Chùa cổ ở Hà Nội có "đường lên Trời", "lối xuống Âm phủ"
Chùa Trầm nằm dưới chân núi Tử Trầm Sơn, được xây dựng vào thế kỉ XVI. Chùa Trầm được coi là một trong bốn ngôi chùa thiêng thuộc hàng "tứ đại danh thắng của xứ Đoài".
Chùa Trầm thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng hơn 20 km. Chùa nằm dưới chân núi Tử Trầm Sơn, được xây dựng vào thế kỉ XVI.
Chùa Trầm được coi là một trong 4 ngôi chùa thiêng thuộc hàng "tứ đại danh thắng của xứ Đoài", bên cạnh các chùa như: Chùa Trăm Gian, chùa Thầy và chùa Tây Phương.
Ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh đặc trưng của cư dân đồng bằng Bắc bộ.
Chùa Trầm - ngôi chùa chính được xây dựa vào vách núi Tử Trầm Sơn (hay còn được gọi là núi Trầm). Chùa tương đối nhỏ, nhưng sân rộng, lại có nhiều cây cổ thụ nên nhuốm màu trang nghiêm, thanh tịnh.
Chùa Trầm tuy nhỏ, nhưng lại mang vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm với thế "tọa sơn quan thủy", lưng dựa núi, trước mặt nhìn ra hồ, xung quanh được bao bọc bởi những tán cây xanh mát…
Ngay bên phải chùa Trầm ít bước là động Long Tiên (hay còn có tên gọi khác là hang Trầm). Động rộng gần 200 m². Trong động có hai lối đi chính, lối dẫn lên đỉnh núi Trầm gọi "đường lên Trời", lối dẫn ngầm vào trong núi sâu gọi là "đường xuống Âm phủ".
Trong hang có rất nhiều tượng Phật được tạc khắc công phu nằm rải rác khắp lối đi. Ở gian rộng nhất của động là chùa Hang, có ban thờ Phật và tượng của các vị Phật, tiên, hộ pháp.
Trên vách động hiện còn lưu giữ hàng chục tác phẩm thơ, văn cổ có giá trị. Không chỉ ghi dấu những vết tích của thời phong kiến xa xưa, động Long Tiên còn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.
Cửa vào động rộng khoảng 7m và cao hơn 3m nhưng bên trong lại có không gian thoáng đãng với vòm hang khá cao. Vào những ngày đẹp trời, ánh sáng tự nhiên len lỏi qua những khe nhỏ trên vòm hang chiếu rọi có thể nhìn thấy thạch nhũ với màu sắc, hình thù tuyệt đẹp.
Trời nắng, ánh sáng mặt trời chiếu rọi xuyên qua cửa hàng trên đỉnh núi Trầm.
Ngôi chùa nhỏ nhưng khuôn viên chùa rất rộng lớn. Từ sân chùa có thể tìm thấy đường lên đỉnh núi Trầm. Điều đặc biệt ở khuôn viên chùa có rất nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát, bao trùm di tích cổ kính.
Áng ngữ trước cổng đường lên Tam bảo là hai con vật có hình thù sư tử được hình thành từ những tảng đá tự nhiên rất độc đáo.
Để hoàn thiện được khối đá tự nhiên giống hình con sư tử, người dân địa phương đã thêm nhiều chi tiết mới.
Núi Trầm tuy không cao nhưng lại có địa hình rất đẹp, nhiều hang, ngách và những tảng đá hình thù sinh động. Khi đã lên tới đỉnh, mọi người có thể thả hồn vào không gian thiên nhiên tươi mát, lắng nghe tiếng gió vi vu, tận mắt ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh đồng ruộng, xóm làng yên bình. Hang Trầm còn được biết đến với một sự kiện lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp: Ngày 19-12-1946, cuộc Kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, thì một ngày sau, ngày 20-12-1946, tại đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chùa Trầm đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm 4 lần.
Trọng Trinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét