24 tháng 8, 2022

Chùa Phúc Lâm

Ngôi chùa của người Bắc di cư 1954 tại Biên Hòa

Nói đến dân miền Bắc di cư năm 1954 là người ta nghĩ ngay đến người Công giáo. Ở Đồng Nai, nơi dừng chân của đa số dân di cư, rất nhiều giáo xứ thành hình với tên gọi gợi lại tên giáo xứ gốc nơi quê quán của giáo dân xa quê, như giáo xứ Trà Cổ, Bùi Chu, Thanh Hóa... Vậy còn Phật giáo thì sao? 

Có một ngôi chùa Phật giáo ở Biên Hòa với số đông Phật tử là người Bắc di cư năm 1954, đó là chùa Phúc Lâm, thuộc Hệ phái Phật giáo Tổ đình Vĩnh Nghiêm, tọa lạc tại số 1272 đường Phạm Văn Thuận, sát bên CoopMart Biên Hòa.

Cổng chùa Phúc Lâm trên đường Phạm văn Thuận

Thời kỳ thành lập

Cố Hòa thượng Thích Phúc Thành, thế danh Nguyễn Văn Ẩm, sinh năm 1920 tại thôn Quần Phương, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 12 tuổi, ngài xuất gia tại chùa Phúc Lâm, - dân gian thường gọi là chùa Lương, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, - tọa lạc tại thôn Quần Phương, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Năm 1954, đất nước chia đôi, Hòa thượng Thích Phúc Thành xa lìa quê hương để vào Nam, sống tại Biên Hòa. Năm 1956, theo sự thỉnh cầu của các phật tử miền Bắc định cư ở Biên Hòa, ngài thành lập một ngôi chùa với danh xưng Phúc Lâm, là tên ngôi chùa ngài xuất gia, để tưởng nhớ về cội nguồn.


Chùa Phúc Lâm, năm 2018

Khi mới thành lập, chùa Phúc Lâm chỉ là ngôi chùa tranh vách nứa, tọa lạc trên một ao rau muống thấp trũng với diện tích hơn 1.500  thuộc ấp Tân Mai, xã Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa. Sau khi thành lập, chùa Phúc Lâm trở thành trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của hầu hết phật tử miền Bắc định cư ở khắp Biên Hòa.

Năm 1964, Hòa thượng Thích Phúc Thành xúc tiến xây dựng chính điện mới gồm một tầng lửng và một tầng trệt bằng vật liệu bê tông cốt thép, mái lợp ngói với diện tích 18 m x 12 m. Chính điện chùa Phúc Lâm được xây dựng xong năm 1966, trở thành ngôi chính điện lớn nhất tỉnh Biên Hòa thời bấy giờ, mang phong cách kiến trúc Phật giáo miền Bắc đầu tiên tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Tháng 9/1966, cố Hòa thượng vận động phật tử mua một sở ruộng diện tích 24.000 
m², cách chùa 500 m về hướng Đông để thành lập An Dưỡng Địa (nghĩa trang). Nghĩa trang này vẫn còn hoạt động hợp pháp cho đến nay và hiện có trên 1.000 phật tử của chùa an táng tại đây.


Hoa viên An Lạc Cảnh - tức Nghĩa trang chùa Phúc Lâm, năm 2018

Thời kỳ suy thoái

Đất nước bước vào năm 1975, tôn giáo, tín ngưỡng bị coi khinh, rẻ rúng. Một ngôi chùa do những Phật tử gốc Bắc di cư năm 1954 lập nên lại càng bị chính quyền mới không ưa.

Năm 1980, Hòa thượng Thích Phúc Thành bị đưa đi học tập cải tạo tại B5 Biên Hòa.

Cũng trong năm này, chùa Phúc Lâm bị trưng dụng làm nơi bồi dưỡng chính trị cho các cán bộ của thành phố Biên Hòa.

Sau đó, chùa được giao lại cho Công ty Xuất nhập khẩu Biên Hòa (BIHIMEX) quản lý để làm nhà kho của công ty. (Thời điểm đó, trụ sở công ty BIHIMEX chính là Siêu thị Coopmart hiện giờ, sát ngay bên chùa, nên xài luôn chùa làm nhà kho!).

Gần giữa năm 1983, cố Hòa thượng Thích Phúc Thành được cho về. Vài tháng sau, ngày 23/8/1983, ngài viên tịch tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm, TPHCM trong khi chùa Phúc Lâm đang bị trưng dụng, trụ thế 64 năm. Nhục thân ngài được chư tôn đức giáo phẩm trong Môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm hỏa táng, sau đó xá lợi ngài an vị tại Bảo tháp Xá Lợi Cộng Đồng của chùa Vĩnh Nghiêm.

Thời kỳ này, dù người có tinh thần lạc quan đến mấy cũng không dám nghĩ rằng chùa Phúc Lâm có thể còn hiện hữu...


Thời kỳ phục hưng

Năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước CHXHCNVN ban hành Nghị định 69, quy định về các hoạt động tôn giáo. Ngay sau khi Nghị định 69 có hiệu lực, một số phật tử chùa Phúc Lâm đệ đơn xin chính quyền các cấp tỉnh Đồng Nai được quản lý chùa Phúc Lâm như hiện trạng lúc bấy giờ. Ngày 24/5/1990, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số: 762/QĐ/UBT giao lại ngôi chùa Phúc Lâm cho Ban đại diện phật tử ở phường Tân Tiến quản lý, sử dụng vào mục đích tôn giáo thuần túy. Công ty BIHIMEX trả lại nhà kho cho chùa.

Chùa Phúc Lâm, 2018

Sau hơn một thập niên gián đoạn, cảnh chùa Phúc Lâm vào thời điểm ấy đã trở nên điêu tàn, phật sự trì trệ, nhân tâm ly tán, sáng chiều không một bóng người lui tới, các ngày 30, mùng một và 14, rằm chỉ có vài phật tử tham dự, ngân quỹ chùa bị thâm thủng nặng nề.

Ngày 31/12/1997, Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai ban hành quyết định số: 90/QĐ/BTS, chính thức bổ nhiệm Đại đức Thích Minh Trí làm trụ trì.

Đấu năm 1998, Đại đức Thích Minh Trí khởi công tân tạo tháp Quần Phương trong khuôn viên chùa Phúc Lâm. Đến ngày 13/5/1998, xá lợi cố Hòa thượng Thích Phúc Thành từ chùa Vĩnh Nghiêm, TPHCM được đưa về chùa Phúc Lâm nhập tháp Quần Phương.

Tháp Quần Phương

Từ đó đến nay, nhiều công trình xây dựng, nhiều tượng điêu khắc được hoàn thành.






Chánh điện chùa Phúc Lâm, 2018

Ngày nay, chùa Phúc Lâm đã trở thành một trong những ngôi chùa tiêu biểu của thành phố Biên Hòa, in đậm dấu ấn bản sắc văn hóa và kiến trúc truyền thống Phật giáo Bắc Việt.

Mỗi dịp lễ tết, hàng ngàn phật tử, nhất là phật tử người Bắc, từ khắp thành phố Biên Hòa đã hội tụ về chùa Phúc Lâm dâng hương lễ Phật. Chương u ám nhất trong lịch sử ngôi chùa đã đi qua...

Bia lưu niệm tại chùa

 PHN viết theo tư liệu từ website chùa Phúc Lâm
Ảnh: PHN, 2018.
Chùa Phúc Lâm


Tên tự viện: CHÙA PHÚC LÂM

Địa chỉ: Số 1272, đường Phạm Văn Thuận, khu phố 01, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Số điện thoại liên lạc: 091 8535 799

E-mail: quananh@chuaphuclam.com

Hệ phái: Bắc tông

Tông phong: Vĩnh Nghiêm.

Năm thành lập: 1956.

Tổ sư khai sơn: Cố Hòa thượng Thích Phúc Thành.

Trụ trì hiện nay: Thượng tọa Thích Minh Trí. (ĐT: 091 8535 799).

Chùa Phúc Lâm đã được GHPGVN và Nhà nước công nhận.



Thượng tọa trụ trì hành lễ sái tịnh phóng sanh





Tổ chức lễ trai đàn Dược sư cầu an đầu năm








Nhân dịp Tết Nguyên đán tặng quà cho những mãnh đời khó khăn




Đức Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét