạng nhà bánh ít (kiểu kiến trúc thường gặp ở các đình, chùa Nam bộ), cột kèo xi măng, tường xây bao bọc. Mái chùa được lợp ngói vảy cá, trên đỉnh nóc trang trí "Lưỡng long tranh châu" bằng gốm. Các đầu đao trang trí các hình tượng sứ chầu về bốn phương Phật. Long Ấn Cổ Tự có điểm khác biệt các ngôi chùa khác là mặt tiền chùa chỉ thiết kế hai cửa tả hữu để vào ngôi Tam bảo, khoảng giữa được xây bịt lại bên trong là bàn thờ Tiêu Diện - Hộ Pháp. Ngôi Tam bảo được xây cao, phân cấp: trên cùng là tượng Phật Di Đà, tầng trung thờ Phật Thích Ca, tầng giữa là chín tượng Minh Vương, tầng dưới cùng là tượng Thích Ca, Quan Âm, Thế Chí và Ngũ sám bài bằng gỗ. Hành lang trước, sau, đông, tây nối chánh điện và nhà giảng, nhà Tổ được tạo dựng thông thoáng.

Phật Điện

Nhà giảng là nhà ngang hai mái, cột gạch kèo gỗ, tường xây, nền xi măng, ngói vảy cá; gồm ba gian với diện tích 77 m² (5,5m x 14m). Nhà Tổ diện tích 140 m² (10m x 14m) các hạng mục cột, kèo, xiên, trính được đúc bằng bê tông vững chắc. Nhà Tổ được bài trí một bàn thờ 7 bài vị bằng gỗ của các đời trụ trì cùng tượng Giám Trai.

Hiện nay Long Ẩn Cổ Tự còn lưu giữ được một số tượng gỗ mít, đại hồng chung đúc tháng 7 năm Mậu Ngọ, trống và hệ thống hoành phi, liễn đối có giá trị về mặt lịch sử cũng như về nghệ thuật chạm khắc của nghệ nhân dân gian xưa. Hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 4 âm lịch, dân làng tề tựu về chùa làm lễ giỗ Tổ, tưởng nhớ người có công khai sơn tạo tự. Bằng khả năng của mình Ban Tế tự cùng quý thầy của Đạo Tràng Long Ẩn, quý Phật tử và nhân dân vẫn không ngừng phụng sự chánh pháp, cùng nhau xây dựng và gìn giữ Long Ẩn Cổ Tự làm nơi chiêm bái cho Phật tử gần xa.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Long Ẩn cổ tự

Long Ẩn cổ tự là ngôi chùa cổ ở Biên Hòa.

Thông tin rất ngắn gọn, rõ ràng. Thế nhưng...
  • Đi tìm khắp núi Long Ẩn (Bửu Long), cả ở trên núi và dưới chân núi, có chùa rất nhiều nhưng không ngôi nào mang tên Long Ẩn cả. Chùa Long Ẩn không ở núi Long Ẩn, vậy ở đâu?
  • Long Ẩn cổ tự là ngôi chùa cổ. Sao các tài liệu nói về di tích cổ ở Biên Hòa hầu như không nhắc tới?
À, chùa đây rồi:


nhưng không phải ở trên núi hay chân núi Long Ẩn, mà ở cách đó không xa lắm. Long Ẩn cổ tự ở bên kia đường, cách núi Long Ẩn khoảng 1 km, day mặt nhìn ra sông Đồng Nai. Địa chỉ là tổ 18, khu phố 3, phường Bửu Long, nằm cạnh bên trụ sở (rất to) của Đoàn Cải lương Đồng Nai.

Thuở xưa, chùa Long Ẩn dựa lưng vào núi Long Ẩn, mặt quay về sông Đồng Nai ở hướng Nam. Quanh núi Long Ẩn ngày xưa là rừng rậm, có nhiều tre nứa và nhiều thú dữ, có cả cọp, beo, voi..., phía dưới sông Đồng Nai có nhiều rùa, rắn ...

Trước chùa Long Ẩn, phía chân núi ngày xưa là lối đi của voi, các đàn voi từ trong rừng sâu ra sông Đồng Nai uống nước và tắm, nên tục gọi là truông Voi. Vì vậy, xưa có bài thơ (hiện chưa biết tác giả là ai):

Trên chùa Long Ẩn dưới truông Voi,
Nước biếc xem coi rất mặn mòi.
Sóng bủa ghềnh nghê hình quái cổ,
Nước xao hàng rắn tiếng reo còi.


Tượng Phật Bà Quan Âm phía trước chùa, nhìn ra sông Đồng Nai

Sau này (không rõ thời điểm), hai dòng tộc Huỳnh và Phạm phát tâm cúng hỉ 5.000 m²
 đất tại ấp Tân Lại (phường Bửu Long bây giờ), chùa được dời về vị trí mới (địa điểm hiện tại). Đến 1952, trận lụt năm Thìn làm cảnh chùa tan hoang. Ngày 13/6/1960, giáo thọ trụ trì là Thích Thiện Hảo đứng ra kêu gọi bá tánh cùng bổn đạo Phật tử dựng lại ngôi chùa trên nền cũ. Như vậy, ngôi chùa như kết cấu hiện nay được xây từ 1960 chứ không phải kết cấu chùa cổ (đã bị phá hủy hoàn toàn). Có lẽ đây là lý do chính khiến cho chùa không được xếp vào di tích cổ.

Ở mặt tiền chùa, ta thấy có 3 niên đại: 1613 là năm khai sơn, 1960 là năm xây dựng lại và 2008 là năm trùng tu. Với năm khai sơn là 1613, ngôi chùa này ra đời đã trên 400 năm, nên gọi là cổ tự. Thế nhưng có đúng là chùa được khai sơn năm 1613 hay không?

Theo hòa thượng Thích Thanh Từ trong sách Thiền sư Việt Nam thì không phải! 

Vị thiền sư khai sơn chùa Long Ẩn là thiền sư Pháp Thông Thiện Hỉ, ông thuộc phái thiền Tào Động, thế hệ thứ 36. Khi ông viên tịch, đồ chúng lập bảo tháp ở trước sân chùa, hiện nay bảo tháp được di dời và xây dựng lại ở địa điểm mới. Ở bảo tháp này có ghi rằng thiền sư khai sơn chùa vào năm Quý Mùi. Năm 1960, sư trụ trì là Thích Thiện Hảo xác định rằng năm Quý Mùi là 1613 và khắc lên chùa niên đại khai sơn ấy.

Bảo tháp Thiền sư Pháp Thông, được xây dựng lại năm 2001

Điều vô lý là: thiền sư Pháp Thông thuộc phái Tào Động thế hệ 36 (không rõ năm sinh, năm mất), nhưng vị thiền sư Tào Động thế hệ 29 là hòa thượng Thạch Liêm là vị gần nhất được biết rõ năm sinh, năm mất thì sinh năm 1633, tịch năm 1704. Vậy thiền sư Pháp Thông sau ông tới 7 thế hệ không thể nào khai sơn chùa Long Ẩn năm 1613 được. Vì vậy, theo hòa thượng Thích Thanh Từ, sớm nhất là chùa Long Ẩn được khai sơn vào năm Quý Mùi kế đó, tức là 1673, hoặc thậm chí là năm 1733 (mỗi Quý Mùi cách nhau 60 năm).

Chúng ta là kẻ hậu sinh, không dám lạm bàn về việc này, chỉ ghi lại lời của các bậc tiền bối để tham khảo mà thôi. Ngày nay, đến viếng chùa, vẫn thấy nét cổ kính trang nghiêm của một ngôi cổ tự, và ngôi chùa nhìn ra dòng sông Đồng Nai yên ả khiến khách viếng thăm thấy thanh thản trong lòng.

Nhìn tòa nhà của Đoàn Cải lương Đồng Nai đồ sộ ở bên cạnh, ta thấy chùa hơi nhỏ bé!

(Bạn muốn biết thêm về Long Ẩn cổ tự, xin xem bài Long Ẩn cổ tự)

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét