28 tháng 8, 2022

Chùa Bà Thiên Hậu

Vãn cảnh chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu có vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Hoa trong quá trình định cư ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Chùa thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu thu hút đông đảo đồng bào Hoa - Việt và du khách quốc tế đến thăm viếng và vãn cảnh.

Từ cuối thế kỷ XVII, khi rời Trung Quốc sang Việt Nam lập nghiệp ở Đề Ngạn (sau này gọi là Chợ Lớn), người Hoa đã biến khu vực này thành nơi tập trung sinh sống của họ cho đến ngày nay. Vào năm 1760, chùa Bà Thiên Hậu được xây dựng với kiến trúc đặc trưng của người Hoa. Từ đó đến nay, ngôi chùa đã trùng tu nhiều lần nhưng vẫn còn giữ được phong cách vốn có góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa. Trong đó, vật liệu để xây chùa lúc bấy giờ gồm gạch, ngói, đồ gốm... đều được đem từ vùng Nam Trung Quốc sang.

Chùa Bà Thiên Hậu là ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất và có vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn.


Những cuộn hương vòng mang đặc sắc văn hóa tín gưỡng của người Hoa. 

Nóc chùa được trang trí hoa văn hình hoa lá, hình nhân bằng gốm sứ do hai lò Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm Mậu Dần (1908).

Chùa xây toàn bằng vật liệu bên Tàu đem qua, từ viên gạch, tấm ngói, đến những đồ gốm gắn trên mái nóc... 

Trang trí bằng gốm sứ “lưỡng long tranh châu”, có hình ảnh tiên đồng, tiên nữ với hàng chữ “hòa hợp nhị tiên”. 

Chùa Bà Thiên Hậu có lối kiến trúc tam quan tạo sự thông thoáng để mọi người dễ dàng di chuyển trong những ngày đông người đến viếng. 

Người dân đến chiêm bái tại chùa Bà Thiên Hậu. 

Du khách quốc tế đến thăm viếng và vãn cảnh chùa. 

Theo truyền thuyết, Bà Thiên Hậu có tên thật là Mi Châu, sinh năm Giáp Thân (1044), sống ở Phước Kiến, Trung Quốc, đời vua Tống Nhân Tông. Một hôm, cha Bà là Lâm Tích Khánh cùng hai anh trai đi thuyền chở muối đến Giang Tây, giữa đường gặp bão lớn. Lúc đó, Bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ nhưng xuất thần để đi cứu cha và hai anh. Dù cố gắng, nhưng Bà chỉ cứu được hai anh, còn cha bị sóng cuốn. Từ đó, mỗi khi thuyền bè ngoài biển bị nạn người ta đều gọi vái đến Bà. Năm Canh Dần (1110) nhà Tống sắc phong cho Bà là “Thiên Hậu Thánh Mẫu”.
Chùa Bà Thiên Hậu được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1993. Bên cạnh giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hiện vật cổ, chùa không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng mà còn là nơi quy tụ và tương trợ lẫn nhau của bà con người Việt gốc Hoa. Hàng ngày, chùa Bà Thiên Hậu vẫn đón tiếp khá đông người dân và du khách đến chiêm bái. Riêng ngày 28 tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch), Chùa tiến hành lễ cúng Bà và Lễ khai ấn, cầu mong Bà phù trợ cho “Hộ quốc an dân” và “Hợp cảnh bình an”. Còn ngày vía Bà (23 tháng 3 Âm lịch) được xem là ngày hội chính của Chùa…

Chùa Bà Thiên Hậu có lối kiến trúc tam quan cách điệu với cửa vào ở chính giữa và hai hành lang, tạo sự thông thoáng để mọi người dễ dàng di chuyển trong những ngày đông người đến viếng. Đây là tổ hợp 4 ngôi nhà liên kết nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ “khẩu” hoặc chữ “quốc”. Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và chính điện. Giữa các dãy nhà này có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời), giúp không gian chùa thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có chỗ thoát khói hương.

Ngay ở tiền điện có hai trang thờ hai bên: Phúc Đức Chánh thần (phải) và Môn Quan Vương Tả (trái) với bia đá ghi truyền thuyết về Thiên Hậu Thánh Mẫu và các bức tranh lớn vẽ cảnh Bà đang hiển linh trên sóng nước. Trung tâm của ngôi chùa là chính điện có gian chính đặt thờ tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu. Tượng Bà được tạc từ một gỗ nguyên khối cao 1m, có từ trước khi xây chùa, vốn được thờ ở Biên Hòa và đến năm 1836 mới di chuyển về đây. Còn gian phụ nằm hai bên chính điện thờ Quan Thánh, Địa Tạng và Thần Tài.

Một nét đặc sắc của chùa Bà Thiên Hậu là các phù điêu bằng gốm được trang trí dày đặc từ trên nóc chùa, mái, hiên cho đến các bàn thờ, vách tường... Riêng nóc chùa được trang trí hoa văn hình hoa lá, hình nhân bằng gốm sứ do hai lò Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm Mậu Dần (1908), có cảnh “đả võ đài”, “bái tổ vinh quy”, môtíp “lưỡng long tranh châu”, có hình ảnh tiên đồng, tiên nữ với hàng chữ “hòa hợp nhị tiên”... Trong sân chùa có hai con lân đá được chạm từ một khối đá nguyên. Nhà sử học Vương Hồng Sển từng khen ngợi: “Chùa ngày nay như ta thấy, toàn xây bằng vật liệu bên Tàu đem qua, từ viên gạch, tấm ngói, đến những đồ gốm gắn trên mái nóc đều do thuyền buồm chở sang đây, đến cách thức phong tô cũng giữ y thể thức Tàu... Thiệt là rất khéo”.

Bia đá ghi truyền thuyết về Thiên Hậu Thánh Mẫu. 

Tượng cổ Môn Quan Vương Tả. 

Tượng cổ Phúc Đức Chánh thần. 

Hai chuông cổ. 


Những câu đối và tranh nổi được chế tác rất công phu, tỉ mỉ với những đường nét tinh tế. 

Trong chùa Bà Thiên Hậu hiện còn khoảng 400 hiện vật cổ, trong đó có 7 pho tượng thần, 6 tượng đá, 9 bia đá, 2 chuông nhỏ, 10 bức hoành phi, 23 câu đối và 41 tranh nổi... Tất cả những cổ vật này đều được chế tác rất công phu, tỉ mỉ với những đường nét tinh tế. Ngoài ra, Chùa còn có các pháp khí như: Đỉnh trầm, lư trầm, lư hương bằng đá sa thạch... do người Hoa thành kính Bà dâng cúng.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét