22 tháng 9, 2021

Chùa Bửu Đức

Tên thường gọi: Chùa Bửu Đức

Chùa tọa lạc ở số C61A, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. ĐT: 061.952320. Chùa thuộc hệ phái Nam tông.

Toàn cảnh chùa


Một góc chùa

Mặt tiền chùa


Chùa Bửu Đức

Chùa do Đại đức Thích Pháp Bửu thành lập vào năm 1971 trên một diện tích 4.000m2 do Phật tử Nguyễn Văn Lạc cúng dường. 

Thượng tọa Thích Giác Chánh thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông đã trùng tu ngôi chùa năm 1990, đúc tượng đức Phật Thích Ca cao 4m tôn trí ở chánh điện. Trên nóc chánh điện có 5 ngọn tháp, tháp giữa thờ Xá lợi Phật được xây theo kiểu tháp Xá lợi Sanchi ở Ấn Độ, còn gọi là Chánh Giác Như Lai. Bốn tháp còn lại là: Tháp Bồ tát Đản sanh, tháp Bồ tát thành Phật, tháp Phật chuyển pháp luân và tháp Phật nhập niết bàn.


Điện Phật

Tranh đức Phật Thích Ca


Tranh vẽ trong điện Phật


Tranh vẽ sự tích đức Phật

Đá kết giới

Non bộ

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường

CHÙA BỬU ĐỨC

  • Địa điểm: số C61A, phường Bửu Long, Tp. Biên Hòa
  • Năm xây dựng: 1971
  • Người trụ trì: Thượng tọa Giác Chánh
  • Năm trùng tu : 1983, 1990
  • Hệ phái: Nam Tông
  • Điện thoại: 061. 952320
Chùa Bửu Đức tọa lạc tại số C61A, phường Bửu Long, Tp. Biên Hòa, trong khuôn viên rộng rãi có nhiều cây cao bóng mát.

Chùa Bửu Đức do Đại đức Thích Pháp Bửu, thế danh Phan Văn Thạch xây dựng vào năm 1971 trên khuôn viên đất rộng 4000 m² của Phật tử Nguyễn Văn Lạc cúng dường.

Chùa Bửu Đức

Năm 1983, Đại đức Thích Huệ Đắc, thế danh Ngô Văn Phụng (giữ quyền giám tự) đã trùng tu chùa lần thứ nhất bằng vật liệu kiên cố.

Năm 1990, Sư Huệ Đắc đứng tên xin phép xây dựng và Thượng tọa Giác Chánh thiết kế, trang trí trùng tu chùa lần thứ hai.

Năm 1991, theo yêu cầu của Phật tử, Giáo Hội bổ nhiệm Thượng tọa Giác Chánh (hệ phái Nam Tông) về chùa trụ trì cho đến nay.

Thượng tọa Giác Chánh, thế danh Phạm Văn Chánh, sinh năm Đinh Hợi (1947) tại Vĩnh Long trong một gia đình có truyền thống đạo Phật. Năm 1967, ông xuất gia tại chùa Viên Giác (Vĩnh Long), là đệ tử của Hòa thượng Tịnh Sư (Võ Văn Đang) để tu học môn Bhidhamma (A Tỳ Đàm). Từ năm 1969 đến năm 1971, ông tu học các môn Pà li, pháp, số, luật, thiền quán (tứ niệm sứ) ở chùa Phật Bảo (Tân Bình Sài Gòn) với Hòa thượng Giới Nghiêm, thế danh Nguyễn Đình Tấn. Thời gian từ năm 1972 đến năm 1974, ông tiếp tục tu học Kinh Tạng (các bộ NiKàYa) với Hòa thượng Minh Châu ở Đại học Vạn Hạnh (Sài Gòn). Năm 1975, ông trụ trì chùa Siêu Lý (tỉnh Vĩnh Long), từ năm 1976 đến năm 1980, trụ trì chùa Thiền Quang I (xã Bình Sơn, huyện Long Thành). Năm 1981 đến năm 1990, ông trụ trì chùa Thiền Quang II (xã An Phước, huyện Long Thành).

Phật Điện

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hoằng hóa đạo pháp, đầy lòng từ bi, hỉ xả, đức độ của bậc chân tu, cộng với kiến thức lĩnh hội được trên bước đường tu học, Thượng tọa Giác Chánh được Phật tử, giới Tăng Ni ngưỡng mộ, Giáo hội Phật giáo Tỉnh trọng dụng tín nhiệm mời giữ các chức vụ: Ủy viên kiểm soát kiêm đại diện Phật giáo huyện Long Thành (1976-1990), Ủy viên hoằng pháp Phật giáo tỉnh Đồng Nai (1992-2002).

Đối với xã hội, Thượng tọa luôn làm tốt công tác đạo và đời, được UBND Tp. Biên Hòa cấp huy hiệu về công tác hoạt động từ thiện, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cấp bằng khen.

Từ khi xây dựng đến nay, chùa Bửu Đức đã trải qua nhiều lần truyền thừa trụ trì và 2 lần trùng tu lớn vào các năm 1983, 1990.

Hiện nay, chùa Bửu Đức được xây dựng theo kiến trúc kiểu tháp Xá Lợi bằng vật liệu đá xanh (Biên Hòa). Trên nóc chánh điện có 5 ngọn tháp: tháp giữa thờ Xá Lợi Phật (cốt đức Phật) được xây dựng theo kiến trúc kiểu tháp Sanchi của Ấn Độ, còn gọi là "Chánh Giác Như Lai" hay "Xá Lợi Phật Đài", bốn tháp còn lại gồm:

• Tháp "Bồ tát đản sanh", chóp tháp theo kiểu trụ đá của vua A Dục (ASo Ka) dựng ở Lâm Tỳ Ni (nay thuộc nước Nepal), trong tôn trí "đất thiêng" - nơi Bồ tát đản sanh.

• Tháp "Bồ tát thành Phật", chóp tháp được nhái kiểu tháp "Bồ Đề Đạo Tràng", trong tôn trí "đất thiêng" - nơi Bồ tát thành Phật.

• Tháp "Phật chuyển pháp luân", chóp tháp theo kiểu tháp "Chuyển pháp luân" tại Lộc Uyển - nơi Đức Phật thuyết pháp đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như (Kon dãn nã), trong tháp tôn trí "đất thiêng" - nơi đức Phật thuyết pháp.

• Tháp "Phật nhập Niết bàn", chóp tháp được nhái theo kiểu tháp Parinibbana (tại Kusinara) - nơi đức Phật viên tịch, trong tôn trí "đất thiêng" - nơi đức Phật trà tỳ (hỏa táng).

Năm ngọn tháp trên được bố trí theo quan niệm "trung tâm hội tụ và 4 hướng đông, tây, nam, bắc" mang ý nghĩa vũ trụ quan của Phật giáo Ấn Độ (giữa là Tu Di Sơn, Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Cưu Lô Châu, Nam Thiên Bộ Châu). Xung quanh chánh điện, phía trên các vòm cửa được trang trí hoa văn có dạng phù điêu hình tượng Rắn thần (Naga) được tạo dáng hình lá bồ đề vòng ôm “Bát chánh đạo và 3 lá bồ đề” thường thấy ở các chùa Khơme (Campuchia). Ở đây, 3 lá bồ đề (Bodri) tượng trưng cho giới (Sila), Định (Samadhi), Tuệ (Pànnà) đưa đến sự giác ngộ (Buddha).

Chánh điện là không gian rộng rãi, với cách bày trí đơn giản, thờ duy nhất đức Phật Thích Ca tọa đài sen (tượng được đúc bằng xi măng giả đá, cao 2,5m cả đế). Tượng được nhái theo kiểu tượng Phật cổ của trường phái Gandnàra (Ấn Độ). Trên vách chánh điện, được tôn trí các bức ảnh sơn dầu với diễn tả cuộc đời đức Phật Thích Ca từ lúc đản sinh cho đến khi nhập Niết bàn, làm tăng thêm vẻ uy nghi, huyền bí nơi pháp giới.

Thượng Tọa Thích Giác Minh

Phía sau chánh điện là tháp Tổ thờ di ảnh cố Hòa thượng Tịnh Sư (thầy của Thượng tọa Giác Chánh). Tháp xây dựng theo kiểu tháp "Búp măng" của Thái Lan. Trong khuôn viên chùa, thấp thoáng dưới bóng cây cổ thụ là cảnh non bộ, nước chảy róc rách thì thầm hòa lẫn tiếng chuông, kinh, mõ... như đưa người vào cõi lạc yên.

Đến với chùa Bửu Đức, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo của hệ phái Nam Tông với những ngọn tháp nhô cao khỏi nóc chùa và được trò chuyện với vị Sư trụ trì đầy lòng từ bi, bác ái.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét