22 tháng 9, 2021

Chùa Bửu Phong

Tên thường gọi: Chùa Bửu Phong

Chùa tọa lạc trên núi Bửu Long, thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chùa nằm ở tả ngạn sông Đồng Nai, hướng Tây Bắc thành phố Biên Hòa, cách trung tâm thành phố 5km; cách thành phố Hồ Chí Minh 30km về hướng Đông. ĐT: 061.951145, 061.951395. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Toàn cảnh chùa

Sân chùa

Đường vào chùa

Chùa Bửu Phong

Chùa được dựng vào thế kỷ XVII. Tài liệu của Bảo tàng tỉnh Đồng Nai cho biết, tương truyền chùa là một am tranh thờ Phật do ngài Bửu Phong dựng năm 1616. Đến năm 1678, một số Phật tử người Hoa đến vùng này sinh sống, đã cất lại ngôi chùa bằng gạch ngói và thỉnh ngài Thành Chí đến trụ trì.

Chùa được tiếp tục trùng tu, mở rộng từ đầu thế kỷ XIX đến nay. Năm 1829, Tham tướng Nguyễn Văn Hiệp và Hương bảo Nguyễn Văn Tâm đã tổ chức xây cất lại ngôi chùa.

Năm 1898, Hòa thượng Thích Pháp Truyền tiếp tục tu sửa giảng đường, nhà tổ... Năm 1944, Hòa thượng Thích Huệ Quang tổ chức trùng tu, mở rộng hậu đường. Năm 1963, Yết-ma Thiện Giáo cho xây đài Quán Thế Âm trước chùa. Năm 1964, Hòa thượng Thích Huệ Thành cho xây đài Tam Thế Phật.


Điện Phật

Điện Quan Âm

Điện Địa Tạng

Điện Quan Công

Bàn thờ Tổ

Từ năm 1974 đến nay, Ni sư Thích Nữ Huệ Hương đã không ngừng sửa chữa, trang trí ngôi chùa. Ni sư đã cho tôn tạo một giếng cổ ở sườn núi trước chùa có tên là giếng Gia Long.

Mặt tiền chùa có cặp câu đối nói ý nghĩa tên chùa :

Bửu nhạc dịu dàng như Thứu Lĩnh
Phong sơn đẹp đẽ tựa Kỳ Viên.

Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Gian giữa thờ Di Đà Tam Tôn, đức Phật Thích Ca, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền... Hai gian tả, hữu thờ đức Quan Công và Tổ sư Đạt Ma. Mặt tường hai bên tả, hữu có hương án thờ Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Địa Tạng và thờ Thập Điện Minh Vương. Xá lợi Phật được tôn trí ở ngôi bảo tháp sau chánh điện. Ở chánh điện có tượng cổ Phật A Di Đà và một đầu phướn lục giác chạm rồng.


Bàn thờ Minh Vương


Điện thờ Xá lợi Phật

Tháp Xá lợi Phật

Trong khuôn viên chùa còn có những pho tượng lộ thiên khá lớn, như bộ tượng Tam Thế Phật: A Di Đà, Thích Ca, Di Lặc; tượng đức Phật đản sanh, tượng đức Phật thiền định, tượng đức Phật nhập niết bàn... cùng nhiều ngôi tháp cổ.

Hằng năm, ngày 12 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ Tổ khai sơn.

Trong những năm qua, chùa đã vận động Phật tử tham gia công tác từ thiện – xã hội tại địa phương khá tốt. 

Chùa Bửu Phong nằm trong khu danh thắng Bửu Long, Đồng Nai. Khu danh thắng này đã được Bộ Văn hóa và Thông tin đã công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia ngày 02 tháng 4 năm 1991.

Bàn thờ Bồ tát Quan Âm

Pho tượng cổ

Khu Tháp Tổ

Tượng Bồ Tát Quan Âm

Bàn thờ Quan Công

Tượng đức Phật A Di Đà

Tượng đức Phật Thích Ca

Tượng đức Phật Thích Ca

Tượng đức Phật nhập Niết Bàn

Vườn tượng Phật Tam Thế

Trang trí ở mặt tiền chùa

Giếng Gia Long

Ni sư trụ trì chụp ảnh lưu niệm với các học viên trường Du lịch đến thăm chùa.

Học viên trường Du lịch đang lễ Phật

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường

BỬU PHONG CỔ TỰ

  • Địa điểm: khu phố 5, phường Bửu Long, Tp.Biên Hòa
  • Niên đại dựng chùa: 1616
  • Người khai sơn: Bửu Phong Thiền sư
  • Trụ trì hiện nay: Ni sư Thích nữ Huệ Hương
  • Năm trùng tu: 1760, 1829, 1898, 1944, 1963, 1964, 1974 đến 2001
  • Hệ phái: Cổ Truyền Lục Hòa Tăng
  • Điện thoại: 061. 951145 0913. 874769

Sách Đại Nam nhất thống chí viết rằng: "Bửu Phong ở phía nam huyện Phước Chính 13 dặm, phía tây dòm xuống sông lớn, làm hậu vệ cho núi Long Ẩn, trên có chùa Bửu Phong, khói mây man mác, cây cối um tùm làm một thắng cảnh thứ nhất trong tỉnh hạt. Xưa kia có sư tăng hiệu Bửu Phong Hòa thượng lập chùa trên núi, nên gọi là núi Bửu Phong".

Chùa Bửu Phong

Căn cứ vào hàng chữ Hán khắc trên tấm liễn gỗ treo ở cột gian giữa giảng đường thì chùa Bửu Phong được xây dựng từ năm Bính Thìn (1616) và được trùng tu vào năm Minh Mạng thứ 9 (1829).

Hoành phi Bửu Phong Cổ Tự

Ngược dòng lịch sử: ngay từ đầu thế kỷ thứ XVII, trước khi có cuộc hôn nhân giữa công chúa Ngọc Vạn (con Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) và vua Chân Lạp Cherry thứ II (1620), năm 1616 có một nhà sư đã theo bước chân bang giao, hòa hiếu giữa hai nước Lạp Việt đến vùng núi non cẩm tú dựng một am tranh đặt tên là Bửu Phong. Nhà sư ấy chính là Bửu Phong Thiền sư, vị Tổ khai sơn Bửu Phong Cổ Tự trên núi Bình Điện (còn gọi là núi Bửu Phong) thuộc khu di tích Danh thắng Bửu Long ngày nay. Từ khi tạo lập đến nay, chùa Bửu Phong đã trải qua 13 đời Tổ trụ trì:

  • Tổ khai sơn: Bửu Phong Thiền sư
  • Tổ thứ hai: Thiền sư Thành Chí, pháp danh là Pháp Thông Thiện Hải thuộc dòng Lâm Tế Chính Tông Việt Nam đời thứ 34 (tịch năm 1666)
  • Tổ thứ ba: Đại lão Hòa thượng pháp hiệu Tổ Tông, tự là Điền Quang (tịch năm 1708)
  • Tổ thứ tư: Đại lão Hòa thượng Tiên Cần, tự là Từ Nhượng (thị tịch năm 1763)
  • Tổ thứ năm: Đại lão Hòa thượng pháp hiệu Tiên Trí, tự là Quảng Thông (tịch năm 1820)
  • Tổ thứ sáu: Đại lão Hòa Thượng Tiên Hiện, tự là Giáp Minh (thị tịch năm 1869)
  • Tổ thứ bảy: Đại sư Minh Hỷ, tự Thiện Duyệt (thị tịch năm 1893)
  • Tổ thứ tám: Đại lão Hòa thượng Pháp Truyền, tự Chơn Ý (1893-1922). Ngài là bậc chân tu Phật học, tài đức song toàn, cảm hóa được thập phương Phật tử qui sùng, đạo mạch hưng long, Thiền môn đạt thịnh. Do đó, chùa Bửu Phong thời gian này được trùng tu rất trang nghiêm, mỹ lệ. Với uy danh và đức độ của Tổ Chơn Ý, triều đình Huế đã thỉnh Tổ lai kinh thuyết giáo đượm nhuần mưa Pháp trong Hoàng tộc và khắp mọi nơi. Trong các đời Tổ truyền thừa thì Tổ Chơn Ý đã có công lớn trong việc trùng hưng chùa Bửu Phong, xứng đáng với lời khen ngợi của danh nhân Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí: "Chùa Bửu Phong trên ngọn núi Bửu Phong là nơi địa linh nhân kiệt".
  • Tổ thứ chín: Đại lão Hòa thượng pháp hiệu Như Truyền (tịch năm 1941). Ngài là bậc cao tăng, uy tín nổi tiếng khắp nơi, có công lớn trong việc trùng tu chùa Bửu Phong.
  • Tổ thứ mười: Đại sư Bửu Thanh (thị tịch năm 1944)
  • Tổ thứ mười một: Đại sư Huệ Quang (tịch năm 1962)
  • Tổ thứ mười hai: Hòa thượng pháp hiệu Thiện Giáo. Ngài đã kế nghiệp các đời Tổ và trùng tu chùa Bửu Phong thêm phần khang trang. Hòa thượng thị tịch ngày 26/4/1983.
  • Tổ thứ mười ba: Hòa thượng Thích Huệ Thành (1918-2001) Tăng thống Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam. Hòa thượng là một cao tăng lỗi lạc, suốt cuộc đời chỉ có một tâm nguyện: tu học, hành đạo, hoằng pháp lợi sanh và đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hòa thượng có công lớn trong việc trùng hưng chùa Bửu Phong và chấn chỉnh đạo pháp ngày thêm uy nghi, hưng thịnh.

Năm 1972, Hòa thượng Huệ Thành đã công cử Ni sư Thích nữ Huệ Hương thay mặt Ngài quản lý và phát triển chùa Bửu Phong.

Năm 1988, Ni sư Huệ Hương chính thức trụ trì chùa Bửu Phong cho đến nay.

Phật điện

Ni sư Huệ Hương với tâm nguyện hoằng pháp lợi sanh, với ý nguyện tiếp nối sự nghiệp thầy Tổ, chọn cho mình con đường cầu đạo bồ đề. Do vậy, Ni sư đã dồn hết tâm huyết phục vụ: Đạo pháp - Dân tộc - XHCN và phát huy chính pháp tại chùa Bửu Phong. Ni sư đã nhận được nhiều bằng khen, kỷ niệm chương, giấy khen, bằng tán dương công đức của Giáo Hội, Chữ Thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc Trung ương và tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, Ni sư đã nhận được nhiều bộ Huy chương của Trung ương: "Vì sự nghiệp nhân đạo"; "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc"; Huy hiệu "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; "Chiến sĩ biên phòng"...

Năm 1995, Ni sư đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cử đi dự Đại hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Thế giới tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

Tại Đại hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai lần thứ V, Ni sư Huệ Hương được đề cử tấn phong Ni trưởng.

Chùa Bửu Phong đã trải qua trùng tu nhiều lần: Vào đầu thế kỷ XVIII, có số người Hoa đến vùng đất Bửu Long sinh sống, trong đó có những người mộ đạo Phật, đã cùng nhau xây cất lại ngôi chùa Bửu Phong bằng gạch ngói.

Đến năm Kỷ Sửu (1829), Tham tướng Nguyễn Văn Hiệp và Hương bảo Nguyễn Văn Tâm phát tâm đại trùng tu lại ngôi chùa trên nền cũ có mở rộng. Năm 1898, Hòa thượng Pháp Truyền tiếp tục tu sửa giảng đường, nhà Tổ... Năm 1944, Hòa thượng Huệ Quang tổ chức trùng tu mở rộng hậu đường. Năm 1963, Yết ma Thiện Giáo cho xây đài Quan Thế Âm trước chùa. Năm 1964, Hòa thượng Tăng Thống Huệ Thành cho xây đài Tam Thế Phật và điện Linh Sơn Thánh mẫu. Từ năm 1974 đến nay, Ni sư Huệ Hương không ngừng tu sửa, trang trí lại ngôi chùa: xây cất lại nhà cầu (nơi hành lễ), làm lại cửa ra vào phía nam chùa, xây Bảo tháp tôn trí xá lợi Phật. Ngoài ra, còn cho trang trí, sơn thếp lại toàn bộ các bức hoành phi, câu đối, bao lam, hương án, tượng thờ và kiến tạo các nhóm tượng diễn tả cuộc đời đức Phật từ lúc đản sinh cho đến khi nhập Niết bàn.

Chùa Bửu Phong nằm bên bờ tả ngạn sông Đồng Nai, trên đỉnh núi Bình Điện (Bửu Phong) trong khu di tích Danh thắng Bửu Long, cách ngã tư Cầu Mới (Tp.Biên Hòa) khoảng 2km trên lộ 24 đi vườn bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu). Từ xa, du khách đã nhận thấy giữa vùng đồng bằng nhô lên một ngọn núi lừng lững (cao hơn so với mặt nước biển 1.000m). Tảng sáng, sương như dải lụa trắng ngần quấn một vòng quanh lưng chừng núi. Mặt trời ló dạng, phần trên sương tan bớt, cảnh vật mờ mờ hiện ra. Sau tán lá rừng, nhạt nhòa làn sương mỏng là đài Tam Thế Phật màu trắng tinh khiết sừng sững uy nghiêm và một góc mái chùa nhô ra vươn lên nền trời xanh thẫm khiến mọi người liên tưởng đến đây là một bức tranh thủy mạc.

Ni sư Thích Nữ Huệ Hương

Qua cổng tam quan bề thế ở sát lộ 24, bước lên từng bậc đá men theo sườn núi, du khách theo một con đường khá đẹp đi dần lên núi. Vừa đặt chân lên đỉnh núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những công trình nghệ thuật độc đáo ẩn hiện sau những tảng đá, tàn cây cổ thụ đó là: đài Tam Thế Phật và các nhóm tượng minh hoạ sự tích đức Phật (tượng Phật đản sinh, Thích Ca xuất gia, Thích Ca thành đạo, Thích Ca chuyển pháp luân, Thích Ca nhập Niết bàn); tượng Thích Ca ngồi kiết già trên tòa sen dưới gốc cây cổ thụ, hai bên có voi và khỉ dâng quả. Từ trên đỉnh núi, du khách phóng tầm mắt ra xung quanh sẽ thấy cả một vùng quê bao la: những thảm lúa chín vàng, ruộng rau xanh ngát bên dòng sông Đồng Nai như dải lụa mềm mại, uốn lượn ôm ấp những xóm làng quyện bóng khói lồng. Càng lên cao du khách càng được tận hưởng khung cảnh trời mây thoáng đãng, không khí trong lành, gió đưa thoang thoảng mùi hương, cỏ hoa. Giữa trưa nắng gắt, nhưng mọi người có cảm giác như đang được tắm mình trong tiết thu mát mẻ.

Tháp Xá lợi Phật

Bửu Phong Cổ Tự tọa lạc trên đỉnh núi Bình Điện, nhìn giống như một yên ngựa khá bằng phẳng, kiến trúc theo kiểu chữ Tam () giống hầu hết các chùa xưa ở miền Nam hay các chùa đời Trần ở miền Bắc. Chùa gồm: chánh điện, giảng đường và nhà hậu Tổ tiếp nối nhau. Ngoài ra, hai bên (tả, hữu) chùa còn có liêu phòng Ni phái và Tăng đường. Chùa được xây dựng bằng gạch thẻ, vôi hợp chất, mái lợp ngói vảy cá, nền lót gạch bông. Bộ khung vì kèo làm bằng gỗ núi rất tốt. Mặt tiền chùa nhìn về hướng bắc, trước chùa có tượng Bồ tát Quan Thế Âm, sau chùa là dòng Đại giang, bên trái có đá Thanh Long, bên phải có hang Bạch Hổ...

Mặt tiền chùa được trang trí rất hấp dẫn khách tham quan bởi các bức phù điêu chạm trổ ghép sành công phu, tinh vi mang tính nghệ thuật cao theo phong cách triều Nguyễn. Các đề tài: Cuốn thư, Lân ngậm trái châu, ông Nhựt, bà Nguyệt, rồng chầu mặt trời, nhóm tứ linh, tứ quý, hoa văn đồng tiền, chữ vạn, mây, dây hoa lá cách điệu.... biểu thị cho quyền uy và sức mạnh, sự an nhàn, thịnh vượng... là ước mơ ngàn đời của người dân Việt Nam. Đặc biệt ở hai cột chính giữa mặt tiền có cặp đối nói lên ý nghĩa tên chùa:

"Bửu nhạc dịu dàng như Thứu Linh
Phong sơn đẹp đẽ tựa Kỳ Viên"

Tất cả các mảng trang trí này làm bằng chất liệu ô dước, xi măng, bề mặt ghép mảnh sành sứ nhiều màu óng ánh, tạo cho mặt tiền ngôi chùa vừa rực rỡ, trang nghiêm lại cổ kính chinh phục lòng người.

Trang trí ở mặt tiền chùa

Chánh điện được chia làm 3 gian thoáng rộng, trên hai hàng (4 cột) xi măng có đường kính 350 cm đắp nổi rồng ẩn mình trong mây, sơn son thếp vàng nhìn rất oai nghiêm, tạo vẻ linh thiêng cho chốn Thiền môn. Gian chính giữa thờ Tam Thế Phật. Tả hữu thờ Thập điện Diêm Vương. Các tượng Phật ở đây được tạc rất sống động. Đặc biệt, pho tượng Phật Di Đà tọa giữa chánh điện được tạc bằng gỗ mít có niên đại Minh Mạng thứ 9 (1829). Tiếp nối với chánh điện là giảng đường và nơi thờ Tổ. Ở đây, các tấm liễn, hoành phi, bao lam được nghệ nhân dân gian chạm khắc rất công phu, tinh vi thể hiện nhiều đề tài phong phú, được treo trên 4 hàng cột gỗ tròn đường kính 350cm và xà ngang tạo khung cảnh nơi đây rực rỡ, huyền bí. Bức tượng Chuẩn Đề 18 tay tọa ở giảng đường cũng là pho tượng cổ đã được các nhà khảo cổ học cho là một vị thần của Chân Lạp và giới Phật tử xưa đã đặt cho chùa một tên riêng mới: "Chùa Phật 18 tay". Ở nơi thờ Tổ, sự hiện diện của pho tượng Tổ sư Đạt Ma cùng với hơn chục bài vị của các sư trụ trì đã tịch được sơn son thếp vàng bài trí trang trọng trên các bàn hương án, là đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu và mỹ thuật. Chùa có xá lợi Phật và còn lưu giữ nhiều bình hoa, chén, đĩa, bát nhang cổ đời Thanh và một số tượng Phật nhỏ bằng đồng.

Trong số hơn 500 ngôi chùa hiện có ở Đồng Nai thì chùa: Bửu Phong, Đại Giác và Long Thiền là ba ngôi chùa có niên đại sớm nhất, ghi những dấu tích đầu tiên của người Việt Nam trong công cuộc mở mang đất nước và truyền bá Phật giáo vùng đất mới phương Nam.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét