Chùa Kiri Buppharam ở cách xa Thành phố Hồ Chí Minh 45 km, tọa lạc tại phường Phú Bình, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Từ năm 2007, chùa Kiri Buppharam còn có tên gọi là Hoa Sơn Tự.
Bắt đầu xây dựng từ năm 1968 bởi đóng góp rất lớn từ cộng đồng người Khmer có quê quán từ Đồng bằng sông Cửu Long di cư đến sinh sống quanh vùng.
Từ khi được xây dựng vào năm 1968, chùa Kiri Buppharam vẫn mang đậm dấu ấn của Hòa thượng Thạch Phan, của các thành viên Ban Quản tự và đặc biệt, sự đóng góp công quả của hàng ngàn lượt người đến từ cộng đồng người Khmer di cư đến đất Đông Nam Bộ nói chung, đất Long Khánh, tỉnh Đồng Nai nói riêng.
Chùa ban đầu được xây dựng với vật liệu chủ yếu là gỗ, tôn và gạch. Ngoài chánh điện và sala tenne, trong khuôn viên chùa có phòng để sư ở và sinh hoạt. Từ sau ngày Hòa thượng trụ trì Thạch Phan viên tịch, trong chiến tranh, Phật tử đến chùa ngày cũng thưa dần, tất cả công trình đều trong tình trạng xuống cấp.
Từ sau năm 1975 đến 1995, tuy đất nước đã thống nhất và hòa bình nhưng cư dân Khmer cũng phân tán khôi phục đời sống kinh tế trong bối cảnh xã hội mới. Giai đoạn này, Phật tử gần xa biết đến chùa cũng thăm viếng thắp nhang, nhưng cũng được coi là giai đoạn vắng người thăm viếng cổng chùa. Theo đó, các hoạt động tại chùa lúc bấy giờ tiếp tục bị gián đoạn.
Vào đầu những năm 1980, sư Kim Sang, quê quán từ Sóc Trăng lên ở lại chùa một thời gian, thực hiện một số lễ cúng và muốn sửa sang xây dựng lại chùa. Tuy nhiên, do thủ tục pháp lý và việc tổ chức sửa sang, xây dựng lại công trình trong chùa không thành, sư Kim Sang không ở lại được lâu, mà đã ra đi.
Đáng chú ý, từ năm 1985 đến 1995, chùa Kiri Buppharam đã trở nên hoang vắng hơn, không có các sư tu học và cúng lễ. Lúc này, chỉ có một số Phật tử và ít thành viên trong Ban Quản tự thăm viếng không thường xuyên để thắp nhang, quét dọn.
Từ năm 1995 đến năm 2007, việc đi lại, làm ăn, di cư của cộng đồng cư dân Phật tử người Khmer vùng sông nước Cửu Long trở lại Long Khánh ngày càng đông hơn, thường xuyên hơn. Các sư trẻ tuổi từ các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng đi tu học các khóa vào mùa hạ cũng nhiều hơn. Theo đó, vào ba tháng hạ, chùa Kiri Buppharam cũng thường có từ 3 – 4 sư đến từ Trà Vinh và ở lại chùa tu tập. Cư dân quanh vùng, ở trong và ngoài Long Khánh đến viếng cúng chùa ngày càng đông hơn. Tuy chùa không được xây dựng, sửa sang, các công trình đã cũ, nhưng có Phật tử, có các sư qua lại, ngôi chùa như đã được hồi sinh.
Vào năm 2007, tại chùa Kiri Buppharam tuy vẫn chưa có sư trụ trì nhưng các Phật tử đến có tổ chức lễ và đi thỉnh các sư từ Thành phố Hồ Chí Minh và Trà Vinh lên dự. Lúc này, Hòa thượng Danh Lung phát biểu rằng, chùa hiện nay chưa có sư trông coi, trụ trì và cũng đã yêu cầu với sư Thạch Sa Huynh lên để giúp chùa. Lúc bây giờ, sư Thạch Sa Huynh, quê quán Trà Vinh, đang theo học đại học năm thứ hai tại Trường Đại học Trà Vinh, nên vào mùa hè mới lên chùa được. Ban đầu, dự định đến ba tháng rồi sẽ về học tiếp, nhưng khi lên chùa rồi việc xin phép, tu sửa lại chùa cũng như việc tổ chức cúng lễ ở chùa ngày càng bận rộn nên sư Thạch Sa Huynh quyết định gắn bó lo cho chùa Kiri Buppharam từ đó đến nay.
Từ khi có sư Thạch Sa Huynh về phụ trách và trụ trì, các thủ tục pháp lý về đất đai, về các công trình xây dựng dần được hợp thức và hoàn thiện. Chùa Kiri Buppharam như được hồi sinh để phát triển sang một giai đoạn mới, rất ấm cúng, uy nghi. Chùa Kiri Buppharam từ đó cũng trở lại vị trí trung tâm của đời sống tâm linh đối với nhiều Phật tử, đặc biệt là các công nhân, các hộ gia đình người Khmer đến làm ăn, sinh sống tại vùng Đông Nam Bộ hiện nay.
Ngoài việc tổ chức xây dựng chánh điện, tăng xá, giảng đường, tháp cốt, các tiểu cảnh, khu nhà sinh hoạt, v.v… để sớm hoàn thiện không gian kiến trúc của chùa, sư trụ trì Thạch Sa Huynh đang viết tiếp những trang mới trong hoạt động giáo dục, từ thiện được tổ chức tại chùa. Những hoạt động này sẽ diễn ra khi chùa được xây dựng xong các công trình tăng xá và giảng đường, để giúp các Phật tử, đặc biệt là con em của những gia đình công nhân trẻ người Khmer đang di cư làm ăn trên đất Long Khánh có nơi để học tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Từ năm 2007 đến nay, với sự trụ trì của sư Thạch Sa Huynh, ở chùa Kiri Buppharam đã diễn ra đều đặn các lễ, tết cúng Phật hằng năm như lễ dâng y Kathina (15/9 – 15/10 âm lịch), lễ nhập hạ (15/6 âm lịch), lễ Phật đản – Visakha Puja (15/4 âm lịch), lễ ra hạ (15/9 âm lịch)…
Trong các lễ này, có lễ dâng y Kathina được tổ chức và kết nối với quý sư, quý Phật tử gần xa trong và ngoài cộng đồng đến chùa Kiri Buppharam rất đông. Vào dịp này, số lượng thiệp mời phát ra hơn 500 thiệp, số người đến dâng cúng có gần 1.000 Phật tử. Phật tử người Khmer vẫn là chủ yếu, họ đến từ những địa phương khác nhau như Trảng Bom, Biên Hòa, Bình Dương, Long Thành, v.v…
Ngoài ra, tại chùa còn thực hiện các lễ truyền thống theo phong tục của người Khmer như Tết Chol Chnam Thmay (14 – 16/4 dương lịch), lễ Đôn Ta báo hiếu (30/8 âm lịch), lễ cúng trăng – Ok Om Bok (15/10 âm lịch)… Trong các lễ Tết theo phong tục văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer được tổ chức tại chùa, cả ba lễ này đều có đông Phật tử xa gần, đặc biệt là cộng đồng công nhân di cư đến thăm viếng, cúng và sinh hoạt rất đông. Trung bình tại các lễ này, mỗi lễ có khoảng 300 Phật tử tham dự với gần 10 vị sư được thỉnh mời từ các địa phương khác đến tham gia cầu nguyện.
Có thể nói, cùng với quá trình xây dựng các công trình, các lễ Tết được tổ chức tại chùa thường xuyên, hằng năm, theo đó, chùa Kiri Buppharam như được hồi sinh phát triển. Cộng đồng cư dân Phật tử, đặc biệt là các Phật tử di cư đang sống và làm việc ở vùng đất Đông Nam Bộ như đã thỏa nguyện ước mong với sự sống lại của ngôi chùa.
2. Kiến trúc của chùa Kiri Buppharam
Từ vai trò tổ chức của sư Trụ trì chùa, sư Thạch Sa Huynh đã cùng các thành viên Ban Quản tự và Phật tử gần xa công đức, công của cùng chung ý hướng xây dựng lại ngôi chùa Kiri Buppharam vốn từng bị gián đoạn, xuống cấp qua nhiều năm.
Dấu ấn kiến trúc của chùa Kiri Buppharam được bố trí hợp lý để có được sự hài hòa, trang trọng, thiết kế mang dấu ấn ý tưởng của sư trụ trì. Tại thời điểm thực hiện nghiên cứu này, các công trình đang trong giai đoạn xây dựng chưa hoàn thiện, nhưng qua lời miêu tả và ý nguyện xây dựng của sư trụ trì, đặc điểm kiến trúc cổ mang bản sắc văn hóa thường thể hiện trong những ngôi chùa của dân tộc Khmer cũng được hiển thị rõ.
Từ sau năm 2007, với diện tích đất được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rộng 2.417 m², các công trình được thiết kế trên ý tưởng của sư Trụ trì Thạch Sa Huynh và các bản vẽ của kiến trúc sư quê ở Trà Vinh dần được thực hiện.
Chánh điện là công trình quan trọng đầu tiên được chuẩn bị để xây dựng lại chùa do sư Trụ trì Thạch Sa Huynh thực hiện nhằm thay thế chánh điện cũ vốn rất nhỏ và đã xuống cấp do được xây dựng từ năm 1968.
Qua ý tưởng thiết kế và lựa chọn hoa văn, màu sắc của mình, sư Trụ trì Thạch Sa Huynh mong ngôi chùa Khmer tọa lạc trên vùng đất của thành phố Long Khánh mang dáng vẻ kiến trúc cổ đặc trưng và không làm sai lệch hay mất đi bản sắc văn hóa của chùa Khmer nói chung ở vùng đất Nam Bộ xưa.
Tổng diện tích của chánh điện rộng 160 m² (10 m x 16 m). Khung sườn được kết cấu chủ yếu bằng khung sắt, cột, tường mái bằng bê tông có trang trí hoa văn và màu sắc rất cổ kính, uy nghi. Màu sắc trang trí giả đồng để tạo nên nét cổ xưa của ngôi chùa. Hoa văn chủ yếu được sử dụng để trang trí là hình dáng của các loài hoa.
Theo ý của sư trụ trì thì đến khoảng năm 2030, chùa sẽ phát tâm xây dựng lại chánh điện mới, cao hơn, rộng hơn chánh điện hiện nay. Dự kiến sẽ xây hai tầng và tháp, cao hơn tháp sala tenne hiện nay, hơn 25 m.
Đây là công trình được khởi công cũng từ năm 2016, cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Diện tích tháp cốt rộng 80 m², chiều cao 16 m. Kết cấu được chia làm ba tầng, tầng trên thờ xá lợi Phật, tầng 2 thờ tro cốt các sư có công và tu tập tại chùa, tầng 1, rộng nhất, nơi cốt của các Phật tử gởi.
Dự kiến khi xây dựng xong, tháp cốt sẽ là nơi để của 500 tro cốt của các Phật tử sau khi qua đời, không phân biệt là người dân tộc Khmer, Hoa hay Kinh, v.v…
Tuy chưa được xây dựng xong, nhưng hiện tại chùa đã có lưu giữ tại khu đền thờ linh cất tạm khoảng 100 tro cốt và tro cốt của Hòa thượng Thạch Phan.
Hơn thế, trong cộng đồng người Khmer và các dân tộc khác ở thành phố Long Khánh nói riêng, tỉnh Đồng Nai nói chung, sau khi chết, số lượng Phật tử có nhu cầu được thiêu và gửi tro cốt tại chùa càng nhiều trong những năm gần đây. Trong phạm vi điều kiện vật chất và không gian của chùa, sư trụ trì mong đợi tháp cốt sẽ sớm được xây xong trong năm 2020 để đáp ứng nhu cầu của quý Phật tử xa gần.
Tăng xá và sala tenne là công trình lớn nhất được thiết kế và xin chính quyền cấp phép xây dựng từ năm 2007 đến nay. Hai công trình này xây dựng sát nhau tạo nên một kết cấu kiến trúc to lớn hết sức độc đáo.
Tăng xá được thiết kế một trệt, một tầng lầu và tháp. Tầng trệt có diện tích 100 m², mái được thiết kế kiểu ngọn tháp, và toàn bộ khu này có chiều cao 17 m.
Tăng xá đã được khởi công xây dựng cùng với sala tenne hơn 10 năm, và đến nay đang trong giai đoạn hoàn thành phần thô.
Khi công trình hoàn thành, đây sẽ là nơi ở sinh hoạt và tu tập cho sư trụ trì và các sư từ phương xa đến tu tập theo mùa.
* Sala tenne
Nằm liền kề với tăng xá, sala tenne được thiết kế xây dựng một trệt, một lầu và tháp. Tuy nhiên, sala tenne có diện tích lớn hơn, 170 m². Tổng chiều cao của ngôi sala tenne cao 25 m.
Nằm liền kề với tăng xá, sala tenne được thiết kế xây dựng một trệt, một lầu và tháp. Tuy nhiên, sala tenne có diện tích lớn hơn, 170 m². Tổng chiều cao của ngôi sala tenne cao 25 m.
Sau khi hoàn thành, đây sẽ là ngôi chùa mang dáng vẻ kiến trúc độc đáo, cổ xưa, khác với màu sắc và hoa văn trang trí của nhiều ngôi chùa Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường thấy.
Sư trụ trì chùa mong muốn công trình xây dựng xong sớm, nhưng quá trình xây dựng hai công trình này dự kiến kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Do vật liệu xây dựng tăng giá lên nhiều, mà số tiền có được từ những đóng góp công đức của Phật tử mỗi năm có giới hạn. Do đó, công trình này dự kiến 3 – 5 năm nữa mới hoàn thiện.
Tuy vậy, bàn thờ Phật và việc tổ chức các lễ cúng cũng được diễn ra từ vài năm nay. Cũng như bao ngôi chùa Khmer khác, quá trình xây dựng các công trình này sẽ kéo dài, bởi nguồn kinh phí chủ yếu có được từ công đức của quý Phật tử xa gần.
Sala tenne khi hoàn thiện sẽ là nơi thuyết giảng đạo pháp, là nơi tổ chức các khóa tu học, nơi để các sư ở chùa có điều kiện mở các lớp dạy tiếng và chữ viết Khmer cho các con em Phật tử trong cộng đồng, gia đình không có điều kiện học hành, tu tập.
3. Chùa Kiri Buppharam với cộng đồng Phật tử
Như đã giới thiệu, trước những năm 1960, người Khmer đến Long Khánh sống thành phum/sóc có đến hàng chục hộ. Có những gia đình quê quán ở Trà Vinh, có những hộ đến từ Sóc Trăng, Kiên Giang và An Giang. Từ sau năm 1968 đến nay, tuy cộng đồng Phật tử có những biến động lớn về dân cư, họ trở về quê hương hoặc tìm vùng đất mới để sinh sống đã diễn ra với quy mô lớn. Quá trình tập trung dân cư trong vùng tuy không thành phum/sóc như xưa, nhưng số lượng dân cư là người Khmer trong vùng đang tăng lên. Tính đến thời điểm năm 2007, theo thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, riêng thành phố Long Khánh, người Khmer tập trung sống ở phường Phú Bình, phường Xuân Tân, có khoảng 60 hộ, nhân khẩu hiện nay (năm 2020) có khoảng 500 người.
Đáng chú ý, tại các khu công nghiệp ở Biên Hòa, Bình Dương, Long Thành, số lượng công nhân di cư là các Phật tử người Khmer đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng lên hàng chục ngàn người.
Như vậy, trong sự hồi sinh và phát triển của chùa Kiri Buppharam kể từ năm 2007 đến nay đã ngày càng đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh, văn hóa của cộng đồng Phật tử Khmer, đặc biệt là những công nhân di cư đang sinh sống tại vùng đất Long Khánh nói riêng, Đông Nam Bộ nói chung.
Khi đến chùa, sư Trụ trì Thạch Sa Huynh đã nhanh chóng kết nối cộng đồng Phật tử để đón nhận những đóng góp công đức, công quả nhằm xây cất lại các công trình của chùa cho phù hợp với nhu cầu tu tập, nghi lễ trong bối cảnh mới.
Ban Quản tự chùa Kiri Buppharam được thành lập gồm 30 thành viên là các Phật tử. Tổ chức được xác lập chặt chẽ hơn để truyền thông, kết nối công việc, sự kiện diễn ra tại chùa với cộng đồng Phật tử xa gần.
Ban Quản tự chùa có vai trò rất lớn trong việc kết nối các hộ gia đình Phật tử sống tại Suối Cát, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Thống Nhất và ở thành phố Long Khánh tham gia các lễ tại chùa. Từ hơn 10 năm nay, Ban Quản tự chùa lo giúp nhiều sự kiện diễn ra tại chùa. Sư trụ trì đóng vai trò hướng dẫn và thực hiện các lễ cúng, cầu nguyện là chính. Các công việc mang tính tổ chức, kết nối với cộng đồng Phật tử đều do Ban Quản trị (có khoảng 10 Phật tử trong Ban Quản trị 30 người đảm nhiệm công việc thường xuyên) tổ chức và kết nối.
Cũng từ hơn 10 năm qua, nhiều sư ở các chùa vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến chùa tu tập theo khóa, theo mùa cũng ngày càng đông hơn, mỗi lượt có 3 – 4 sư. Theo đó, mối quan hệ giữa chùa Kiri Buppharam với các Phật tử xa gần ngày càng mở rộng.
Đáng chú ý, kể từ khi chùa có sư trụ trì, Ban Hộ tự được tổ chức trong cộng đồng công nhân di cư ở các khu công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ. Theo đó, số lượng Phật tử là công nhân người Khmer di cư đến từ các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang đến chùa càng đông vào các dịp lễ tết cổ truyền của đồng bào Khmer.
Ban Hộ tự: Trong cộng đồng công nhân hiện nay có 5 ban, phân bố tại Biên Hòa, Bình Dương (Thủ Dầu Một), Long Thành, Gia Kiệm. Thông qua Ban Hộ tự, công tác truyền thông, kết nối, các Phật tử công đức, công quả và viếng thăm chùa được thuận lợi và ngày càng đông hơn.
Từ công tác tổ chức kết nối thông qua Ban Quản tự và Ban Hộ tự, chùa Kiri Buppharam trong hơn 10 năm qua đã thường xuyên đón nhận hàng ngàn lượt Phật tử đến với chùa cúng viếng Phật mỗi năm. Số tiền cúng dường của các Phật tử gần xa và trong những cộng đồng dân cư Khmer xa gần ở Long Khánh đã tạo cơ sở, điều kiện để chùa xây dựng các công trình, chi phí ăn uống cho các sư.
Theo lời sư Trụ trì Thạch Sa Huynh, ước muốn của cộng đồng Phật tử là các công trình trong khuôn viên chùa Kiri Buppharam sớm được hoàn thành. Nếu tài chính có được, chùa sẽ sớm xây dựng lại ngôi chánh điện cao lớn hơn để thực hiện lễ Kiết giới sây ma.
Khi các công trình tăng xá và sala tenne hoàn thiện, chùa sẽ còn là điểm đến tu học của các sư gần xa. Hơn nữa, con em Phật tử, đặc biệt của công nhân di cư sống xa cộng đồng Khmer từ các vùng quê đến sẽ có cơ hội học tiếng và chữ viết Khmer. Qua đó, người Khmer có cơ hội tu tập, học giáo lý Phật giáo để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer trên vùng đất Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, thuộc vùng Đông Nam Bộ đang trong quá trình hiện đại hóa.
Trích sách Những ngôi chùa PHẬT GIÁO NAM TÔNG của người Khmer ở Đông Nam Bộ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét