1 tháng 9, 2021

Chùa Nghiêm Quang

Tên thường gọi: Chùa Giám

Chùa thường gọi là chùa Giám, tọa lạc ở xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Mặt tiền chùa

Tương truyền chùa có vào thời Lý. Chùa được dựng vào thời Hậu Lê. Trước đây, chùa ở ngoài đê sông Thái Bình. Sau năm 1971, chùa được dời vào địa điểm hiện nay. Chùa được cấu trúc theo kiểu tiền Phật hậu Thánh và kết thúc bằng tòa Cửu phẩm Liên Hoa 3 tầng mái. Chùa còn giữ nhiều di tích của thế kỷ XVIII – XIX, như tượng, đồ thờ tự, bia đá và đặc biệt là cây Cửu phẩm Liên Hoa, là một khối hộp gỗ 6 cạnh, 9 tầng, chạm cánh sen với nhiều họa tiết trang trí trên các trụ và tầng nền.

Đây là nơi tưởng niệm Thiền sư Tuệ Tĩnh, một đại danh y của Việt Nam. Ông là người đứng ra hưng công xây dựng chùa, biến chùa thành cơ sở trồng dược liệu chữa bệnh cho dân.

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Điện Phật

Khám thờ Thiền sư Tuệ Tĩnh

Tượng Phật và Bồ tát trên cây Cửu phẩm Liên Hoa










Tương Minh Vương

Một phần cây Cửu phẩm Liên Hoa

Bia chùa

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Bảo vật quốc gia ở chùa Giám

Là địa danh tâm linh nổi tiếng lưu giữ bảo vật quốc gia, chùa Giám ngoài thờ Phật còn là nơi đặt tượng thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh - vị thánh tổ của ngành y dược Việt Nam. Chùa Giám tọa lạc trên khoảng đất rộng 2ha thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. 

Từ Hà Nội đi xuôi về phía Hải Dương theo đường Quốc lộ 5A hơn 40km đến ngã tư chợ Ghẽ rẽ trái chừng 3km là đến Chùa Giám. Nơi đây hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị. Đó là những chuông lớn, bia đá, tượng Phật cổ xưa ... Một số pho tượng ở đây còn là những tiêu bản tượng gốc, dựa vào hình dáng các pho tượng này người ta đã tạo ra những pho tượng khác để thờ ở nhiều nơi trong cả nước.

Tòa Cửu phẩm Liên Hoa là một trong những cổ vật có giá trị đặc biệt, điểm nhấn của ngôi chùa Giám cổ kính. Tòa tháp bằng gỗ có tuổi đời khoảng 300 năm cao 4,44m với 9 tầng, mỗi tầng có 5 lớp cánh hoa sen. Chín tầng đài sen này tượng trưng cho 9 cấp tu hành chính quả của Phật giáo. Tòa Cửu phẩm có sáu mặt, mỗi mặt rộng 1,2m. Để tạo dựng một công trình ấn tượng có bố cục chặt chẽ, cân xứng, với đường nét tinh tế các nghệ nhân xưa dựng cột trụ lim ở giữa, 6 cột chạm khắc hình trúc hóa rồng ở chung quanh. Liên kết trụ giữa với các cột rồng bằng một hệ thống xà gánh đan chéo. Trên mỗi cạnh của tòa Cửu phẩm đặt 3 pho tượng Phật, mỗi tầng 18 pho. Ở tầng cao nhất trên nóc chỉ đặt một pho tượng Phật lớn cao 1m, đầu đội trần nhà. Với tổng cộng tất cả 145 pho tượng Phật, tòa Cửu phẩm nặng khoảng 4 tấn tuy nhiên chỉ cần dùng tay đẩy nhẹ, cả tòa sen vẫn có thể từ từ quay vòng tròn.

Gian đặt tòa Cửu phẩm Liên Hoa (được gọi là nhà Phẩm) nhìn từ nhà tổ chùa Giám. Ảnh: Khánh Long

Có chiều cao 4,44m, Cửu phẩm Liên Hoa ở chùa Giám là cổ vật có kích thước hoành tráng, có giá trị nghệ thuật kiến trúc Phật giáo đặc biệt. Ảnh: Việt Cường

Trên nền nhà Phẩm có diện tích hơn 90 m2 chỉ dành đặt một tượng Phật và toà Cửu phẩm. Ảnh: Việt Cường

Một trong sáu mặt của tòa Cửu phẩm Liên Hoa. Ảnh: Khánh Long

Phần đế của 1 trong 6 cột chạm khắc hình trúc hóa rồng trên Cửu phẩm.  Tòa tháp này được gắn biển bảo vật quốc gia vào năm 2015. Ảnh: Khánh Long

Phần thân chạm khắc hình tượng trúc hóa rồng trên tòa Cửu phẩm. Ảnh: Việt Cường

Có 18 pho tượng Phật được đặt trên mỗi tầng của tòa tháp. Ảnh: Khánh Long

Những hình cánh hoa sen trên tòa sen được chạm khắc họa tiết cầu kỳ. Ảnh: Việt Cường

Tòa tháp sen được làm bằng gỗ có 6 mặt cân xứng. Ảnh: Khánh Long

Có trọng lượng ước tính khoảng 4 tấn nhưng tòa tháp có thể quay vòng tròn với sức đẩy của tay người. Ảnh: Việt Cường

Người dân xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng, Hải Dương) chiêm bái tòa tháp sen trong ngày rằm. Ảnh: Việt Cường 

Cửu phẩm Liên Hoa ở chùa Giám hiện được xem là cổ vật có giá trị nghệ thuật kiến trúc Phật giáo đặc biệt. Cùng với hai tòa Cửu phẩm ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) và chùa Động Ngọ (Hải Dương), đây là một trong ba kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền Việt Nam liên quan đến Phật giáo còn lưu giữ được đến ngày nay. Không những thế, đây còn là nguồn tư liệu rất có giá trị lịch sử phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Với những giá trị đó, toà Cửu phẩm Liên Hoa chùa Giám đã được chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015.

Bài: Việt Cường - Ảnh: Việt Cường - Khánh Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét