14 tháng 9, 2021

Chùa Chantarangsay

Tên thường gọi: Chùa Khmer

Chùa tọa lạc ở số 164/235 đường Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: 08.8435359, 0919558697 (Sư Danh Lung). Chùa thuộc hệ phái Nam tông (Khmer). Tên Chanta Rangsey có nghĩa là Nguyệt quang (Ánh trăng).

Chùa Chantarangsay

Ngôi chánh điện

Một góc ngôi chánh điện

Nóc ngôi chánh điện


Một góc chùa

Chùa do Đại đức Lâm Em xây dựng từ năm 1946. Ngài người dân tộc Khmer, quê ở Sóc Trăng, du học ở Campuchia, từng là Hiệu trưởng của trường Phật học ở Phnôm-pênh. Do thường về Sài Gòn thăm người thân, ngài thấy cần có một ngôi chùa Khmer cho sư sãi Nam tông tu học và giúp cho các sư sãi vãng lai có chỗ nghỉ ngơi hợp với giáo luật. Ban đầu, ngài chỉ cho lấp đầm lầy, dựng một căn nhà sàn để ở và tu hành. Năm 1949, ngôi chánh điện được xây dựng bằng bê tông, hoàn thành và làm lễ kết giới vào năm 1953. Các năm 1967 – 1969, chùa cho xây Sala, am, liêu, trường Pali và tháp.

Các vị trụ trì tiền nhiệm là: HT Lâm Em, HT Oul Srey. Trụ trì hiện nay là Tỳ kheo Danh Lung, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ V (2002 – 2007).



Điện Phật

Bàn thờ Phật



Tượng đức Phật Thích Ca

Tượng đức Phật Thích Ca toạ thiền

Chùa đã qua bảy lần trùng tu, diện tích hiện nay là 4.500 m2. Cổng chùa được đúc bằng xi măng, chân đế có dạng hình hộp gồm bốn cột, chống mái bằng. Trên mỗi đỉnh cột có trang trí tượng cầy-no (biểu tượng cho sắc đẹp và sức mạnh). Trên mái bằng là ngọn tháp tứ giác có chín tầng, tầng trên cùng là bình nước Cam lồ. Trên mỗi góc của tháp có biểu tượng như đuôi rồng uốn cao, tượng trưng cho sự oai nghiêm và sức mạnh của Phật pháp.

Ngôi chánh điện là công trình kiến trúc quy mô, đặc sắc nhất của chùa. Chánh điện gồm hai tầng, có bốn cổng ở hai mặt trước và sau, mặt hướng Đông. Giữa chánh điện tôn trí kim thân đức Phật, được xếp thành năm tầng từ thấp đến cao, từ lớn đến nhỏ, mỗi tầng là một tư thế tu hành của đức Phật.

Tranh vẽ sự tích đức Phật




Tranh vẽ sự tích đức Phật

Tranh vẽ đức Phật thuyết pháp

Chùa còn có một số công trình kiến trúc khác như: Sala (nhà tăng) gồm hai tầng, tầng trệt là nhà lễ, tầng trên là nhà giảng. Trong Sala, có bàn thờ đức Phật Thích Ca và các vị cố Hòa thượng trụ trì chùa. Tháp đựng cốt bốn cạnh đều nhau, gồm hai tầng. Tầng dưới đựng hài cốt của các Phật tử, tầng trên đặt hài cốt của các Hòa thượng.

Hằng năm, chùa tổ chức các ngày lễ sau: Lễ Miakha Bôchia (15 tháng giêng âm lịch); lễ Chôl Chnam Thmây (lễ vào năm mới) là tết cổ truyền của người Khmer, thường tổ chức vào giữa tháng 4 dương lịch. Lễ Đôn ta (lễ cúng ông bà) từ ngày 29 tháng 8 đến ngày 01 tháng 9 âm lịch. Lễ Ok Oom Bok (lễ cúng trăng) được tổ chức vào ngày 15 tháng 10 âm lịch. Lễ Visakha Bochia (lễ Phật đản) vào ngày 15 tháng 5 âm lịch. Lễ Chool Vossa (lễ nhập hạ) vào ngày 15 tháng 6 âm lịch. Lễ Chênh Vossa (lễ ra hạ) vào ngày 14 và 15 tháng 9 âm lịch. Lễ Kathăn Na Tean (lễ dâng y) sau ngày xuất hạ đến ngày 15 tháng 10 âm lịch.

Chư tăng đang hành lễ

Du khách tham quan điện Phật

Sư trụ trì Danh Lung giới thiệu chùa cho học viên Trường nghiệp vụ du lịch Việt Giao

Sư trụ trì Danh Lung chụp ảnh lưu niệm với học viên Trường nghiệp vụ du lịch Việt Giao

Trang trí ở cửa sổ


Tháp thờ Phật

Tượng Cầy-no

Tượng trang trí

Tượng trang trí

Tranh vẽ về tiền thân Đức Phật

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Ngôi chùa kiến trúc Khmer đầu tiên ở Sài Gòn

Chùa Chantarangsay được xây dựng năm 1946, mang đường nét kiến trúc của nền văn hóa Khmer miền Tây Nam bộ. 

Chùa Chantarangsay nằm bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận 3, TP HCM) được xây dựng hơn 70 năm trước. Chùa còn được gọi là Candaransi (có nghĩa là Ánh Trăng) và là ngôi chùa Khmer đầu tiên trên đất Sài Gòn. 
Chùa có diện tích 4.500 , từ khi hoạt động đã trải qua bảy lần trùng tu. Giữa sân chùa là hồ nước nhỏ, tháp thờ Phật, nhà tăng... với màu vàng đặc trưng của chùa chiền Khmer. 

Đây là chốn tu hành của các nhà sư theo trường phái Nam Tông, nơi sinh hoạt văn hóa của đa số bà con dân tộc Khmer Nam bộ ở Sài Gòn. 

Ngôi chánh điện gồm hai tầng, có bốn cổng ở hai mặt trước và sau, mặt hướng Đông. 

Trên đỉnh chánh điện là ba ngọn tháp lộng lẫy, có thể quan sát được từ xa, như một điểm nhấn kiến trúc của ngôi chùa. 

Lối vào chánh điện có những bức phù điêu Đức Phật Thích Ca với các kiểu dáng khác nhau được chạm trổ tinh xảo. 

Mang đặc điểm của Phật giáo Nam tông nên trong chánh điện chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca, không thờ Bồ tát và các vị thần linh. Quanh bốn góc tường, trên trần mái là những bức tranh lớn kể lại câu chuyện về quá trình tu đạo của Đức Phật. 

Trên các góc, tường, mái, cột của chùa có trang trí hình chim thần Garuda, rắn thần Naga, tượng Cầy No, tượng Phật Thích ca... 

Bên hông chánh điện là tháp đựng cốt có tầng dưới đựng hài cốt của các Phật tử, tầng trên đặt hài cốt của các nhà sư. 

Ngôi chùa không quá rộng lớn, luôn yên bình dù nằm ở khu trung tâm, thu hút nhiều người dân tới tham quan, lễ bái mỗi ngày. 

Trong năm, chùa tiến hành các ngày lễ lớn theo truyền thống Phật giáo của người Khmer như lễ tết Chol Chnam Thmay, Phật Đản, lễ Ok Om Bok... Chùa Chantarangsay còn là điểm cư trú cho nhiều tu sĩ Khmer khi đến tham quan thành phố hay học tập. 

Quỳnh Trần
Ánh trăng Khmer

Cả nước Việt Nam có hơn 15.000 ngôi chùa, trong đó hầu hết là chùa Bắc tông, chùa Nam tông chỉ có 539 ngôi (hơn 3%). 539 ngôi chùa Nam tông ấy tập trung chính ở miền Tây Nam bộ và chủ yếu là Nam tông Khmer. Thí dụ, riêng Trà Vinh đã có tới 141 ngôi chùa Nam tông Khmer.

TPHCM có hơn 1.000 ngôi chùa, nhưng chỉ có 19 ngôi chùa Nam tông (dưới 2%). Khác với miền Tây, ở TPHCM chùa Nam tông chủ yếu là của người Việt, cả thành phố chỉ có 2 ngôi chùa Nam tông Khmer thôi. Đó là chùa Chantarangsay ở 164/235 đường Trần Quốc Thảo, thuộc phường 7, quận 3 và chùa Pothiwong ở 1985B Hồng Lạc, phường 10, quận Tân Bình.

Chùa Chantarangsay là ngôi chùa Nam tông Khmer to và đẹp nhất ở TPHCM (chùa Pothiwong to và đẹp... nhì!).

Cổng chùa

Tên Chantarangsay rất nên thơ, nó có nghĩa là ánh trăng. Chùa Chantarangsay nghĩa là Chùa Ánh trăng. (một số nơi ghi là chùa Wat Chantarangsay, thật ra Wat đã có nghĩa là chùa).

Ngôi chùa do Đại đức Lâm Em khởi dựng năm 1946. Ông là người Khmer, quê Sóc Trăng, tu tập ở Campuchia, từng là Hiệu trưởng trường Phật học tại Phnompenh. Thường về Sài Gòn, ông thấy cần có một ngôi chùa Khmer cho sư sãi Nam tông tu học đồng thời giúp các sư sãi vãng lai có chỗ nghỉ ngơi hợp với giáo luật. Ban đầu, ông chỉ cho lấp đầm lầy, dựng một căn nhà sàn để ở và tu hành. Năm 1949, ngôi chánh điện được xây dựng bằng bê tông, hoàn thành và làm lễ kết giới năm 1953. Từ đó đến nay, chùa đã qua nhiều lần trùng tu. 
Theo tư liệu, diện tích chùa là 4.500 m2.

Chùa Chantarangsay khoảng năm 1990. Ảnh: Võ văn Tường

Như tất cả các ngôi chùa khác, ngôi chính điện là kiến trúc quy mô và quan trọng nhất của chùa Chantarangsay. Là chùa Nam tông, nên trong chính điện chỉ thờ mỗi Đức Phật Thích Ca. Giữa chánh điện tôn trí kim thân đức Phật, được xếp thành năm tầng từ thấp đến cao, từ lớn đến nhỏ, mỗi tầng là một tư thế tu hành của đức Phật. Trên trần và tường là các hình ảnh kể về sự tích của Phật. Và vì là chùa Khmer nên kiến trúc chùa mang đậm nét kiến trúc Khmer.



Bên ngoài ngôi chánh điện

Các ngọn tháp trên mái chánh điện



Bên trong ngôi chánh điện

Một công trình quan trọng khác là Sala (nhà tăng), theo bảng đề thì Sala hiện nay được xây dựng năm 1967.

Sala được xây dựng năm 1967

Trong khuôn viên chùa còn có tháp thờ Phật, tháp đựng hài cốt, các tượng và cụm tượng...




Các tháp và tượng trong khuôn viên chùa

Nếu bạn chưa có dịp viếng thăm một ngôi chùa Nam tông Khmer ở miền Tây Nam bộ (thường có tuổi đời 500 - 600 năm) thì đến viếng thăm ngôi chùa Ánh Trăng này ngay tại Sài Gòn bạn sẽ cảm nhận được những nét đặc sắc tiêu biểu của chùa Nam tông Khmer (tuổi đời chỉ 70 năm). 

Tuy nhiên, có một điều rất đặc trưng của chùa Khmer miền Tây mà chùa Chantarangsay không có được. Đó là hầu như tất cả các ngôi chùa Khmer ở miền Tây đều có một rừng cây rất rộng bao quanh, với cây xanh tỏa bóng mát, với tiếng lá rì rào, với tiếng chim ríu rít (ấy vậy nên miền Tây mới có chùa Cò, chùa Dơi...). Quả là một điều đáng tiếc, nhưng cũng khó lòng có được với một ngôi chùa ở trong lòng đô thị sầm uất nhộn nhịp này.

Cây xanh như thế này đã là rất nhiều đối với một ngôi chùa ở Sài Gòn

Và còn một điều khác nữa. Nếu về miền Tây, bạn có thể gặp các nhà sư chân không ôm bát đi khất thực trên đường (theo đúng phương cách tu của Nam tông) thì điều đó không thực hiện được nơi TPHCM náo nhiệt này. Chỉ có Phật tử cúng dường và chùa dùng tiền ấy để lo các bữa ăn cho sư sãi.


Phạm Hoài Nhân
Chùa Khmer “ánh trăng” tuyệt đẹp giữa Sài Gòn

Chùa Chantarangsay mang những đường nét kiến trúc đặc trưng của một ngôi chùa Khmer, đem lại những khám phá thú vị về văn hóa Khmer ngay giữa Sài Gòn.

Tọa lạc ở số 164/235 đường Trần Quốc Thảo,quận 3, TP HCM, chùa Chantarangsay (còn gọi là Candaransi - có nghĩa là Ánh Trăng trong tiếng Việt) là ngôi chùa Khmer độc đáo do nhà tu hành người Khmer Lâm Em sáng lập từ năm 1946. Kể từ khi hoạt động, chùa đã qua bảy lần trùng tu, diện tích hiện tại là 4.500 
 
Chùa mang những đường nét kiến trúc đặc trưng của một ngôi chùa Khmer, bắt đầu từ cánh cổng với ba ngọn tháp uy nghiêm, mang màu vàng rực rỡ. 

Ngôi chính điện là công trình kiến trúc quy mô, đặc sắc nhất của chùa Chantarangsay, gồm hai tầng, có bốn cổng ở hai mặt trước và sau, mặt hướng Đông. Các góc, trên các tường bao chính điện có trang trí hình chim thần Garuda, rắn thần Naga, tượng Cầy No... đặc trưng của văn hóa Khmer.

Giữa chính điện tôn trí kim thân đức Phật, được xếp thành năm tầng từ thấp đến cao, từ lớn đến nhỏ, mỗi tầng là một tư thế tu hành của đức Phật. 

Trần và các vách tường trong chính điện được phủ kín bằng các bức tranh rực rỡ mang chủ đề Phật giáo.

Hình tượng trang trí ở mặt trước chính điện. 

Ba ngọn tháp lộng lẫy trên chính điện có thể được quan sát từ xa, là điểm nhấn kiến trúc của ngôi chùa. 

Trong khuôn viên chùa Chantarangsay còn các công trình khác như tháp thờ Phật.

Tháp đựng cốt có tầng dưới đựng hài cốt của các Phật tử, tầng trên đặt hài cốt của các nhà sư. 

Sala (nhà tăng) gồm hai tầng, tầng trệt là nhà lễ, tầng trên là nhà giảng. Trong Sala có bàn thờ đức Phật Thích Ca và các vị cố Hòa thượng trụ trì chùa. 


Hàng năm chùa Chantarangsay tổ chức các lễ đặc sắc như Chol Chnam Thmay là tết cổ truyền của người Khmer, lễ Dolta (lễ cúng ông bà)... thu hút rất nhiều khách thập phương tới tham quan, tìm hiểu văn hóa của người Khmer.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét