25 tháng 4, 2022

Chùa Chơn Như

TỊNH THẤT CHƠN NHƯ
  • Tên gọi khác: Chơn Như Thiền Tự, Thiền Đường Chơn Như
  • Địa điểm: ngã ba Thanh Tùng, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán
  • Năm xây dựng: 1978
  • Người khởi công xây dựng và trụ trì hiện nay: Sư cô Thích nữ Diệu Thanh
  • Năm trùng tu: 1991
  • Hệ phái : Phật giáo Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 852268
Theo Quốc lộ 20 (đoạn từ cầu La Ngà tới núi Ba Chồng-Định Quán) đến ngã ba Thanh Tùng (cây số 112) rẽ phải theo con đường đất rộng vào khoảng hơn 400m, ta gặp cổng chùa kiểu tam quan bằng đá xanh rất qui mô, bề thế, bên trong tường rào sum suê cây trái, điểm nhãn một ngôi chùa kiểu cổ Tây Tạng. Đó chính là toàn cảnh của Chùa Chơn Như (hay Chơn Như Thiền Tự).

Chùa Chơn Như

Năm 1978, Sư cô Thích nữ Diệu Thanh đã mua lại khu đất rộng 9.960 m² của bà Hai Giò và cất một ngôi chùa nhỏ để tịnh tu. Ban đầu ngôi chùa được xây dựng theo lối kiến trúc "tứ trụ", cột bằng gỗ, vách ván, mái lợp ngói.

Năm 1991, được sự trợ duyên của một số Phật tử ở Tp.Hồ Chí Minh và bá tánh thập phương cúng dường, Sư cô Diệu Thanh đã cho trùng tu lại ngôi chùa có kiến trúc kiểu chữ Nhất (-) gồm: chánh điện và nhà giảng nối theo chiều ngang. Diện tích xây dựng chùa khoảng 300 m² gồm: chánh điện, nhà khách (nhà giảng), nhà Ni và nhà trù. Chùa được xây bằng tường gạch, cột bê tông cốt thép, chánh điện hai mái kiểu chồng diêm lợp tole giả ngói.

Mặt tiền chùa rộng với năm gian cửa vòm kiểu chùa cổ Ấn Độ. Bên trên có đắp nổi cặp phụng được cẩn sành sặc sỡ và phù điêu hoa cúc chầu ba chữ Hán "Tự, Kiến, Phật" ở giữa. Hai bên cửa chính trang trí hai cành mai đắp nổi màu sắc rực rỡ.

Chánh điện kiến trúc "tứ trụ" với hai long trụ và hai cột đắp nổi phụng cẩn sành sứ nhiều màu óng ánh trông rất uy nghi. Điện thờ trang nghiêm thờ Phật Thích ca Mâu ni, Phật A Di Đà, Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát. Nhìn chung tượng thờ của chùa tương đối nhỏ, chất liệu bằng xi măng. Phía sau điện thờ có bức phù điêu đắp nổi cây bồ đề nơi đức Thích ca Mâu ni đắc đạo làm cho không gian thờ tự vừa mỹ thuật vừa tôn nghiêm. Hai bên cửa ra vào thờ Phật Dược sư và Phật Di Lặc. Sân chùa có đài Phật Di Lặc và Quan Thế Âm Bồ tát khá lớn.

Sư Cô Thích nữ Diệu Thanh (người mặc áo nâu)

Lễ cúng của Chơn Như Thiền Tự theo truyền thống của Phật Giáo.

Sư cô Thích nữ Diệu Thanh, thế danh Nguyễn Thị Lệ Hạnh, sinh năm 1948, quê Hà Nội, sinh trưởng ở Campuchia, pháp hiệu Như Thanh, tu hành đạo pháp ở chùa Chơn Như (hay Chơn Như Thiền Tự) theo lối Thiền - Tịnh song tu. Không gian chùa quả rất hợp cho chốn Thiền môn với quang cảnh thanh tịnh, bình yên thích hợp cho những hành giả tu tập, thiền định. Thấm nhuần lời dạy của đức Phật cứu khổ, cứu nạn, cứu vớt chúng sinh nên ngoài việc tu học là chính, Sư cô còn mở lớp học tình thương cho các trẻ em nghèo thất học (từ năm 1979 đến 1991 và 2002). Đặc biệt, chùa Chơn Như còn là mái ấm gia đình cho các trẻ em bại não, bị khuyết tật, thần kinh được Sư cô Diệu Thanh nuôi dưỡng trong chùa (những em khoẻ mạnh hoặc bớt bệnh sẽ được gia đình đón về).

Sư cô Thích nữ Diệu Thanh ngoài việc trụ trì ngôi Tam bảo, nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật và tăng gia sản xuất còn tích cực tham gia các công tác từ thiện xã hội như ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, các phong trào cứu trợ nhân đạo... ở trong và ngoài tỉnh. Hiện nay Sư cô Diệu Thanh là Phó Ban Từ thiện huyện Định Quán, Phó Ban Đại diện Phật giáo thị trấn Định Quán (nhiệm kỳ I) và Trưởng Ban Đại diện Phật giáo thị trấn Định Quán (nhiệm kỳ II).

Chùa Chơn Như không những đẹp về cảnh trí mà còn đẹp ở thực hành đạo pháp, thực hiện Từ Bi theo gương đức Phật với những hoạt động thiết thực mà Sư cô trụ trì đã làm cho xã hội hôm nay.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét