9 tháng 8, 2022

Chùa Vô Vi

Ngôi chùa cổ nằm chênh vênh trên đỉnh núi suốt 6 thế kỷ ở Hà Nội 

Vô Vi là ngôi chùa dành cho những người muốn tìm về không gian thanh tịnh. Ngôi chùa nhỏ được xây dựng trên đỉnh núi từ 6 thế kỷ trước, trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ kính.

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, chùa Vô Vi tọa lại trên ngọn núi Vô Vi thuộc thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Ngọn núi đá Vô Vi nhỏ, nằm tách biệt khỏi dãy Tử Trầm - còn gọi là núi Con Rồng, chùa Vô Vi được ví như viên ngọc, nằm chênh vênh giữa trời đất. Ngôi chùa thường ở trong cảnh vắng lặng người qua lại, trừ vào những ngày Tết, ngày rằm. 


Toàn cảnh ngôi chùa cổ Vô Vi nhìn từ trên cao.

Xung quanh ngôi chùa được bao bọc bởi hàng chục cây hoa đại, cao to, sần sùi, tỏa bóng che khuất cả ngôi chùa nhỏ. Vào mùa hoa đại nở, mùi hoa vương vấn như dẫn người bước vào chốn tiêu dao lạc thú, không gian tĩnh mịch tựa hư không.

Tương truyền, Vô Vi là ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 968. Thời Tiền Lê, chùa xây dựng ở chân núi Trạo (980-1004) có tên là Phúc Trù tự. Đến thời nhà Trần, chùa được xây ở lưng núi gọi là Trai Tinh tự. Thời Hậu Lê, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) chùa dời lên gần đỉnh núi như ngày nay, đổi lại tên như thời Đinh là Vô Vi tự.

Chùa Vô Vi gắn liền với vị tướng Trần Văn Tăng, người xuất gia từ nhỏ. Sau khi chiến đấu dẹp thù trong giặc ngoài, ông lên núi Vô Vi dựng chùa ở ẩn. Là người thấm nhuần tư tưởng đạo Lão, ông đặt tên chùa là Vô Vi với tinh thần được biểu hiện trong bài thơ "Trùng phỏng Vô Vi tự" do chính ông sáng tác và khắc trên đá.

Cổng vào ngôi chùa cổ đã tồn tại 6 thế kỷ.

Tương truyền, Vô Vi là ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 968. Thời Tiền Lê, chùa xây dựng ở chân núi Trạo (980-1004) có tên là Phúc Trù tự. Đến thời nhà Trần, chùa được xây ở lưng núi gọi là Trai Tinh tự. Thời Hậu Lê, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) chùa dời lên gần đỉnh núi như ngày nay, đổi lại tên như thời Đinh là Vô Vi tự.

Bước qua vòm cổng đề ba chữ Hán "Vô Vi tự", con đường nhỏ với những bậc thang xếp bằng đá tảng đưa du khách đến tiền đường, nhà mẫu, rồi chính điện. Chỉ khoảng vài trăm bậc nhưng lối lên Vô Vi tự không quá dễ dàng, càng lên cao càng hẹp và dốc hơn.

Không giống những ngôi chùa quy mô hoành tráng thường thấy, Vô Vi tự rộng hơn 10 m², thiết kế không tuân theo quy luật thông thường hình chữ Đinh hay Nội công ngoại quốc, mà chỉ khiêm tốn với một gian duy nhất, mái lợp ngói mũi hài cùng các cột, xà nhỏ bằng gỗ và đá đơn giản.

Trong chùa chỉ có ban Tam bảo với tượng Phật, thánh. Hai bên là hai vị Hộ pháp uy nghiêm. Phía bên hông của nhà thờ tổ là một lối đi nhỏ cheo leo, men theo núi. 

Trong chùa chỉ có ban Tam bảo với tượng Phật, thánh. Hai bên là hai vị Hộ pháp uy nghiêm.

Cột chùa được làm bằng đá nguyên khối.

Không gian phía sau mở ra một căn lầu nhỏ được thiết kế mái cong, gạch ngói, nhiều cột trụ, giống như một nơi thiền tịnh của các vị sư. Ngay bên cạnh là núi Vô Vi với lầu Nghênh Phong ở trên đỉnh, nơi đây còn treo một quả chuông nhỏ được đúc từ năm 1814.

Sát bên hông chùa là lối đi nhỏ chỉ vừa một người qua, dẫn tới lầu Nghênh Phong. Từ trên nhìn xuống, các lớp mái khéo léo xen kẽ nhau như sợi dây liên kết giữa chùa Vô Vi và lầu gác này bao thế kỷ qua. 

Không giống những ngôi chùa quy mô hoành tráng thường thấy, Vô Vi tự rộng hơn 10 m².

Bao quanh chùa là những cây hoa đại cổ thụ, vào mùa hoa nở, ngôi chùa nằm lọt thỏm dưới những tán cây hoa đại.

Điểm đặc biệt của lầu Nghênh Phong là trên chóp mái có hình tượng âm dương Lạc Việt bên trong vòng bát quái. Hình tượng này được vẽ trên hai nửa viên gạch hồng ghép lại để từ điểm trung tâm này, các xà, cột, kèo theo đó tỏa xuống theo quy luật kiến trúc nghiêm khắc.

Hình tượng âm dương Lạc Việt là niềm tự hào về bản sắc văn hóa của người Việt, một họa tiết nhỏ nhưng đủ sức khẳng định về tính dân tộc, sự độc lập của văn hóa Việt, không thể trộn lẫn với bất cứ nền văn hóa khác.

Bài thơ khắc trên đá của đạo sĩ Trần Văn Tăng.

Bài thơ đã tồn tại suốt 6 thế kỷ.

Từ lầu Nghênh Phong, muốn lên tới đỉnh cao nhất của ngọn núi Vô Vi, du khách phải leo khoảng hai chục bậc đá dựng đứng, chui qua kẽ đá hẹp để lên tới đỉnh.

Xung quanh núi Vô Vi là khung cảnh làng quê yên bình. Giữa thinh không, tiếng chuông chùa bỗng ngân lên khiến lòng người trùng lại và ngẫm về triết lý "vô vi" mà vị đạo sĩ đã đặt tên cho ngôi chùa. 

Ngay bên cạnh là núi Vô Vi với lầu Nghênh Phong ở trên đỉnh, nơi đây còn treo một quả chuông nhỏ được đúc từ năm 1814.

Khung cảnh chùa cổ với núi non bình dị nằm ngay cạnh trung tâm thành phố Hà Nội nhưng ít người biết đến.

Đứng ở nơi cao nhất của đỉnh núi Vô Vi, phật tử vãn cảnh chùa sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh thiên nhiên lãng mạn và đầy thơ mộng. Chùa Vô Vi dành cho những người muốn tìm về không gian thanh tịnh, để được hòa mình vào đất trời và tan trong tiếng chuông mỏng mảnh lẫn vào sương khói.

Trọng Trinh
Ngôi chùa trên non sơn thủy tú Vô Vi

Từ trung tâm Hà Nội, qua Hà Đông chừng 7 km đường đi Hòa Bình, đến thị trấn Chúc Sơn rẽ phải, đi thêm khoảng 2 km ta bắt gặp dãy núi đá mang tên Tử Trầm uy nghi sừng sững. Điều đặc biệt, giữa vùng đồng bằng sầm uất lại đột khởi lên dãy núi đá mang nhiều yếu tố phong thủy rất tốt cho vùng đất này. Như nằm tách biệt ra khỏi dãy Tử Trầm, có một hòn núi đá như đơn côi giống hình con phượng, ở lừng chừng đỉnh núi đá này có một ngôi chùa cổ rất đẹp, mang cái tên rất gợi: Chùa Vô Vi. 

Không biết có phải ngôi chùa mang tên Vô Vi không, mà ngọn núi đá ấy cũng có tên là Vô Vi. Vô Vi nghĩa là gì, là không ràng buộc, không liên quan, không phải được sinh ra do nhân duyên. Như vậy, khác với pháp hữu vi của thế gian, Vô Vi có nghĩa là vào cảnh giới của Niết bàn.

Một chiều cuối tuần, chúng tôi giũ bỏ những duyên sự ràng buộc của cuộc sống thường nhật quyết một lần để được thong long lên núi Vô Vi, chiếm bái ngôi chùa cổ này.


Chùa Vô Vi, tương truyền có từ thế kỷ thứ 10, khi một thủ lĩnh trong 12 sứ quân lên đây đã dựng lên ngôi chùa này để ẩn tu và mai danh ẩn tích tại đây.

Thời Hậu Lê, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514), thì chùa được dựng trên núi ở vị trí ngày nay và được đặt tên là Vô Vi tự. Chùa rộng chỉ khoảng 10 m², trên vách núi treo quả chuông đúc năm 1814. Một lầu có tên là Nghinh Phong, đón gió ở sau chùa cho những tao nhân mặc khác đến đây đàm đạo thơ ca. Đứng ở lầu Nghinh Phong bao quát một không gian rộng lớn phía dưới, là làng mạc, ruộng đồng, ao hồ... trù phú. Ngồi thiền ở vị trí này, thật tuyệt vời!

Thế kỷ 16 - 17, xã hội biến động, chiến tranh liên miên giữa các tập đoàn phong kiến Trịnh - 
Mạc, Trịnh - Nguyễn... Không chỉ những bậc tu hành, mà nhiều nhân cách lớn cũng từng tản bộ lên đây như để rũ bỏ bụi trần. Tấm bia đá lớn khắc bài thơ “Thăm lại chùa Vô Vi” của vị tướng Trần Văn Tăng, viết bằng chữ Nôm:

“Sơn động chi bằng Vô Vi tự 
Thùy kỳ tạo chi, thiền sư đạo sĩ 
Bên này Thiên Trúc, nọ Bồng Lai 
Đem cảnh thanh u đặt giữa trời 
Trang điểm đã nhờ ơn đạo sĩ 
Độ trì còn đội Đức Như Lai 
Mượn nền đá phẳng đề dăm vận 
Sẵn quả chuông kêu đấm mấy hồi 
Cảnh vi mến người, người lại lại 
Đã vô vi khéo cũng lôi thôi”. 


Về ngôi chùa nhỏ trên đỉnh Vô Vi, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nhận xét, nhỏ nhưng nghệ thuật rất cao, làm say đắm bất kỳ ai khi đặt chân đến ngôi chùa trên non sơn thủy tú này.


Ngôi chùa này không có sư, mà từ năm 1990, có bà Lê Thị Tung, một phật tử già nhà ở chân núi ra nhận trông nom, quét tước.

Chúng tôi theo bà Tung vào tham quan. Cổng bên trên đề 3 chữ “Vô Vi Tự”, cảnh cửa gỗ kẽo kẹt được mở ra dẫn lối lên 100 bậc đá dẫn lên chùa Vô Vi. Hàng ngày, bà Tung ra quét lá trên những bậc đá ấy. Chậm rãi, thâm u, cảnh vật thật thanh tịnh.

Hà Quang Đức
Du xuân vãn cảnh núi Trầm 

Cuối tuần trời trong, mấy chị em tôi chuẩn bị bộ lệ, đồ ăn thức uống nhằm hướng núi Trầm (còn gọi núi Tử Trầm, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) thẳng tiến.

Khung cảnh hùng vĩ nên thơ nhìn từ đỉnh núi Trầm - Ảnh: Iris Trương 

Nằm bên con sông Đáy xanh trong của xứ Đoài, không chỉ có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, núi Trầm còn nổi tiếng bởi là nơi quần tụ của nhiều di tích, chùa chiền, vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa có giá trị lịch sử lâu đời. Vì thế thật ý nghĩa để chọn cho chuyến du ngoạn đầu xuân.

1. Là khối núi đá vôi được tạo thành từ chín đỉnh nhỏ, nổi lên sừng sững giữa những cánh đồng lúa trải dài mênh mông, giữa xóm làng chen vai sát cánh, lại được dòng sông Đáy xanh trong mềm mại như một dải lụa bao quanh, núi Trầm vì thế có phong cảnh hết sức nên thơ, tráng lệ.

Chả thế mà xưa kia toàn bộ khu núi Trầm từng là nơi vua Lê chúa Trịnh đặt hành cung để thưởng ngoạn cảnh đẹp. Di tích thành xưa nay không còn. Nhưng hiện ở chân núi Trầm vẫn còn án ngữ quần thể gồm 3 ngôi chùa được xây dựng từ rất lâu đời, thu hút đông đảo du khách từ thập phương đến hành hương lễ phật. 

Hoa gạo đỏ rực tháng ba ở chân núi Trầm - Ảnh: Iris Trương 

Đầu tiên phải kể đến trong quần thể này là chùa Trầm được xây dựng từ thế kỷ 16. Tuy là một ngôi chùa nhỏ, không đồ sộ hay hoành tráng như những ngôi chùa khác ở Bắc bộ, nhưng với thế “tựa sơn, hướng thủy”, lưng dựa vào dãy Tử Trầm còn mặt hướng ra sông Đáy, ra đồng ruộng, chùa Trầm có được một phong cảnh hữu tình hiếm có.

Những vách đá, những tán cây trên núi còn xòa bóng, che trở cho chùa Trầm vừa làm cho không gian ở đây mát mẻ quanh năm, vừa khiến cho du khách có cảm giác như núi và chùa liền một khối, gắn bó khăng khít với nhau không thể tách rời.

Chùa Trầm - Ảnh: Iris Trương 

Ngay sân chùa Trầm cũng có rất nhiều những cây cổ thụ tỏa bóng mát, mang tới sự trong lành, mát mẻ quanh năm cho không gian chùa. Mùa này, hoa mộc ở sân chùa nở hoa thơm ngan ngát. Trên vách núi, những cây hoa xưa núi nở hoa trắng ngần, với hàng vạn bông hoa trắng rụng đầy sân chùa, làm du khách đến rồi chẳng muốn rời chân.

Ngay bên phải của chùa Trầm ít bước chân là động Long Tiên (hay còn gọi là hang Trầm), trong động là chùa Hang án ngữ.

Cửa hang Trầm không lớn lắm, nhưng bên trong hang lại có không gian thoáng đãng với vòm hang khá cao. Vào những ngày đẹp trời, ánh sáng tự nhiên len qua những khe nhỏ trên vòm hang chiếu rọi có thể nhìn thấy nhiều thạch nhũ với nhiều màu sắc, hình thù trong hang, cùng với rất nhiều tượng phật được tạc khắc công phu nằm rải rác khắp lối đi.

Ở chính giữa động là bàn thờ phật được trang hoàng với nhiều bức tượng Phật từ nhỏ tới lớn.

Không rõ đã có ai thống kê cụ thể chưa, nhưng ước chừng có đến vài chục bức tượng Phật bằng đá ẩn hiện trong động. Chính điều đó đã làm cho chùa Hang, cho động Long Tiên trở nên độc đáo và hấp dẫn.

Cửa động Long Tiên - Ảnh: Iris Trương 

Ban thờ trong chùa Hang (động Long Tiên) - Ảnh: Iris Trương 

Trong kháng chiến chống Pháp, hang Trầm là nơi Hồ Chủ tịch từng sống và làm việc trong những ngày đầu kháng chiến. Đây cũng là địa điểm đầu tiên Đài tiếng nói Việt nam chuyển về sau khi rời Hà Nội để tiếp tục làm việc (từ ngày 20-12-1946 đến ngày 4-3-1947).

Chính từ đây Đài tiếng nói Việt nam đã phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày 20-12-1946, ngay sau đêm quân dân thủ đô Hà Nội nổ súng tấn công giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta. Hiện ở sân chùa Trầm vẫn còn tượng đài kỷ niệm sự kiện này.

Chính bởi những dấu tích lịch sử đó, cùng với kiến trúc độc đáo và lâu đời mà quần thể chùa Trầm đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1962.

2. Nằm tách biệt với hai ngôi chùa trên, cách chùa Trầm chưa đầy 1km, là chùa Vô Vi (còn gọi là Trầm Vô Vi). Đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất mà cũng độc đáo nhất trong quần thể chùa chiền quanh núi Trầm. Trải qua thời gian, kiến trúc của chùa vẫn được giữ gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay.

Cổng chùa Vô Vi nép mình dưới bóng cây - Ảnh: Iris Trương 

Chùa Vô Vi được xây dựng vào năm 1515 trên một núi đá nhỏ, kiến trúc chùa được xây dựng theo thế núi, nên càng lên cao càng càng ăn sâu vào vách núi, càng cheo leo, hiểm trở.

Men theo những bậc thang nhỏ hẹp chỉ đủ để hai người tránh nhau uốn lượn bên vách núi, du khách sẽ lần lượt đi qua ba gian chùa nhỏ, thờ Phật, thờ Mẫu nằm khiêm tốn bên đường đi. Ở ngay sau chùa là lầu Nghênh Phong.

Ngôi lầu nhỏ và thấp khuất sau đỉnh núi, nhưng lúc nào cũng mát rười rượi vì nằm ngay hướng đón gió đúng như cái tên của nó.

Chuông đồng đúc từ năm 1814 - Ảnh: Iris Trương 

Đi qua lầu Nghênh Phong, lên đến vách núi trên cùng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng quả chuông đồng được đúc từ năm 1814 treo trên vách núi. Chui qua một khe hẹp hiểm trở trên vách núi treo chuông này mới tới được đỉnh núi.

Từ đây có thể thu vào tầm mắt toàn bộ cảnh đồng ruộng, xóm làng và dòng sông Đáy uốn lượn dưới chân núi. Cảnh sắc thanh bình, tiếng gió vi vu bên tai làm tâm hồn “sạch không” và thảnh thơi đến lạ, như đã lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh tự bao giờ.

Chẳng thế mà ở chùa Vô Vi vẫn còn lưu nhiều văn bia khắc lại các bài thơ phú của các tao nhân mặc khách bao đời tức cảnh sinh tình mỗi lần đến đây vãn cảnh.

Một góc núi Trầm nhìn từ tháp chuông chùa Vô Vi - Ảnh: Iris Trương 

3. Nhưng đến vãn cảnh núi Trầm mà chưa leo núi, chưa được thưởng ngoạn khung cảnh thơ mộng của sông Đáy, xứ Đoài trải ra dưới tầm mắt thì coi như là chuyến đi chưa trọn vẹn. Núi Trầm không cao, nhưng những vách đá trắng dựng cheo leo, hiểm trở luôn khơi gợi thú ưa mạo hiểm của du khách.

Có rất nhiều lối mòn để leo lên một trong chín đỉnh của núi Trầm, và khi leo lên đỉnh này rồi thì có thể leo sang đỉnh khác rất dễ dàng nhờ những lối mòn ngoằn ngoèo, chằng chịt khắp nơi. Đường đi đôi khi cheo leo hiểm trở, bù lại những gì thu được vào tầm mắt quả thật xứng đáng.

Nằm xen giữa những đỉnh núi là những trảng cỏ xanh tương đối bằng phẳng xen lẫn những tảng đá trắng, tạo thành một thung lũng đá nằm gần như lọt thỏm giữa các đỉnh núi. Khung cảnh rất ngoạn mục và nên thơ. 

Thung lũng đá trên núi Trầm - Ảnh: Iris Trương 

Các bạn sinh viên vui chơi trên núi - Ảnh: Iris Trương 

Đứng trên các đỉnh núi Trầm, du khách sẽ chiêm ngưỡng toàn cảnh xóm làng, đồng ruộng, sông hồ trải ra hút tầm mắt, bao la và choáng ngợp.

Điểm xuyết đây đó giữa màu xanh thăm thẳm của cây cối đang mùa trổ lá là một vài cây hoa gạo đang rực nở những bông hoa đỏ thắm tháng ba, hay nhưng cây hoa xoan tím ngát một góc trời…

Đứng đó ngắm cảnh mà không thể thốt nên lời, mới hiểu được cái cảm giác của nhà thơ Huy Cận khi xưa: Lòng quê dợn dợn vời con nước/Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Dợn dợn một niềm yêu thương, một niềm tự hào về quê hương, đất nước “nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương?”. 

Xóm làng Bắc bộ nhìn từ đỉnh Tử Trầm - Ảnh: Iris Trương 

Hoa gạo, hoa xoan nổi bật giữa xóm làng, đồng ruộng - Ảnh: Iris Trương 

Thông tin cho bạn 

Núi Trầm cách Hà Nội 25km. Nếu đi bằng xe buýt thì từ Hà Nội có thể bắt các tuyến xe buýt số 37, 57, 72, 80 rồi xuống xe ở bến đỗ đầu thị trấn Chúc Sơn (bến đỗ Vực Ninh) sau đó rẽ phải vào làng Ninh rồi đi bộ, hoặc xe ôm chừng 2km thì đến nơi. 

Nếu đi xe máy, chạy dọc theo quốc lộ 6 đến đầu thị trấn Chúc Sơn thì rẽ phải, theo hướng chỉ vào trường Đại học thể dục thể thao Hà Tây. Đi thẳng theo đường làng này là đến. 

IRIS TRƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét