22 tháng 9, 2021

Chùa Linh Sơn

Tên thường gọi: Chùa Bà Đen

Chùa thường được gọi là chùa Bà, tọa lạc trên núi Bà Đen, thuộc ấp Ninh Trung, xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. ĐT: 066.826763, 066.820761. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Sân trước chùa Linh Sơn Tiên Thạch (nhìn từ chùa Hang)

Đường lên chùa Hang

Chùa Linh Sơn Tiên Thạch (năm 1989)

Với chiều cao 986m so với mực nước biển, núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam Bộ.

Chùa Linh Sơn Tiên Thạch, thường gọi là chùa Phật, chùa Thượng, chùa Bà, cùng với chùa Hang (chùa Linh Sơn Long Châu) và chùa Trung (chùa Linh Sơn Phước Trung) là những ngôi chùa nổi tiếng ở khu danh thắng núi Bà Đen.

Chùa do Thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiếu thuộc chi phái Thiền Liễu Quán khai sơn vào giữa thế kỷ XVIII. Nguyễn Quyết Chiến trong bài Hệ thống tự viện núi Bà Đen trong tiến trình lịch sử (Báo Giác Ngộ ngày 22 – 02 – 1997) đã cho biết 11 đời trụ trì chùa như sau: Đạo Trung – Thiện Hiếu (1783 – 1806), Thanh Thanh (1806 – 1832), Hải Hiệp (1832 – 1857), Thanh Thọ – Phước Chí (1857 – 1878), Chơn Thoại – Trừng Tùng (1879– 1910), Chánh Khâm – Tâm Hòa (1910 – 1937), Nguyên Cơ – Giác Phú (1937), Nguyên Thần – Giác Hạnh (1937 – 1938), Giác Ngọc (1938 – 1951), khuyết trụ trì (1951 – 1957), Huệ Phương (1957 – 1962), Diệu Nghĩa (từ năm 1962 đến nay).

Bàn thờ Hộ Pháp

Bàn thờ Tiêu Diện

Bàn thờ Tổ

Chùa đã được trùng tu nhiều lần. Năm Mậu Ngọ (1857), Tổ Phước Chí đã bỏ ngôi chùa cũ lợp lá, vách ván, tổ chức xây dựng ngôi chùa khang trang. Ngài đã vận động nhiều Phật tử góp công góp của mở rộng đường lên núi, xây dựng ngôi chánh điện và giảng đường. Cũng vào thời gian này, cách chùa khoảng 300m, một nhà sư người Chiêm Thành, tục gọi là ông Chàm và nhà sư Huệ Mạng – Kim Tiên lấy hang đá làm nơi tu hành. Khoảng năm 1864, sư Huệ Mạng khai sơn chùa Linh Sơn Long Châu.

Năm Nhâm Thân (1871), Tổ Phước Chí cho xây chùa Phước Lâm kế cận dòng sông chảy qua ấp Vĩnh Xuân để khách hành hương đi bằng đường thủy ghé chùa nghỉ ngơi trước khi lên núi. Đến đời Tổ Chơn Thoại, ngài thấy cần xây một trạm dừng tại chân núi, tạo thuận lợi cho khách hành hương, nên đã cho xây ngôi chùa Linh Sơn Phước Trung, thường gọi là chùa Trung.

Năm Canh Tuất (1910), Tổ Tâm Hòa nối tiếp trụ trì đã cho mở rộng ngôi chùa, xây dựng thêm nhà nghỉ cho khách hành hương, mở con đường rộng 6m, dài 1300m từ chùa Trung lên chùa Phật. Năm 1924, ngài cho xây nhà Tổ, Đông lang, Tây lang, nhà Trù bằng vật liệu chủ yếu là đá. Năm 1927, ngài cho lấp hố Điện Bà (sâu 50m, rộng 70m), tương truyền là nơi Bà quyên sinh, để lấy lối lên chùa Phật. Đây là công trình lớn, ngài đã huy động hàng trăm thợ lao động suốt bốn năm mới hoàn thành. 27 năm trụ trì của Tổ Tâm Hòa là thời kỳ chùa được hưng thịnh về mặt hoằng dương đạo pháp cũng như cơ sở tự viện với hơn 100 Tăng Ni tu học, khách hành hương về chùa mỗi ngày một đông. Ngài viên tịch vào ngày 08 – 01 năm Đinh Sửu (1937).

Tượng Bồ Tát Quan Âm

Tượng Thập bát La Hán

Tượng Thập Điện Minh Vương

Các đệ tử của Tổ Tâm Hòa là Giác Phú, Giác Hạnh, Giác Ngọc kế tục quản lý và phát triển hệ thống tự viện ở đây đến năm 1945.

Từ năm 1945 đến năm 1956, quân Nhật rồi quân Pháp kéo lên chiếm đóng, phá hủy hoàn toàn hệ thống tự viện ở đây.

Năm 1956, ngài Nguyên Chất – Giác Điền, trụ trì chùa Phước Lâm tổ chức xây dựng lại hệ thống chùa ở núi Bà. Ngài cho tháo dỡ ngôi Thiền đường và một số căn nhà phụ của chùa chở lên núi cất chùa tạm để có nơi lễ bái của Tăng Ni và khách hành hương. Ngài cùng thầy Huệ Phương hết lòng chăm lo tôn tạo ngôi chùa Phật và chùa Hang. Năm 1957, ngài Giác Điền viên tịch, ngài Huệ Phương tiếp tục công việc đến năm 1962 thì giao nhiệm vụ trụ trì cho Ni sư Thích Nữ Diệu Nghĩa để về chùa Phước Lâm tu học. Từ đây cho đến năm 1975, công việc tái thiết các tự viện bị ngưng trệ. Một lần nữa, bom đạn chiến tranh đã phá hủy gần hết các công trình mới được xây dựng.

Hơn 40 năm trụ trì, Ni sư Thích Nữ Diệu Nghĩa đã tổ chức nhiều lần trùng tu ba ngôi chùa: chùa Trung, chùa Phật và chùa Hang làm nơi tu học cho Tăng Ni, Phật tử và đón tiếp hàng vạn khách tham quan, chiêm bái hằng năm. Kiến trúc ba ngôi chùa hiện nay do Ni sư cho xây dựng từ năm 1992 đến năm 1997. Ni sư tiếp tục cho xây nhà Tổ, khu nhà Tăng, khu nhà Ni, khu nhà bổn đạo vào năm 2000. Ni sư Thích Nữ Diệu Nghĩa đương nhiệm Phó Trưởng ban kiêm Ủy viên Tài chánh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tây Ninh.

Nhà Tổ

Nhà Tổ Sư

Chùa Linh Sơn Tiên Thạch được khởi công xây dựng vào ngày 16 – 10 năm Bính Tý (26 – 11 – 1996) và lạc thành vào ngày 20 – 11 năm Đinh Sửu (19 – 12 – 1997). Chùa có diện tích 210 m2 (bề rộng 14m, bề dài 15m). Chùa mang nét kiến trúc kết hợp hài hòa nét đẹp của nhiều ngôi chùa cổ trong nước. Đặc biệt, chùa còn giữ hai cột đá xanh được tạc thời Tổ Tâm Hòa (1919) ở tiền đường, mỗi cột cao 4,5m, đuờng kính 0,45m, chạm hình rồng uốn lượn rất đẹp.

Ở sân chùa Phật có tôn trí tượng đài Bồ tát Quan Âm. Tiền đường thờ tượng Tiêu Diện. Tầng trên thờ Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền. Điện Phật thờ tượng đức Trung Tôn chính giữa (tư liệu của chùa cho biết tượng đức Bổn sư Thích Ca thiền định cao 2,5m) và chư Phật, Bồ tát: bộ tượng Di Đà Tam Tôn, đức Phật Thích Ca, tượng Đản sanh, Bồ tát Địa Tạng, Ngọc Hoàng… Hai bên có bàn thờ tượng Bồ tát Quan Âm và Bồ tát Thế Chí. Trước điện Phật có tượng Tứ Thiên Vương: Ma Lễ Thọ, Ma Lễ Hồng, Ma Lễ Hải, Ma Lễ Thanh; tượng đức Hộ Pháp Vi Đà. Hai bên vách có bàn thờ Thập bát La Hán, Thập Điện Minh Vương, Mục Kiền Liên, Quan Thánh. Sau điện Phật, có bàn thờ Tổ sư Đạt Ma và các vị Tổ của chùa. Đặc biệt, ở điện Phật có tôn trí ngọc Xá lợi Phật, bảo vật do Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được Vua Sãi Thái Lan tặng, và Hòa thượng đã cúng dường cho chùa vào năm 2000.

Chùa có khu bảo tháp Tổ. Giữa là tháp Tổ Tâm Hòa, Tổ Giác Phú, Tổ Giác Điền. Hai bên là tháp Tổ Trừng Tùng và Tổ Thanh Thọ.

Bên cạnh chùa là Điện Bà Linh Sơn. Kiến trúc điện gồm một mái đá tự nhiên nhô ra tạo thành động, vòm mái cao 2,5m, và gian nhà thờ nhân tạo phía trước dài 8m. Trong điện thờ Linh Sơn Thánh mẫu, Thần Tài, Thổ Địa. Ở đây có tủ đựng y trang của Bà do thập phương bá tánh dâng cúng. Gian ngoài thờ Bồ tát Quan Âm và Địa Mẫu.

Lễ Phật

Du khách tham quan chùa

Cáp treo

Có nhiều truyền thuyết dân gian kể về Bà Đen như: Sự tích nàng Đênh, truyện Lý Thị Thiên Hương…

Theo Thạch Phương và Lê Trung Vũ trong sách 60 lễ hội truyền thống Việt Nam (NXB. KHXH, Hà Nội, 1995) thì nàng Đênh là con của viên quan Trấn thủ vùng núi Tây Ninh. Năm 13 tuổi, nàng được cha mẹ gửi cho một nhà sư người Hoa để học đạo. Đến tuổi cặp kê, có con trai viên Tri huyện Trảng Bàng ngỏ ý cầu hôn, nhưng nàng từ chối vì đã có ý nguyện xuất gia. Một đêm, nàng lẻn bỏ nhà ra đi lên núi, nhưng chẳng may bị cọp vồ. Hôm sau, đến khi gia nhân viên quan Trấn thủ đi tìm thì nàng đã bị cọp ăn thịt, chỉ còn sót lại một chân nằm ở nơi kẹt đá. Song thân nàng đã cho mai táng phần thi thể còn lại trên núi và cho xây miếu thờ. Người dân địa phương cho rằng nàng chết oan tất phải linh hiển nên thường đến miếu cúng bái, mong được nàng phù hộ.

Theo tài liệu Truyền thuyết về Bà Đen (Báo Tây Ninh xuất bản năm 1998) thì cô gái Lý Thị Thiên Hương vốn nhan sắc mặn mà ở huyện Quan Hóa (nay là huyện Trảng Bàng) đính hôn cùng Lê Sĩ Triệt, chàng trai văn võ song toàn. Giữa buổi loạn ly, chàng Lê Sĩ Triệt gác tình riêng lên đường tòng quân cứu nước. Thiên Hương, một hôm lên núi viếng chùa thì gặp bọn cường sơn thảo khấu chặn đường uy hiếp. Sức yếu thế cô, nàng đành phải nhào xuống vực sâu quyên sinh. Đêm ấy, nhà sư trụ trì ngôi chùa trên núi được nàng báo mộng. Hôm sau, ông xuống vực sâu tìm và đem xác nàng đi an táng. Nàng rất linh hiển, luôn phù độ cho nhân dân trong vùng được nhiều ân phước. Người dân lập điện thờ Bà trên núi, từ đó núi có tên là núi Bà Đen.

Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, xưng hiệu là Gia Long, tưởng nhớ đến chuyện khi bôn tẩu khắp miền Nam, lúc đến núi được Bà mách bảo nên thoát nạn, liền sai Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Thành Gia Định, lên núi làm lễ sắc phong cho Bà danh hiệu Linh Sơn Thánh mẫu, đặt tên chùa Bà Linh Sơn Tiên Thạch Tự và tạc tượng Bà bằng đồng để nhân dân chiêm bái, phụng thờ. Săc phong đó về sau bị thất lạc. Đến đời Bảo Đại, vua tái sắc phong cho Bà.

Hằng năm, khách hành hương đến viếng chùa, miếu Bà rất đông vào tháng giêng và vào lễ vía Bà, ngày 5 và 6 tháng năm âm lịch. Từ năm 1983, tỉnh Tây Ninh đã thành lập Ban Tổ chức Hội Xuân Núi Bà và Ban quản lý Di tích lịch sử – văn hóa núi Bà Đen. Con đường từ thị xã Tây Ninh đến núi Bà dài 11km được trải nhựa, hệ thống lưới điện quốc gia đã nối mạng đến đỉnh núi, các cơ sở hạ tầng phục vụ khách hành hương được xây dựng hoàn chỉnh.

Đặc biệt, một hệ thống cáp treo đầu tiên ở Việt Nam đã được Công ty Du lịch Tây Ninh đưa vào hoạt động phục vụ du khách vào năm 1998, đi từ chân núi lên chùa Linh Sơn Tiên Thạch, đoạn đường dài 1225m, độ cao 225m, thời gian 18 phút/lượt. Hệ thống cáp treo, công nghệ Cộng hòa Áo do Trung Quốc sản xuất, tổng số 180 cabin (2 người lớn/cabin), 16 trụ tháp, công suất phục vụ 500 lượt khách/giờ. Hệ thống máng trượt, công nghệ của Đức do Trung Quốc sản xuất, cũng đã đưa vào hoạt động từ năm 2002. Hệ thống bao gồm hai tuyến khép kín: tuyến máng kéo 1.190m và tuyến máng trượt 1.700m, tốc độ tối đa 40km/g. Có hệ thống thắng tay, có hệ thống giảm chấn ở hai đầu xe trượt, có thắng tự động, có lưới bảo vệ, có dây đai an toàn. 

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Xá lợi Phật

Ni Sư Diệu Nghĩa trụ trì chùa

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường

Tìm hiểu thêm về sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên, ở Long Châu Tiên thạch tự- núi Bà Đen

Toàn những khối đá lớn hình sừng tê, hình trứng lô xô bên một gốc cây cổ thụ bốn mùa xanh. Đây chính là tháp mộ của sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên.

Tháp mộ của sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên đã được trùng tu.

Có thể bạn chưa biết tên hiệu hoặc pháp danh của sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên. Nhưng, nếu nói đây là ông sư tổ đã từng tụng kinh cho đá tảng ở núi nứt đôi, làm lối đi cho bá tánh thập phương đến viếng chùa thì nhiều người Tây Ninh đã biết, qua cuốn sách “Tây Ninh xưa” của Huỳnh Minh, khi ông chép lại thành câu chuyện “Ông Đá nứt hai trên núi Điện Bà” (trang 67, Nxb Thanh niên tái bản năm 2001).

Chuyện rằng: “Xưa, khách hành hương lên núi… muốn viếng chùa Hang, phải đi vòng xuống suối rất cực nhọc khó khăn… là vì giữa đường đi bị một ông Đá chặn lấp… Vị tổ thứ ba của Linh sơn tự là Tánh Thiền lấy làm xốn xang trước cảnh bá tánh phải vất vả đi vòng… Tổ thành tâm cầu nguyện; mỗi đêm Tổ đến nơi ông Đá tụng kinh Kim Cang và khấn vái để có lối đi… Đúng 100 ngày và vào ngày chót, một hiện tượng lạ xảy ra là ông Đá nứt đôi, hai bên đá dang ra chừa một lối đi bề ngang lối 1,5m. Từ đó nhân dân lên núi có lối đi qua chùa Hang một cách dễ dàng…”.

Có điều, đến nay mới có thể khẳng định, tác giả Huỳnh Minh đã nhầm. Nhầm ở vị tổ sư cầu kinh cho đá nứt là: “thầy tổ thứ ba của Linh sơn tự là Tánh Thiền”. Nội dung câu chuyện, thì đúng như Huỳnh Minh đã kể. Nhưng, với nhiều thế hệ các nhà sư ở núi Bà, vị sư ấy lại là Tổ sư Huệ Mạng Kim Tiên. Mà câu chuyện không thể nhầm lẫn được. Vì cả trăm năm nay, các nhà sư tu ở núi Bà vẫn tổ chức lễ huý kỵ cho sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên vào ngày ngài mất, mùng 1 tháng 2 âm lịch (năm nay là ngày 3.3.2022).

Sách “Ngọn đuốc cửa thiền” của Phan Thúc Duy, được Hoà thượng Thích Giác Điền, trụ trì chùa Phước Lâm tái bản năm 1957. Sách có bản: “Liệt vị tổ sư khai sơn hoá đạo núi Điện Bà”. Theo đó, Tổ Đạo Trung- Thiện Hiếu (còn gọi là Tổ Bưng Đỉa khai sơn núi Điện Bà) là tổ đời thứ 38 dòng tế thượng chánh tông- dòng tu chính của các nhà sư ở núi Bà Đen. Tổ Tánh Thiền là người kế nhiệm, thuộc đời thứ 39. Qua 2 đời sư tổ nữa là Hải Hiệp- Từ Tạng và Thanh Thọ Phước Chí (đời thứ 40 và 41) thì mới đến đời sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên. Hai người Tánh Thiền và Huệ Mạng cách nhau tới 3 đời. Sự nhầm lẫn không đáng có này đến đây cũng nên kết thúc. Để ai đó muốn đi sâu tìm hiểu về núi Bà Đen Tây Ninh, còn gọi là núi Linh sơn từ triều vua Tự Đức không còn tiếp tục trích dẫn sai về các vị sư tổ núi như đã kể trên. Vậy sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên là ai?

Trong dòng người đi lễ hội xuân ở núi Bà, luôn có một dòng người đem theo quả phẩm, hương hoa lên chùa Hang vào đúng mùng 1 tháng 2 âm lịch. Họ lên dự đám huý kỵ (giỗ) thầy tổ Huệ Mạng Kim Tiên, người được coi là “khai sơn hoá thạch” chùa Hang (Long Châu Tiên thạch tự). Ông cũng chính là người tụng kinh suốt 100 ngày làm cho tảng đá lớn nứt làm hai, trên lối bộ chùa Bà đi tới chùa Hang. Tảng đá ấy đến nay vẫn còn nhưng do đường đã được mở rộng thêm một làn vòng ra bên ngoài, nên tảng đá nằm chính giữa. Phần đá gốc vẫn nằm ở bên trong, bốn mùa buông rủ những rèm dây lá xanh tươi. Đang là giữa mùa xuân, nên cáp treo đưa người lên ga chùa Hang lướt qua những vồng hoa vông đỏ thắm, khiến lòng người càng thêm náo nức. Buổi chiều ấy, chùa thường đông đúc. Nhà trù không đủ chỗ, các ni cô trải bạt ngay trước khoảng sân nhỏ hẹp trước chùa làm chỗ dùng cơm chay cho khách hành hương. Đến 13 giờ thì các nhà sư niệm hương vào đám khai chung bảng. Nửa tiếng sau, có lễ khoa nghinh thần chủ. 15 giờ 30 phút có lễ khoa lược phát gồm các chi tiết: múa lửa, cầu siêu cho các vong hồn. Đến 18 giờ có lễ khai kinh và tụng kinh, cho đến 2 tiếng sau tiếp đến lễ đăng đàn chẩn tế- xả giàn. Ngày hôm sau, mùng 2 tháng 2 chỉ thêm một lễ cúng ngọ và Tiên sư nữa là xong.

Nhìn chung, lễ huý kỵ tổ sư là một nghi lễ trịnh trọng nghiêm trang với nhiều màu sắc. Bàn kinh được đặt ngay trước mặt tiền chùa, sau lưng Phật đài Quán Thế Âm. Các nhà sư áo mũ cà sa trịnh trọng. Xen kẽ có thêm những màn múa lửa, cầu siêu trong ánh đuốc chập chờn. Nhưng du khách chờ mong nhất là tiết mục sau cùng của ngày mùng một, đấy là lễ đăng đàn chẩn tế, xả giàn. Giàn ở đây là một cái giàn tre hình trụ tròn buộc hoặc xếp đầy những túi quả phẩm và tờ tiền giấy. Khi các nhà sư phóng vun vút những cây nhang cháy ra bốn phía; cũng là lúc giàn được xả tự do, các khách lấy những gì muốn lấy. Những vật lấy được coi như là lộc được ban cho con người may mắn quanh năm trong dịp mùa xuân.

Ngày huý kỵ sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên.

Từ chùa Hang có lối đi xuống động Huyền Môn- một di tích xưa của Liên đội 7 anh hùng thời kháng chiến chống Mỹ. Dọc theo lối ấy, xuống vài chục bậc, ta sẽ thấy một ngôi tháp mộ xây chon von bên vách đá. Toàn những khối đá lớn hình sừng tê, hình trứng lô xô bên một gốc cây cổ thụ bốn mùa xanh. Đây chính là tháp mộ của sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên. Do người đời sau đã tôn tạo nên tháp có hẳn 3 tầng, tiết diện lục lăng với mỗi tầng đều có mái ngói đỏ tươi trên nền tháp quét sơn vàng tươi mới.

Vậy mà nhìn vào ô cửa duy nhất vẫn thấy được ngôi tháp cũ nhỏ nhoi xây kiểu “bửu đồng”, tức là chỉ có 1 tầng. Trên cái bửu đồng xưa vẫn còn nguyên vẹn tấm bia đá xanh khắc chữ từ xưa để lại. Nhà sư Thích Thiện Trí, trụ trì chùa Thanh Lâm- Gò Dầu dịch lại như nhau: “Tế thượng chánh tông, tứ thập nhị thế.

Huý Trừng Tâm- thượng Phước hạ Kỳ. Hiệu Huệ Mạng Kim Tiên- Tổ sư”. Hai dòng lạc khoản 2 bên cho biết ngài sinh năm Bính Tý (28 tuổi) và viên tịch ngày 1 tháng 2 năm Kỷ Mão. Ngoài các thông tin đã biết, ta còn biết thêm pháp danh ngài là Thích Phước Kỳ, tên huý là Trừng Tâm, tên hiệu là Huệ Mạng Kim Tiên. Tra cứu các nguồn tư liệu Phật giáo Tây Ninh, thì được biết Trừng Tâm cùng với Trừng Tùng, Trừng Long và Trừng Lực là những học trò (đệ tử) của bổn sư Thanh Thọ- Phước Chí.

Tổ sư Thanh Thọ chính là trụ trì chùa Phước Lâm (Vĩnh Xuân). Sau khi khánh thành chùa năm 1872, ngài lên núi Điện Bà xây lại hang núi thành ngôi điện thờ Bà. Các học trò của ông đều trưởng thành xuất sắc: Trừng Tùng- Chơn Thoại kế nghiệp bổn sư, trở thành trụ trì các chùa núi Bà từ năm 1880 đến 1910.

Trừng Lực về xây chùa Phước Lưu, nay ở giữa trung tâm thị xã Trảng Bàng. Trừng Long về xây chùa Thanh Lâm ở thị trấn Gò Dầu. đều là những ngôi chùa lớn và nổi tiếng trên mỗi vùng đất: Trảng Bàng và Gò Dầu Hạ ngày xưa.

Đối chiếu với tuổi của những vị sư cùng thời, có thể ngài được sinh vào năm Nhâm Tý (1852) chứ không phải là Bính Tý. Và năm ngài mất là Kỷ Mão (1879), gần một thế kỷ rưỡi đã trôi qua. Và lễ giỗ của ngài vẫn cứ đến hẹn lại lên, là ngày 1 tháng 2 âm lịch. Trúng dịp hội xuân, nên lễ giỗ trở thành một lễ hội nhỏ trong lòng lễ hội xuân núi Bà Đen- một lễ hội trọng điểm quốc gia trên miền đất Tây Ninh.

Trần Vũ
Ngôi chùa 300 năm trên núi Bà Đen

Nằm ở lưng chừng ngọn núi cao nhất khu vực Đông Nam Bộ, ngôi chùa thu hút rất đông khách đến chiêm bái. 

Chùa Bà Đen là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở tỉnh Tây Ninh, nằm ở lưng chừng núi Bà Đen cao 986 m. Chùa đã tồn tại hơn 300 năm, lúc đầu chỉ là miếu nhỏ sau được xây dựng như ngày nay. Vị thần được thờ chính trên núi là Bà Đen hay còn gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu. 

Dẫn lên chùa là con đường 1.500 bậc, đi vòng quanh những tảng đá, cây rừng um tùm hai bên. Từ chân núi mất hơn một giờ để lên đến chùa nằm ở độ cao hơn 200 m. 

Ngoài ra, du khách có thể lên xuống chùa bằng hệ thống cáp treo dài hơn 1.000 m hết khoảng 10 phút, giá 85.000 đồng một lượt. Từ cabin, khách phóng tầm mắt nhìn cảnh vật núi rừng hoặc cánh đồng trải dài đến hồ Dầu Tiếng phía dưới. 

Nơi thờ tự chính của chùa là hang đá rộng khoảng 5 , đặt điện thờ Bà Đen, người được vua Gia Long phong thánh hiệu "Linh Sơn Thánh Mẫu". Theo truyền thuyết, khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi đã chạy đến núi Bà Đen lẩn tránh. Quân lính đói lả, chúa Nguyễn Ánh đã cầu khẩn xin giúp đỡ. Đêm đó, Bà Đen xuất hiện trong mộng của chúa và chỉ cho loại trái cây trên núi có thể cứu đói binh sĩ. Năm 1790, Nguyễn Ánh đưa binh lính quay lại núi đúc tượng, cất điện thờ. 

Trong hang đá có tượng và tủ đựng y trang của Bà Đen do người dân dâng cúng. 

Phần lớn không gian chùa hiện nay được xây dựng, trùng tu qua nhiều năm với kiến trúc hài hòa giống các chùa cổ trong nước. 

Bên cạnh hang đá là chánh điện, được xây dựng năm 1996. Tiền đường thờ Tiêu Diện, tầng trên thờ Bồ Tát Di Lặc. Phía ngoài là sân thờ Bồ Tát Quan Âm, khách hành hương khi viếng đều sờ, lau mặt vào áo choàng của bà để lấy may mắn. 

Chánh điện rộng hơn 200 m2, với nhiều cột kèo, gian thờ sơn son thếp vàng. Nơi này có tượng Phật Thích Ca cao 2,5 m; ở hai bên là các tượng Bồ Tát, Thập Bát La Hán... 

Rải rách quanh vách núi là chùa Trung, chùa Phật và chùa Hang. Đó là những nơi tu học cho tăng ni, Phật tử và đón tiếp khách chiêm bái hàng năm. 

Khách hành hương đến chùa, miếu Bà rất đông vào tháng Giêng và lễ vía Bà, ngày 5 và 6/5 Âm lịch. Người tới đây đều được phục vụ cơm chay miễn phí. "Nhà tôi hầu như năm nào cũng đến viếng chùa vào dịp Tết, mong làm ăn suôn sẻ, gia đình hạnh phúc. Chùa nằm trên núi nên phong cảnh hữu tình, không gian thoáng đãng", anh Minh Sơn (TP HCM) chia sẻ. 

Toàn cảnh núi Bà Đen - ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ. 

Quỳnh Trần
Huyền tích Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen

Núi Bà Đen cao 986 mét so với mực nước biển và được xem là cao nhất Đông Nam bộ. Theo sách “Gia Định Thành Thông Chí”, tên gốc của núi Bà Đen là Bà Dinh. Những bậc kỳ lão địa phương thì cho rằng tên gốc là núi Một. Đến khoảng nửa thế kỷ XVIII mới xuất hiện tên gọi núi Bà Đênh, sau gọi trại dần thành núi Bà Đen. Cũng có người gọi là núi Điện Bà.

Cũng theo các bậc kỳ lão, tên gọi núi gắn liền với những giai thoại ly kỳ của Bà Đen, người được vua Gia Long phong thánh hiệu "Linh Sơn Thánh Mẫu".

Ngày nay, cứ đến dịp rằm tháng giêng (âm lịch) hàng năm, cả triệu lượt khách hành hương khắp nơi tìm về núi Bà Đen để viếng, bái Linh Sơn Thánh Mẫu.

Trèo núi cấm không được kêu… mệt!

Ngày nay, con đường bộ lên núi được đầu tư xây dựng một cầu thang dựng đứng, đi vòng vèo quanh những tảng đá từ chân núi lên đến chùa. Chỉ cần mất 1 giờ để leo đến Điện Bà. Trước năm 1975, khách thập phương muốn lên chùa phải leo trèo qua những tảng đá dưới những tán rừng đầy thú dữ suốt nửa ngày mới đến nơi. Thuở đó, việc đi viếng Bà là cả một chuyến phiêu lưu, mạo hiểm đúng cả nghĩa bóng lần nghĩa đen. Dù vậy, danh tiếng linh thiêng, cứ đến rằm tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, khách thập phương vẫn lũ lượt leo núi viếng Bà.

Một góc chùa ngày thường.

Hồi đó, có một giao ước bất thành văn rằng: Khi leo núi cấm thốt tiếng "mệt". Những đoàn người hì hục leo núi, thỉnh thoảng hỏi nhau: "Mệt không?" Cả đoàn người phải đồng thanh hô lớn: "Khỏe!", mặc dù ai cũng thở ra đằng tai. Tiếng hô "khỏe" lan truyền từ người mới đến chân núi lan dài đến người leo đến gần Điện Bà thành một thứ âm thanh vang dội núi rừng.

Cho đến tận ngày nay giao ước này vẫn tồn tại. Họ tin rằng, đi viếng mà than thở mệt nhọc, sẽ không được Bà ban điều khấn xin, thậm chí còn gặp nguy hiểm khi leo núi?

Bà Hai Đông, 82 tuổi, là cựu giáo viên thời Pháp, cư ngụ ở Tân Trung, ven Tỉnh lộ 793 dưới chân núi, giải thích: "Hồi kháng Pháp, đường lên núi không chỉ cheo leo hiểm trở, tăm tối mà còn đầy cọp, beo, rắn, rết. Người hành hương không dám đi lẻ một mình mà phải kết thành từng đoàn. Hồi còn thiếu nữ, chính tôi từng đi xem xác người bị cọp núi Bà vồ. Muốn đi vía Bà, đoàn người hành hương phải đi từ sáng tinh mơ mới kịp trở về chân núi trước khi trời tối.

Việc hô "khỏe" của các đoàn hành hương có nhiều lợi ích. Thứ nhất, họ tự khích lệ quyết tâm vượt qua cơn mệt nhọc và nỗi sợ hãi để đi đến nơi về thật sớm. Thứ hai, các thành viên của đoàn sẽ không lạc nhau. Thứ ba, việc hô to như vậy sẽ xua đuổi thú dữ. Lâu dần, việc hô như vậy thành lệ, truyền sang đời sau và biến thành niềm tin tâm linh là Bà cấm than mệt khi đi viếng Bà?"

Bà Hai Đông còn cho biết, ngày xưa Bà Đen nổi tiếng linh thiêng chỉ 2 phép: Phát duyên và phát vận. Căn cứ vào đó, hầu hết người đi viếng Bà chỉ cầu xin được tình duyên và gặp vận may. Các phép khác, Bà không ban.

Truyền thuyết về Bà Đen

Có đến 3 truyền thuyết về Bà Đen.

Truyền thuyết thứ nhất cho rằng, ngày xưa, chủ vùng núi này là người phụ nữ Phù Nam có tên là Rê Đeng. Do người đời sau đọc trại thành Đen.


Truyền thuyết thứ hai cho rằng, bà Đen tên thật là Lý Thị Thiên Hương, con gái một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng thuộc triều Nguyễn tên là Lý Thiên. Mẹ là bà Ðặng Ngọc Phụng, người gốc ở Bình Ðịnh vào Trảng Bàng lập nghiệp.

Trong làng có chàng trai Lê Sĩ Triệt, mồ côi cha mẹ, được một nhà sư nuôi dạy từ nhỏ, văn hay võ giỏi.

Lần nọ, Thiên Hương lên núi cúng chùa bị một đám côn đồ vây bắt. Giữa lúc nguy khốn thì chàng Lê Sĩ Triệt xông ra đánh đuổi, cứu được nàng. Ðể đáp ơn chàng, cha mẹ nàng Thiên Hương hứa gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Chưa kịp đám cưới thì Lê Sĩ Triệt phải tòng quân đánh Tây Sơn.

Khi Lê Sỹ Triệt tòng quân, ở nhà Lý Thị Thiên Hương bị kẻ xấu vây bắt, toan hãm hiếp. Giữ lòng trung trinh, nàng Hương nhảy xuống khe núi tử tiết. Sau khi chết, nàng Lý Thị Thiên Hương hiển thánh báo mộng cho vị sư trụ trì trên núi biết. Trong mộng, nàng Hương xuất hiện trong hình dáng một người phụ nữ đen đúa? Vị sư bèn đi tìm thi thể nàng đem về mai táng. Vì vậy, vị sư gọi nàng là nàng Đen. Người đời sau gọi là Bà Đen để tỏ lòng tôn kính.

Truyền thuyết thứ ba có ghi trong quyển "Sự tích Thánh Mẫu Phật Bà Tây Ninh" rằng: Thuở mới khai hoang vùng đất, một viên quan trấn thủ vùng chân núi Một có 2 người con. Người con trai tên là Thạch Biên. Người con gái là Thạch Nương, có tên thường gọi là Đênh.

Khi nàng Đênh 13 tuổi, có một nhà sư tên là Trung Vân Danh, đạo hiệu Trừng Thanh tìm đến lưng chừng núi Một dựng chùa, thờ Phật và hoằng pháp độ sanh.

Mộ đạo, nàng Đênh đã xin theo nhà sư Trừng Thanh học đạo. Thấy nàng Đênh xinh đẹp, quan trấn thủ Trảng Bàng cho người mai mối xin cưới cho con trai. Khi hai gia đình chuẩn bị lễ vật cho lễ cưới thì bất ngờ nàng mất tích. Gia đình hai bên cho người tìm kiếm khắp nơi thì phát hiện một khúc chân nghi là của nàng Đênh. Mọi người đồn đoán rằng nàng Đênh đã bị cọp vồ. Gia đình mai táng khúc chân và lập mộ cho nàng dưới chân núi.

Từ đó, người ta gọi ngọn núi Một là núi Bà Đênh, đọc trại dần thành Bà Đen?

Khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chạy đến núi Bà Đen lẩn tránh. Thiếu lương thực, từ vua đến lính đều đói lả. Nghe dân cư đồn về sự linh thiêng của bà Đen, trong cơn tuyệt vọng, chúa Nguyễn Ánh đã cầu khẩn xin phò trợ. Đêm đó, bà Đênh xuất hiện trong mộng của chúa Nguyễn Ánh. Bà cho biết Nguyễn Ánh đang nằm ngủ dưới gốc một loại cây cho trái có thể cứu đói binh sĩ.

Khi thức giấc chúa Nguyễn Ánh trông thấy trên cành cây mình đang nằm ngủ có nhiều quả nhỏ chi chít. Hái xuống ăn thử thì có vị rất ngon. Ông truyền cho binh sĩ hái loại quả ấy ăn lót dạ. Ông đã đặt tên cho loại quả ấy là "tùng quân".

Năm 1790, Nguyễn Ánh đưa binh lính quay lại núi đúc tượng, cất lại điện thờ. Sau đó phong sắc Linh Sơn Điện và phong Bà là Linh Sơn Thánh Mẫu.

Từ thuở khai hoang

Ngày nay, sau nhiều lần trùng tu, xây mới, trên nền xưa của Linh Sơn Tự hiện diện một ngôi chùa khang trang có tên gọi là Linh Sơn Tiên Thạch Tự vừa thờ Phật vừa thờ Bà Đen. Sự giao thoa tín ngưỡng mặc nhiên đó đã được người dân chấp nhận.

Căn cứ vào các nguồn sử liệu của Quốc Sử quán triều Nguyễn thì Vua Gia Long phong sắc cho Bà Đen. Điều đó có nghĩa là truyền thuyết về Bà Đen có trước khi Nguyễn Ánh vào núi lánh nạn Tây Sơn.

Và cũng có nghĩa là điện thờ Bà Đen có tên gọi chính thức là Linh Sơn Điện. Như vậy, Linh Sơn Điện là vị trí của ngôi chùa Thượng. Còn một hang đá do các vị sư chi phái Liễu Quán (thuộc phái Lâm Tế Chánh Tông) làm nơi ẩn cư niệm Phật, được gọi là Linh Sơn Thạch Động Tự hoặc chùa Hang.

Điện thờ Bà mang tín ngưỡng thờ Mẫu. Còn ngôi chùa là tín ngưỡng Phật giáo ẩn cư của chi phái Liễu Quán (Lâm Tế).

Trở lại lịch sử, vào thế kỷ thứ XVIII, khi các chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi về phía Nam thì một số cao tăng thuộc Thiền phái Liễu Quán cũng theo làn sóng di cư xuôi Nam đi tìm chốn non hoang, động vắng tu pháp.

Năm 1763, Thiền sư Ðạo Trung Thiện Hiếu là đệ tử của Thiền sư Ðại Cơ và thuộc đời thứ tư của chi phái Liễu Quán tìm đến hang đá hoang vu trên núi Bà làm nơi định thiền. Đó chính là chùa Hang.

Lúc đó Thiền sư Đạo Trung đã nhặt được một số tượng đồng cổ. Trong đó có một tượng thánh nữ bằng đồng màu đen. Vị sư đã cất miếu hương khói cho bức tượng này.

Thuở đó đã có cư dân Việt và Cao Miên sinh sống dưới chân núi. Họ gọi Thiền sư Đạo Trung là "sư Bưng Đĩa" (Vì quan sát thấy Thiền sư thường nâng đĩa đựng hoa quả cúng tổ). Sau khi ẩn tu ở hang đá suốt 30 năm, Thiền sư Đạo Trung giao thạch điện cho đệ tử là Thiền sư Tính Thiện (tức Tánh Thiện Thanh Thanh). Thiền sư Đạo Trung về Thủ Dầu Một (Bình Dương) khai môn chùa Long Hưng. Kế nghiệp Thiền sư Tính Thiện là Thiền sư Hải Hiệp Từ Tạng.

Năm 1784, Nguyễn Ánh vào núi lánh nạn Tây Sơn. Năm 1790, Nguyễn Ánh sắc phong Linh Sơn Thánh Mẫu. Năm 1820, Vua Minh Mạng cử Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định Thành lần thứ 2. Và một lần nữa, Vua Minh Mạng ban sắc phong Linh Sơn Thánh Mẫu cho Bà Đen. Vua Minh Mạng còn ban chỉ cho Lê Văn Duyệt xây cất ngôi Linh Sơn Điện khang trang hơn.

Sau khi xây cất linh điện xong, Tổng trấn Lê Văn Duyệt đã giao cho Thiền sư Hải Hiệp gìn giữ. Tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật hợp nhất trong một ngôi điện thờ.

Năm 1857, Thiền sư Tánh Thọ Phước Chí từ chùa Phước Lâm, Tây Ninh lên núi thăm viếng thì phát hiện Thiền sư Hải Hiệp viên tịch từ lúc nào, thân xác đã hóa thổ. Điều lạ là, ngón tay út bàn tay trái của Thiền sư Hải Hiệp vẫn còn nguyên vẹn?

Thiền sư Tánh Thọ đã đem ngón tay út của Thiền sư Hải Hiệp chôn dưới đáy chùa Hang để lập bia mộ. Gần 100 năm sau, mộ của Thiền sư Hải Hiệp được tín đồ cải táng ra ngoài xây tháp. Khi đào lên, ngón tay út vẫn còn nguyên và được cải táng?

Sau khi chôn cất ngón tay cho sư phụ, Thiền sư Tánh Thọ tiếp tục tu hành tại Linh Sơn Điện.

Sau năm 1940, quân Pháp và quân Nhật lần lượt chiếm đóng núi Bà Đen và phá hủy hoàn toàn Linh Sơn Điện. Tượng Bà bằng đồng, màu đen bị chúng cướp và thất lạc.

Mãi đến năm 1956, một nhà giáo có uy tín ở địa phương, tên là Nguyễn Văn Hảo được một người phụ nữ đen đúa báo mộng cho biết, bà chính là Linh Sơn Thánh Mẫu. Bà bảo ông Hảo đến chùa Phước Lâm sẽ gặp bà? Ông Hảo bán tín bán nghi nhưng vẫn đến chùa Phước Lâm gặp vị sư trụ trì. Ông Hảo vừa kể xong câu chuyện nằm mơ thì vị sư trụ trì chùa Phước Lâm thất kinh xác nhận: "Một người lính Nhật đã bí mật giao cho tôi bức tượng trước khi về nước. Không ai biết chuyện này?" Câu chuyện này, được một nữ nhà giáo - con gái ruột của ông Nguyễn Văn Hảo - kể cho người viết nghe từ năm 1980.

Ngay sau khi phát hiện bức tượng đồng Bà Đen được cất giấu ở chùa Phước Lâm, nhà sư Nguyên Chất - Trụ trì chùa Phước Lâm - cùng nhà giáo Nguyễn Văn Hảo và bạn bè lên núi xây cất lại nơi thờ Bà. Lần xây cất này, công trình được đặt tên là Linh Sơn Tự. Vào khoảng 1970, quân đội Mỹ xây dựng 1 trạm ra đa tình báo đặt trên đỉnh núi để kiểm soát địa bàn Tây Ninh và dòm vào căn cứ Trung ương Cục. Trước khi đưa quân lên núi, giặc Mỹ đã ném hàng tấn bom đạn và hơi cay các loại vào những nơi chúng nghi ngờ có quân ta trú đóng. Do giao tranh ác liệt, ngôi chùa bị cháy bởi bom napal Mỹ. Bức tượng Bà lại thất lạc lần nữa.

Năm 1975, ni sư Diệu Nghĩa, đệ tử đời sau của sư Nguyên Chất đã xây lại chùa. Lần này, ngôi chùa có tên là Linh Sơn Tiên Thạch Tự. Năm 1992, ni sư Diệu Nghĩa đã cùng tín đồ tái thiết ngôi chùa suốt 3 năm. Ngày nay, ngôi chùa thật khang trang và rộng rãi, sẵn sàng cung nghinh khách hành hương viếng Bà, lễ Phật.

Nông Huyền Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét