12 tháng 8, 2022

Chùa Bảo Sơn (chùa Bà Đanh)

Vắng tanh như chùa Bà Đanh

 1. Hồi xưa ấy, lúc đầu tui đọc được thông tin là chùa Bà Đanh ở Hà Nội. Số 199 đường Thụy Khuê, gần Hồ Tây. Thế rồi có dịp cùng bạn bè ngồi chơi bên bờ Hồ Tây, tui tranh thủ thả bộ qua phố Thụy Khuê để coi vắng như chùa Bà Đanh là sao.

Trái với hình dung của tui, chùa Bà Đanh đâu có vắng. Nói cho chính xác là không vắng mà cũng không đông (thử nghĩ coi, ở ngay trung tâm quận Tây Hồ mà vắng gì nổi!), không có gì nổi bật và cũng hơi khó tìm vì nằm sâu trong hẻm. Tên chùa cũng không phải Bà Đanh, mà là Châu Lâm - hoặc Phúc Châu.

Lối vào chùa Châu Lâm. Ảnh: ZingNews

Chùa Châu Lâm. Ảnh: ZingNews

Thông tin về ngôi chùa như sau: Chùa được xây dựng năm 1497, thời vua Lê Thánh Tôn. Tương truyền, sau khi nhà vua đi dẹp quân Chiêm Thành, có đưa về rất nhiều tù binh. Khi ấy, vua cho xây dựng viện tu dưỡng Châu Lâm để phục vụ cho quá trình cải tạo của các tù nhân và một ngôi chùa cùng tên để các tù nhân có thể thờ tự cho tâm thực sự thanh tịnh. Năm 1907, phần do xuống cấp, phần vì địa phận của chùa được lấy để xây dựng trường Chu Văn An nên chùa được dời về chùa Phúc Lâm ở Thụy Khuê. Từ đó, tên chùa được lấy chữ “Phúc” trong “Phúc Lâm” và chữ “Châu” trong “Châu Lâm” ghép thành “Phúc Châu”, đây chính là tên thật của ngôi chùa ở vị trí hiện tại.

Về tên chùa Bà Đanh thì được giải thích gọi theo tên của một người phụ nữ có công xây dựng chùa. Tuy nhiên rất ít người - kể cả cư dân ở đây - biết tên chùa Bà Đanh, họ chỉ biết nhiều nhất là tên chùa Châu Lâm và Phúc Lâm.

Hầu như không có cơ sở nào để khẳng định rằng câu thành ngữ Vắng như chùa Bà Đanh phát xuất từ ngôi chùa này cả!

2. Ít lâu sau, tui được biết chính xác chùa Bà Đanh trong câu thành ngữ Vắng như chùa Bà Đanh là Bảo Sơn tự, ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Còn hơn vậy nữa, tui có dịp ra Hà Nam và được bạn là Mẹ Bụ dẫn đi tham quan các danh lam thắng cảnh nơi đây. Thế nhưng...

Chuyến đi ấy diễn ra khi tui mới bị nhồi máu cơ tim và phẫu thuật vài tháng, bác sĩ cấm tuyệt đối mọi di chuyển nặng nhọc, chỉ được đi những nơi bằng phẳng mà thôi. Mà đường lên chùa Bà Đanh thì... không có bằng phẳng. Mẹ Bụ sợ lãnh trách nhiệm nếu chẳng may tui có mệnh hệ nào nên không cho đi. Tui chỉ được hình dung vị trí chùa Bà Đanh, khi xe đi ngang Kim Bảng và bạn chỉ: Chùa Bà Đanh ở đấy đấy!

Tui đành tìm đọc và ghi lại kết quả ở đây vậy:

Khung cảnh chùa Bà Đanh bên bờ sông Đuống. Ảnh: dantri.com

Chùa Bà Đanh có diện tích khoảng 10 ha, được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc nói chung, bởi ngôi chùa có vị trí là nơi sơn thủy hữu tình. Khuôn viên chùa là một tổng thể bao gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ. Chùa thờ Phật và Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Phong là Thần mây, Thần mưa, Thần sấm, Thần sét).

Về tên gọi chùa Bà Đanh thì theo truyền thuyết của địa phương, chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh. Câu thành ngữ “Vắng tanh như chùa Bà Đanh" được lý giải như sau: do chùa Bà Đanh nằm ở vị trí u tịch, xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn, lối đi độc đạo, lại có nhiều thú dữ nên không ai dám vào. Cách duy nhất an toàn là chèo thuyền qua sông Đáy nhưng vì bất tiện nên người hành hương thưa thớt.

Chùa Bà Đanh. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Kim Bảng

Điều mâu thuẫn là do ngôi chùa là một di tích lịch sử, có phong cảnh rất đẹp, lại nổi tiếng bởi câu thành ngữ Vắng như chùa Bà Đanh cho nên rất nhiều người háo hức muốn đến viếng chùa (trong đó có tui). Cho nên chùa Bà Đanh rất đông khách thập phương đến viếng, và bây giờ người ta phải nói là Đông như chùa Bà Đanh.

Sau này tui biết còn một ngôi chùa mang tên Bà Đanh nữa, là chùa Bà Đanh ở Hải Phòng. Nhưng đó chẳng qua là trùng tên thôi chớ không phải gắn liền với câu Vắng như chùa Bà Đanh như ngôi chùa ở Hà Nam.

3. Vậy là tui vừa kể cho các bạn nghe về những nơi Vắng như chùa Bà Đanh nhưng không vắng gì hết. Sở dĩ bây giờ tui kể các bạn nghe chuyện này là vì bây giờ các bạn muốn thấy cảnh tượng vắng tanh như chùa Bà Đanh thì không cần phải đi dâu xa, Hà Nam, Hà Nội hay Hải Phòng. Chỉ cần bước ra nhìn đường phố là thấy ngay cảnh Vắng tanh như chùa Bà Đanh thôi ấy mà! Hu hu, tiên sư con COVID-19!

Phạm Hoài Nhân
Những chuyện huyền bí ở chùa Bà Đanh

Theo thời gian, những câu chuyện huyền bí tiếp tục xuất hiện ở chùa Bà Đanh. Người dân trong vùng thường bảo nhau rằng, khi đi ngang qua chùa thì chớ có cười cợt hoặc nói những điều bất kính...

Chùa Bà Đanh (làng Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đã đi vào tâm thức của người Việt Nam qua câu nói cửa miệng "Vắng như chùa Bà Đanh". Lịch sử của ngôi chùa này gắn với một câu chuyện huyền bí được lưu truyền qua nhiều thế hệ
 
Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, vào thời Lý, chùa Dâu ở Bắc Ninh – ngôi chùa theo hệ Tứ Pháp vùng Kinh Bắc - được gần xa biết đến về sự linh ứng mỗi khi các vua Lý đến cầu khấn. Từ đó chùa các nơi xin rước Tứ Pháp về thờ.

Làng Đanh Xá cũng là một địa phương xin rước vong Pháp Vũ về chùa làng là chùa Bảo Sơn để thờ. Trong hệ Tứ Pháp (thờ bốn vị thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), Pháp Vũ là nữ thần trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa

Như linh ứng, năm làng Đanh Xá rước vong Pháp Vũ thì trong vùng có mưa to gió lớn làm đổ cây mít cổ thụ trong chùa. Người làng thuê thợ giỏi lấy gỗ từ cây mít tạc tượng Pháp Vũ, sau đó hô thần nhập tượng và đặt trong điện thờ

Tương truyền, người thợ tạc tượng sau một đêm nằm mơ thấy thần đến mách bảo dung nhan Pháp Vũ nên đã tạc lại theo giấc mộng kỳ lạ

Chưa hết, sau khi nhập hồn cho tượng thì dưới bến nước trước chùa có vật lạ nửa nổi nửa chìm. Người dân cứ đẩy ra thì vật lạ ấy lại dạt vào dù cho dòng nước có xoáy mạnh

Thấy lạ, dân làng bàn nhau vớt lên xem thì thấy đó là một cái ngai bằng gỗ. Họ đưa vào chùa và thật lạ, tượng vừa khít khi đặt vào ngai như được đo đạc trước

Từ đó, trong vùng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Tượng Pháp Vũ được người dân địa phương gọi là tượng Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là Bà Đanh, và chùa Bảo Sơn được gọi là chùa Bà Đanh

Theo thời gian, những câu chuyện huyền bí tiếp tục xuất hiện ở chùa Bà Đanh. Người dân trong vùng thường bảo nhau rằng, khi đi ngang qua chùa thì chớ có cười cợt hoặc nói những điều bất kính...

Vài thập niên gần đây còn xuất hiện tin đồn rằng nhiều vị khách đến thăm chùa cố chụp tượng Pháp Vũ – Bà Đanh nhưng không tài nào chụp nổi. Hình ảnh đều bị nhòe hoặc bị cháy phim mà không lý giải được...

Quốc Lê
Chùa Bà Đanh - nơi vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm hiếm có ở Hà Nam

Chùa Bà Đanh có cảnh quan sơn thuỷ hữu tình, thanh u, cô tịch, nổi tiếng linh thiêng. Chùa có vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm vào loại hiếm có của Hà Nam.

Chùa Bà Đanh còn được gọi là Bảo Sơn tự, nằm ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
 
Từ ngã ba Hồng Phú của thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), men theo QL 21 khoảng chục 10 là có thể nhìn thấy đỉnh núi hình đầu rồng, dưới chân núi có ngôi chùa cổ mà dân gian vẫn quen thuộc gọi là Chùa Bà Đanh. (Ảnh: KT)

Chùa Bà Đanh nổi tiếng không phải vì đông khách hành hương hay khách thăm quan du lịch mà di tích này được biết đến bởi câu ví von “Vắng như chùa Bà Đanh”


Chùa Bà Đanh, còn có tên là Bảo Sơn tự, là danh thắng nổi tiếng của tỉnh Hà Nam. Cũng như nhiều ngôi chùa khác ở Bắc Bộ, Chùa Bà Đanh thờ Phật

Ngoài ra, Chùa Bà Đanh còn thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Phong - tức Thần mây, Thần mưa, Thần sét, Thần gió), một tín ngưỡng thờ thiên nhiên gần gũi với đời sống nông nghiệp của nhân dân

Theo truyền thuyết của địa phương, chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là Chùa Bà Đanh

Cũng có ý kiến lý giải về tên gọi Chùa Bà Đanh rằng: Chùa nằm ở vị trí u tịch, xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn, xưa kia có nhiều thú dữ nên không ai dám vào

Ngày nay, khách đến thăm chùa ngày càng đông bởi đây là nơi thờ tự linh thiêng, phong cảnh hữu tình

Đặc biệt, có cây đào tiên rất độc đáo, quả mọc từ gốc tới ngọn.

Chùa Bà Đanh có cảnh quan sơn thuỷ hữu tình, thanh u, cô tịch và linh thiêng nổi tiếng. Chùa có vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm vào loại hiếm có của tỉnh Hà Nam. Địa danh này đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia

Đã thành lệ bao đời, Lễ hội Chùa Bà Đanh được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm, nhằm tôn vinh, cảm tạ ân đức của các vị thần phù trợ cho việc sản xuất nông nghiệp tốt tươi, và cuộc sống no đủ của nhân dân... (Ảnh: KT).

Trần Ngọc
Nơi ra đời câu thành ngữ 'vắng như chùa Bà Đanh'

Chùa Bà Đanh nằm bên con sông Đáy hiền hòa có không gian cổ kính cùng những tích xưa bí ẩn sẽ để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.

Chùa Bà Đanh còn có tên khác là Bảo Sơn tự, nằm cạnh ngọn núi Ngọc thơ mộng, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng với câu thành ngữ "vắng như chùa Bà Đanh". 


Kiến trúc của chùa vẫn còn giữ được những nét độc đáo và cổ kính. Bạn có thể bắt gặp những câu chữ tiếng Nôm hay hoa văn được chạm khắc một cách tỉ mỉ và tinh xảo. 

Bước vào sân chùa, bạn sẽ ngửi được hương hoa thơm phảng phất nhưng khó đoán được tên vì trong vườn có rất nhiều loại. Càng tiến sâu vào bên trong, ngôi chùa càng hiện rõ ra với màu đỏ rêu phong của những tấm ngói và viên gạch lót. 

Chùa Bà Đanh là một quần thể kiến trúc độc đáo có nhiều gian thờ với thiết kế tinh tế như nhà tổ, thượng điện, trung đường, gian thờ Mẫu,... Điều đáng chú ý ở lối kiến trúc này là hình rồng trên mái, tượng trưng cho quyền năng của các đấng Thiên Tử. Đây cũng là linh vật được xếp bậc nhất trong Tứ linh. 

Có nhiều lý giải cho sự vắng vẻ đi vào thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” của ngôi cổ tự này. Người cho rằng ngôi chùa trở nên vắng vẻ như vậy vì nơi đây rất linh thiêng, ai trái ý sẽ bị trừng phạt ngay nên rất ít người dám đến. 

Nhưng cũng có ý kiến là do ngày xưa chùa nằm ở vị trí di chuyển khó khăn, xung quanh rừng rậm hoang vu, muốn đến phải đi đò sang nên ít ai lui tới. Chính vì lẽ đó nên ngôi chùa luôn giữ được vẻ thanh tịnh, tôn nghiêm vốn có. 

Điều này lại tạo nên vẻ đẹp bình yên và thanh khiết cho ngôi chùa mà không phải nơi nào cũng có được. 

Quả chuông lớn trong chùa được treo thấp, làm bằng đồng. Tiếng chuông ngân vang trong không gian xanh của nhiều loại cây trái khác nhau tạo nên điều đặc biệt cho ngôi chùa. Nó gợi lên một hình ảnh thanh đạm nhưng trù phú và tươi tốt cho những ai đến thăm chùa. 

Một bức tượng độc đáo được đặt trong sân chính của chùa. 

Đi từ Hà Nội theo quốc lộ 1A cũ, khi đến thành phố Phủ Lý bạn rẽ phải qua cầu Hồng Phú đến quốc lộ 21, đi thêm khoảng hơn 10 km đến cầu treo Cấm Sơn. Từ đây, bạn có thể thấy bóng dáng ngôi chùa hiện ra bên cạnh dòng sông Đáy hiền hòa. 

Phong Vinh
Vắng như... "chùa Bà Đanh"

Những ai có ý muốn vãn cảnh chùa chiền, chiêm bái nhưng ngại cảnh chen lấn, xô đẩy thì có thể viếng thăm chùa Bà Đanh, ngôi chùa mệnh danh là "đệ nhất vắng". Đặc biệt, cái không gian thanh tịnh càng trở lên u tịch khi du khách tới thăm vào lúc chiều muộn hoặc những ngày lất phất mưa bay của tiết trời đầu xuân xứ Bắc.

Mặt trước tam quan hướng ra sông Đáy, hầu như quanh năm đóng cửa, khách vào chùa đi cổng phụ bên cạnh tam quan. 

Chùa Bà Đanh, núi Ngọc là cụm di tích thắng cảnh quốc gia tại xã Ngọc Sơn, Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa có tên chữ là Bảo Sơn Tự, nằm bên tả ngạn sông Đáy. Theo người dân trong vùng, xa xưa, chùa có tên là chùa Bà làng Đanh (làng Đanh Xá nay thuộc xã Ngọc Sơn) nhưng không biết tự bao giờ, chùa được gọi tắt là chùa Bà Đanh.

Vượt đoạn đường khoảng 15km từ thị trấn Đồng Văn, chúng tôi tới chùa vào lúc nhá nhem tối một ngày cuối đông, không gian vắng lặng càng trở lên u tịch trong tiết trời u tối, mờ ảo. Không gian vắng lặng, không khói nhang, cổng chính của ngôi chùa im lìm như bức tường gỗ chắn đường khách thập phương. Phía sau cánh cổng chính thường xuyên được đóng chặt là quần thể kiến trúc của ngôi chùa với hơn 40 gian nhà. 

Khách thập phương cũng như người trong chùa, đi lại bằng cửa nhỏ phụ, sát cạnh cổng chính. 

Chùa quay mặt ra hướng nam mạn sông Đáy. Phía ngoài cùng, giáp với đường đi và gần bờ sông là cổng chùa. Cổng có ba gian (tam quan), hai tầng. Tầng trên có hai lớp mái, lợp bằng ngói nam, xung quanh sàn gỗ hàng lan can và những chấn song con tiện, tầng này sử dụng làm gác chuông, ba gian dưới có cánh cửa bằng gỗ lim. Phía ngoài cửa, hai bên là hai cột đồng trụ được xây nhô hẳn ra. Cánh cửa tam quan gồm nhiều tấm gỗ lim ghép lại theo lối xưa gọi là cửa "bức bàn"; chính giữa có chạm hình 5 con dơi ngậm chữ thọ (ngũ phúc). Trên nóc tam quan có đắp một đôi rồng chầu mặt nguyệt bằng vôi cát và mảnh sứ, mang phong cách rồng thời Nguyễn.

Đáng chú ý nhất ở tam quan là đôi rồng đá và đôi hổ đá được bố trí dọc theo hai bên bậc lên xuống, theo thế đối xứng, chầu vào bái đường. Hai bên cổng chính là hai cổng nhỏ có tám mái, cửa phía trên lượn cong hình bán nguyệt. Chỉ khi nào nhà chùa có đại lễ thì cửa chính ở giữa mới được mở; ngày thường du khách thập phương sẽ vào chùa bằng lối cổng nhỏ. 

Khuôn viên chùa bao gồm tổng thể các tòa nhà lên tới hơn 40 gian. Tuy nhiên, ngày thường, hầu hết các tòa nhà đều đóng cửa. Khuôn viên chùa có đủ các loại hoa, nhiều nhất là phong lan, cây và hoa đều mập nhưng tuyệt nhiên người tới đây chỉ lặng lẽ ngắm, lặng lẽ đi lại khiến không khí đã lặng càng thêm vắng. 

Qua tam quan là khuôn viên gồm khu vườn hoa, sân lát gạch, hai dãy hành lang hai bên, bái đường, trung đường và thượng diện… Bái đường là nơi hành lễ thường ngày của chư tăng và phật tử; có 5 gian, lợp ngói nam. Trung đường có 5 gian hai đầu xây bít dốc, lợp ngói nam, cửa đức bàn nối liền với toà bái đường. Thượng diện có 3 gian, hai bên xây tường bao, phía trước là hệ thống cửa gỗ lim…

Theo lời của người giúp việc trong chùa, tại đây, tập trung toàn bộ nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc của ngôi chùa. Ngôi nhà rộng năm gian với khung gỗ lim. Trên nóc nhà của bái đường có hệ thống tượng đắp nổi theo đề tài “Tứ long chầu nguyệt”. Cả bốn con rồng, từ kiểu dáng thân hình uốn lượn, đến mắt, râu, vuốt, vây đều được các nghệ nhân xưa thể hiện như đang vờn nhau cùng bay lượn nhưng vẫn giữ được sự oai phong. Bởi tới chùa vào lúc chiều muộn, lại là ngày thường nên chúng tôi không có may mắn được chiêm ngưỡng những nét điêu khắc đặc biệt trong khu nhà bái đường. 

Hai đầu nhà bái đường có hai cột trụ cao vút; trên mỗi cột đều đắp nổi hình tứ linh. 

Liền với bái đường là hai dãy hành lang; phía hai đầu có hai cột trụ cao vút, sừng sững, uy nghi. Trên mỗi cột đều đắp nổi hình tứ linh: long, lân, quy, phượng theo thế đối xứng, gợi cảm giác hài hoà, cân đối, vững bền. 

Điểm đặc biệt của chùa Bà Đanh so với các ngôi chùa khác, theo lời người giúp việc trong chùa, chính là chùa có pho tượng của tín ngưỡng địa phương là Pháp Vân (Phật bà Man Nương) đứng đầu tứ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Sự tích Pháp Vân được chép trong bản “Cổ châu tứ pháp ngọc phả” bằng chữ Hán do tiến sỹ Đỗ Huy Liệu soạn vào ngày 15 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (1918) hiện còn lưu giữ ở chùa.

Không biết từ bao giờ, người bốn phương đã quen thuộc với câu nói “vắng như chùa Bà Đanh”; nhưng việc vượt qua một triền đê, chạy qua con đường dưới chân núi lại không có được may mắn chiêm ngưỡng những nét chạm khắc đặc biệt trong lối kiến trúc chùa khiến chúng tôi tiếc nuối. Không thể ở lại qua đêm nơi thanh tịnh và u tịch (nửa vì sợ bởi chùa có tiếng là linh, nửa vì ngại bởi đã quá muộn để tính chuyện ở lại) chúng tôi tạm biệt chùa Bà Đanh để tiến về thành phố Phủ Lý tìm chỗ nghỉ đêm. 

Cây đào tiên trong khuôn viên chùa sai trĩu quả. 

Trên đường về, ba người trong nhóm chúng tôi mới dám nói với nhau về cảm giác rờn rợn khi lần đầu tiên chứng kiến một khung cảnh quá đỗi thanh vắng (không mùi hương khói, cũng không tiếng mõ, tiếng chuông). Việc cây bưởi bên cạnh cổng chùa dù rất sai nhưng những người trong chùa cũng như dân làng gần đó không ai dám hái; cây đào tiên, một loại cây rất ít quả và khó sống lại rất tốt và sai quả khi được trồng trong khuôn viên ngôi chùa khiến chúng tôi càng thấy cảm giác rất khác lạ ở nơi này. Vì sợ tiếng cười, tiếng bước chân phá vỡ cảnh thanh vắng nơi này nên ai tới thăm cũng cố đi thật nhẹ, cười thật khẽ, thậm chí cũng không dám thở mạnh khiến cảnh đã vắng, càng thêm vắng.

Nếu chưa từng tới chùa Bà Đanh, những ai muốn khám phá và thích vãn cảnh chùa, nên đến thăm một lần để thấy nó không giống như những nơi chùa khác mà chỉ khi tới tận nơi mới có thể cảm nhận hết. Du khách bốn phương cũng có thể tới chùa vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, ngày dân làng tổ chức lễ hội chùa. Lối đi dễ nhớ và cũng nhanh nhất để có thể tới chùa Bà Đanh là từ thị xã Phủ Lý, qua cầu Hồng Phú, theo đường 21, đến cây số 7, qua cầu Quế, đi thêm 2 cây số là đến chùa. Cũng có thể tới chùa từ thị trấn Đồng Văn nhưng đường đi ngoằn ngoèo, lại rất khó và không thể đi bằng ô tô tới tận chùa.

Hạnh Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét