13 tháng 10, 2022

Chùa Pothiwong

Chùa Pothiwong

1. Lược sử ngôi chùa

Chùa Pothiwong còn có tên khác là Boddhivansa tọa lạc tại số 21/2, đường Bùi Thế Mỹ, phường 10, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được Hòa thượng Thạch Âm thành lập vào năm 1960 trên mảnh đất có diện tích 470 m². Tuy nhiên, diện tích hiện nay của chùa chỉ còn khoảng 120 m². Do quá trình đô thị hóa, phần đất phía sau chùa được sử dụng làm đường giao thông. Khi mới thành lập, chùa có tên là Onteskosey. Năm 1975, Hòa thượng Thạch Âm ra nước ngoài định cư, chùa không còn chư tăng Khmer quản lý nên khuôn viên chùa đã bị chiếm dụng làm chỗ chôn người chết. Một thời gian sau năm 1975, chùa được Hòa thượng Giới Nghiêm thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh đã đến coi sóc nên ngôi Tam bảo vẫn còn giữ gìn cho đến ngày nay. Năm 1993, Phật tử đã thỉnh Hòa thượng Lâm Ym về làm trụ trì và đặt tên lại cho ngôi tự viện là Pothiwong dưới sự chứng minh của Hòa thượng Giới Nghiêm. Năm 2000, Hòa thượng Lâm Ym viên tịch, chùa được Đại đức Danh Giảng tiếp quản tạm thời. Năm 2001, lãnh đạo hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer đã đề nghị Giáo hội tấn phong Đại đức Tăng Ngọc An làm trụ trì cho đến nay.


Từ năm 2001, chùa đã trùng tu và xây dựng lại một số công trình kiến trúc gồm cổng chùa, nhà tăng xá, nhà cốt, chánh điện, đắp tượng Phật, chư thiên, linh vật và trang trí hoa văn cho toàn bộ ngôi chùa. Với tổng kinh phí đầu tư hơn 18 tỷ đồng do chư tăng và Phật tử các nơi phát tâm ủng hộ. Chùa Pothivong làm lễ Kiết giới sây ma (lễ khánh thành) vào ngày 21 tháng 02 năm 2018 và chính thức trở thành ngôi chùa Khmer thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh.


2. Kiến trúc ngôi chùa

Về mặt kiến trúc, chùa Pothivong vẫn tuân thủ những nguyên tắc truyền thống của chùa Khmer Nam Bộ. Tuy nhiên do diện tích mặt bằng nhỏ hẹp ở đô thị, nhà chùa không thể xây rời từng công trình kiến trúc khác nhau như các chùa Khmer ở Tây Nam Bộ. Kiến trúc chùa hiện nay chia làm hai tầng, nhà tăng xá, nhà bếp, thư viện ở tầng một, còn chánh điện, gian thờ các vị Hòa thượng đã viên tịch, phòng thờ di cốt của người quá cố nằm ở tầng hai. Tuy nhiên, chánh điện được xây theo quy chuẩn của chùa Khmer với diện tích hình chữ nhật, mặt tiền thiết kế hai cửa chính đi vào và đi ra, mặt sau chánh điện thiết kế một bàn thờ Phật tựa lưng vào vách tường vẽ hình Phật cảnh. Kiến trúc của chánh điện được thiết kế theo phong cách mái ba tầng từ thấp lên cao, trung tâm là một tòa bảo tháp năm tầng tượng trưng cho ngọn Phật sơn Tudi và trên đỉnh là một cây phướn biểu trưng cho sự vĩnh hằng của ngôi Tam bảo. Mái chùa trang trí tượng rắn thần Naga (rồng Niek) nằm trải từ cao xuống thấp, bên dưới mái chùa trang trí những hàng dài tượng Cày-no và chim thần Kruk giơ tay đỡ lấy mái chùa. Những hàng cột, hàng rào và bờ tường phía trước đều được trang trí các mảng hoa văn đắp nổi, chủ đề lấy từ cốt chuyện Riem-ke của người Khmer xen lẫn vào đó là những hoa văn linh vật, hoa lá, dây leo uốn lượn mà người Khmer quen gọi là hoa văn Angkor. Có thể nói kiến trúc và hoa văn trang trí của chùa Pothivong hiện nay có nét gần gũi với các chùa Khmer ở tỉnh Sóc Trăng.


Về tượng Phật và các loại tượng thờ khác, tiêu điểm của chùa Pothivong là một pho tượng Phật ngự trên mình rắn thần Naga (hay còn gọi là rồng Niek) được thiết kế ngay trước mặt tiền của chùa để Phật tử đến viếng chùa dễ dàng chiêm bái. Kiểu tượng này rất phổ biến trong các ngôi chùa Phật giáo Nam tông ở Thái Lan, Lào và Campuchia nhưng đối với các hệ phái Phật giáo ở Việt Nam, việc thiết lập tượng Phật như vậy là một đặc điểm xác lập danh tính của một ngôi chùa Khmer thuộc hệ phái Nam tông. Trung tâm chánh điện chùa Pothivong tôn trí một pho tượng Đại Phật Thích Ca ngự trên ngai sư tử, xung quanh có nhiều tượng Phật nhỏ bài trí theo kiểu bàn thờ ba tầng. Hai bàn thờ Phật xếp đặt những bàn thờ nhỏ hơn như tượng Hoàng hậu Maya (thân mẫu của Đức Phật), thánh tăng Sivali (Siêu Lý) và tượng Hòa thượng Lâm Ym. Phía trước chánh điện có ngôi miếu nhỏ thờ thần Preak Rum (Đại Phạm Thiên) được tạo tác theo phong cách Thái Lan.

3. Chùa trong đời sống cộng đồng cư dân

Do chùa Pothivong nằm tại một thành phố, đa phần cư dân sống xung quanh chùa là người Việt nên số lượng Phật tử người đến chùa chiêm bái và tìm hiểu về đường lối tu tập của hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer rất đông. Trong quá trình xây dựng chùa, có rất nhiều Phật tử người Việt phát cúng dường để hoàn thành những phần kiến trúc khác nhau mà danh tính của họ vẫn còn được lưu tại nhiều mảng kiến trúc khác nhau của ngôi chùa bên cạnh tên tuổi của những người Khmer. Vì vậy, nhà chùa cũng cho phép những Phật tử người Việt thuê thợ người Việt tạo tác một số mảng trang trí mà họ đóng góp. Điều này tạo nên một phong cách điêu khắc và trang trí xen lẫn Khmer – Việt tại chùa Pothivong. Cụ thể như pho tượng Đại Phật Thích Ca đặt giữa chánh điện mang phong cách của tượng Phật người Việt Nam Bộ nhưng ngồi trên ngai theo phong cách Khmer. Các mảng trang trí mô tả “chuyện Phật” thể hiện xung quanh vách tường của chánh điện được đắp nổi tương tự như các chùa Phật giáo Bắc tông ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, thay vì dùng tranh vẽ tường như truyền thống của các chùa Khmer Nam Bộ. Các khung cửa sổ nằm trên mặt tiền của ngôi chùa trang trí hình tượng rồng, phụng và rồng phụng chầu chữ Vạn.


Hoạt động của chùa Pothivong: hiện tại chùa có khoảng 20 vị sư từ miền Tây và miền Đông Nam Bộ đến lưu trú tạm thời, do đi học tại các trường đại học trong thành phố hoặc tu học. Ngoài các ngày lễ lớn hàng năm, mỗi tháng hai lần chùa Pothivong còn tổ chức lễ đặt bát cúng dường Tam bảo vào ngày 15 và 30 âm lịch. Trước khi diễn ra các sự kiện, nhà chùa làm thông báo, thiết kế thiệp mời song ngữ (Khmer – Việt) gửi đến các gia đình Phật tử của chùa và cộng đồng Phật tử sinh hoạt tại các chùa Bắc tông và Nam tông trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, chùa Pothivong đã sử dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối với cộng đồng rất hiệu quả. Hàng năm, chùa duy trì được một số lượng lớn Phật tử là kiều bào (Khmer – Việt – Hoa) sinh sống ở nước ngoài trở về viếng chùa, đảnh lễ Đức Phật và thỉnh an chư tăng.

Sau ngày lễ Kiết giới sây ma, chùa Pothivong chính thức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận là một ngôi tự viện Khmer đủ thẩm quyền giới luật làm tăng sử lên tỳ kheo. Vào lúc 9 giờ 30 chủ nhật, ngày 30 ngày 6 năm 2019 (nhằm 28/5/2019 âm lịch) chùa Pothivong đã tổ chức lễ xuất gia tỳ kheo đầu tiên cho bốn vị sư Khmer. Sư cả Trụ trì Tăng Ngọc An đã thỉnh Hòa thượng Hữu Hin làm thầy tế độ cho bốn vị tỳ kheo mới. Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của chùa Pothivong.

Trích sách Những ngôi chùa PHẬT GIÁO NAM TÔNG của người Khmer ở Đông Nam Bộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét