22 tháng 9, 2021

Chùa Chúc Thọ

Tên thường gọi: Chùa Thủ Huồng

Chùa tọa lạc ở số 542/A2, ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trong vùng đất cổ cù lao Phố. ĐT : 0913878582. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Mặt bên chùa

Chùa Chúc Thọ

Mặt tiền chùa

Chùa được dựng vào khoảng thế kỷ XVIII, còn có tên là chùa Chúc Đảo, chùa Sau, chùa Thủ Huồng, do tích ông Võ Thủ Huồng sau khi được người vợ quá cố dẫn đi thăm âm phủ, đã thấy tội ác của mình nên đã bán cả gia sản để làm phước, xây chùa.

Chùa đã được trùng tu nhiều lần vào các năm 1882, 1921, 1943, 1950, 1954. HT Thích Thiện Đắc đã tổ chức trùng tu chùa vào năm 1960, ngài cho xây chùa lại bằng tường gạch, mái lợp ngói, nền lót gạch bông, chánh điện kiểu tứ trụ.

Chùa còn bảo tồn 3 pho tượng Di Đà Tam Tôn cổ bằng gỗ và bộ tượng La hán cao 0,74m bằng đất nung ở thế kỷ XIX.

Quản tự hiện nay là Đại đức Thích Thiện Thọ.

Điện Phật

Bàn thờ Tổ

Bàn thờ Quan Âm và chư vị La Hán


Bàn thờ La Hán và Minh Vương



Bộ tượng Di Đà Tam Tôn

Tượng La Hán

Đại hồng chung

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường

CHÙA CHÚC THỌ

  • Tên gọi khác: Chùa Chúc Đảo, Chùa Thủ Huồng, Chùa Sau
  • Địa điểm: ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa (cù lao Phố), Tp.Biên Hòa
  • Khai sơn: thế kỷ XVIII
  • Người khai sơn: Ông Võ Thủ Hoằng (Huồng)
  • Quản tự hiện nay: Đại đức Thích Thiện Thọ
  • Năm trùng tu: 1882, 1921, 1943, 1950-1951, 1954, 1960-1961
  • Hệ phái: Bắc Tông
  • Điện thoại: 091 3878582

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử triều Nguyễn có tên bốn ngôi chùa của thôn Bình Hoành xưa (nay là xã Hiệp Hòa) đó là: đền thờ công thần Nguyễn Hữu Cảnh, đền thờ Quan Công, chùa Đại Giác và chùa Chúc Đảo gọi nôm na là chùa Sau, chùa Thủ Huồng, gần đây đổi tên là Chúc Thọ Cổ Tự.

Cổng Chùa Chúc Thọ

Ông Võ Thủ Hoằng, đọc trại thành Huồng người sáng lập chùa Chúc Thọ là một nhân vật có thật, song mang nhiều nét huyền thoại, được nhân dân địa phương lưu truyền qua nhiều thế hệ câu chuyện kể về ông như sau:

Mặt tiền Chùa Chúc Thọ

Vào đầu thời Nguyễn, cách nay gần 300 năm, ở đất Trấn Biên có một viên chức tên là Võ Thủ Hoằng (đọc trại là Huồng) gian ác, giàu có, bằng nhiều thủ đoạn tham nhũng, bóc lột nhân dân, sống xa hoa trên nỗi lầm than của đồng loại. Thế rồi một hôm, vợ ông bỗng bị bệnh qua đời, ông vô cùng thương tiếc làm đám ma long trọng, lập đàn trai tế lễ suốt một tuần. Thời gian thấm thoắt trôi qua, nỗi đau vừa nguôi thì có người đến báo là có gặp bà (vợ ông) ở chợ Mạch Ma là chợ có thật ở Phan Thiết. Người ta đồn rằng: đây là nơi hai cõi âm dương có thể giao hòa. Ông liền sắm lễ vật và chọn ngày lành tháng tốt tìm đường ra chợ Mạch Ma. Tại đây, ông đã gặp lại bà giữa phiên chợ. Mừng tủi, lưu luyến, ông xin bà cho đến thăm âm phủ, bà đưa ông qua 9 cửa địa ngục. Cảnh quỷ sứ tra tấn những linh hồn tội lỗi trông thật hãi hùng: nào là tùng xẻo, nung, đốt, cắt lưỡi, bỏ vạc dầu, máu me lênh láng, tiếng kêu khóc não nùng vang cả hỏa ngục. Đến cửa thứ 9, không khí bỗng như trùng xuống, im lặng, nặng nề, chỉ có một chiếc gông khổng lồ bằng gang nung đỏ. Hỏi tên quỷ sứ mặt xanh canh cửa, hắn cho biết đó là hình phạt dành cho tên Võ Thủ Huồng nào đó trên trần thế, nổi tiếng tham lam, gian ác khét tiếng một vùng. Ông theo bà ra về theo nẻo chợ Mạch Ma, trong lòng vô cùng hoảng sợ. Trước khi chia tay, bà khuyên ông khi trở về trần thế đừng gây thêm tội ác nữa, nên làm nhiều điều phúc đức cho mọi người, tội sẽ được giảm. Nghe lời bà, ông trở lại trần thế tu thân, tích đức, giúp đỡ người nghèo, không làm điều tà ác.

Mấy năm sau, ông lại ra chợ Mạch Ma theo bà thăm lại địa ngục, vẫn cảnh tra tấn mãi hùng, nhưng chiếc gông ở cửa ngục thứ 9 đã teo lại chỉ còn một nửa. Lần này trở về có bao nhiêu tài sản, ông đem phân phát hết cho người nghèo, bỏ tiền ra đào kinh, bắc cầu, tất chùa. Ông còn ghép bè, trữ gạo, mắm, nước ngọt bố thí cho ghe, thuyền đi lại trên vùng sông rạch nước mặn và cũng từ đó mà có địa danh Nhà Bè.

Lần cuối cùng, ông xuống địa ngục không còn thấy chiếc gông ở cửa thứ 9 nữa. Ông trở lại trần thế, sống những ngày cuối đời thanh thản và qua đời êm ả, thánh thiện trong sự thương tiếc của mọi người.

Tương truyền rằng: Vua Đạo Quang nhà Thanh khi sinh ra, giữa lòng bàn tay có dòng chữ son "Võ Thủ Huồng", Hiệp Hòa xã, Biên Hòa trấn, nghĩa là ông đã đầu thai làm vua nước Tàu. Nghe nói khi Đạo Quang lên ngôi có cho sứ thần đến tìm hiểu lai lịch và tiến cúng chùa Chúc Đảo (nay là Chúc Thọ) một tấm bia đá và một bộ tượng Tam Thế Phật (A Di Đà, Quan Âm, Thế Trí) bằng gỗ trầm hương.

Chùa Chúc Thọ đã trải qua nhiều đời truyền thừa. Hiện nay, tại nhà Tổ còn thờ các long vị của các Tổ sư từng trụ trì, hoằng hóa ở Chúc Thọ Cổ Tự:

  • Tổ Lễ (Bửu Thọ) người trùng hưng lại ngôi chùa, (Lâm Tế thứ 36), sinh năm Bính Tuất, tịch?
  • Tổ Thuận (Lâm Tế thứ 36), sinh năm Đinh Mão, tịch năm Nhâm Thân.
  • Tổ Tiên Hiền (Lâm Tế thứ 37), sinh năm Bính Thân, tịch năm?
  • Tổ Minh Châu tự Chí Ngạn (Lâm Tế thứ 38), tịch tháng 6 năm Nhâm Ngọ.
  • Tổ Minh Thông (Lâm Tế thứ 38) 
  • Hòa thượng Thiện Hương (Lâm Tế thứ 38)

Từ năm 1944 đến tháng 6 âm lịch năm 2002, Hòa thượng Thiện Đắc, pháp danh Thích Huệ Chiếu, thế danh Lê Văn Đáo (1918 - 2002) trụ trì.

Chùa Chúc Thọ được trùng tu, sửa chữa nhiều lần tiêu biểu vào các năm: 1882, 1921,1943, 1950-1951, 1954 và lần trùng tu cuối cùng vào năm 1960-1961 do Sư ông Thiện Đắc tự Huệ Chiếu trụ trì tại chùa chủ trương xây dựng.

Chùa Thủ Huồng được xây dựng lại hoàn toàn. Tường xây bằng gạch thẻ, xi cột xi măng cốt thép, mái lợp ngói vẩy cá, nền lót gạch bông.

Chùa có diện tích khoảng 400 m2, mặt tiền quay theo hướng bắc, tọa lạc trong một khuôn viên thoáng rộng gần 5 mẫu tây. Đây là ngôi chùa có kiến trúc giống các ngôi chùa cổ xây dựng thời nhà Nguyễn, kiến trúc kiểu chữ Tam (三) gồm: chánh điện, nhà giảng (giảng đường) và nhà Tổ tiếp nối nhau theo chiều dọc. Ngôi chùa nhìn rất bề thế thâm nghiêm, ẩn náu dưới tàn những cây dầu cổ thụ cao vút và mảnh đất dầy chi chít mộ, nhô lên vài ngôi Bảo tháp - nơi yên nghỉ cuối cùng của bao thế hệ Hòa thượng trụ trì tại chùa.

Bộ Tam Thế Phật (bằng gỗ trầm hương)

Chánh điện kiến trúc kiểu tứ trụ, được tạo dựng 2 hàng 4 cột xi măng, cốt thép tròn có đường kính 45 cm. Trên mỗi cột đều có treo liễn đối làm năm Ất Sửu sơn son thếp vàng. Đặc biệt trên 2 cột trước bàn thờ Phật có treo tấm bao lam bằng gỗ trang trí đề tài: rồng chầu mặt trời, tứ linh, làm năm Quý Hợi rất đẹp và có giá trị văn hóa cao.

Hiện nay, tại chùa Chúc Thọ còn lưu giữ khá nhiều sưu tập tượng bằng đất nung có giá trị văn hóa, nghệ thuật như: 02 bộ Thập điện Diêm Vương, 01 bộ Thập bát La Hán. Ngoài ra, chùa còn có một số pho tượng được tạc bằng gỗ mít như: A-Di-Đà, Bổn sư Thích Ca,Thiện Hữu, Bắc Đẩu, 2 tượng Phật đản sinh, ngài Hộ Pháp, ngài Tiêu Diện. Đặc biệt, chùa có bộ Di Đà Tam tôn (Di Đà, Quan Âm, Thế Chí) bằng gỗ giáng hương, tương truyền do vua Đạo Quang (nhà Thanh) tiến cúng. Chùa có đại hồng chung, do Yết ma Thiện Hương Chứng minh ngày 15/3 năm Canh Thân.

Quản tự chùa hiện nay là Đại đức Thích Thiện Thọ, thế danh Nguyễn Văn Phương, sinh năm 1970 tại Sài Gòn, xuất gia năm 1983 là đệ tử của cố Hòa thượng Thích Huệ Thành (nguyên trụ trì chùa Long Thiền), thọ Tỳ kheo năm 1990 tại giới đàn chùa Long Thiền. Năm 2001, Đại đức Thiện Thọ về chùa Chúc Thọ cùng với Hòa thượng Thiện Đắc trông coi quản lý ngôi cổ tự. Ngày 4/6 âm lịch năm Nhâm Ngọ (2002) Hòa thượng Thiện Đắc viên tịch, thọ 84 tuổi.

Hiện nay, chùa Chúc Thọ cùng câu chuyện ông Thủ Huồng mang màu sắc cổ tích dân gian vẫn còn và chắc chắn sẽ còn sống dài lâu qua nhiều thế hệ về lòng nhân ái, về cái tốt cuối cùng sẽ chiến thắng.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Chùa Chúc Thọ

Tên tự viện: CHÙA CHÚC THỌ

Địa chỉ: Số 542/A2, ấp Nhị Hòa, phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Số điện thoại liên lạc: 0913878582

Hệ phái: Bắc tông

Tông phong: Cổ truyền

Năm thành lập: Thế kỷ 18

Khai sơn: Ông Võ Thủ Hoằng (Huồng)

Trụ trì hiện nay: Thượng tọa Thích Thiện Thọ (ĐT: 0913878582).

Chùa Chúc Thọ đã được GHPGVN và Nhà nước công nhận.







Đức Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét