Khi tìm hiểu lịch sử các ngôi chùa, phần người sáng lập thường là các vị tu sĩ, có đôi khi đó là những nhà quyền thế có tâm bồ đề tự bỏ tiền của ra xây chùa để tu tập tại gia rồi sau đó mời thầy về trụ trì, nhưng cũng có không ít trường hợp phần người sáng lập ghi là dân làng, đó là những trường hợp người dân trong làng tự quyên góp tiền của lại xây chùa để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của mình. Trong nhiều trường hợp, nhất là trường hợp do dân làng xây dựng lên, thì phát xuất ban đầu là do trẻ mục đồng.
Những ngôi chùa có liên quan đến mục đồng như vậy ở nước ta - nhứt là ở miền Nam - có rất nhiều, trong đó nhiều ngôi ngoài tên chính thức còn được người dân gọi tên là chùa Mục Đồng luôn. Truyền thuyết chung về tên gọi Mục Đồng của các ngôi chùa này là: Trẻ chăn trâu dùng đất sét nặn tượng Phật, rồi lập am để thờ. Nhờ Phật ấn chứng tâm thành thuần khiết của chúng, cho nên một số am, chùa mục đồng đơn sơ với các tượng Phật đất sét hồn nhiên sau này đã trở thành những ngôi chùa khang trang rộng lớn. Bổ sung cho truyền thuyết này còn có lời kể sau: Mục đồng nặn tượng Phật rồi thả xuống nước (sông, rạch), tượng nào nổi tức là linh thiêng sẽ được mang lên thờ. Các am, chùa ấy thường có tên là chùa Phật nổi...Tui thử rà soát sơ sơ ở Biên Hòa thôi thì đã thấy có tới 6 ngôi chùa có liên quan đến mục đồng như vậy, xin lần lượt kể ra như sau (các thông tin được trích từ sách Những ngôi chùa Đồng Nai do Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai chủ trương biên soạn, phát hành năm 2002; ảnh từ nhiều nguồn có ghi chú xuất xứ):
1. Chùa Phước Hội ở Cù lao Phố:
Tương truyền: chùa do nhóm mục đồng (trẻ chăn trâu) dựng lên vào năm 1862, ban đầu chỉ là một am nhỏ, lợp lá. Năm 1890, Hòa thượng Thiện Sanh về trụ trì tại chùa đã cho trùng tu mở rộng ngôi chùa: mái lợp ngói âm dương, cột cây, vách gỗ.
Chùa Phước Hội. Ảnh: Phatgiaobienhoa.com
2. Chùa Bửu Linh ở Chợ Đồn
Chùa Bửu Linh tọa lạc tại K1/57, ấp Tân Mỹ, phường Bửu Hòa, Tp.Biên Hòa
Chùa Bửu Linh còn có tên gọi dân gian khác là Chùa Mục Đồng. Tương truyền khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX: khu vực chùa lúc đó là đồng cỏ rộng lớn, không có nhà ở nằm gần bờ sông Đồng Nai. Đám trẻ chăn trâu lúc bấy giờ thường chọn nơi này làm chỗ vui chơi, chúng lấy đất sét nặn nhiều loại tượng Phật... thả xuống sông và bảo nhau nếu tượng nào nổi thì đem về thờ dưới gốc cây lớn nơi chúng thường tụ tập. Quả nhiên, có một tượng Phật nổi lên mặt nước, liền được vớt lên đem về thờ dưới gốc cây già... Dần dần bà con trong vùng đã lợp một mái lá che cho tượng Phật và sớm tối đến thắp nhang. Khoảng năm 1935, chùa được hình thành với vách bằng cây lá, mái lợp ngói. Từ đó mọi người đều gọi tên là chùa Mục Đồng để gợi nhớ xuất xứ ngôi chùa từ thú vui của đám trẻ chăn trâu năm xưa.
3. Chùa Phước Long ở Cù lao Phố:
Chùa Phước Long. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Nguyên thủy, chùa chỉ là một lều rơm thờ nhiều tượng Phật nhỏ bằng đất sét do nhóm mục đồng nặn. Năm 1942, chùa bị dột nát, ông Đào Văn Nuôi đã vận động Phật tử ở địa phương trùng tu, mở rộng ngôi chùa: vách bằng gỗ, nền xi măng, mái lợp ngói âm dương.
4. Chùa Thanh Long ở phường Trung Dũng:
Chùa Thanh Long. Ảnh: Phatgiaobienhoa.com
5. Chùa Long Phú ở Long Bình Tân:
Chùa Long Phú. Ảnh: Sách Những ngôi chùa Đồng Nai
Theo các bô lão ở địa phương cho biết: nguyên thủy chùa Long Phú do trẻ mục đồng tạo dựng trước năm 1905 bằng vật liệu nhẹ (cột, kèo cây, vách, mái bằng lá dừa nước) trên gò đất cao ở ấp Long Phú để có nơi nặn tượng Phật, nên nhân dân địa phương lấy tên ấp đặt tên cho chùa.
6. Hiển Lâm Sơn Tự ở Hóa An:
Am chư vị và bộ tượng gỗ đặt ở am. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Bộ tượng gỗ "mục đồng" với 66 tượng gồm: ông ba mặt, ông ba sừng, ông hai sừng, ông một sừng và các tượng âm nhơn khác. Tượng được tạo hình bằng phương pháp chặt mảng lớn đôi khi dừng lại ở mức tạo dáng phác thảo, tượng mới chỉ là phôi tỉ lệ tượng lùn, tất cả được sơn vẽ và có quần áo. Trong am chư vị, các tượng được bài trí gồm: tượng ông ba đầu sáu tay đứng giữa là thống lĩnh của các vị âm binh, âm tướng ở đây. Các tượng ông ba mặt, ông ba sừng, ông hai sừng và các vị âm nhơn khác đặt trên giá gỗ nằm ở hai bên tả hữu. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Đại Phúc (sách Tượng Mục đồng, Nxb Văn hóa, 1996, Tr. 89) nhận xét: "Nét đặc sắc của sưu tập tượng gỗ ở chùa Hiển Lâm Sơn là tính chất phi thường mà chủ tâm của người tạo tác nhằm vượt ra khỏi hiện thực, vượt lên trên hình ảnh của giới dương trần coi sự quái dị phi thực là yêu cầu chính của việc tạo hình lập dáng, của việc sơn vẽ điểm trang râu tóc". “Khác với một số bộ tượng ở các nơi khác, tượng âm binh, âm tướng ở đây dường như không chịu ảnh hưởng của mặt tuồng mà có chút ít gần với tượng nhà mồ Tây Nguyên, tượng thần của vùng Mã Lai đa đảo".
Ở đây chỉ là thống kê sơ bộ riêng tại Biên Hòa, nếu xét trên phạm vi tỉnh Đồng Nai hay cả nước chắc chắn còn nhiều lắm. Khi nào có điều kiện tui sẽ tìm hiểu thêm nghen.
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét