Thị xã Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Khánh Quới
Chùa Khánh Quới tọa lạc tại ấp 3, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Nhuận Liên đảm nhiệm trụ trì.
Vào thập niên 80 của thế kỷ XIX tại vùng đất Tân Bình (Cai Lậy) có ông cả Lê Văn Quá và người vợ là cụ bà Lê Thị Nguyệt là những người có tín tâm với Tam Bảo nên đã cất một ngôi chùa nhỏ để thờ Phật làm nơi chiêm ngưỡng, cầu nguyện và lấy hiệu là “Chùa Phật Long”. Về sau vì mến mộ đức hạnh của Hòa thượng Tâm Bờ nên ông bà Cả đã thỉnh Ngài về hiến cúng ngôi tự để Hòa thượng làm phương tiện dừng chân hành đạo, hoằng pháp lợi sanh. Đến năm Mậu Tuất (1898), Tổ sư Tâm Bờ đã cho tu sửa lại ngôi tự với kiến trúc Tứ trụ, hai nóc và đổi hiệu là “Chùa Khánh Quới”, tên gọi này tồn tại cho đến ngày nay.
- Hòa thượng Thích Phước Chí húy Tâm Bờ, thế danh Từ Văn Hùng, sinh ngày mùng 8 tháng 4 năm Bính Dần (1866), nguyên quán ấp Trung Hưng Hòa, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè ngày nay. Năm 18 tuổi, Hòa thượng đến cầu xuất gia học đạo với Tổ Quảng Huệ húy Trừng Trử tại chùa Huỳnh Long (Giồng Tre). Sau đó Hòa thượng cùng với Thầy Bổn sư về hành đạo tại Tổ đình Phước Lâm (làng Phú Nhuận), đến khi Tổ Quảng Huệ viên tịch Hòa thượng mới bắt đầu du phương hành đạo. Với đức độ tu tập và hạnh nguyện lợi sanh, Hòa thượng được nhiều Phật tử mến mộ nên hiến đất xây dựng rất nhiều chùa tại vùng đất Cai Lậy và Cái Bè như chùa Phước Hải, chùa Thiền Lâm (Hậu Mỹ Trinh, Cái Bè); chùa Khánh Quới, chùa Long Sơn (Cai Lậy).
Sau khi xây dựng chùa Khánh Quới năm 1898, Hòa thượng đã tiếp Tăng độ chúng tại đây rất nhiều, đặc biệt Hòa thượng bắt đầu mở khóa giảng Kinh Pháp Hoa hàng ngày nên bổn đạo hai hàng tăng tục đến thính pháp rất đông. Năm 1904 Hòa thượng đã mở Đại giới đàn để truyền trao giới pháp cho hàng hậu học. Giới đàn này có 50 giới tử, Hòa thượng Phước Chí – Tâm Bờ được thỉnh vào ngôi vị Yết ma A xà lê.
Cuối năm 1904, Hòa thượng Phước Chí – Tâm Bờ đã phát nguyện nhập thất ẩn tu tại núi Lò Gò (Châu Đốc, An Giang). Sau ba tháng ẩn cư viên mãn Hòa thượng đã tự hóa thân viên tịch vào ngày 15 tháng 01 năm Ất Tỵ, trụ thế 40 năm. Hòa thượng đã để lại xá lợi ngón tay và được môn đồ tứ chúng thỉnh về nhập tháp tôn thờ tại chùa Long Sơn (thị xã Cai Lậy).
Trước khi về núi ẩn cư, Hòa thượng Phước Chí – Tâm Bờ đã phú chúc các Phật sự tại chùa Khánh Quới cho đệ tử là Hòa thượng Thích Trí Ấn húy Nguyên Giang trông coi.
- Hòa thượng Thích Trí Ấn trụ trì chùa Khánh Quới đời thứ 2, thế danh Huỳnh Văn Giang sinh năm Mậu Dần (1878), nguyên quán tại xã Mỹ Phước Tây (Cai Lậy). Thuở nhỏ Ngài có nhiều bệnh, sau khi được Thân mẫu dẫn đến gửi nương Tổ sư Tâm Bờ để tu học được một thời gian thì hết bệnh và Ngài đã ở lại đây xuất gia tu học và hành đạo không trở về nhà nửa cho đến khi viên tịch vào ngày 20 tháng 11 năm Tân Tỵ (1911). Trụ thế 33 năm. Trụ trì chùa Khánh Quới 7 năm.
- Kế vị Hòa thượng Thích Trí Ấn trụ trì chùa Khánh Quới đời thứ 3 là Hòa thượng Thích Nhựt Chiếu húy Nguyên Tu. Hòa thượng có thế danh là Huỳnh Văn Kiều, sinh năm Quý Dậu (1873), người quê gốc xã Mỹ Phước Tây (Cai Lậy); Ngài phát tâm xuất gia tu học với Tổ sư Tâm Bờ và là người có công đức trong việc xây dựng hoàn chỉnh chùa Khánh Quới lúc bấy giờ. Với đức độ tu tập, nên sau khi Hòa thượng đời thứ hai viên tịch, bổn đạo đã thỉnh Ngài lên ngôi vị trụ trì chùa Khánh Quới. Ngài hành đạo tại đây đến ngày 07 tháng 08 năm Ất Sửu (1925) thì viên tịch.
- Trụ trì chùa Khánh Quới đời thứ 4 là Hòa thượng Thích Pháp Ngươn húy Nguyên Định, thế danh Huỳnh Văn Bình, sinh năm Mậu Tuất (1898) cũng tại xã Mỹ Phước Tây. Ngài xuất gia với Tổ sư Tâm Bờ, sau khi Tổ sư viên tịch Ngài đến cầu pháp với Tổ Thiên Thai và có Pháp húy là Trừng Bình, hiệu Pháp Ngươn.
Hòa thượng Thích Pháp Ngươn tinh thông nội điển và có khả năng thuyết pháp rất hay nên Ngài có rất nhiều đệ tử. Năm 1927, chùa Khánh Quới tiếp tục mở Đại Giới đàn, Ngài được thỉnh vào ngôi vị Yết ma A xà lê.
Đến năm 1936 Ngài được thăng tuyển làm Hòa thượng, cùng năm chùa Khánh Quới tiếp tục mở Đại Giới đàn, Ngài được cử làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới cho các giới tử.
Hòa thượng Thích Pháp Ngươn trụ trì chùa Khánh Quới 23 năm, trụ thế 51 năm, viên tịch vào ngày 16 tháng 03 năm Mậu Tý (1948) tại chùa Phước Thạnh (huyện Cái Bè).
- Đời thứ 5 trụ trì chùa Khánh Quới là Hòa thượng Thích Hoằng Văn húy Quảng Cận. Ngài có thế danh là Nguyễn Văn Cận, sinh năm Giáp Thìn (1892) tại xã Mỹ Phước Tây. Ngài xuất gia với Hòa thượng Thích Quảng Ân về sau đến cầu pháp với Tổ Thiên Thai trước khi về đảm nhiệm trụ trì chùa Khánh Quới vào năm 1948.
Giai đoạn này do ảnh hưởng của chiến tranh chùa Khánh Quới bị hư hoại gần hết, ba gian Chánh điện, hậu Tổ và nhà ông Giám đã bị thiêu rụi, chỉ còn lại gian thờ Hộ Pháp.
Năm 1949 Ngài và Hòa thượng Thích Pháp Long (là đệ tử của Hòa thượng Thích Nguyên Tu) cùng về lo việc xây dựng lại chùa Khánh Quới, quá trình xây dựng lại rất gian nan mới hoàn thành vì ảnh hưởng của chiến tranh.
Hòa thượng Thích Hoằng Văn trụ trì chùa Khánh Quới 23 năm, trụ thế 81 năm, viên tịch vào ngày 28 tháng 3 năm Nhâm Tý (1972).
- Kế tiếp Hòa thượng Thích Hoằng Văn trụ trì chùa Khánh Quới đời thứ 6 là Hòa thượng Thích Viên Thông húy Quảng Thuận, thế danh Đào Văn Trương, sinh năm Mậu Tuất (1922) tại xã Mỹ Phước Tây. Ngài xuất gia với Hòa thượng Thích Quảng Ân tại chùa Linh Phước (thành phố Mỹ Tho).
Năm 16 tuổi, Ngài có duyên đến chùa Khánh Hưng (xã Mỹ Hạnh Đông) tu học, nhưng vì song thân không cho phép nên Ngài đã lập gia đình. Đến năm 48 tuổi Ngài mới đến cầu xuất gia với Hòa thượng Thích Quảng Ân tại chùa Linh Phước. Vì là trung niên xuất gia nên Hòa thượng tu hành rất miên mật, dành trọn một đời lạy kinh Pháp Hoa và trì kinh niệm Phật. Trong cuộc đời hành đạo, Ngài đã trùng tu chùa Khánh Quới 2 lần. Hòa duyên viên mãn, Hòa thượng viên tịch vào ngày mùng 1 tháng 7 năm Kỷ Sửu (2009), trụ thế 88 năm, trụ trì chùa Khánh Quới 33 năm.
- Sau khi Hòa thượng Thích Viên Thông viên tịch, đệ tử của Ngài là Đại đức Thích Nhuận Liên, thế danh Đào Lương Hồng, sinh năm Canh Tý (1960), kế vị chăm lo Tam Bảo chùa Khánh Quới cho đến ngày nay. Đại đức cũng đã được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang bổ nhiệm trụ trì vào ngày 01 tháng 03 năm 2008 theo tinh thần công văn số 002/QĐ – BTS.
Theo thời gian, chùa Khánh Quới bị xuống cấp trầm trọng nên vào năm Bính Tuất (2006), dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Viên Thông, Đại đức Thích Nhuận Liên đứng ra vận động trùng tu lại chùa Khánh Quới bằng chất liệu bê tông cốt thép kiên, công trình tiến hành ròng rã trong 03 năm, lễ lạc thành vào tháng 2 năm Kỷ Sửu (2009).
Sau đó Đại đức Trụ trì tiếp tục xây dựng cổng Tam quan, Giảng đường, Tăng xá, tôn tạo khu vườn Tháp Tổ, kiến tạo lại toàn bộ khuôn viên chùa Khánh Quới trang nghiêm, thanh tịnh.
Hiện nay Chánh điện chùa Khánh Quới có kiến trúc thượng lầu hạ hiên, mái đúc dán ngói lưu ly, vách tường, cửa gỗ, nền lát gạch men kiến. Bên trong Chánh điện thờ Tôn tượng ba pho Tây phương Tam thánh, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni,chư vị Hộ pháp Thiện thần. Trên tường là phù điêu Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền và tranh miêu tả về cuộc đời Đức Phật Thích Ca.
Với cương vị Trụ trì, thời gian qua Đại đức Thích Nhuận Liên còn luôn duy trì các khóa tu học định kỳ cho Phật tử. Tích cực tham gia các công tác với Giáo hội và xã hội, góp phần đem đạo vào đời, làm an vui cho cuộc sống.
Một số ảnh tư liệu:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét