18 tháng 12, 2024

Chùa Phước Lâm

Chùa Phước Lâm, một thời vang bóng

Phần 1

Phật tử, tăng ni có đến cả mấy trăm, thậm chí đến cả ngàn như chùa Hiệp Long, hoặc tịnh xá Ngọc Thạnh… Vậy mà đến chùa Phước Lâm đúng ngày lễ Vu lan, chỉ có vài chục người, cả tăng ni và phật tử.

Cái tiêu đề này được nảy ra từ mùa Đại lễ Vu lan năm Giáp Thìn- 2024. Đấy là sau khi xem lễ ở một số ngôi chùa trong TP. Tây Ninh. Từ các chùa và tịnh xá lớn như Hiệp Long, Linh Quang… hay Ngọc Thạnh cho tới các ngôi nhỏ hơn như Ông Cọp và Tứ Phước thì tất cả đều diễn ra không khí lễ hội thật tưng bừng.

Phật tử, tăng ni có đến cả mấy trăm, thậm chí đến cả ngàn như chùa Hiệp Long, hoặc tịnh xá Ngọc Thạnh… Vậy mà đến chùa Phước Lâm đúng ngày lễ Vu lan, chỉ có vài chục người, cả tăng ni và phật tử. Hỏi về lý do, một phật tử trả lời:- Thì họ đổ xô lên núi cả!

Lễ Vu lan chùa Phước Lâm.

Vâng, quả có thế. Bây giờ không chỉ Vu lan, mà các lễ hội Phật giáo hoặc lễ vía Bà người ta đều lên núi Bà Đen. Nơi ấy đã có cáp treo xuyên mây lên tận đỉnh núi để thấy đất trời bao la, bát ngát. Lại có biết bao màu sắc cỏ hoa, hay các phần hội tưng bừng. Nào chiêm bái các thắng cảnh, tượng phật hay bộ kinh luân lớn nhất Việt Nam.

Nào các tiết mục hội hè đặc sắc, trong đó không thể thiếu hội hoa đăng rực rỡ muôn phần. Ngay cả lễ vía Bà mùng 5.5 (âl) cũng thế. Không chỉ có người dân trong tỉnh, mà khách du lịch, hành hương từ các địa phương trong cả nước cũng ùn ùn kéo về núi Bà Đen. Mấy ai còn nhớ đến chùa Phước Lâm- một ngôi cổ tự có liên quan mật thiết đến núi Bà? Cho dù nơi đây vẫn còn đầy ắp những không gian thờ tự vang bóng một thời trong quá khứ chưa xa.

Hỏi tiếp sư trụ trì về ngày vía Bà, Thượng toạ thích Niệm Lực nhỏ nhẹ trả lời: Ngay ngày lễ vía Bà cũng không còn ai tới nữa. Vậy nên cũng chỉ tổ chức cúng Bà nội bộ chùa mà thôi!

Năm 2005, chùa đã được UBND tỉnh ban hành quyết định xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Vậy, vì sao đến nay, trong cao trào phát triển du lịch, cũng như việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hoá đang được chú trọng mà chùa lại trở nên “vắng vẻ đìu hiu”?

Ở vị trí “đắc địa” vào bậc nhất của TP. Tây Ninh, chùa Phước Lâm nằm bên đường Phan Châu Trinh chạy ven bờ hữu rạch Tây Ninh, chỉ cách cầu Quan khoảng 500m. Trước mặt chùa là dòng rạch chảy êm đềm. Xa hơn, là núi Bà dâng lên sẫm xanh dưới trời mây trắng. Khi mới lập vào năm 1871, chùa thuộc thôn Xuân Sơn, tổng Hoà Ninh của huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh. Sách Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ (2008) cho biết: “Ngày 12.11.1872 nhập các thôn Vĩnh Cư và Xuân Sơn thành thôn Vĩnh Xuân… Ngày 6.3.1891 giải thể Vĩnh Xuân nhập vào làng Ninh Thạnh…”. Do vậy mà chùa còn được gọi tên là chùa Vĩnh Xuân.

Cho đến năm 1972, khi Huỳnh Minh đến và đi điền dã ở Tây Ninh thì chùa đã thuộc về ấp Thái Vĩnh Đông của Thái Hiệp Thạnh- xã được coi là tỉnh lỵ của Tây Ninh. Thế nên sách Tây Ninh xưa (1973) của ông có tới 2 bài về ngôi chùa này. Theo đó, ta có thể hình dung lại phần nào cái thời vang bóng ấy. Huỳnh Minh viết: “Thời ấy người ở lục tỉnh (Nam bộ) muốn đến Tây Ninh phải di chuyển bằng ghe thuyền xuôi theo dòng Vàm Cỏ Đông (ngược dòng mới đúng- TV) vô rạch Tây Ninh và đậu ghe tại đó.

Người hành hương phải đi bộ vô núi, hoặc đi bằng các loại xe trâu, xe bò, đi cả ngày mới tới nơi. Lúc bấy giờ, tổ sư Phước Chí thấy bá tánh đến Tây Ninh, phải ở lại một đêm là cả một vấn đề trở ngại. Do đó tổ mới xuống núi, đến xã Thái Hiệp Thạnh cùng bổn đạo địa phương đứng ra xây ngôi chùa nhỏ bằng cây lá, hướng mặt ra bờ rạch Tây Ninh để hiệu là Phước Lâm tự…”.

Đoạn trích trên cho thấy, việc người Nam bộ hành hương lên núi Bà Đen đã có từ rất lâu rồi. Do vậy mới có việc sư tổ Phước Chí tu hành trên núi Bà về lập chùa, giống như một tiền trạm để “làm phước” cho dân lục tỉnh bớt sự nhọc nhằn khi lên viếng núi Bà Đen.

Gian thờ Bà

Lần theo sách Ngọn đuốc cửa thiền của Phan Thúc Duy (khoảng năm 1957), sư tổ Phước Chí còn có đạo hiệu là Thanh Thọ, là tổ đời thứ 42 của hệ phái Thiền Lâm tế Chánh tông. Hoà thượng giữ chức trụ trì ở núi Điện Bà từ năm 1871 đến 1880. Không chỉ là người chủ trì xây dựng và khánh thành chùa Phước Lâm vào ngày 8.2.1871, ông còn là người đầu tiên xây dựng Điện Bà- ngôi thờ tự Linh Sơn thánh mẫu. Đệ tử (học trò) của ông tu hành ở núi Điện có nhiều người là các bậc tu hành xuất sắc. Nổi bật là các vị Trừng Tùng, Trừng Lực, Trừng Long. Sư tổ Trừng Tùng (Chơn Thoại) sau đó kế nhiệm thầy mình, làm trụ trì các chùa núi trong 30 năm từ 1880 đến 1910. Sư tổ Trừng Lực sau trở về Trảng Bàng xây chùa Phước Lưu thành một ngôi “danh lam cổ tự”. Sư tổ Trừng Long cũng trở về Gò Dầu Hạ, xây nên chùa Thanh Lâm cũng hết sức nổi bật ở vùng này.

Không chỉ là nơi nghỉ tạm cho khách hành hương, chùa Phước Lâm còn như một kho hậu cần, dự trữ lương thực thực phẩm để cung cấp cho tăng ni, phật tử ở núi. Trong cuộc trò chuyện giữa tác giả Huỳnh Minh và Hoà thượng Trụ trì Thích Huệ Phương năm 1972, Hoà thượng còn cho biết khi tình hình chiến sự trên núi diễn ra ác liệt, các tăng ni phải rời núi, về chùa Phước Lâm lánh tạm. Có thể do vậy mà chùa Phước Lâm, sau cuộc trùng tu lớn vào năm 1971 đã trở nên rất lớn. Diện tích ngôi chùa lên tới hơn 600m2, và cho đến nay có thể vẫn là ngôi lớn nhất nhì ở Tây Ninh. Cũng do vậy mà cấu trúc chùa Phước Lâm có sự khác biệt những ngôi chùa khác. Ngoài các lớp nhà: chính điện, gian thờ Bà Linh Sơn, gian thờ tổ kiêm nhà giảng, thì vẫn còn một khối nhà phụ rất lớn phía sau, có diện tích tới hơn 300 m². Đây chính là nơi để làm các công việc hậu cần, cũng như nơi các du khách hành hương nghỉ lại.

Đặc biệt nhất là chùa có hẳn một khối nhà làm gian thờ Bà. Khối nhà này là lớp nhà thứ 2, sau gian chính điện. Về bố cục nội thất, cũng giống như trong hang Điện ở điện thờ Bà trên núi. Chỉ khác là hang đá thì nhỏ hẹp và thấp; còn ở đây là cả một phần nhà cao ráo, rộng rãi được trang trí lộng lẫy, uy nghiêm. Ở một đầu gian chính giữa là ban thờ Bà, trên đó có một ngôi điện giống với miếu thờ, trong đặt tượng Bà Linh Sơn Thánh mẫu. Đây chính là pho tượng đồng có nhiều huyền thoại đi kèm.

Xin được kể sau. Còn tiếp tục sẽ là cảnh quan nội thất. Hàng cột trước ban thờ, trước miếu đều có những hoành phi, liễn đối chữ Hán Nôm vàng trên viền đỏ. Gần 4 cột của gian thờ là 4 pho tượng của “Tứ vị sơn thần” được tạo tác kích thước lớn hơn người thật, áo mão chỉnh tề, tướng mạo uy nghi. Đây chính là nơi từng diễn ra các lễ hội Vía Bà tưng bừng những khi núi Bà chịu cảnh đạn bom ngút trời lửa khói.

Vậy mà nay, vào ngày lễ Vu lan vẫn vắng vẻ lạ thường. Trên ban thờ Bà chỉ có một bình hoa cúc vàng, cùng sơ sài vài đĩa trái cây...

Phần 2

Trong phần 1, chúng tôi đã kể việc chùa Phước Lâm đã được công nhận di tích lịch sử - văn hoá (LS-VH) cấp tỉnh vào năm 2005. Cụ thể hơn, là theo Quyết định số 245/QĐ-CT ngày 22.11.2005 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. Điều đáng ngạc nhiên là đã sắp tới kỷ niệm 20 năm được cấp bằng di tích, nhưng chùa Phước Lâm vẫn chưa một lần nào được nhận quyết định, hoặc bằng xếp hạng di tích ấy.

Chùa Phước Lâm nay.

Nhớ lại cách nay vài năm, khi nhà cổ Đốc phủ sứ ở kề bên được công nhận- cũng di tích LS-VH cấp tỉnh- thì có hẳn một buổi lễ công bố và trao bằng long trọng lắm! Lễ có cả Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cùng đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đến dự.

Vậy mà dù có bằng suốt gần 20 năm qua, chùa Phước Lâm vẫn chưa được hưởng niềm vinh dự ấy! Trách nhiệm này thuộc về ai? Xin mỗi bên tự kiểm tra, xem xét. Để quyết định pháp lý của cơ quan hành chính cao nhất tỉnh Tây Ninh được thi hành.

Cái sự nghèo, và neo ở chùa này là sự thật. Từ lâu nay, chùa chỉ có một vị sư trụ trì tuổi cao sức yếu cùng một học trò mà thôi. Chùa không còn người đến cúng bái, lễ phật thì cũng chẳng lấy đâu ra nguồn tài lực nào trợ giúp. Chỉ khi nào chùa bị xuống cấp, hư hại nhiều thì các chùa núi Bà mới thuê thợ về tu sửa giúp. Do vậy mà chùa vẫn gắng gượng giữ được cái vỏ kiến trúc. Cùng một phần hồn xưa từng vang bóng một thời.

Cái phần hồn này vẫn còn phảng phất đâu đây thôi! Không chỉ ở trong các cuốn sử sách Tây Ninh xưa, mà còn có mặt ở khắp nơi. Chỉ có điều từ lâu nay, nó vẫn âm thầm lặng lẽ, bởi không mấy người đến xem, đánh thức nó dậy sau một giấc ngủ dài trăm năm có lẻ.

Đấy là trong phần nhà phụ rộng dài vẫn còn hàng chục bộ ván kê trên ghế ngựa từng là nơi ngủ nghỉ cho hàng trăm khách hành hương đến từ các tỉnh xa. Đấy còn là vô số những vật dụng phục vụ cho số đông người. Như những cái lu nước men da lươn đựng được vài trăm lít nước.

Hoặc có những cái bình đựng nước uống bằng sứ tráng men đựng được tới 10 lít, có gắn vòi rô-mi-nê cho người uống. Vật dụng sản xuất để cung cấp lương thực cho chùa núi cũng còn. Đấy là một cái hòm quạt thóc… Tất cả đều là chứng tích của một thời chùa Phước Lâm là “tiền trạm” của chùa Bà đông đúc khách hành hương.

Không chỉ có vật dụng xưa, chùa Phước lâm còn lưu giữ nhiều vật thể mang tính lịch sử của riêng mình, của cả khu di tích cấp quốc gia ở núi Bà Đen. Mà đáng kể nhất chính là pho tượng Bà Linh Sơn Thánh mẫu bằng đồng. Đây chính là ngôi tượng cổ nhất, vốn được thờ tại Điện Bà trên núi. Pho tượng mà trong bài trước có đoạn: “Đây là pho tượng đồng có nhiều huyền thoại đi kèm”. Và cũng vì huyền thoại này mà số phận của tượng trở nên long đong, lận đận.

Về huyền thoại, sách Tây Ninh xưa (1973) chép: “Trong giai đoạn chúa Nguyễn Phúc Ánh mông trần tẩu quốc tại miền Nam, Bà vẫn thường hiển linh hộ trợ cho. Do đó, sau khi lên ngôi, vua Gia Long truyền cho quan quân địa phương đúc cốt bà Đênh bằng đồng đen mà thờ tại động trên non linh…”.

Cũng do huyền thoại mà pho tượng này từng bị mất, lưu lạc suốt 9 năm. Huỳnh Minh có kể lại chuyện này trong sách Tây Ninh xưa, xin tóm tắt lại như sau: Khoảng năm 1945-1946 giặc Pháp đã lên chiếm đóng ở núi Bà. Do bức tượng bằng đồng đen (huyền thoại) hoặc bằng vàng (do màu sắc) nên chúng trộm lấy, đem xuống núi bán cho một quán rượu ở chợ Tây Ninh.

Sau đấy, do đã biết tượng không phải vàng, cũng chẳng là đồng đen, nên chúng gửi lại quán. Ít lâu sau, thì chủ quán đem pho tượng đến tặng lại cho chùa của “bà dân biểu Tô Văn Qua”. Chùa này lại ngỡ tượng Phật bà Quán Thế Âm, không biết đấy chính là pho tượng Bà Linh Sơn thánh mẫu.

Từ đó, tượng bà nằm ở đây suốt 9 năm trời (từ khoảng năm 1947). Sau có người đến nhận ra, báo cho các vị sư trụ trì các chùa núi đến xin về. Từ đó, pho tượng được rước về núi. Sau, do tình hình chiến sự tiếp tục diễn ra nên tượng lại được đem về chùa Phước Lâm thờ cúng và còn đến ngày nay.

Câu chuyện trên, chỉ có một chỗ nhầm lẫn. Là tên người chủ chùa. Thật ra, bà “dân biểu” kể trên chính là Bùi Thị Đặng, vợ của ngài Tỉnh trưởng Tô Văn Hoa vào thời Pháp thuộc. Còn ngôi chùa do bà xây dựng chính là chùa Thiên Ấn, nay đã không còn.

Hiện pho tượng cổ và quý giá này được lồng trong hòm kính đặt trong khánh thờ trong gian riêng thờ Bà tại chùa Phước Lâm. Đấy là pho tượng đồng, có màu kim loại vàng, cao khoảng 60 cm. Dấu vết của thời lưu lạc vẫn còn qua một vết lõm (có thể do đạn bắn) ở mặt sau phần đế tượng.

Điều đặc biệt nhất là tượng được chế tác theo lối tả thực. Với hình tượng giản dị, rất gần với chân dung một phụ nữ miền Nam. Tư thế ngồi: chân trái xếp bằng, gối phải chống lên, bàn tay phải đặt ở trên, còn bàn tay trái cầm một đoá sen. Gương mặt tượng bình dị với mũi thẳng, mày cong, mắt dõi nhìn xa xăm phía trước.

Mái tóc Bà cũng được bới cao, với vành khăn buộc. Chỉ giản dị vậy thôi! Nhưng rõ ràng đây là pho tượng cổ duy nhất mô tả Bà như thế. Bởi các pho tượng Bà về sau, ở Phước Lâm, hay ở núi, hoặc ở các ngôi chùa khác thì Bà đã được “ngồi” trên ngai với mão, áo, vật trang sức thường là cầu kỳ, lộng lẫy.

Và, không chỉ có vậy. Do công đức của nhiều đời các vị chân tu, cũng như đông đảo phật tử, khách hành hương mà chùa Phước Lâm còn sở hữu nhiều pho tượng gỗ cổ và quý giá. Đấy là các pho: Thập điện Diêm Vương, Sư tổ Đạt Ma, Quán Thế Âm bồ tát, Long Thần Hộ pháp, Địa Tạng Vương… và cả bộ ba: Quan Công, Châu Sương và Quan Bình.

Trong đó có cả hình tượng Quán Thế Âm là Quan Âm Thị Kính bồng con. Đặc sắc nhất của bộ tượng này là 3 pho tượng ngồi ở cấp thứ hai (từ trên xuống) của bàn thờ chính. Ở giữa là pho đức Phật Thích Ca ngồi thiền định. Hai bên là bồ tát Văn Thù và bồ tát Phổ Hiền. Tượng cao khoảng từ 1,40 m đến 1,60 m, được sơn thếp màu vàng đồng.

Các vị cũng có phong cách giản dị như pho tượng đồng của Bà Linh Sơn thánh mẫu, trong tư thế ngồi thiền, không có một bệ sen nào cả. Kể từ trang phục cho đến đường nét chân dung đều được tả thực, rất gần gũi với con người Nam bộ xưa.

Họ như vừa bước lên từ nương rẫy, trảng, giồng hay cánh đồng Nam bộ. Để rồi bỗng nhiên “rũ bùn đứng dậy sáng loà” (thơ Nguyễn Đình Thi) trên ban thờ chùa Phước Lâm. Ngôi chùa còn được mang tên làng Vĩnh Xuân, một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Tây Ninh.

Trần Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét