2 tháng 9, 2021

Chùa Thanh Mai

Tên thường gọi: Chùa Hương Hải

Chùa thường gọi là chùa Hương Hải, tọa lạc trên núi Phật Tích, nay gọi là núi Tam Ban, ở độ cao khoảng 250m, thuộc xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Đường lên chùa

Mặt tiền chùa

Chùa được dựng vào đời Trần. Đây từng là nơi trụ trì của Quốc sư Pháp Loa, Trúc Lâm đệ nhị Tổ. Ông đã từng mở rộng sơn cảnh Thanh Mai vào năm 1329. Sau khi ông mất, Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông truy tặng thụy hiệu là Minh Trí tôn giả (sách Hải Dương – Di tích và danh thắng, 1999 ghi là Tĩnh Trí tôn giả), đặt tên tháp là Viên Thông, xuất ngân khố 10 lạng vàng xây tháp và đề thơ Vãn Pháp Loa tôn giả, đề Thanh Mai Tự.

Ngôi chùa mới gồm Tiền đường 7 gian, Tam bảo 5 gian, hai dãy hành lang, nhà tổ, nhà tăng.

Trước chùa có 7 ngôi tháp, trong đó có tháp Phổ Quang (1702), tháp Linh Quang (1703); 7 tấm bia có giá trị, đặc biệt là tấm bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi, khắc dựng năm Đại Trị ngũ niên (1362). Hai mặt bia khắc khoảng 5000 chữ, văn bia do Trung Minh biên tập, Thiệu Tuệ viết chữ, nói về thân thế và sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, những hoạt động của Trúc Lâm Tam Tổ và hành trạng của nhiều nhân vật đương thời.

Điện Phật

Tượng đức Phật

Tượng Trần Hưng Đạo

Tượng vua Trần Nhân Tông

Phía sau chùa có bảo tháp Viên Thông 3 tầng, thờ xá-lợi Thiền sư Pháp Loa, được xây dựng năm 1330, là tháp đất nung có tường bao, rộng 10m x 10m. Năm 1714, tháp bị hỏng, vị sư trụ trì Như Thừa đã tổ chức tái tạo lại tháp bằng đá, cao khoảng 7m. Đầu thế kỷ XX, tháp đá bị hỏng, một ngôi tháp gạch được xây trên bệ của tháp đá. Năm 1999, Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã khôi phục như cũ ngôi tháp đá xưa. Thiền sư viên tịch ngày 3 tháng Ba năm Canh Ngọ (1330) tại chùa Quỳnh Lâm, nhưng theo di chúc, xá lợi của Ngài được tôn trí ở chùa Thanh Mai.

Điện Phật được bài trí đơn giản. Ở gian giữa thờ Phật và thờ tượng 3 vị Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang). Gian bên trái thờ đức Trần Hưng Đạo.

Hội chùa hằng năm từ ngày mồng một đến mồng ba tháng ba, kỷ niệm ngày mất của Thiền sư Pháp Loa. Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Tháp xá lợi Thiền sư Pháp Loa

Bia chùa

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Chùa Thanh Mai trong hệ thống di sản Phật giáo Trúc Lâm

Cùng với khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai của Hải Dương là mắt xích không thể tách rời trong quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, nơi gắn liền với sự ra đời và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm.

Lễ hội truyền thống chùa Thanh Mai diễn ra vào ngày 3.3 âm lịch hằng năm là ngày mất của đệ nhị tổ Pháp Loa

Bảo vật quý

Chùa Thanh Mai ở xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) có tên chữ là Thanh Mai thiền tự, được dựng trên núi Phật Tích hay còn gọi là núi Tam Ban, thuộc cánh cung Đông Triều. Những tư liệu lịch sử, cộng với quá trình khai quật khảo cổ cho thấy chùa được xây dựng vào thời Trần, có quy mô lớn. Do biến động xã hội chùa đã không còn giữ được hiện trạng ban đầu nhưng hiện còn lưu giữ được bảo vật quý, được đánh giá cao trong hệ thống di sản Phật giáo Trúc Lâm đó là “Thanh Mai Viên thông Tháp bi”. Tấm bia được khắc dựng năm 1362, là một trong số ít tư liệu nguyên gốc cho thấy được thân thế, sự nghiệp, quá trình tu tập của đệ nhị tổ Pháp Loa.

Căn cứ theo tấm bia Thanh Mai Viên thông Tháp bi thì Pháp Loa tên thật là Đồng Kiên Cương, sinh ngày 7.5 năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284) tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, Nam Sách giang, nay thuộc phường Ái Quốc (TP Hải Dương).

Năm Hưng Long 13 (1304), nhân chuyến thăm hương Cửu La của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đồng Kiên Cương đã ra bái yết. Vua Trần nhận ra Kiên Cương là người có khả năng tu hành đắc đạo, ông cho Pháp Loa đi theo học đạo và đặt cho tên mới là Hỷ Lai, nghĩa là người mang lại niềm vui. Hỷ Lai thông minh hiếu học, có nhiệt tâm với đạo Phật nên chỉ một năm sau, tại tăng viện Kỳ Lân (Chí Linh), ông được vua Trần trao cho các bảo bối.

Năm 1307, ông được trao quyền thừa kế sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm, từ đó trở thành vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Năm 1330, Pháp Loa lâm bệnh, đã trở về thiền viện Quỳnh Lâm (Đông Triều) tĩnh dưỡng. Tại đây ngài trao bảo bối cho Huyền Quang, vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Pháp Loa viên tịch tại thiền viện Quỳnh Lâm vào đêm 3.3.1330. Theo di chúc, xá lỵ của ông được đặt trong Viên Thông Bảo Tháp sau chùa Thanh Mai.

Cuộc đời Pháp Loa không dài nhưng đã làm nên sự nghiệp lớn. Ngài đã đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc, nuôi dạy hàng nghìn tăng ni, đúc hàng nghìn pho tượng lớn nhỏ; xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo như các chùa: Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai, Quỳnh Lâm... Ông cũng là người thừa kế, phát triển Thiền phái Trúc Lâm lên đỉnh cao khi dành nhiều thời gian để thuyết pháp, cho vẽ nhiều bộ tranh tượng, khắc in các bản kinh thư…

Ngoài nội dung về thân thế và sự nghiệp của đệ nhị Pháp Loa, bia đá còn cung cấp thông tin về tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất và thời gian xây dựng những công trình tôn giáo lớn đương thời… Vì vậy, giới nghiên cứu đánh giá Viên thông Tháp bi không chỉ là linh hồn của chùa Thanh Mai mà còn là bảo vật hàm chứa, chuyển tải những thông điệp về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của dân tộc dưới triều đại nhà Trần.

Hệ thống bia đá được lưu giữ ở chùa Thanh Mai, trong đó tấm Viên thông Tháp bi đã được công nhận là bảo vật quốc gia

Lưu truyền giá trị

Về vị trí địa lý đến nay vẫn có thể nhận rõ, chùa Thanh Mai nằm trên trục xương sống trong con đường hành đạo và phát triển đạo Phật của Thiền phái Trúc Lâm trong lộ trình từ Yên Tử Quảng Ninh - Hải Dương - Bắc Giang. Từ đây, dòng Thiền phái Trúc Lâm phát triển và lan tỏa rộng khắp đất nước.

Qua các cuộc khảo cổ, khai quật tại khu vực chùa Thanh Mai, các nhà khoa học cũng tìm ra những hiện vật có giá trị. Hiện chùa còn lưu giữ hệ thống bia đá, mộ tháp là minh chứng văn hóa Phật giáo từ thời Trần đã tồn tại và phát triển đến nay. Sách sử và hệ thống bia tháp cũng cho biết trải qua cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, ngôi chùa cổ đã bị hư hại hoàn toàn, chỉ còn là phế tích nhưng sau đó đã nhiều lần được trùng tu. Lần trùng tu lớn vào thời Lê, chùa đã được tu sửa thành cơ sở thờ tự có quy mô lớn và bề thế, minh chứng Phật giáo thời kỳ này tiếp tục phát triển hưng thịnh.

Thế kỷ XX, chùa tiếp tục được tôn tạo trên nền móng cũ, theo từng hạng mục và dần hoàn thiện như ngày nay. Tưởng nhớ đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm, người dân đã lấy ngày mất của thiền sư Pháp Loa là ngày tổ chức lễ hội truyền thống vào 3.3 âm lịch hằng năm. Phần lễ có các nghi lễ như khai hội, giảng kinh, lễ rước bộ, chay đàn, mộc dục... Đặc biệt nghi lễ Mông Sơn thí thực, tương truyền do đệ tam tổ Huyền Quang sáng lập. Đây là nghi lễ tâm linh quan trọng bậc nhất trong Phật giáo thể hiện uy linh của ba vị tam tổ Trúc Lâm, với mục đích cứu độ chúng sinh cầu cho quốc thái dân an.

Từ hệ thống di tích, tư liệu, văn bia và phong tục lễ hội đang được lưu giữ, duy trì tại chùa Thanh Mai cho thấy di sản văn hóa hội tụ các tiêu chí chứa đựng nét văn hóa truyền thống, tín ngưỡng nổi bật… mà UNESCO hướng đến. Với những giá trị tiêu biểu và nổi bật này, chùa Thanh Mai xứng đáng được đưa vào hồ sơ để công nhận quần thể di tích, danh thắng Yên Tử là di sản thế giới.

Hải Dương đang phối hợp với hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang lập hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc UNESCO công nhận quần thể di tích, danh thắng Yên Tử (trong đó có khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai) là di sản thế giới. Theo dự kiến, hồ sơ chi tiết sẽ được hoàn thiện, trình UNESCO vào cuối năm nay.

HUYỀN ANH
Lá phong nhuộm đỏ rực chốn cửa Phật ở Hải Dương

Cuối tháng 12, du khách đến chùa Thanh Mai sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp rừng phong đỏ trong khung cảnh cổ kính, thanh tịnh của ngôi cổ tự. 

Chùa Thanh Mai thuộc xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, được thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, xây dựng vào khoảng năm 1329. Trải qua nhiều thăng trầm, chùa đã được trùng tu, thu hút nhiều du khách thập phương đến tham quan kiến trúc độc đáo và rừng phong đỏ xung quanh. Ảnh: Trần Phương. 

Rừng phong chỉ có ở xứ lạnh, nhưng thiên nhiên đã ưu đãi cho nơi đây cảnh quan tuyệt đẹp này. Lá đổi màu theo mùa. Lá phong xanh xum xuê vào mùa hạ và ngả dần màu vàng, đỏ thẫm rồi rụng xuống vào mùa đông. Ảnh: Chuồn chuồn Kym. 

Để đến với chùa Thanh Mai, du khách đi theo dọc đường quốc lộ 18 hướng Hà Nội - Quảng Ninh. Con đường tìm về chốn cửa thiền không hề dễ dàng, quanh co ôm theo núi đã được vỗ về bởi không khí trong lành và ngắm nhìn phong mọc từ chân núi lên chùa. Ảnh: Chuồn chuồn Kym. 

Lá phong rực rỡ sắc màu dưới ánh nắng dịu dàng của mùa đông. Ảnh: Chuồn chuồn Kym. 

Rừng phong trút lá lôi cuốn bước chân của bất cứ người lữ khách nào. Ảnh: Vô Diện. 

Bạn có thể nhặt những chiếc lá phong về làm kỷ niệm. Ảnh: Phương Myta. 

Đầu đông, rừng phong thay lá tạo nên cảnh thơ mộng và yên bình. Khung cảnh thiên nhiên ở đây thích hợp cho nhiều người muốn đi leo núi, dã ngoại hay tìm một nơi thanh tịnh nơi chốn cửa phật. Ảnh: Chuồn chuồn Kym. 

Du khách đứng trước cảnh sắc tươi đẹp này sẽ có cảm giác vui sướng trước sự vươn mình xanh tốt của những cây phong già cổ thụ. Ảnh: Vô Diện. 

Không gian khoáng đạt, yên bình nhìn từ chùa Thanh Mai. Ảnh: Chuồn chuồn Kym. 

Phạm Lành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét