Chùa thường gọi là chùa Sét tọa lạc ở tổ 7 Giáp Lục, phường Tân Mai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Chùa có tên tự là Cổ Am tự, Đại Bi tự , trước đây nằm trong địa phận thôn Giáp Lục (tức kẻ Sét), xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, vùng đất cửa ngõ nổi tiếng ở phía Nam kinh thành Thăng Long.
ĐT: 04. 8647004. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Trụ trì hiện nay là Ni sư Thích Đàm Cần.
Nhiều tư liệu cho biết chùa được xây dựng từ thời Lý và đã được trùng tu nhiều lần. Sách Hà Nội – Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng (Doãn Doan Trinh chủ biên, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội, 2000) cho biết các đợt trùng tu của chùa vào thế kỷ XVII. Chùa dựng điện Phật, tăng phòng năm 1630, xây gác chuông năm 1631. Đến thời Gia Long (1809) và Bảo Đại (1927), chùa lại được trùng tu lớn. Sách Địa chí vùng ven Thăng Long (Đỗ Thỉnh, NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000) cho biết năm 1635, vương phi Đặng Thị Ngọc Dao, vợ chúa Trịnh Tùng, đứng ra tu sửa chùa. Về sau, chùa còn được nhiều người con gái kẻ Mơ có danh vọng bỏ tiền công đức tu sửa chùa như cung tần Lê Ngọc Trân, cung tần Lê Thị Ngọc Côn, Lê Thị Minh…
Chùa thờ Phật và thờ Tứ Pháp. Tượng Bà Pháp Vân được đặt trong khám thờ ở hậu cung. Trước tượng Bà Pháp Vân là tượng Bồ tát Quan Âm.
Ở điện Phật có tôn trí bộ tượng Tam Thế Phật, tượng Phật A Di Đà, tượng Phật Thích Ca cao 2m được đúc bằng đồng năm 1934, tượng Thích Ca Sơ sinh…
Chùa còn giữ nhiều cổ vật như các bia đá, các đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn, đại hồng chung… Đặc biệt là tấm bia dựng năm Chính Hòa thứ 11 (1690) cao 1,6m, vuông bốn cạnh, khắc chữ cả bốn mặt, do Tiến sĩ Đỗ Công Toản, đương chức Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam soạn văn bia. Nội dung bia ghi công đức cung tần Lê Thị Ngọc Côn cúng 3 mẫu ruộng vào chùa và giúp dân xã Thịnh Liệt 200 quan tiền cổ để chi phí đắp đê điều.
Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét