25 tháng 4, 2022

Chùa Hội Phước

CHÙA HỘI PHƯỚC
  • Tên gọi cũ: Chùa Ông Lớn, chùa Tân Xuân
  • Địa điểm: ấp Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu
  • Năm xây dựng: không rõ năm
  • Người trụ trì: Thượng toạ Thích Thiện Hiện
  • Năm trùng tu: 1945, 1990
  • Hệ phái : Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 865378
Các vị bô lão kể lại rằng: Chùa Hội Phước có từ rất lâu đời, nguyên thuỷ cột cây, mái âm dương tường xây đá ong, ô dước. Dân làng Tân Xuân còn truyền tụng sự tích về Ông Lớn: Vào một đêm đẹp trời, có một vị thần hiện ra bảo rằng: trước chùa có ông Voi ngự tại đấy, hãy rước ông đem về chùa thờ phụng, ông sẽ ban phước huệ cho dân làng. Theo điềm báo, nhân dân thỉnh ông Voi vào thờ tại chùa. Thời gian, ông Voi lớn dần, ngà mọc dài, trắng nõn nà đồng nghĩa với việc dân làng làm ăn sung túc, thịnh vượng. Chùa rất linh thiêng nên nhân dân thường gọi là chùa Ông Lớn.

Chùa Hội Phước

Thời Pháp thuộc, địch đốt chùa, thu gom các tự khí bằng đồng đem đúc súng đạn, cảnh chùa tan hoang. Năm 1945, chùa được xây dựng lại để thỏa tín ngưỡng toàn dân. Trải qua thời gian cùng những yếu tố tự nhiên, xã hội: chiến tranh liên miên, lũ lụt năm 1952... chùa xuống cấp trầm trọng. Năm 1990, chùa Hội Phước trải qua đợt đại trùng tu - xây mới hoàn toàn trên nền cũ nhưng mở rộng về quy mô kiến trúc. Bao gồm các hạng mục: chánh điện, nhà giảng và hậu Tổ được bố trí dạng chữ Tam (三) hài hòa, tạo nên chỉnh thể khép kín.

Chánh điện là dạng nhà hai mái, chính giữa là 4 trụ cột bằng bê tông. Ngôi Tam bảo được bày trí tượng Thích ca Mâu ni, Quan Âm, Địa Tạng. Đặc biệt hệ thống tượng gỗ tại chùa rất có giá trị, đó là: tượng Di Đà, Quan Âm, Thế Chí cao 1,5m được sơn son thếp vàng uy nghi. Bài vị bằng gỗ nội dung: "Đương kim Hoàng đế Thanh thọ vạn tuế vạn vạn tuế”, chuông cổ đúc năm Mậu Thìn (1892) tất cả vững chãi cùng thời gian.

Thượng tọa Thích Thiện Hiện

Sau chánh điện là nhà giảng, đây là nơi thuyết pháp cho Phật tử xa gần, nơi giảng giải kinh kệ cho các môn đệ và là Văn phòng Ban đại diện Phật giáo huyện Vĩnh Cửu. Tiếp theo là nhà Tổ, thờ Tổ sư Đạt Ma, không gian thờ tự trang nghiêm, thông thoáng như chính cuộc đời thuyết pháp truyền đạo của Tổ sư.

Chùa Hội Phước quay về hướng tây bắc, được bao bọc bởi khu dân cư bao đời quần tụ. Đến chùa Hội Phước chúng ta có thể xuôi thuyền trên sông Đồng Nai hoặc theo đường bộ đều thuận tiện dễ dàng. Về đây ta sẽ đắm mình trong không gian thuần khiết của chốn Thiền môn, hòa lẫn cùng hương bưởi ngọt ngào của xứ bưởi Tân Triều. Hội Phước là sự tập hợp tất cả những điều phước lành thánh thiện hào phóng ban phát cho mọi người. Đến đây ngoài những thắng cảnh hòa quyện cùng các mảng kiến trúc hiện tồn, chúng ta còn hiểu thêm những công tác Phật sự, công tác từ thiện xã hội của chùa. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng bằng khen năm 2001, bằng tán dương công đức của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, giấy khen của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai và huyện Vĩnh Cửu.

Công tác từ thiện - xã hội

Thuở khai sơn chùa do dân làng quản lý. Từ năm 1968 đến nay, chùa do Thượng tọa Thích Thiện Hiện trụ trì. Thượng tọa sinh năm 1930 trong một gia đình cách mạng, cha là liệt sĩ, bản thân từng tham gia nuôi giấu cán bộ tại chùa. Năm 1976, ông là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc huyện Vĩnh Cửu và là Ủy viên Hội đồng nhân dân huyện Vĩnh Cửu khóa 1, 2, 3. Năm 1992, ông nhận Giáo chỉ tấn phong từ Đại đức lên Thượng tọa. Thượng tọa được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhất của Hội đồng Bộ trưởng (năm 1988), giấy khen của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai (năm 1997). Hàng năm, ông đều nhận Tán dương công đức của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai. Hiện nay, ông là Chánh đại diện Phật giáo huyện Vĩnh Cửu.

Chùa Hội Phước là địa chỉ tham quan, chiêm bái Phật lý tưởng. Hàng ngày chùa đón tiếp rất nhiều lượt khách gần xa tới vãn cảnh.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét